Các nhà lập quốc đã trao cho cơ quan lập pháp tiểu bang quyền chọn đại cử tri vì những lý do chính đáng
Các Nhà Lập quốc đã trao cho các cơ quan lập pháp của mỗi tiểu bang toàn bộ thẩm quyền – và cũng là trách nhiệm quan trọng – để quyết định cách thức mà các đại cử tri tổng thống được lựa chọn (Hiến Pháp Hoa Kỳ, Điều II, Phần 1, Mục 2).
Ngược lại, Điều III trao cho nhánh tư pháp – các tòa án liên bang – quyền quyết định “các vụ kiện và tranh cãi” thực tế giữa các đương sự trước tòa. Yêu cầu về “vụ kiện và tranh cãi” để viện dẫn đến thẩm quyền xét xử của tòa án là điều phổ biến trong luật Anglo-Saxon và cũng áp dụng cho tất cả các tòa án cấp tiểu bang.
Sự khác biệt cơ bản này là rất quan trọng để hiểu được các vai trò rất khác nhau giữa một bên là các cơ quan lập pháp ở các tiểu bang chiến địa, và bên kia là các tòa án tiểu bang và liên bang, trong các cáo buộc gian lận bầu cử mà cả nước hiện nay đang quan tâm.
Vụ kiện hoặc tranh cãi
Cho đến nay, nhiều vụ kiện đã được đệ trình, chủ yếu bởi các nhóm tư nhân (không phải TT Donald Trump), bao gồm cả cử tri và các đại cử tri cam kết bỏ phiếu cho Trump của một tiểu bang, chống lại hội đồng bầu cử, thống đốc, hoặc tổng thư ký của tiểu bang.
Những “vụ kiện” này đưa ra những cáo buộc cụ thể về gian lận, và các tòa án – dù là cấp liên bang hay tiểu bang – phải quyết định chỉ dựa trên các vấn đề cụ thể này, chứ không phải mở rộng ra việc liệu quy trình bầu cử có bị gian lận hay không, chẳng hạn như đưa ra câu hỏi nghiêm túc về tính trung thực của cuộc bầu cử.
Ví dụ, trong vụ việc về tổng thống tại hệ thống tòa án liên bang ở Pennsylvania, các cáo buộc đã được đưa ra về việc các quan sát viên của Đảng Cộng Hòa thường xuyên bị từ chối quyền tiếp cận quan sát, và hàng trăm ngàn phiếu bầu đã được đếm khi họ không có mặt, trong đó có nhiều phiếu được nhận sau thời hạn 8 giờ tối của Ngày Bầu cử đã được cơ quan lập pháp của Pennsylvania đưa ra. Ngoài ra, các cáo buộc cũng được đưa ra về việc thiếu “Bảo vệ Sự Công bằng” (theo Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ), bởi vì chỉ có cử tri trong các khu vực bầu cử của Đảng Dân Chủ mới có quyền “sửa chữa” đối với các lá phiếu đã điền thông tin sai của họ.
Dù thời gian vô cùng hạn hẹp và bằng chứng về hành vi gian lận bỏ phiếu vẫn liên tục xuất hiện, nhưng các đơn kiện ra tòa lại chậm trễ và chỉ cáo buộc các gian lận đã được biết đến trong thời gian soạn đơn.
Quyết định gần đây của Tòa phúc thẩm Liên bang Số 3 khi từ chối đơn kiện của tổng thống có liên quan đến một vấn đề rất hẹp là liệu thẩm phán xét xử có sai không khi từ chối cho tổng thống được sửa đổi đơn kiện để thêm vào các cáo buộc gian lận mới sau khi đã trình đơn. Vấn đề hẹp đó là “vụ kiện hoặc tranh cãi” duy nhất trước tòa phúc thẩm liên bang, mà tòa chỉ đơn giản ra phán quyết rằng thẩm phán xét xử đã không “lạm dụng phán quyết của mình” khi từ chối cho phép tổng thống sửa đổi đơn khiếu kiện (mặc dù theo luật, quyền sửa chữa đơn kiện phải được cung cấp tự do).
Tương tự, tại Georgia, đơn khiếu nại tại tòa án liên bang của Luật sư L. Lin Woods chủ yếu đặt ra câu hỏi về việc liệu một quyết định của tòa án trước đó, áp đặt thành lập một hội đồng cồng kềnh và tốn thời gian với ba thư ký thực hiện việc “kiểm tra chữ ký” trên các phiếu bầu qua thư, có vi phạm luật pháp của Georgia hay không, khi luật của Georgia rõ ràng yêu cầu một thư ký duy nhất xác định xem chữ ký trên lá phiếu có khớp với chữ ký trên thẻ đăng ký cử tri của tiểu bang hay không. Các chữ ký đã không được kiểm tra trong cuộc kiểm đếm lại phiếu tại Georgia.
Mặc dù vụ kiện liên bang gần đây ở Georgia của luật sư độc lập Sidney Powell có bao gồm các cáo buộc gian lận lớn hơn, nhưng cũng giống như tất cả các vụ kiện, nó chỉ đưa ra tòa một vụ việc hoặc tranh cãi cụ thể. Phạm vi của vụ việc hoặc tranh cãi này sẽ giới hạn một cách nghiêm trọng những gì mà bất kỳ tòa án xét xử nào có thể làm – ngay cả Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Ví dụ, dựa trên lệnh trước đó của Thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Samuel Alito yêu cầu tổng trưởng tiểu bang Pennsylvania tách riêng các lá phiếu nhận được sau thời hạn 8 giờ tối của Ngày Bầu Cử, tôi tin rằng đa số các thẩm phán của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cũng đã kết luận rằng quyết định với tỷ lệ 4–3 của Tối cao Pháp viện Pennsylvania cho phép kéo dài thời hạn của các phiếu bầu gửi qua thư thêm 3 ngày là vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ về quyền quyết định các cử tri của cơ quan lập pháp tiểu bang. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu vấn đề hẹp nhưng quan trọng đó có được đệ trình trong kháng cáo của tổng thống đối với lệnh của Tòa án số 3 đã phê chuẩn việc từ chối sửa đổi đơn kiện hay không.
Các phiên điều trần lập pháp
Ngoài nhiều vụ kiện, các phiên điều trần lập pháp hiện đang được tiến hành ở Pennsylvania, Michigan, và Arizona. Các tiểu bang chiến địa khác hy vọng cũng sẽ làm theo.
Các phiên điều trần lập pháp thì rộng hơn và về cơ bản là khác biệt so với các phiên tòa. Trong khi mục đích duy nhất của bất kỳ phiên tòa nào là để quyết định một vụ kiện hoặc tranh cãi cụ thể do các đương sự đưa ra, thì các cơ quan lập pháp của tiểu bang lại đóng vai trò điều tra chứ không phải là xét xử: Chức năng của họ là tiếp cận và điều tra tất cả các vấn đề gian lận bầu cử để bảo đảm tính trung thực của cuộc bầu cử, và ngăn chặn việc tước quyền bầu cử của những cử tri đã bỏ phiếu hợp pháp bằng cách tính các phiếu gian lận hoặc bất hợp pháp.
Thay vì chỉ giới hạn trong vụ kiện hoặc tranh cãi do cá nhân các đương sự đưa ra, và nghe các chuyên gia cũng như nhân chứng do luật sư của các đương sự mời đến, các nhà lập pháp quyết định những vấn đề họ muốn được giải quyết cũng như người mà họ muốn nghe và mời đến để làm chứng có tuyên thệ, thậm chí bằng cách đưa trát mời nếu cần thiết.
Do đó, khác xa với cách tiếp cận hạn chế mà tòa án phải tuân thủ và chỉ hành động theo cách phản ứng lại, tức là chỉ đáp lại những gì mà đương sự đưa ra trước tòa, các nhà lập pháp tiểu bang sẽ chủ động quyết định những vấn đề họ muốn được giải quyết và gọi những nhân chứng mà họ cho là phù hợp để hỗ trợ họ đánh giá những vấn đề đó.
Và tất nhiên, trách nhiệm của các cơ quan lập pháp tiểu bang là rất rộng – đó là bảo đảm tính trung thực của cuộc bầu cử diễn ra ở tiểu bang của họ. Không có lời xin phép tòa án nào bị “ngâm tôm” có thể ngăn chặn các hướng điều tra của những nhà lập pháp.
Với tư cách là cơ quan điều tra chứ không phải là cơ quan tư pháp, các cơ quan lập pháp của tiểu bang phải xem xét tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến tính trung thực của bầu cử. Chúng bao gồm các tuyên bố về “gian lận riêng lẻ”, chẳng hạn như các lá phiếu được gửi đến những cử tri không yêu cầu, được “thu gom” bởi các nhà hoạt động chính trị, được gửi đi và đếm một cách gian lận. Hoặc ngược lại, việc không đếm các lá phiếu được gửi qua thư một cách hợp pháp, việc đếm các lá phiếu của những người đã chết, những người ngoài tiểu bang, và những lá phiếu đã bị sửa đổi hoặc điền một cách gian lận.
Các tuyên bố về gian lận trên phạm vi rộng hơn cũng được xem xét trong các phiên điều trần của cơ quan lập pháp tiểu bang, chẳng hạn như những cáo buộc của cựu công tố viên liên bang Sidney Powell có liên quan đến phần mềm kiểm đếm phiếu Dominion. Bà đã cáo buộc phần mềm này được sử dụng để gian lận và hoán đổi phiếu bầu từ ông Trump sang ông Biden, và cũng đơn giản là tăng một lượng lớn phiếu bầu gian lận cho Biden ở những lần “tăng đột biến” vào sáng ngày 04/11.
Gánh nặng bằng chứng
Bên cạnh phạm vi điều trần rộng hơn và với vai trò chủ động hơn của các nhà lập pháp, các phiên điều trần lập pháp sẽ không bị hạn chế bởi các quy tắc nghiêm ngặt về chứng cứ áp dụng trong các vụ kiện, và quan trọng hơn nữa là không bị chi phối bởi việc phải có bằng chứng như trong các phiên tòa.
Trong các vụ kiện tại tòa án, nguyên đơn có nghĩa vụ phải đưa ra bằng chứng, mặc dù trong các vụ kiện dân sự, bằng chứng này chỉ là tương đối, tức là sự kiện cần được chứng minh có nhiều khả năng xảy ra hơn là không xảy ra. Các phiên điều trần lập pháp thì không có nguyên đơn để đưa ra bằng chứng.
Trong phiên điều trần lập pháp gần đây ở Gettysburg, Pennsylvania, đám đông đã giật mình khi một nhân chứng chuyên môn, đại tá quân đội đã nghỉ hưu Phil Waldron, xác nhận số phiếu bầu đã tăng vọt lên khoảng 570,000 cho ông Biden và đã được kiểm đếm trong một thời gian rất ngắn, trong khi cùng thời gian đó, chỉ có 3,200 phiếu bầu cho ông Trump. Rõ ràng, mọi người đều thấy sự chênh lệch như vậy là không thể xảy ra về mặt thống kê.
Mặc dù tòa án có thể, nếu họ muốn, loại bỏ kiểu bằng chứng này vì không đủ “chứng cứ cụ thể” về hành vi gian lận bầu cử để có thể làm bằng chứng cho nguyên đơn, cũng dễ thấy rằng tại sao một nhóm các nhà lập pháp sẽ có kết luận ngược lại – rằng bằng chứng đó rõ ràng cho thấy tính trung thực của cuộc bầu cử đã bị tổn hại.
Tương tự, dữ liệu “có ý nghĩa thống kê” có thể có sức thuyết phục đối với các nhà lập pháp, trong khi một tòa án có thể cho rằng nó không đủ thuyết phục để coi là bằng chứng của nguyên đơn. Ví dụ, trong vụ kiện mới đây của bà Powell tại Georgia và Michigan, dựa trên dữ liệu từ Matt Braynard, người đã thăm dò ý kiến cử tri tại các tiểu bang đó, và thông qua một mẫu dữ liệu khá lớn, nhân chứng chuyên môn William M. Briggs đã đưa ra kết luận chắc chắn tới 95% rằng nhiều phiếu đã được làm giả hoặc các lá phiếu gửi hợp lệ qua thư đã không được đếm. Tương tự, ở Michigan, bằng chứng cho thấy hàng chục ngàn lá phiếu của cư dân ngoài tiểu bang đã được đếm.
Một lần nữa, bằng chứng thống kê loại này có thể rất thuyết phục đối với các nhà lập pháp trong việc đánh giá tổng quan tính trung thực của cuộc bầu cử, trong khi có lẽ một vị thẩm phán sẽ không xem nó là “bằng chứng cụ thể” về gian lận bầu cử cho phía nguyên đơn.
Cũng vậy, các nhà lập pháp tiểu bang có thể sẽ tin tưởng những “điều bất bình thường về thống kê” – như số cử tri vượt quá 100% hoặc thậm chí 350% và số phiếu được đếm tăng đột biến vào sáng sớm ngày 04/11, tất cả đều bầu cho ông Biden, và chúng ta được cho biết rằng số phiếu này đã được kiểm đếm hết trong thời gian đó, một điều vượt quá khả năng vật lý của máy đếm phiếu. Dịch vụ Bưu điện Hoa Kỳ cũng đã thay đổi mẫu đơn địa chỉ, cho phép hàng chục ngàn cư dân ngoài tiểu bang được bỏ phiếu. Tất cả những vấn đề này đã phá vỡ tính liêm chính của cuộc bầu cử và tước mất quyền bầu cử hợp pháp của các cử tri.
Quyền hạn Hiến pháp
Các Nhà Lập quốc hiểu rõ những điều này. Đó chính là lý do tại sao họ đã trao một cách cụ thể và riêng biệt cho các cơ quan lập pháp của tiểu bang quyền chọn các đại cử tri để bầu tổng thống. Thêm vào đó, ở các tiểu bang đang có điều trần lập pháp như Pennsylvania, Michigan, và Arizona, các cơ quan lập pháp của họ được Đảng Cộng Hòa kiểm soát, trong khi các quan chức bầu cử thuộc Đảng Dân Chủ đã kiên quyết bỏ qua một lượng lớn các bằng chứng về gian lận và bất bình thường. Dễ nhận thấy rằng các nhà lập pháp cần “lấy lại” thẩm quyền hiến định của họ trong việc quyết định các đại cử tri tổng thống.
Bây giờ, có thể có một số việc mà các nhà lập pháp cần làm, như tổ chức một phiên họp đặc biệt để xác nhận các đại cử tri tổng thống hoặc để hủy bỏ kết quả bầu cử.
Thật vậy, các nhà lập pháp dũng cảm và chính trực tại Quốc hội Pennsylvania đã bắt đầu hành động. Nhiều thành viên Hạ viện do Hạ nghị sĩ Russ Diamond dẫn đầu đã đề xuất một nghị quyết. Nghị quyết này lên án các hành động “đảng phái” do vị thống đốc theo chủ nghĩa tự do của Pennsylvania và Tòa án tối cao Pennsylvania nhằm thay đổi luật lệ và yêu cầu của Quốc hội về cuộc bầu cử, bao gồm các phát hiện sau:
- Các quan chức Hành pháp và Tư pháp của tiểu bang đã vi phạm quyền hạn của Quốc hội theo Hiến pháp Hoa Kỳ, bằng cách thay đổi các quy tắc bầu cử ngày 03/11/2020 trong tiểu bang một cách bất hợp pháp.
- Vào ngày 17/9/2020, chưa đầy bảy tuần trước cuộc bầu cử ngày 03/11, phái đa số tại Tối cao Pháp viện của Pennsylvania đã đơn phương gia hạn một cách bất hợp pháp thời hạn nhận phiếu bầu qua thư, cho phép các phiếu bầu không có dấu bưu điện được xem là đúng hạn và có thể được chấp nhận mà không cần xác nhận chữ ký của cử tri.
- Vào ngày 23/10/2020, chưa đầy hai tuần trước cuộc bầu cử ngày 03/11 và theo đơn yêu cầu của Tổng Thư ký tiểu bang, Tối cao Pháp viện Pennsylvania đã phán quyết rằng các lá phiếu gửi qua bưu điện không cần phải xác nhận chữ ký, do đó dẫn đến việc đối xử không giống nhau giữa các cử tri đến bỏ phiếu trực tiếp và gửi qua thư, và loại bỏ một biện pháp bảo vệ quan trọng chống lại các tội phạm bầu cử tiềm ẩn.
- Vào ngày 02/11/2020, đêm trước cuộc bầu cử ngày 03/11 và trước thời gian quy định để kiểm tra các phiếu bầu qua thư, văn phòng Thư ký tiểu bang đã khuyến khích một số quận thông báo cho đại diện của các đảng và ứng cử viên về những lá phiếu có khiếm khuyết.
- Các quận thuộc Đảng Dân Chủ kiểm soát cho phép cử tri sửa lại các sai sót trong lá phiếu, còn các quận thuộc Đảng Cộng Hòa tuân theo luật và hủy bỏ các lá phiếu bị lỗi.
- Ở một số quận trong tiểu bang, những giám sát viên đã không được phép quan sát một cách cẩn thận các hoạt động kiểm tra có liên quan đến các lá phiếu khiếm diện gửi qua thư.
- Ở các khu vực khác của tiểu bang, những giám sát viên đã phát hiện những điều bất bình thường liên quan đến việc kiểm tra các lá phiếu vắng mặt gửi qua thư.
Nghị quyết cũng phát hiện rằng “các nhân viên bưu điện ở Pennsylvania đã báo cáo những điều bất bình thường liên quan đến các lá phiếu bầu gửi qua thư, bao gồm nhiều lá phiếu được gửi đến một địa chỉ duy nhất với những người nhận lạ mặt, các lá phiếu được gửi đến những ngôi nhà trống, những lô đất trống và những địa chỉ không tồn tại”.
Cuối cùng, nghị quyết:
- Xác nhận có những điểm bất bình thường và bất hợp lý đáng kể liên quan đến việc bỏ phiếu qua thư và kiểm phiếu trong cuộc bầu cử ngày 03/11/2020.
- Không tán thành việc vi phạm thẩm quyền thuộc Quốc hội tiểu bang theo Hiến pháp Hoa Kỳ để quy định cho các cuộc bầu cử.
- Không đồng ý với chứng nhận sớm của Thư ký tiểu bang về kết quả bầu cử ngày 03/11/2020 có liên quan đến các đại cử tri tổng thống.
- Tuyên bố rằng việc lựa chọn đại cử tri tổng thống và các kết quả tranh cử khác cấp toàn tiểu bang đang bị tranh chấp.
- Thúc giục Tổng Thư ký và Thống đốc tiểu bang rút lại hoặc hủy bỏ chứng nhận đại cử tri tổng thống và trì hoãn việc chứng nhận kết quả của các cuộc bầu cử trên toàn tiểu bang trong cuộc Tổng tuyển cử năm 2020.
- Thúc giục Quốc hội Hoa Kỳ tuyên bố việc lựa chọn các đại cử tri tổng thống trong tiểu bang này là đang bị tranh chấp.
Hai đoàn đại cử tri quyết đấu
Nếu các đại cử tri “đấu đôi” được cử đi bởi một bên là các quan chức bầu cử và thống đốc của một trong sáu tiểu bang chiến địa, và bên kia là bởi các nhà lập pháp của tiểu bang, thì Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ sẽ quyết định nhóm cử tri nào sẽ được tính trong phiên họp chung ngày 06/01.
Nếu có đại cử tri không được tính và không ứng cử viên nào đạt được 270 phiếu cần thiết, thì một cuộc “bầu cử bất ngờ” sẽ được Hạ viện quyết định – theo Tu chính án thứ 12 – nhưng mỗi tiểu bang chỉ bỏ một phiếu. Tổng Thống Donald Trump sẽ thắng một cách dễ dàng trong một “cuộc bầu cử bất ngờ”, bởi vì dù đa số hạ nghị sĩ là thuộc Đảng Dân Chủ [ví dụ như California có đến 55 dân biểu thuộc Dân chủ], nhưng có nhiều tiểu bang có đa số hạ nghị sĩ thuộc Đảng Cộng Hòa.
Các Nhà Lập quốc đã có một lựa chọn khôn ngoan và nhìn xa trông rộng khi thành lập Cử tri đoàn và trao cho các cơ quan lập pháp toàn quyền quyết định các đại cử tri tổng thống của tiểu bang. Các vấn đề gian lận phức tạp ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử quốc gia không được dễ dàng và kịp thời đưa ra trong phạm vi chặt chẽ của một “vụ kiện hoặc tranh cãi” tư pháp.
Sáu tiểu bang chiến địa đang trong tranh chấp – Michigan, Pennsylvania, Georgia, Arizona, Nevada, và Wisconsin – đều là các tiểu bang mà TT Trump đã thắng vào Ngày Bầu cử. Nhưng bằng cách nào đó, tất cả đều chuyển sang ông Biden một cách kỳ lạ và rất nhất quán sau Ngày Bầu cử.
Đối với những người không tin vào thuyết âm mưu, tôi cho rằng quý vị cũng không nên tin vào nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy. Chúng thậm chí còn khó tin và đáng kinh ngạc hơn.
Các nhà lập pháp tiểu bang là tuyến phòng thủ cuối cùng chống lại nỗ lực trơ trẽn và ghê gớm của Đảng Dân Chủ nhằm phá hủy nền dân chủ vĩ đại nhất mà thế giới từng biết. Không phải nói quá khi nói rằng nền cộng hòa của chúng ta đang vô cùng bấp bênh. Các nhà lập pháp của Pennsylvania nên được ca ngợi vì lòng yêu nước và sự dũng cảm, kiên quyết đòi lại quyền hạn hiến pháp của họ. Những người anh em trong năm tiểu bang chiến địa còn lại của họ cũng nên làm theo.
Stephen B. Meister là một luật sư và một người viết về quan điểm. Twitter @StephenMeister. Các ý kiến được trình bày ở đây là ý kiến riêng của ông, không phải của công ty ông.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.