Các nhà ngoại giao Trung Cộng là chủ lực trong việc mua lại công nghệ ngoại quốc của Bắc Kinh
Một báo cáo gần đây cho thấy các nhà ngoại giao khoa học và công nghệ (KH&CN) Trung Quốc đã đóng vai trò như là người môi giới cho Bắc Kinh, xác định các cơ hội hợp tác, đầu tư hoặc những cơ hội mua lại công nghệ ngoại quốc ở hải ngoại cho các tổ chức của Trung Quốc nhằm thúc đẩy chính sách công nghiệp của Trung Cộng.
“Những thành tựu này, lần lượt là, góp phần vào chiến lược ‘đi ra hải ngoại’ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng) và các mục tiêu trong các chính sách của nhà nước, bao gồm cả mục tiêu ‘Made in China 2025’”, theo báo cáo “Danh sách công nghệ ngoại quốc mơ ước của Trung Cộng” được công bố vào tháng 05/2021 bởi Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn.
Chiến lược “đi ra hải ngoại” do Trung Cộng đề xướng năm 1999 nhằm khuyến khích các công ty trong nước đầu tư ra hải ngoại. CSET đã phát hiện ra mục tiêu của đảng này là mua lại công nghệ ngoại quốc.
Nghiên cứu cho thấy rằng, phương pháp tiếp cận do nhà nước bảo trợ để các nhà ngoại giao thực hiện, bao gồm xác định nhu cầu trong nước của Trung Quốc; giám sát công nghệ tân tiến giữa các tổ chức ngoại quốc, học viện, phòng thí nghiệm của chính phủ và các nhà nghiên cứu cá nhân; tổ chức các hoạt động môi giới để giúp các công ty Trung Quốc ký kết các thỏa thuận đầu tư, cấp phép và sản xuất với các công ty công nghệ ngoại quốc; và thuê nhân sự ngoại quốc làm việc tại Trung Quốc.
Tổ chức này đã xem xét 642 báo cáo về các cơ hội hợp tác, liên quan đến hơn 300 công ty, trường đại học, tổ chức nghiên cứu và cá nhân ngoại quốc dưới sự quan tâm của Bắc Kinh.
Các báo cáo này được ghi lại bởi các đại sứ quán và lãnh sự quán của Trung Quốc ở ngoại quốc, nơi có hơn 140 nhà ngoại giao KH&CN làm việc trên khắp thế giới.
Phân tích cho thấy 190 trường hợp hợp tác công nghệ quốc tế liên quan đến công nghệ sinh học, 171 trường hợp khác liên quan đến trí tuệ nhân tạo và “machine learning” (thuật ngữ chỉ việc máy tính sử dụng thuật toán để phân tích những thông tin có sẵn, học hỏi từ nó, rồi đưa ra quyết định hoặc dự đoán về một vấn đề đó có liên quan), và một số trường hợp liên quan đến thiết kế mạch tích hợp hoặc thiết bị sản xuất chất bán dẫn. Hầu hết các dự án đến từ Nga (112), tiếp theo là Hoa Kỳ (77), Anh Quốc (62), và Nhật Bản (57).
CSET đã khảo sát ngẫu nhiên 30 công ty ngoại quốc do nhà ngoại giao giới thiệu, 14 công ty trong số đó được phát hiện là đã thành lập liên doanh, thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế, hoặc các giao dịch độc quyền với các công ty Trung Quốc, hoặc theo cách khác là đã được mua – thông qua đó Trung Cộng có thể mua được công nghệ một cách thành công.
Báo cáo cũng nhấn mạnh lãnh sự quán Trung Cộng tại Houston đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thu thập thông tin KH&CN toàn cầu của Trung Quốc. Lãnh sự quán này đã bị đóng cửa vào tháng 07/2020 vì các cáo buộc về các hoạt động gián điệp liên quan đến nghiên cứu và công nghệ của Hoa Kỳ.
Báo cáo cho biết, trước khi đóng cửa, lãnh sự quán Houston có liên quan đến nhiều dự án KH&CN nhất so với bất kỳ đại sứ quán hoặc lãnh sự quán nào của Trung Quốc trên toàn thế giới. Gần 90% các chương trình của Hoa Kỳ đã được giới thiệu kể từ tháng 01/2015.
Sau khi lãnh sự quán ở Houston bị đóng cửa, chỉ có một dự án hợp tác KH&CN từ Hoa Kỳ được Cục Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc công bố trên mạng.
Ông James Lewis, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết mặc dù Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào công nghệ phương Tây, nhưng mục tiêu của họ là chấm dứt sự phụ thuộc và chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.
Ông cũng bày tỏ mối lo ngại với VOA News về việc Bắc Kinh đang trộn lẫn các hoạt động kinh doanh với các hoạt động bất hợp pháp, chẳng hạn như trộm cắp tài sản trí tuệ và hoạt động gián điệp.