Vào ngày 30/8, Ngày Quốc tế của các nạn nhân mất tích do bị bắt giữ, Uỷ ban hướng về Trung Quốc thuộc Quốc hội và Cơ cấu phụ trách hành chính của Hoa Kỳ (CECC) đã đăng một thông điệp trên Twitter: “Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Trung Quốc cung cấp thông tin cho gia đình của luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh, người đã mất tích kể từ khi bị cảnh sát Bắc Kinh tạm giữ vào năm 2017.”

Ủy ban này do Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Dân biểu Jim McGovern chủ trì.

Một số thành viên của Nghị viện Châu Âu, Reinhard Bütikofer và Evelyne Gebhardt từ Đức, Hilde Vautmans từ Bỉ, đã sử dụng tài khoản Twitter của họ để lên tiếng ủng hộ ông Cao vào ngày 30/8.

Ông Vautmans viết, “Trung Quốc cần phải phê chuẩn Công ước Quốc tế về Bảo vệ tất cả những người mất tích do bị bắt giữ.” Văn kiện kêu gọi các quốc gia ký kết để chấm dứt các vụ việc cưỡng bức mất tích và điều tra bất kỳ trường hợp nào như vậy.

Tổ chức ân xá Quốc tế cũng đã phát hành một video trên trang Facebook của mình vào hôm 30/8 để đề cao nhận thức về việc mất tích của ông Cao.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chúng tôi, vợ ông là bà Cảnh Hòa cho biết bà lo lắng rằng Trung Cộng sẽ cố tình làm lây nhiễm virus Trung Cộng cho chồng mình, và khiến ông sẽ “biến mất” vĩnh viễn.

Ông Cao là một luật sư tự học và là một tín đồ Cơ đốc giáo nhiệt thành, đã ba lần được đề cử giải Nobel Hòa bình. Ông bắt đầu hành nghề luật sư vào năm 1996, bảo vệ các nạn nhân bị chính phủ chiếm đất, gia đình các công nhân mỏ đòi tiền bồi thường sau khi người thân của họ thiệt mạng trong các vụ tai nạn khai thác than; cũng như những người theo đạo Cơ đốc giáo, và học viên Pháp Luân Công bị bức hại.

Vào tháng 12/2004, ông Cao đã công bố một bức thư ngỏ gửi tới cơ quan lập pháp của Trung Cộng, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, kêu gọi Trung Cộng ngừng bức hại các học viên Pháp Luân Công. Ông Cao viết thêm hai bức thư ngỏ kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 2005.

Trong bối cảnh ông vận động cho các học viên Pháp Luân Công, công ty luật của ông ở Bắc Kinh đã bị yêu cầu đóng cửa trong một năm hồi tháng 11/2005. Sau đó, ông bị tước giấy phép luật sư vào tháng 8/2006.

Vào tháng 12/2006, ông Cao bị kết án 3 năm tù giam, với 5 năm quản chế, sau khi bị kết tội “kích động lật đổ quyền lực nhà nước”, một cáo buộc quy chụp mà Trung Cộng thường áp dụng đối với những người bất đồng chính kiến.

Trung Cộng cũng đe dọa gia đình của ông Cao, khiến vợ của ông là Cảnh Hòa, và hai con của họ phải bỏ trốn khỏi Trung Quốc vào tháng 1/2009. Hiện họ đang sinh sống tại Hoa Kỳ.

Ông Cao đã được Associated Press phỏng vấn vào năm 2011, trong đó ông đã kể lại việc mình bị tra tấn liên tục trong khi bị giam giữ, bao gồm cả tại trại giam của cảnh sát Tân Cương.

Vào tháng 12/2011, Tân Hoa Xã của Trung Cộng đưa tin rằng ông Cao đã bị đưa trở lại trại giam để chấp hành bản án 3 năm do vi phạm quản chế. Ông được giải thoát khỏi nhà tù vào tháng 8/2014, nhưng lại ngay lập tức bị quản thúc tại gia.

Ông Cao mất tích vào tháng 8/2017 và hiện vẫn chưa rõ tung tích.

Bắt đầu từ năm 2011, Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố ngày 30/8 là Ngày Quốc tế của các nạn nhân bị cưỡng bức mất tích.

Tác giả: Frank Fang

Biên dịch: An Nam

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn