ALEX WU

Theo một báo cáo mới, ít nhất tám thành phố và hai tỉnh ở Hà Lan đã cắt đứt quan hệ với các thành phố kết nghĩa Trung Quốc khi các quan chức Hà Lan cố gắng tách khỏi Trung Quốc cộng sản.

Khoảng 35 chính quyền địa phương ở Hà Lan hiện có mối quan hệ thành phố kết nghĩa hay “mối quan hệ hữu nghị” với các thành phố Trung Quốc để trao đổi thương mại và văn hóa. Theo một cuộc khảo sát do tờ báo Hà Lan Rotterdam Handelsblatt (NRC) thực hiện, một phần tư những mối quan hệ hợp tác như vậy đã bị hủy bỏ chỉ trong hai năm qua vì những khác biệt về các giá trị căn bản.

Và theo NL Times, nhiều thành phố nữa của Hà Lan đang chuẩn bị cắt đứt quan hệ với Trung Quốc.

Một số chính quyền thành phố Hà Lan đã dẫn ra các hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc là một trong những lý do chính dẫn đến việc cắt đứt mối quan hệ, chẳng hạn như cuộc diệt chủng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc hoặc cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Theo báo cáo này, các thành phố tự trị của Hà Lan như Breda, Tilburg, và Eindhoven đã cắt đứt quan hệ với các thành phố kết nghĩa Trung Quốc trước sự kiên quyết của hội đồng địa phương.

Thành phố Arnhem đã chấm dứt mối quan hệ thành phố kết nghĩa với thành phố Vũ Hán ở miền trung Trung Quốc vào năm 2021.

​​“Chúng ta phải tôn trọng các nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, tự do báo chí và tự do biểu đạt,” Thị trưởng Ahmed Marchouch nói.

Các trường đại học Hà Lan “cũng ngày càng miễn cưỡng chấp nhận nghiên cứu sinh tiến sĩ có học bổng do chính phủ Trung Quốc trợ cấp” – với lý do chính được đưa ra là an ninh tri thức. Hà Lan cũng là nơi đặt trụ sở của các công ty sản xuất quan trọng về mặt chiến lược – chẳng hạn như ASML, công ty sản xuất máy móc dùng để sản xuất vi mạch bán dẫn cao cấp trong máy điện toán.

Logo của ASML Holding được chụp tại trụ sở chính của công ty này ở Eindhoven, Hà Lan, vào ngày 23/01/2019. (Ảnh: Eva Plevier/Reuters)
Logo của ASML Holding được chụp tại trụ sở chính của công ty này ở Eindhoven, Hà Lan, vào ngày 23/01/2019. (Ảnh: Eva Plevier/Reuters)

Báo cáo trên của Hà Lan được đưa ra cùng thời điểm Phó Chủ tịch Trung Cộng Hàn Chính (Han Zheng) đang thăm Bồ Đào Nha và Hà Lan từ hôm 07/05 đến hôm 12/05.

Các thành phố tự trị ở Vương quốc Anh, Thụy Điển, và Cộng hòa Czech cũng đã cắt đứt mối quan hệ kết nghĩa với các thành phố của Trung Quốc kể từ đại dịch COVID-19 do Trung Quốc vi phạm nhân quyền.

Thành phố cảng Kiel của Đức hiện đang đánh giá lại lời mời thành phố kết nghĩa từ cảng Thanh Đảo của Trung Quốc do các mối lo ngại về an ninh và gián điệp tiềm tàng.

Các thành phố kết nghĩa

Sau Đệ nhị Thế chiến, các thành phố Âu Châu ở các quốc gia dân chủ bắt đầu thiết lập mối quan hệ dựa trên các giá trị chung và văn hóa với quan điểm nhằm thúc đẩy thương mại và hợp tác như một phần của quá trình phục hồi sau chiến tranh. Năm 1954, Hoa Kỳ thành lập chương trình “Các Thành phố Kết nghĩa” vì hòa bình và phát triển trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, kể từ đó các quốc gia cộng sản đã lợi dụng mối quan hệ thành phố kết nghĩa với các thành phố tự trị phương Tây để thúc đẩy các nghị trình của họ.

Theo dữ liệu chính thức từ chế độ cộng sản Trung Quốc, từ năm 1973 đến 2015, Trung Cộng đã thiết lập quan hệ thành phố (và tỉnh) kết nghĩa với 1,450 thành phố và 473 tỉnh ở 133 quốc gia.

Một người đàn ông Anh Quốc ký tên thỉnh nguyện kêu gọi các hội đồng thành phố của Vương quốc Anh cắt đứt quan hệ với các thành phố kết nghĩa Trung Quốc tại một cuộc biểu tình phản đối ĐCSTQ ở Newcastle, Anh Quốc, vào ngày 01/10/2022. (Ảnh: Ai Ping/The Epoch Times)
Một người đàn ông Anh Quốc ký tên thỉnh nguyện kêu gọi các hội đồng thành phố của Vương quốc Anh cắt đứt quan hệ với các thành phố kết nghĩa Trung Quốc tại một cuộc biểu tình phản đối ĐCSTQ ở Newcastle, Anh Quốc, vào ngày 01/10/2022. (Ảnh: Ai Ping/The Epoch Times)

“Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) lợi dụng những mối quan hệ giữa hai thành phố như vậy để xuất cảng tư tưởng cộng sản, truyền bá tuyên truyền, dối trá, và thông tin giả của Trung Cộng, tăng cường xâm nhập [vào cộng đồng quốc tế], và thu về lợi ích kinh tế.” Nhà bình luận phụ trách chuyên mục Cheng Xiaorong của Epoch Times trước đây đã viết.

Kể từ năm 2008, Trung Cộng đã tổ chức các cuộc họp hai năm một lần về chủ đề Thành phố Hữu nghị Quốc tế. Tại cuộc họp đầu tiên, chủ tịch đương thời của Hiệp hội Tình hữu nghị với Các quốc gia Ngoại quốc của Nhân dân Trung Quốc đã đưa ra khái niệm về “ngoại giao đô thị”, nhấn mạnh rằng chính sách ngoại giao như vậy phải phụ thuộc và phục vụ cho chính sách ngoại giao của Trung Cộng. Kể từ đó, các Thành phố Hữu nghị Quốc tế đã được các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Cộng xem là một trong những phương thức chính để xây dựng các mối quan hệ ngoại giao.

Ngày 28/12/2016, trang web chính thức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Trung Cộng đã công bố Thông báo của Nhóm Đảng của Hiệp hội Tình hữu nghị với các Quốc gia Ngoại quốc của Nhân dân Trung Quốc về Tình hình Kiểm tra và Chỉnh đốn, nêu rõ rằng “ngoại giao giữa các dân tộc cần phục vụ tốt hơn nữa công tác trọng tâm của Đảng và nhà nước.”

Cẩm An biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn