Các tiểu bang sắp cấm xe hơi chạy bằng xăng, bất kể chi phí về con người và môi trường của xe điện
KATIE SPENCE
Ở vùng Salar de Atacama của Chile, người dân địa phương bất lực nhìn vùng đất mà tổ tiên để lại cho họ tàn tạ và mất dần sự sống, còn nguồn nước quý giá của họ thì bốc hơi trong các hồ nước muối.
Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn tan biến khi các nhóm cực đoan do người Uganda đứng đầu bắt trẻ em mới sáu tuổi làm việc ở các mỏ khai thác cobalt.
Nói về nơi gần hơn, Bộ lạc Fort McDermitt ở Nevada và các chủ trang trại địa phương đang chiến đấu để bảo vệ một khu nghĩa trang linh thiêng và các vùng đất nông nghiệp sắp bị công ty khai thác mỏ Lithium Nevada tàn phá trong thời gian tới.
Trong khi đó, ở California và các tiểu bang khác, các chính trị gia như Thống đốc Gavin Newsom (Dân Chủ–California) đang tự tán tụng bản thân vì lập trường “táo bạo” về môi trường của họ và lấy làm hãnh diện rằng lệnh cấm xe chạy bằng xăng của họ đang dẫn đầu “cuộc cách mạng hướng tới tương lai không phát thải của chúng ta.”
Các chi phí ngầm
Theo các chính trị gia như ông Newsom và Tổng thống (TT) Joe Biden, xe điện “không phát thải” vì chúng sử dụng pin lithium-ion – gồm các thành phần lithium, cobalt, graphite, và các vật liệu khác – thay vì xăng.
Do đó, bắt đầu từ năm 2035, California sẽ cấm bán xe chạy bằng xăng, trong khi một số tiểu bang khác dự định sẽ làm theo, tuyên bố trên Twitter rằng lệnh cấm này là “cột mốc quan trọng trong cuộc chiến khí hậu của chúng ta.”
Ngoài ra, theo một tuyên bố từ ông Biden, việc cấm xe chạy bằng xăng sẽ “tiết kiệm tiền cho người tiêu dùng, làm giảm ô nhiễm, tăng cường sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy công bằng môi trường, và giải quyết khủng hoảng khí hậu.”
Không đồng tình với những tuyên bố như vậy, ông John Hadder, giám đốc của Great Basin Resource Watch, chỉ ra cho The Epoch Times rằng các quốc gia “công nghiệp” có thể hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi sang xe điện, tuy nhiên lợi ích đó là dựa trên sự trả giá của các quốc gia khác.
“Việc mở rộng khai thác [lithium] này sẽ gây ra những hậu quả tức thời cho các cộng đồng tuyến đầu; họ đang phải gánh chịu nhiều nhất.
Ví dụ, Copiapó, thủ phủ của vùng Atacama ở Chile, là một trong những nơi được biết là có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới.
“Trước đây chúng tôi từng có một con sông nhưng giờ thì không còn nữa. Không còn một giọt nước nào,” bà Elena Rivera Cardoso, chủ tịch Cộng đồng Người bản địa Colla ở xã Copiapó, nói với Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Quốc gia (NRDC).
Bà cho biết thêm rằng tất cả nguồn nước ở Chile đang cạn dần vì mỏ lithium địa phương. “Và không chỉ ở Copiapó mà ở trên khắp Chile, có những con sông và hồ đã biến mất – tất cả chỉ vì một công ty có nhiều quyền đối với nguồn nước hơn chúng tôi, những con người hoặc những công dân của Chile.”
Cùng với với tuyên bố của bà Cardosa, Viện Nghiên cứu Năng lượng (IER) báo cáo rằng các hoạt động khai thác tiêu thụ đến 65% nguồn tài nguyên nước có hạn của khu vực này.
Theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), tình trạng này đã khiến các cộng đồng bản địa, những người xem vùng Atacama này là quê hương trong hơn 6,000 năm, phải rời bỏ nhà cửa vì những người nông dân và các chủ trang trại nhân thấy đất đai đã nứt nẻ khô cằn, và không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ những khu định cư mà tổ tiên họ để lại.
Đề nghị khai thác mỏ ở phía bắc Nevada
Lìa xa khỏi vùng đất chôn nhau cắt rốn của tổ tiên vì nơi đó bị một mỏ lithium địa phương phá hủy là điều mà các cộng đồng ở phía bắc tiểu bang Nevada đang đấu tranh chống lại.
“Các cộng đồng nông nghiệp ở hai bên con đèo này có thể sẽ bị thay đổi mãi mãi,” ông Hadder nói với The Epoch Times. “[Mỏ Thacker Pass] có thể ảnh hưởng đến khả năng trồng trọt và chăn nuôi trong vùng của họ. Chất lượng không khí sẽ giảm… và có thể nước sẽ ngày càng khan hiếm.”
Ông Hadder chỉ ra rằng giếng Quinn ở Lưu vực Thủy văn Orovada Subarea đã bị khai thác quá mức, và đó là lưu vực gắn liền với nguồn cung cấp nước cho mỏ Thacker Pass.
Tuy nhiên, ông Hadder nhấn mạnh rằng thiếu nước không phải là mối quan tâm duy nhất của người dân địa phương về mỏ Thacker Pass.
“Đại hội Quốc gia của Người Mỹ Da đỏ vô cùng lo ngại rằng khu mỏ sẽ đe dọa cộng đồng này với các trại nhân công và lực lượng lao động đông đảo,” ông Hadder nói. “Việc đưa các trại nhân công đến gần các khu bảo tồn đã được chứng minh là có mối tương quan chặt chẽ với sự gia tăng các vụ tấn công tình dục, bạo lực gia đình, và buôn bán tình dục.”
Sự lo ngại của họ là hợp lý. Năm 2014, Liên Hiệp Quốc phát hiện rằng “các ngành công nghiệp khai khoáng”, hay còn gọi là khai thác mỏ, đã dẫn đến việc gia tăng các vụ quấy rối tình dục, bạo lực, cưỡng bách tình dục, và hành hung do các trại nhân công hoặc thợ mỏ gây ra.
Năm 2019, Cục Thống kê Tư pháp Hoa Kỳ (BJS) đã công bố một nghiên cứu xác thực thông tin kể trên. Báo cáo này cho thấy sự gia tăng 70% tội phạm bạo lực “tương ứng với sự tăng trưởng của ngành công nghiệp khai khoáng trong các vùng, và không thấy có sự gia tăng như vậy ở các quận lân cận, nơi không có ngành công nghiệp khai khoáng.”
Hoàn cảnh của thợ mỏ Congo
Đó là điều mà người dân Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) đã biết từ kinh nghiệm mà họ đích thân trải qua.
Trong báo cáo năm 2022, Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) báo cáo rằng trong năm 2021, DRC cung cấp hơn 70% sản lượng cobalt toàn cầu, và khu vực miền nam Congo đứng đầu với sản lượng ước tính khoảng 3.5 triệu tấn – chiếm gần một nửa – trong nguồn cung cấp được biết đến của thế giới.
Theo công ty nghiên cứu phi đảng phái Wilson Center, DRC cũng là một trong những nước nghèo nhất thế giới, và các cuộc khủng hoảng nhân đạo – trong đó một số là do hoạt động khai thác mỏ trực tiếp gây ra – đang giày xéo lên quốc gia này.
Tháng 12/2021, các nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern University đã tiến hành đánh giá vòng đời môi trường đối với việc khai thác các nguyên liệu thô cần thiết cho xe điện và công bố nghiên cứu của họ trên Tạp chí One Earth.
Họ phát hiện ra rằng việc khai thác cobalt có liên quan đến gia tăng tình trạng bạo lực, các thách thức về sức khỏe thể chất và tinh thần, lạm dụng chất kích thích, mất an ninh lương thực và nguồn nước, cùng các vấn đề khác. Họ cũng lưu ý thêm rằng các thành viên cộng đồng đã mất đất công, đất nông nghiệp, và nhà cửa, nơi mà thợ mỏ đào lên để khai thác cobalt.
“Có thể quý vị nghĩ rằng việc khai thác chỉ là đào thứ gì đó lên,” Một người dân tên Young nói. “Nhưng họ không đào trên đất trống. Họ đào trên quê hương xứ sở. Người ta đang đào những cái lỗ trên sàn phòng khách của họ theo đúng nghĩa đen. Tác động dội lại của việc khai thác có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của đời sống.”
Trong số “mọi khía cạnh của đời sống” đó có cả trẻ em. Ở DRC, ước tính có khoảng 40,000 trẻ em đang làm việc trong các hầm mỏ trong điều kiện lao động như nô lệ – một số em mới sáu tuổi đầu. Ban đầu, người ta hy vọng rằng TT DRC Felix Tschisekedi sẽ hạn chế các vụ lạm dụng, nhưng giờ đây những hy vọng đó ngày càng xa vời.
Trong bài diễn văn trước Quốc hội Hoa Kỳ hôm 14/07, Giám đốc Khủng hoảng và Xung đột của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Ida Sawyer tuyên bố rằng “lao động trẻ em và các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác trong lĩnh vực khai thác mỏ vẫn còn phổ biến, và những thách thức này chỉ trở nên khó giải quyết hơn trong bối cảnh tham nhũng tràn lan.”
“Lực lượng Dân chủ Đồng minh (ADF), một nhóm Hồi giáo vũ trang do người Uganda lãnh đạo có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (ISIS)… cũng như những người ủng hộ họ trong giới tinh hoa chính trị và quân sự Congo, đang kiểm soát các nguồn tài nguyên béo bở như khoáng sản, đất đai, và thu lợi bất chính về thuế.”
Wilson Center báo cáo rằng ước tính có khoảng 255,000 thợ mỏ Congo đang làm việc để khai thác cobalt, chủ yếu bằng tay. Trung tâm này cho biết: “Khi nhu cầu toàn cầu đối với tài nguyên khoáng sản của Congo tăng lên, thì những nguy cơ đi kèm cũng làm dấy lên cảnh báo về nhân quyền của thợ mỏ Congo.”
Ngoài ra, vi phạm nhân quyền không phải là mối quan tâm duy nhất đối với việc khai thác cobalt. Wilson Center tuyên bố, “Quá trình khai thác tài nguyên khoáng sản ở DRC bao gồm chặt rừng và xây dựng đường xá, tác động tiêu cực đến môi trường và đa dạng sinh học… Các hoạt động khai thác cobalt tạo ra lượng khí thải carbon dioxide và nitơ dioxide cao đến không thể ngờ và tiêu tốn đáng kể điện năng. Những lượng phát thải này góp phần vào việc Phi Châu tạo ra 5% lượng phát thải carbon dioxide trên toàn cầu.”
Trong khi đó ở California, Thống đốc Newsom đã ca tụng việc tiểu bang của ông tránh xa sử dụng nhiên liệu hóa thạch. “Những mục tiêu hàng năm của kế hoạch này – 35% lượng xe bán ra là xe cộ không phát thải vào năm 2026, 68% vào năm 2030, và 100% vào năm 2035 – đặt ra lộ trình để chúng ta giảm lượng khí thải carbon nguy hiểm và tránh xa nhiên liệu hóa thạch. Đó đồng nghĩa với việc lượng khí thải tương đương với 915 triệu thùng dầu sẽ không gây ô nhiễm cho các cộng đồng của chúng ta.”