Cách biến khung cảnh làm việc thành nơi vui vẻ
Amy Denney
Nhiều năm trước, khi tôi đang thả lỏng cơ thể trong lớp học yoga ngoài trời thì người hướng dẫn đề nghị chúng tôi tưởng tượng mình đang ở bãi biển. Khi tâm trí tôi bắt đầu hình dung ra một khung cảnh sống động, tâm hồn tôi lại hướng về một cảnh tượng thân quen sâu sắc bất ngờ hơn. Tôi được mời gọi về tận hưởng khung cảnh tuyệt đẹp tại chính công viên tôi đang ở – thay vì cố gắng trốn tránh thực tại trong tâm trí.
Lời mở đầu cho quyển sách mới của Tiến sĩ Esther Sternberg – “Well at Work: Creating Wellbeing in Any Workspace” (Hạnh phúc khi Làm việc: Tạo Niềm vui ở chỗ làm) – lặp lại lời điều tương tự: “Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng về nơi bạn cảm thấy hạnh phúc. Tôi cá rằng đó không phải là văn phòng, hay khung cảnh ở bất cứ nơi nào bạn làm việc! Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể biến nơi làm việc của mình thành một nơi hạnh phúc? Điều gì sẽ xảy ra nếu nơi làm việc giống một spa hơn là một dãy phòng chật chội?”
Hóa ra đại dịch giúp mọi người có được một môi trường làm việc đỡ buồn tẻ, bớt tối tăm, và có nhiệt độ dễ chịu hơn. Đó là một bài học lớn về cách môi trường làm việc của chúng ta có thể nuôi dưỡng sức khỏe, hạnh phúc, và năng suất trong những điều kiện lý tưởng.
Tạp chí American Essence đã phỏng vấn Tiến sĩ Sternberg, người đã nghiên cứu sự giao thoa giữa sức khỏe và không gian trong hơn hai thập niên và nắm giữ nhiều chức danh, gồm cả giám đốc sáng lập Viện Địa điểm, Hạnh phúc, và Hiệu suất của Đại học Arizona.
Tiến sĩ Sternberg nói: “Mọi người không muốn quay lại làm việc trong những nơi tệ hại này. Bạn có thể làm việc trực tiếp tại nhà. Chúng ta cần những khung cảnh có thể nuôi dưỡng ý thức cộng đồng, cùng nhau suy nghĩ và giao tiếp. Điều đó có tác dụng tốt hơn khi gặp mặt trực tiếp thay vì tham gia buổi hội nghị qua video.”
Tại sao môi trường làm việc lại quan trọng
Bà nói, “Bạn cần có hệ thống thông gió tốt để loại bỏ tất cả những thứ xấu có thể có trong không khí như virus, nấm mốc, các chất gây dị ứng, và độc tố. Đó là điều đầu tiên. Nhưng chỉ có vậy thôi thì chưa đủ và đó là lý do tôi viết cuốn sách này. Bạn cũng cần thiết kế khung cảnh để tạo ra sự thoải mái cho tinh thần. Nếu phần lớn thời gian mỗi ngày, bạn làm việc trong một khung cảnh căng thẳng, bạn sẽ dễ nản chí hơn, dễ bị nhiễm virus hơn, và bị nhiễm nặng hơn. Và bạn có thể bị kiệt sức.”
Môi trường làm việc lý tưởng
Tiến sĩ Sternberg nói rằng không có tiêu chuẩn vàng vì không một kiểu nào có thể phù hợp cho tất cả mọi người. “Khung cảnh làm việc lý tưởng thường có nhiều dạng khác nhau để lựa chọn. Mỗi người có một không gian phù hợp cho riêng mình.”
Nhưng có một số điểm chung cần lưu ý – như nơi yên tĩnh để chú tâm [vào công việc], không gian cộng đồng với mọi quy mô cho mọi người gặp gỡ, ánh sáng mặt trời đầy đủ vào buổi sáng và bớt dần khi ngày làm việc kết thúc, nơi có thể đứng lên và vận động sau mỗi giờ, và có lối ra khu vực ngoài trời. Nếu không thể tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên, các biện pháp hữu ích có thể thay thế là [thiết kế] nhiều cửa sổ, khu vườn trong nhà, và [trưng bày] các tác phẩm nghệ thuật về cảnh thiên nhiên.
Nghiên cứu gây ngạc nhiên nhất
Tiến sĩ Sternberg cho biết, một nghiên cứu so sánh 60 nhân viên văn phòng trong một tòa nhà đang được sửa chữa lại cho thấy những người làm việc trong văn phòng tối với vách ngăn cao có mức căng thẳng nhiều hơn – không chỉ ở nơi làm việc mà còn ở nhà vào ban đêm. Sự thay đổi nhịp tim và nồng độ cortisol trong nước bọt được ghi lại 5 lần mỗi ngày. Một nghiên cứu tiếp theo trên 225 nhân viên văn phòng nhiều năm sau đó cho thấy những người làm việc trong khung cảnh rộng rãi với nhiều lựa chọn đã ít căng thẳng hơn và ngủ ngon hơn.
Bà nói, “Các khía cạnh khác cũng đáng ngạc nhiên, chẳng hạn như quá ít hay quá nhiều tiếng ồn đều có thể gây căng thẳng như nhau. Khi chúng tôi hỏi mọi người họ có cảm thấy bị căng thẳng hay không – ở nhiều nơi khác nhau – họ không nhận thức được điều đó.”
4 lời khuyên để cải thiện khung cảnh làm việc của bạn
Việc kết hợp một số ý tưởng dưới đây có thể cải thiện môi trường kém lý tưởng, bất kể bạn làm việc ở đâu:
- Ngồi gần cửa sổ, tốt nhất là cửa sổ hướng về phía mặt trời mọc.
- Giữ độ ẩm từ 30% đến 60%
- Hãy cân nhắc dùng ghế làm việc loại ergonomic (một số còn có cài đặt nhiệt độ) để giữ cho cột sống ở tư thế đúng.
- Một môi trường làm việc lý tưởng sẽ bao gồm nhiều lĩnh vực sức khỏe: giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, duy trì kết nối xã hội, tham gia vào một số hình thức suy ngẫm về tinh thần, thường xuyên tập thể dục, môi trường không có độc tố và không khí trong lành sạch sẽ.
Bài viết nguyên gốc được đăng trên Tạp chí American Essence.