Cách chọn mua một chiếc áo len bền đẹp theo thời gian
Ileana Alescio
Liệu còn thứ gì ấm áp hơn một chiếc áo len tốt trong những tháng ngày lạnh giá? Cho dù chiếc áo giúp bạn giữ ấm và thoải mái trong những chuyến phiêu lưu ngoài trời, hay trong lúc vừa thưởng thức tách cà phê vừa ngắm tuyết rơi bên ngoài, mỗi người đều xứng đáng có một chiếc áo len mình yêu thích.
Tuy nhiên, không phải tất cả trang phục dệt kim đều như nhau. Dù theo truyền thống, những chiếc áo len thường được dệt hoàn toàn từ len hoặc cotton, nhưng ở thế kỷ 21, các loại sợi nhân tạo như polyester và acrylic đang trở nên phổ biến hơn, chiếm ưu thế trên thị trường rộng lớn. Các loại sợi này khiến áo len có giá thành thấp và dễ giặt hơn – nhưng phẩm chất cũng kém và không được bền.
Vậy thì để giúp bạn tìm thấy chiếc áo len phù hợp nhất – không bị tả tơi trước khi mùa đông kết thúc – chúng ta hãy tìm hiểu các yếu tố tối quan trọng khi đánh giá một chiếc áo len.
Các loại sợi
“Nếu theo mức độ quan trọng, thì tôi xếp loại sợi vải vào vị trí số 1,” ông Imran Islam – giáo sư về phát triển và tiếp thị sản phẩm dệt của Viện Công nghệ Thời trang (FIT) ở New York – cho biết. Một nguyên tắc khi mua chiếc áo len tốt là lựa chọn các loại sợi tự nhiên, chẳng hạn như len, cashmere, hoặc cotton.
Cô Saffron King, trưởng bộ phận tạo mẫu thời trang tại cửa hiệu trang phục nữ Blue Bungalow, tán đồng.
“Các loại sợi này không chỉ bền mà còn lên dáng đẹp hơn theo thời gian,” cô nói. “Hãy tránh các loại vải có tỷ lệ sợi tổng hợp cao pha trộn với sợi tự nhiên, bởi vì chúng có khuynh hướng bị dạt và xù lông.”
Len
Đến nay, len vẫn là loại sợi truyền thống và phổ biến nhất được dùng trong trang phục dệt kim. Thiên nhiên đã ban cho một số loài vật lớp lông cách nhiệt, không thấm nước, và thường có tính kháng khuẩn – tất cả những đặc tính này đều được truyền lại cho chiếc áo len.
Len Merino là một trong những loại len được các chuyên gia khuyên dùng nhiều nhất. Loại len này được dệt từ lông cừu Merino – giống cừu cho loại sợi dài và mịn – được khai thác lông ít nhất từ thế kỷ thứ 12. Áo len làm từ len Merino không chỉ mềm mại, mà còn có nhiều đặc tính khác, hoàn toàn phù hợp với những người yêu thích các hoạt động ngoài trời thú vị – hoặc phải thường xuyên đi làm trên các chuyến tàu điện ngầm chật ních.
Theo giải thích của ông Islam, loại len này không chỉ không thấm nước và hút ẩm, (chất len hút và giữ nước trong lõi sợi nhưng bề mặt vẫn khô), mà nó còn có thể chịu lửa – nghĩa là trong trường hợp tiếp xúc với tia lửa hoặc tàn thuốc, chứ không phải ngọn lửa thật. Loại len này còn có khả năng bảo vệ khỏi tia cực tím tự nhiên và kháng khuẩn; bạn có thể mặc áo trong nhiều ngày liên tiếp mà không bị hôi, mặc dù người ta vẫn khuyên phơi áo ngoài không khí giữa các lần mặc.
Không phải mọi loại len đều mềm mịn như len Merino. Một số loại len thay thế khác có giá thấp hơn được sản xuất bằng loại sợi ngắn và dày hơn, có thể gây cảm giác thô ráp hoặc châm chích đặc trưng.
Cashmere
Một lựa chọn phổ biến khác để mua chiếc áo len có chất lượng tốt là len Cashmere. Sợi vải làm ra loại len này đến từ dê Cashmere, vì vậy về mặt kỹ thuật đó không phải là len, mà là lông. Len này nổi tiếng vì độ mềm mại của nó, và mặc dù không bền như len Merino, nhưng len Cashmere ấm áp và nhẹ hơn nhiều.
Cô Leah Wise, nhà sáng lập của CrashGal Couture, giới thiệu các hãng Free People, J Crew, và Everlane để mọi người lựa chọn những chiếc áo len cashmere tốt, có thể dùng suốt đời.
Tất nhiên, một chiếc áo len bằng sợi cashmere 100% là một sản phẩm cao cấp, và bạn sẽ phải chi trả giá thành tương ứng. Đó là một trong những lý do vì sao áo len pha giữa sợi cashmere và len là một lựa chọn phổ biến.
“Tôi khuyến khích mua những chiếc áo len có pha giữa sợi cashmere và len, nhưng cashmere chiếm tỷ lệ cao hơn, bởi vì loại sợi này mềm mại và giữ ấm cho chúng ta,” nhà cố vấn phong cách Liz Wendler cho hay. “Loại áo này trông sang trọng, và thoải mái. Nó giúp tôi không cảm thấy quá nóng, cũng như không cảm thấy quá ngứa vì sợi cashmere giúp áo len mềm mại.”
Cotton
Cotton là chất liệu phổ biến thứ ba trong số các loại sợi tự nhiên để dệt áo len. Đây có thể là một lựa chọn rẻ hơn, dễ bảo quản hơn, mặc dù vải cotton không được sản xuất để giữ nhiệt [tốt] như sợi từ động vật. Do đó, vải cotton là một lựa chọn tuyệt vời cho những ngày thời tiết ấm áp, đặc biệt khi bạn ít bị ướt [mưa], vì vải cotton không chống thấm nước như len.
Sợi tổng hợp
Tiếp theo là sợi tổng hợp, chẳng hạn như polyester và acrylic, mà bạn nên tránh xa chúng nếu bạn muốn có chiếc áo len ấm áp, mặc được lâu. Chủ yếu là nhựa, “sợi tổng hợp mang đến cho bạn độ bền và đặc tính cách nhiệt nhất định, nhưng cũng đi kèm nhiều vấn đề khác,” ông Islam cho hay.
Chẳng hạn, sợi tổng hợp dễ bị dão và xù lông nhiều hơn các loại sợi tự nhiên. Chúng cũng kỵ nước, có nghĩa là “sợi tổng hợp không hút ẩm tốt, chúng tạo ra tĩnh điện, và đến một lúc nào đó, bạn sẽ cảm thấy có chút khó chịu vì chúng kiểm soát độ ẩm kém,” ông Islam cho biết thêm. Điều này có nghĩa là sợi tổng hợp khiến người mặc đổ mồ hôi và bốc mùi nhiều hơn.
Nhiều áo len thời nay, gồm trang phục cao cấp, cho đến các thương hiệu với giá từ bốn con số, có thể chứa tỷ lệ sợi tổng hợp cao; vì thế hãy nhớ đọc kỹ nhãn sản phẩm trước khi mua.
Sản xuất thủ công
Mặc dù chất liệu là một tiêu chí then chốt khi chọn mua áo len, nhưng phương pháp sản xuất cũng quan trọng không kém. Ông Islam cho biết thêm cấu trúc của áo len và độ dày của sợi là những điểm chính khác cũng cần cân nhắc.
“Tất cả đều có liên quan đến nhau,” ông cho hay. “Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho phẩm chất của một chiếc áo len.”
Cô King đến từ cửa hàng Blue Bungalow khuyên bạn nên kiểm tra kỹ các đường may và mép áo.
“Chiếc áo len chất lượng nên có đường may chắc chắn, gọn gàng, không bị sờn. Những nhãn dán có ghi Fully fashioned (*) là dấu hiệu tốt, cho thấy là áo len được dệt thành hình dáng cụ thể, mà không phải do cắt và may,” bà cho hay. Trang phục dệt kim “fully-fashioned” có bề mặt gọn gàng hơn, và được coi là có phẩm chất cao hơn trang phục sản xuất theo kỹ thuật “cắt và may”.
Một yếu tố khác là kích thước sợi. Một sợi len dày hơn sẽ giữ được hình dạng tốt hơn và đem lại cảm giác dễ chịu. Chẳng hạn, chiếc áo len có thể làm từ “100% len cashmere”, nhưng nếu sợi quá mỏng, nó sẽ không mang lại cảm giác tương tự như loại sợi dày.
Tuy nhiên, sợi mỏng hơn vẫn có thể chấp nhận được nếu sợi được dệt chặt, vì điều này sẽ giúp áo len bền hơn. Cô Wise gợi ý rằng khi mua hàng, hãy thử xỏ cánh tay vào tay áo để kiểm tra xem đường dệt chặt đến mức nào – hoặc phần cánh tay của bạn lộ ra bao nhiêu qua các lỗ đan – và có cảm giác ngứa trên da khi mặc không.
“Các loại vải dệt kim dày hơn, chặt hơn luôn có nghĩa là chất lượng tốt hơn,” cô King cho biết. “Tuy nhiên, trọng lượng phải phù hợp với mục đích – loại mỏng hơn để mặc nhiều lớp, loại dày hơn để mặc riêng.”
Bảo quản đúng cách
Chúng ta đã bàn qua các điểm chính trong việc chọn lựa chiếc áo len tốt. Nhưng một khi bạn tìm thấy “chiếc áo của riêng mình”, bạn sẽ phải thực hiện phần việc của mình và chăm sóc chiếc áo thật tốt.
Giặt và sấy khô
Thông thường, áo len sẽ đi kèm với nhãn hướng dẫn giặt áo, vì thế bạn hãy cẩn thận làm theo chỉ dẫn đó. Nhiều nhãn sẽ ghi là “giặt khô”, điều này không giống nhãn “chỉ được giặt khô” – nhãn đầu tiên là một gợi ý, và cái sau là điều bắt buộc.
Nếu “giặt khô” là một gợi ý, bạn có thể giặt bằng tay. Theo nguyên tắc chung, không bao giờ được đặt chiếc áo len làm từ 100% sợi động vật tự nhiên vào máy giặt, nếu không thì chiếc áo sẽ hỏng mất.
Ngay cả khi giặt tay chiếc áo len, bạn vẫn cần phải nhẹ nhàng. Lộn mặt trái ra ngoài khi giặt có thể ngăn áo bị giãn và xù lông. Hãy dùng bột giặt dành cho đồ mỏng, hoặc tốt hơn là, thử loại bột giặt cho áo len. Tuyệt đối không dùng thuốc tẩy hoặc loại bột giặt đắt tiền có enzym, vì điều này sẽ làm đứt sợi vải.
Giặt bằng nước lạnh sẽ tốt hơn, mặc dù một vài áo len có thể chịu được nhiệt độ ấm hoặc mát – thêm nữa, bạn hãy kiểm tra trên nhãn. Ngâm áo len trong khoảng 30 phút và nhẹ nhàng nhào hoặc xoáy áo len trong nước; không chà xát hoặc bóp, vì như thế sẽ làm giãn sợi vải.
Tránh dùng máy sấy, đặc biệt là sấy nóng, để tránh làm áo len bị co lại. Cách tốt nhất để làm khô áo len là đặt nó vào giữa hai chiếc khăn và vắt nước ra, thay vì vắt bằng tay. Sau đó, trải phẳng áo lên lên một chiếc khăn khô để hoàn thành việc này. Mắc phơi dạng lưới có thể rất hữu ích để đẩy nhanh quá trình phơi khô tự nhiên.
Ngay khi chiếc áo len khô, cô Wendler khuyên bạn không nên treo lên, nếu không chiếc áo sẽ biến dạng hoặc bị lồi ở phần vai. Cách tốt nhất để cất giữ áo len là gấp chúng lại cho vào tủ. Hãy chú ý đến bướm đêm, vì chúng yêu thích gặm nhấm sợi len tự nhiên. Cô Wendler cho chia sẻ, một miếng gỗ tuyết tùng trong ngăn kéo có thể giúp ngăn bướm đêm.
Áo bị xù lông
Một vấn đề khác mà bạn phải lưu tâm đến là hiện tượng xù lông. Áo len phẩm chất cao thường ít bị xù lông, nhưng bạn vẫn nên cẩn thận. Bạn nên đầu tư vào một dụng cụ loại bỏ lông tơ, và một vài thương hiệu khuyên bạn phơi áo len ngoài không khí ít nhất 24 tiếng giữa các lần mặc để làm hơi ẩm bay đi và ngăn áo bị xù lông. Điều này sẽ giúp chiếc áo dệt kim của bạn bền lâu hơn.
Cất giữ quần áo cho mùa lạnh năm sau
Ngay khi thời tiết ấm dần lên và bạn cần cất giữ chiếc áo len của mình cho tới mùa lạnh tiếp theo, thì một ý tưởng hay là mang chúng đi giặt. Điều này có thể ngăn chặn mùi hôi tích tụ trong suốt mùa hè. Mùi khó chịu này sẽ thu thu hút bướm đêm và trở nên khó khử hơn khi bạn muốn dùng lại chiếc áo len.
Hãy đặt chiếc áo len của bạn vào trong túi, hộp bằng nhựa hoặc bằng vải. Hãy đừng quên thêm gỗ tuyết tùng hoặc loại thuốc chống sâu bướm, và vậy là xong! Chiếc áo len yêu thích sẽ đợi bạn trong tình trạng hoàn hảo cho tới khi bạn cần mặc lại.
(*) fully fashioned: Kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất hàng dệt kim: vải được dệt kim từng mẫu một, sau đó được may lại với nhau mà không cần cắt. Thông thường, các loại quần áo dệt kim này được may vừa khít thân người, không có đường may lộ ra ngoài hoặc cộm lên, tạo nên tổng thể gọn gàng hơn.