Cách học tốt nhất cho trẻ em (Phần 8) Nên kỷ luật con trẻ như thế nào?
Hãy để tôi bắt đầu bằng cách giải thích sự khác biệt giữa kỷ luật và trừng phạt. Đúng vậy, trẻ em cần kỷ luật và chịu hậu quả cho những hành vi không phù hợp của chúng, nhưng hình phạt lại là một vấn đề khác.
Các chuyên gia giải thích rằng hình phạt bao gồm đánh đập, xúc phạm, coi thường, thất hứa, đòn roi và tước phần thưởng. Tất cả những điều này KHÔNG nên là cách kỷ luật con bạn, vì nó là phương pháp kém hiệu quả nhất.
Barbara Coloroso, một chuyên gia hàng đầu, nói rằng: “Hãy nói những gì bạn muốn nói, nghĩa là có sự nhất quán trong những gì bạn nói và làm”. Nói cách khác, bạn phải giải thích tường tận những gì sẽ xảy ra cho đứa trẻ. Điều này thậm chí cũng nghiêm túc như việc tặng một món đồ chơi yêu thích cho những đứa trẻ nghèo khó. Đứng úp mặt vào tường, phần thưởng và sự khích lệ có thể đóng một vai trò hiệu quả và tích cực trong việc đưa trẻ em vào khuôn khổ. Cha mẹ phải nhớ giữ bình tĩnh, tự chủ và kiểm soát bản thân trong những tình huống căng thẳng này.
Trẻ em cần phải hiểu rằng bạn thương yêu chúng, nhưng bạn không ủng hộ những gì chúng vừa làm. Chỉ ra chỗ sai của những việc chúng làm chứ không chỉ trích bản thân chúng. Cha mẹ không nên chỉnh đốn con trước mặt người khác. Bạn có thể làm điều này một cách riêng tư sau đó, và cố gắng không so sánh con với những đứa trẻ khác hoặc với anh chị em. “Sự thay đổi hormone” đã khiến thanh thiếu niên có những hành động rất khó đối phó như – thay đổi giọng nói, quan tâm đến người khác giới, liên tục sử dụng điện thoại và máy tính, thường xuyên chơi các thiết bị điện tử, liên tục xem TV, hình xăm ẩn, mái tóc kỳ dị, tính thách đố, cứng đầu, khẳng định bản thân, bị cám dỗ bởi ma túy và rượu, nghiện đồ ăn vặt và hơn thế nữa.
Barbara Coloroso đưa ra lời khuyên tốt nhất với một nguyên tắc chung. Cô nói: “Nếu điều gì đó mà không đe dọa đến tính mạng, không trái đạo đức hoặc vi phạm nội quy trường học, thì không đáng để bạn phải bực bội.” Đôi lúc bạn phải bỏ qua những ‘trận chiến’ không nhất thiết này, và có lẽ chỉ cần thận trọng, im lặng, và tự nhủ với chính mình “Chuyện này cũng sẽ qua thôi!” và đúng là như vậy – tin tôi đi. Là một người mẹ, tôi đã từng ở trường hợp đó. Và hãy nhớ rằng tóc của chúng sẽ luôn mọc lại và thuốc nhuộm sẽ phai đi, và chúng cũng sẽ sớm chán ngấy điều này. Ngay cả hình xăm cũng có thể xóa được. Một trong những lời khuyên sáng suốt khác của Barbara là: “Không có vấn đề gì nghiêm trọng đến mức không thể giải quyết được.”
Bốn mục tiêu sai lầm của trẻ đã khiến chúng thực hiện hành vi sai trái, đó là: gây chú ý, có được quyền lực, trả thù, và thể hiện sự kém cỏi. Vậy thì một đứa trẻ biết suy nghĩ và chín chắn sẽ như thế nào? Đứa trẻ này thường sẽ thể hiện hầu hết các đặc điểm sau: nỗ lực, ý thức đúng đắn về giá trị của bản thân, có cảm giác gắn kết, có mục tiêu được xã hội chấp nhận được, có trách nhiệm, quan tâm đến người khác, nghĩ đến “chúng ta” thay vì “tôi”, can đảm, sẵn sàng chia sẻ, và trung thực.
Hành vi của trẻ em ảnh hưởng đáng kể đến sự thành công ở trường, và cha mẹ phải làm việc với nhà trường để thực hiện những gì phù hợp cho trẻ. Cha mẹ không thể lúc nào cũng giải cứu hoặc bào chữa cho con mình, nhưng chúng ta phải tích cực hành động khi thấy chúng cư xử không đúng cách trong một thời gian dài.
Nguyên nhân gây ra hành vi không phù hợp của đứa trẻ không thực sự quan trọng. Đó là chuyện cá nhân! Điều quan trọng là phụ huynh và giáo viên làm gì đối với hành vi đó. Hãy nhớ rằng một hành vi có thể được củng cố, suy yếu, giáo dục lại hay quên đi. Khi có hành vi không phù hợp, cha mẹ nên suy xét những câu hỏi sau: Đứa trẻ có cần đeo kính không? Chúng có đói không? Hoặc có kiệt sức hay bị thiếu ngủ không? Đứa trẻ có bị ốm không? Có phải chúng đang trầm cảm hoặc lo lắng về điều gì đó mà cha mẹ chưa biết? Chúng có bị bắt nạt không?
Barbara Coloroso đưa ra những lời khuyên sau cho các bậc cha mẹ khi con họ cần sự kỷ luật như sau:
- Chỉ cho đứa trẻ em thấy chúng đã làm gì sai và lý do.
- Trao cho chúng quyền giải quyết vấn đề (Không có vấn đề gì lớn đến mức không thể giải quyết được!)
- Giúp chúng tìm ra cách giải quyết vấn đề.
- Giữ thể diện cho chúng.
Coloroso nói rằng cha mẹ nên truyền tải 6 thông điệp quan trọng đến con bằng lời nói và hành động:
- Bố/Mẹ tin con.
- Bố/Mẹ tin tưởng tuyệt đối ở con.
- Bố/Mẹ biết con làm được điều đó.
- Bố/Mẹ đang lắng nghe con.
- Bố/Mẹ quan tâm đến con.
- Con rất quan trọng đối với Bố/Mẹ.
Về hình phạt và hậu quả, Barbara nói: Đừng đối xử với một đứa trẻ theo cách mà bản thân bạn không muốn bị đối xử. Nếu bạn không muốn điều đó xảy ra với bạn thì bạn cũng không nên để điều đó xảy ra với con bạn.
Cuốn sách “Lời Khuyên và Những Thông tin Thú vị cho Cha mẹ và Giáo viên – Kỷ niệm 50 Năm Dạy học và Chia sẻ Những Gì Tôi Đã Học Được” có một chương về “Hành vi và kỷ luật”, trong đó giải thích và tóm tắt đầy đủ về “Sửa đổi hành vi” và đưa ra những cách hữu ích mà cha mẹ có thể sử dụng để thay đổi hành vi không mong muốn của con họ. Tôi đã viết một bài tiểu luận bậc đại học quan trọng về “Sửa đổi hành vi” dựa trên việc con gái 4 tuổi của tôi thường chui vào giường của bố mẹ lúc nửa đêm. “Sửa đổi hành vi” đã giải quyết được vấn đề đó.
10 bài học kỷ luật đáng ghi tâm: Tôi đã giữ danh sách này trong nhiều năm, và tôi cảm thấy nó vẫn có ý nghĩa và ứng dụng được cho ngày nay.
- Ngừng đưa ra những lời dọa nạt sáo rỗng.
- Kiềm chế cảm giác muốn nhục mạ người khác.
- Đừng nói xấu Bố/Mẹ của đứa trẻ (tức là chồng/vợ của bạn).
- Tha thứ và không bao giờ để bụng lâu.
- Không dùng vũ lực để ép buộc người khác.
- Ngừng rao giảng đạo lý.
- Đừng cố gắng trở thành người bạn tốt nhất của con bạn – bạn là cha mẹ của chúng.
- Đừng nhầm lẫn giữa trừng phạt với kỷ luật.
- Đừng so sánh chúng với anh chị em.
- Đừng kỳ vọng một cách vô lý.
Hãy chiêm nghiệm nguyên tắc tuyệt vời của tiểu thuyết gia Gibran, được Gordon diễn giải trong cuốn sách “Nhà Tiên tri” (1974):
“Con bạn không phải thực sự là con bạn. Chúng là những đứa con trai và con gái có cuộc đời riêng của mình. Chúng đến thế gian này thông qua bạn, chứ không do bạn tạo ra. Và mặc dù ở bên bạn, chúng không thuộc về bạn. Bạn có thể dành cho chúng tình yêu của bạn, nhưng không nên áp đặt quan niệm của bạn. Bạn có thể cố gắng giống như chúng, nhưng đừng cố biến chúng giống như bạn.”
Bà Pat đã dạy các lớp tiểu học, thanh nhạc, nghệ thuật, và giáo dục năng khiếu. Bà cũng đã từng là điều phối viên mầm non, giáo viên dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, và đã giảng các khóa học về Giáo dục Đặc biệt tại Đại học Lakehead ở Thunder Bay, Ontario, Canada.
Bà đã từng là khách mời nhiều lần của chương trình phát thanh ở Hồng Kông dựa trên các chủ đề trong cuốn sách của bà “Lời khuyên và những thông tin thú vị dành cho phụ huynh và giáo viên”.