Cách Trung Cộng dập tắt tiếng nói ở phương Tây về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Eva Fu
Khi luật sư nhân quyền David Matas tự đưa mình vào tầm ngắm của Bắc Kinh vì điều tra việc nhà cầm quyền này sát hại một cách có hệ thống các tù nhân lương tâm để thu hoạch nội tạng, những sự kiện đáng ngờ bắt đầu xảy ra xung quanh ông.
Các nhà tổ chức lên lịch trình cho ông thảo luận về chủ đề này đã hủy bỏ sự kiện vào phút chót. Các diễn đàn từng đặt trước với ông đã rút lui mà không giải thích gì nhiều. Và một ngày trước khi một diễn đàn mời ông đến chia sẻ, địa điểm tổ chức đã trở thành mục tiêu của một vụ nổ súng từ trong xe hơi, để lại một lỗ đạn trên cửa sổ.
Trong phiên hỏi đáp trực tiếp khác, một người đàn ông đã gọi đến, tự nhận mình là quan chức công an của chính quyền Trung Quốc.
“Ông có sợ chết không? Ông đang can thiệp trắng trợn vào các chính sách nội bộ của Đảng chúng tôi,” người đàn ông này nói qua một phiên dịch viên. “Chúng tôi sẽ trả thù ông, ông không sợ sao?”
Ông Matas vẫn kiên định. “Nếu ông không thích những gì tôi nói, thì hãy cố gắng ngăn chặn cuộc áp bức cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, và đừng đe dọa tôi,” ông nhớ mình đã nói như vậy.
Ông cho biết, ngoài việc cố gắng đe dọa ông, chính quyền Trung Quốc còn thừa nhận “họ chỉ muốn khẳng định lập trường của mình, mặc dù họ không có bất cứ cơ sở nào để biện minh cho lập trường đó.”
Đó là vào năm 2008, hai năm sau khi kế hoạch sát nhân hàng loạt vì lợi nhuận của nhà cầm quyền này lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng. Đó là ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ dollar được thúc đẩy bằng những hứa hẹn với bệnh nhân quốc nội và quốc tế về khoảng thời gian chờ vô cùng ngắn. Nguồn cung cấp đến từ việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức của những tù nhân không tự nguyện.
Tính đến năm 2024, dường như trong nội bộ Trung Cộng không có nhiều thay đổi ngoại trừ khoác lên mình lớp vỏ bọc tinh tế mới.
Thay vì công khai đối đầu, nhà cầm quyền này hiện đã trở nên ngấm ngầm hơn, sử dụng vũ khí kinh tế và ngoại giao của mình để ngăn chặn những lời chỉ trích trong khi thuyết phục giới tinh hoa trong lĩnh vực chính trị và y tế lên tiếng thay cho họ. Ở một số phương diện, họ đã thành công. Từ giới chính trị đến làng giải trí cho đến giới học thuật, một mạng lưới sợ hãi bao phủ, làm nản lòng những ai đang tìm cách vạch trần cuộc áp bức này.
‘Sự dối trá trắng trợn’
Hôm 27/03/2023, trong cuộc bỏ phiếu gần như đồng thuận, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức của Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa–New Jersey).
Ngay hôm sau, vào khoảng 10 giờ tối, Đại sứ quán Trung Quốc đã gửi bức thư đầy phẫn nộ đến văn phòng ông Smith.
Một quan chức tên Chu Chính (Zhou Zheng) viết: “Trung Quốc kiên quyết bác bỏ dự luật vô lý này.” Ông nhắc lại một số tuyên truyền của Đảng Cộng sản và yêu cầu “phía Hoa Kỳ ngay lập tức chấm dứt sự cường điệu vô căn cứ chống lại Trung Quốc này.”
Ông Smith, người đề xướng dự luật tìm cách trừng phạt thủ phạm lên đến 20 năm tù, gọi đó là “sự dối trá trắng trợn”.
“Những người hoàn toàn khỏe mạnh bị đặt vào cáng, bị đánh thuốc mê, rồi bị đưa đi lấy mất từ hai đến ba cơ quan nội tạng một cách không tự nguyện – và họ giết chết những người này – đó là hành động sát nhân. Đó là tội ác phản nhân loại,” ông nói với The Epoch Times. Dự luật vẫn đang chờ hành động từ Thượng viện.
Trong thời gian chờ đợi, ông Smith đang tiếp tục tìm kiếm những phương thức khác để tạo ra bước đột phá. Trong bức thư mới đây gửi cho Ngoại trưởng Antony Blinken, ông đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao phần thưởng bằng tiền mặt để khuyến khích những người tố cáo bước ra lên tiếng về vấn đề thu hoạch nội tạng.
“Im lặng là điều không thể chấp nhận được,” ông nói tại phiên điều trần Quốc hội hồi tháng Ba nhằm tìm cách ngăn chặn cuộc áp bức này.
“Im lặng không phải là một lựa chọn, đặc biệt là khi sự im lặng đó đến từ các hiệp hội và tập đoàn y tế. Nếu họ giữ im lặng, thì họ là những người có nguy cơ đồng lõa cao nhất với thứ tội ác phản nhân loại ghê tởm này.”
‘Những kẻ tiếp tay thầm lặng’
Tuy nhiên, im lặng là cách hành xử mà nhiều người lựa chọn để đối đãi vấn đề này.
Năm 2017, khi Thượng nghị sĩ tiểu bang California Joel Anderson đang nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng từ các đồng sự để thông qua nghị quyết lên án hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức, thì Trung Cộng đã can thiệp.
Từng người từng người một, các thượng nghị sĩ tiểu bang xung quanh ông Anderson đã lần lượt nhận được thư từ lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco, cảnh báo họ không được ủng hộ nghị quyết này. Sau bức thư là cuộc điện thoại từ các quan chức Trung Quốc để biết chắc chắn rằng họ đã nhận được thư.
Bức thư gọi nghị quyết này là “chống Trung Quốc” và “phản nhân loại”, lưu ý rằng việc thông qua nghị quyết “có thể gây tổn hại sâu sắc đến các mối liên hệ mang tính hợp tác giữa Tiểu bang California và Trung Quốc.”
Ông Anderson cho rằng chiến thuật này đã gây “hiệu ứng thoái trào” ngay tức thì.
Trong tuần cuối cùng của phiên họp Thượng viện, ông đã 18 lần cố gắng đưa nghị quyết này ra nghị trường để bàn thảo. Có thời điểm ông đã kêu gọi các nhà lập pháp đồng sự của ông nhìn quanh khán phòng để quan sát những hình ảnh chụp gương mặt của các nạn nhân trốn chạy khỏi cuộc đàn áp của Trung Quốc, nhưng vô ích: các đồng sự của ông “không muốn nói về việc đó”.
Ông Anderson đã vô cùng thất vọng khi chứng kiến một bức thư từ các quan chức Trung Quốc có tác động lớn đến mức này ở Hoa Kỳ.
“Thật đáng sợ khi nghĩ rằng California hoặc bất kỳ nhà lập pháp Hoa Kỳ nào sẽ bị chính quyền Trung Quốc gây ảnh hưởng hoặc đe dọa,” ông nói với The Epoch Times trong cuộc phỏng vấn trước đây. “Lẽ ra chúng ta phải cảm thấy tự tin ở chính đất nước của mình khi lên án những hành động tàn bạo mà chúng ta được chứng kiến.”
Ông Anderson, giống như ông Smith và ông Matas, nằm trong danh sách đen của Bắc Kinh vì hành động ủng hộ nhân quyền của ông.
California không phải là nơi duy nhất mà nhà cầm quyền này thành công trong việc ngăn chặn việc thảo luận về cuộc áp bức này, và những cố gắng như vậy không chỉ giới hạn trong lĩnh vực chính trị.
Năm 2019, khi một tòa án nhân dân độc lập có trụ sở tại London kết luận “vượt trên mọi nghi ngờ hợp lý” rằng hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước hậu thuẫn đang diễn ra ở Trung Quốc “trên quy mô đáng kể”, thì Bác sĩ Weldon Gilcrease, chuyên gia về ung thư đường tiêu hóa tại Đại học Utah, cảm thấy từ tận đáy lòng rằng ông cần phải yêu cầu trường đại học của mình làm điều gì đó.
Đại học Utah có trung tâm cấy ghép toàn diện duy nhất của tiểu bang. Trung tâm thực hiện các ca phẫu thuật cấy ghép như ghép thận, ghép gan, tụy, tim, và phổi. Năm 2017, cả hai chương trình đào tạo ghép gan và ghép thận của trường đại học này đều được xếp vào nhóm 10 chương trình đào tạo hàng đầu trên toàn quốc. Cầm trong tay bản tóm tắt dài ba trang rưỡi về kết luận của tòa án, Bác sĩ Gilcrease đã tiếp xúc với viên chức y tế chính của trường, đề nghị cùng nhau thảo luận với các nhóm pháp lý và cấy ghép của trung tâm y tế thuộc trường đại học này.
Bác sĩ Gilcrease cho biết viên chức này đã biết về hoạt động thu hoạch nội tạng nhưng từ chối hành động vì lo rằng Trung Quốc sẽ gửi sinh viên đến Texas thay vì Utah.
Hết lần này đến lần khác, nỗi sợ xúc phạm đến Bắc Kinh đã ngăn cản việc lên tiếng về chủ đề này.
Năm 2023, nhà làm phim người Canada Cindy Song đã hoàn tất quá trình sản xuất bộ phim tài liệu có nhan đề “State Organs” (Nội tạng Nhà nước), xoay quanh một cuộc điều tra kéo dài sáu năm về trường hợp mất tích không rõ nguyên nhân của hai người Trung Quốc ở độ tuổi 20. Cả hai đều là học viên Pháp Luân Công. Một người mất tích trong lúc chạy trốn công an sau khi phân phát đĩa DVD phơi bày cuộc đàn áp toàn diện của Trung Cộng nhắm vào đức tin của anh. Người kia mất tích vào thời điểm một năm sau khi cô mất đi người chồng bị tra tấn đến thiệt mạng trong một trại lao động ở Trung Quốc.
Với ba nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, Pháp Luân Công đã tạo nên một cộng đồng từ 70 triệu đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc – cộng đồng mà Trung Cộng đã cố gắng loại bỏ trong suốt 25 năm qua. Quy mô lớn của nhóm này và sức khỏe thể chất tốt của các học viên khiến họ trở thành nguồn nội tạng chính.
Tháng 10/2023, một nhà phân phối người Ý hay tin về bộ phim đã bày tỏ sự quan tâm. Nhưng một ngày sau, bà đã rút lui và để lại lời xin lỗi.
“Tôi phải dành cho bà những lời khen ngợi sâu sắc nhất vì bộ phim hay và nhịp độ vừa phải,” người phụ nữ này viết cho bà Song. “Thật không may, các đồng nghiệp của tôi đã nói với tôi rằng tất cả các phim tài liệu về cuộc đàn áp Pháp Luân Công đều bị các đài truyền hình Ý khước từ.”
Bà Song nói với The Epoch Times rằng không lâu sau đó bà đã gặp phải tình cảnh tương tự tại Hội chợ Phim Mỹ ở Santa Monica, California.
“Dừng lại, dừng lại, dừng lại đi. Không, không, không,” bà Song nghe giám đốc điều hành của một nhà phân phối lớn ở Hoa Kỳ nói khi một nhân viên đang hào hứng giới thiệu bộ phim cho ông. Trước sự bối rối của người nhân viên, ông giải thích rằng họ không thể nhận bất kỳ bộ phim nào liên quan đến Pháp Luân Công, bởi vì điều đó đồng nghĩa với việc “anh không thể bán bất kỳ bộ phim nào của mình cho Trung Quốc nữa,” bà Song nhớ lại.
Hồi tháng 11/2023, một công ty bảo hiểm bản quyền của Canada đã từ chối hợp tác với bộ phim của bà, nói rằng “Chủ đề này quá gây tranh cãi so với mong muốn của chúng tôi.”
“Chúng tôi không thể yên lòng với rủi ro này. Trung Quốc có rất nhiều nguồn lực và sẽ không ngần ngại bảo vệ danh tiếng của họ,” một thư điện tử được chia sẻ với The Epoch Times viết.
Bà Song cho rằng, tiền là thứ vũ khí có tác dụng rất lớn mà Bắc Kinh phô trương, đặc biệt là trong việc ép buộc tự kiểm duyệt.
“Chỉ cần quý vị muốn kiếm tiền từ Trung Quốc, thì quý vị phải tuân theo các quy tắc của họ,” bà Song nói. “Người ta kiểm soát lời ăn tiếng nói của mình ngay cả khi ở bên ngoài Trung Quốc vì sợ động chạm đến Trung Cộng. Rồi từng chút một, tất cả chúng ta đều trở thành những kẻ tiếp tay thầm lặng cho tội ác của chế độ này.”
Ông Smith cũng thừa nhận sức mạnh hầu bao của Trung Quốc.
“Họ có khả năng khiến một số người co rúm lại,” ông nói, ám chỉ đến sự đe dọa của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Ông nói, thay vì để bị gây ảnh hưởng, thì đây nên là hồi chuông cảnh tỉnh. Theo ông, khi Trung Cộng “thực hiện những hành động tàn bạo như thế này,” “thật đáng xấu hổ nếu chúng ta không lên tiếng phơi bày, và làm mọi điều trong khả năng của mình với luật pháp và chính sách.”
‘Chủ đề khó khăn’
Ngay cả khi nhận thức về mức độ nghiêm trọng của hành vi bất lương này ngày càng gia tăng ở cấp quốc gia và địa phương, thì phản ứng từ cộng đồng y tế vẫn rất chậm chạp.
Tổ chức lớn đầu tiên hành động là Hiệp hội Cấy ghép Tim Phổi Quốc tế (ISHLT), cơ quan nghiên cứu lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này. Năm 2022, tổ chức này bắt đầu tẩy chay về mặt học thuật đối với các bài nghiên cứu của các bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc vì lo ngại về nguy cơ đồng lõa của các bác sĩ này.
Một năm sau, Hiệp hội Bác sĩ và Bác sĩ phẫu thuật Hoa Kỳ (AAPS) có trụ sở tại Arizona cũng đã tham gia, lên án “mọi hình thức thu hoạch nội tạng cưỡng bức” và kêu gọi các bác sĩ Hoa Kỳ ngừng đào tạo hoặc giáo dục các chuyên gia y tế Trung Quốc, những người có thể sử dụng các kỹ năng này vào mục đích sát nhân.
“Không một bác sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật nào mà tôi biết sẽ nói rằng, được thôi, việc một chính phủ điều hành hệ thống y tế của mình để sát hại người dân vô tội là có thể chấp nhận được hoặc là chính đáng theo bất kỳ cách nào,” Bác sĩ Gilcrease nói với The Epoch Times.
“Nhưng cuộc đối đầu này xảy ra bởi vì quý vị đang đối mặt với một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, và quý vị đang đối mặt với Trung Cộng, bên đã có hàng thập niên thực thi quyền lực và tuyên truyền đối với chính người dân của mình và phần còn lại của thế giới.”
Những yếu tố khiến cho thu hoạch nội tạng cưỡng bức trở thành “chủ đề khó khăn” là vượt xa “nỗi sợ hãi về việc lên tiếng chống lại Trung Cộng và bị Trung Cộng trả thù.”
“Người ta cũng lo sợ về việc trở thành tiếng nói đơn độc duy nhất và phải đứng lên một mình mà không có sự trợ giúp nào từ các bác sĩ, bác sĩ phẫu thuật, và các hiệp hội y tế,” ông nói.
Lĩnh vực cấy ghép là cộng đồng có liên hệ mật thiết với nhau, trong đó những người đứng đầu rốt cuộc đều quen biết nhau. Khó mà có thể không chú ý đến sự bùng nổ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực này trong vài thập niên qua, và việc trao đổi hoặc hợp tác giữa các bác sĩ phẫu thuật Hoa Kỳ và Trung Quốc là khá phổ biến.
Báo cáo năm 2022 của tổ chức nhân quyền Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) đã ghi lại hàng trăm trường hợp trong đó các bác sĩ cấy ghép Trung Quốc đã trui rèn các kỹ năng của họ ở Hoa Kỳ trước khi thực hành tại các bệnh viện lớn có dính líu đến nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc.
Một bác sĩ trong danh sách đó, cựu Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu), trong nhiều năm đã biện hộ cho quan điểm của Bắc Kinh bằng cách đề cập đến chương trình hiến tạng mà chính quyền này đã thiết lập vào năm 2015 trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghi vấn xoay quanh nguồn nội tạng.
Nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tập san khoa học BMC Medical Ethics cho thấy dữ liệu hiến tạng của Trung Quốc là “quá khó tin”.
Khi tiến hành kiểm tra theo phương pháp thống kê, đồng tác giả nghiên cứu Jacob Lavee cho biết các số liệu này “tuân thủ gần như chính xác theo công thức toán học” và sai lệch so với “mọi quốc gia khác giữa khoảng từ một đến hai cấp khuếch đại (orders of magnitude),” cho thấy khả năng cao là dữ liệu đã được làm giả một cách có hệ thống.
‘Hãy chứng minh rằng Trung Quốc đang nói dối’
Những lời hứa hẹn của Bắc Kinh về việc cải thiện các hoạt động cấy ghép nội tạng dường như đã làm thỏa mãn một số bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Hoa Kỳ.
Vài ngày trước phiên thảo luận tháng Ba tại Đại học Harvard về vấn đề thu hoạch nội tạng cưỡng bức, Bác sĩ Francis Delmonico đã gửi thư điện tử cho các đồng sự của mình để phủ nhận tầm quan trọng của sự kiện này.
Bác sĩ Delmonico là giáo sư phẫu thuật làm việc bán thời gian tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts trực thuộc Harvard và là chuyên gia cấy ghép nội tạng. Ông thường xuyên lui tới Trung Quốc và nói chuyện cùng ông Hoàng.
Ông cũng là cựu chủ tịch của Hiệp hội Cấy ghép (TTS) có ảnh hưởng, diễn đàn với các thành viên đến từ hơn 100 quốc gia chuyên cung cấp các hướng dẫn về hành nghề có đạo đức.
Trong dòng tiêu đề thư điện tử của mình, Bác sĩ Delmonico yêu cầu “gửi đi rộng rãi toàn trường Harvard”.
“Chúng tôi nhận ra rằng việc lấy nguồn cung cấp nội tạng có thể cấy ghép được ở Trung Quốc cách đây một thập niên là hoạt động vô cùng phi đạo đức; nhưng sau đó, chính quyền Trung Quốc đã ban bố một lệnh cấm,” Bác sĩ Delmonico viết.
“Chúng tôi đã gặp Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Mã tại Bắc Kinh để duy trì thái độ cảnh giác cho cộng đồng quốc tế về việc Trung Quốc thực hiện cam kết của mình.”
“Chúng tôi không hề ôm giữ ảo tưởng nào về nguy cơ bị lừa dối trong những cuộc thảo luận như vậy.”
Nói chuyện tại hội thảo Harvard, Bác sĩ Gilcrease cho biết “quý vị không thể nhìn nhận các dữ liệu của Trung Quốc theo con số bề mặt.”
Ông nhấn mạnh bài nghiên cứu năm 2023 mà các bác sĩ Trung Quốc đã công bố trên Tập san Gan mật (Journal of Hepatology). Nghiên cứu mô tả một thử nghiệm lâm sàng kéo dài hai năm, trong đó hơn 60 bệnh nhân được chỉ định ngẫu nhiên để ghép gan thông thường hoặc ghép gan “không để xảy ra thiếu máu cục bộ” – nghĩa là cơ quan được cấy ghép đã “đi ngay từ một cơ thể còn ấm sang một cơ thể khác,” Bác sĩ Gilcrease cho biết.
Bài nghiên cứu này đã đính kèm một tuyên bố từ chối trách nhiệm ở phía dưới rằng “không có cơ quan nào được lấy từ các tù nhân.”
Bác sĩ Gilcrease hoài nghi rằng, làm sao điều đó có thể là thật được. “Làm cách nào quý vị có thể thực hiện điều đó theo cách ngẫu nhiên được? Làm thế nào để quý vị tự mình hoàn thành được 30 ca phẫu thuật?” ông nói.
“Quý vị phải hình dung ra rằng cần phải có một người đang hấp hối, bị chết não, sau đó quý vị phải để người hiến tặng đó về cơ bản là nằm ngay bên cạnh người kia,” ông nói, đồng thời lưu ý thêm rằng các bác sĩ này đã hoàn thành “kỳ tích” đó bằng nguồn lực của một bệnh viện duy nhất chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
“Điều đó hầu như là bất khả thi,” ông nói.
Hiện ông chưa nhận được lời phúc đáp nào bởi vì Trung Quốc là “nơi mà quý vị không thể đặt câu hỏi,” ông nói.
Dù muốn hay không, thì quan điểm của Bác sĩ Delmonico ít nhiều phản ánh “quan điểm đồng thuận của giới lãnh đạo cấy ghép,” ông Matas – một trong những thành viên tham gia sự kiện hội thảo ở Boston mà Bác sĩ Delmonico đề cập đến trong thư điện tử của mình – cho biết.
“Ông ấy nói, hãy chứng minh rằng Trung Quốc đang nói dối. Nhưng đó không phải là cách mà chính quyền này làm,” ông Matas nói với The Epoch Times. “Trung Quốc có nghĩa vụ phải chứng minh rằng họ đang hành xử đúng đắn. Chúng ta không có nghĩa vụ phải chứng minh họ đang làm điều gì đó không đúng đắn.”
Trong các báo cáo chi tiết, ông Matas và những người khác đã phân tích hàng trăm chương trình cấy ghép của các bệnh viện Trung Quốc, cùng với các bản tin trên truyền thông và hồ sơ lưu trữ. Bằng cách kiểm tra doanh thu của bệnh viện, số lượng giường bệnh, tỷ lệ sử dụng giường bệnh, nhân viên thực hiện phẫu thuật, và nguồn tài trợ của nhà nước, họ tin rằng chính quyền Trung Quốc đang báo cáo quá thấp tỷ lệ cấy ghép của mình.
Họ đã thu thập những bằng chứng gián tiếp thuyết phục: cơ quan ghi danh ghép gan ở Hồng Kông công bố dữ liệu cho thấy tổng số ca cấy ghép đã tăng vọt cùng lúc khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công diễn ra, những mẩu quảng cáo về cấy ghép nội tạng trên mạng, và việc nhiều bệnh viện Trung Quốc ca tụng số lượng ca cấy ghép kỷ lục. Hầu hết các dữ liệu và hồ sơ như vậy hiện đều đã “không cánh mà bay.”
“Bất cứ khi nào chúng tôi chứng minh được điều gì đó, thì họ đều sẽ lấy đi bằng chứng, họ gỡ bỏ luồng dữ liệu và nói, ‘Này, bằng chứng của các vị đã lỗi thời rồi,’” ông Matas nói. “Không có nhà quan sát độc lập bên ngoài nào có thể xem xét các hồ sơ nhà tù và hồ sơ bệnh viện Trung Quốc. Hệ thống giam giữ của Trung Quốc là hoàn toàn tách biệt.”
Khi tổ chức sự kiện ở Harvard, nghiên cứu sinh Anh Cao cho biết anh đã chuẩn bị sẵn sàng cho nhiều tình huống cản trở có thể xảy ra. Với việc Pháp Luân Công là chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc, các nhân viên tại trung tâm sinh viên đã nói với anh rằng một số sinh viên Trung Quốc làm việc ở đó “rất kiên quyết không can dự vào Pháp Luân Đại Pháp vì làm như vậy có thể cản trở họ quay trở lại Trung Quốc,” các thư điện tử được chia sẻ với The Epoch Times cho thấy.
Anh Cao cho biết thư điện tử từ Bác sĩ Delmonico “rất đáng thất vọng.” Anh xem đó là một kiểu làm lợi cho chính quyền này: “ngăn chặn” các cuộc thảo luận nghiêm túc và chôn vùi những sự thật lạnh lùng.
“Lý do Trung Cộng ngăn chặn bất kỳ cuộc thảo luận nào” về vấn đề này, anh nói với The Epoch Times, “là vì dựa trên các dữ kiện có thật, dựa trên bằng chứng, họ không có bất kỳ căn cứ nào.”
Bác sĩ Delmonico chưa phúc đáp ngay lập tức tờ câu hỏi được gửi qua thư điện tử từ The Epoch Times.
‘Chuyển sang hướng khác’
Sự việc ở Boston xảy ra đúng vào lúc bên tham gia ý kiến khác không thể tiếp tục vì bị cản trở.
Trong nhiều tháng, Hiệp hội các Bác sĩ chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) của Tiến sĩ Torsten Trey không nhận được thông tin gì sau khi nộp đơn ghi danh cho một gian hàng vào giữa tháng 11/2023 để tham dự Hội nghị Ghép tạng Hoa Kỳ vào tháng Sáu. Đây là hội nghị lớn nhất Bắc Mỹ quy tụ hàng ngàn chuyên gia trong hệ sinh thái cấy ghép.
DAFOH đã dành gần hai thập niên để kêu gọi sự ủng hộ cho mục tiêu chính nghĩa của mình – những nỗ lực được một nhà lập pháp Anh quốc ca ngợi bằng cách đề cử nhóm y đức này cho Giải Nobel Hòa bình năm 2024.
Trung tâm Nghiên cứu Thu hoạch Nội tạng Trung Quốc, một nhóm nghiên cứu khác chuyên về vấn đề này, sau đó đã chọn được một gian hàng và nhận hóa đơn thanh toán. Nhưng vào cuối tháng Một, cả hai nhóm đều nhận được thư điện tử thông báo rằng họ không được mời tham gia.
“Nhóm của Hội nghị Ghép tạng Hoa Kỳ cùng các hiệp hội đã quyết định chuyển sang hướng khác cho năm 2024,” thư điện tử mà cả hai nhóm nhận được trong cùng một ngày cho biết.
Hồi tháng Tư, cả hai nhóm đều nhận được bức thư điện tử khác từ tổ chức này, yêu cầu họ cung cấp thông tin chi tiết về gian hàng của mình để có cơ hội được xem xét lại. Sau nhiều tuần, vào ngày cuối cùng của tháng, cũng trong khoảng thời gian cách nhau chưa đến một tiếng, họ đã nhận được quyết định cuối cùng: từ chối.
Diễn biến sự việc này gây khó hiểu. Hai nhóm đã từng tham gia thuyết trình tại hội nghị này trong nhiều năm mà không có vấn đề gì, và Bác sĩ Min Fu, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thu hoạch Nội tạng Trung Quốc, không khỏi nhận thấy lượng lớn các gian hàng trống trong cả hai lần mà hội nghị y tế này từ chối họ: Khoảng một nửa số gian hàng trong lần đầu tiên, và một phần tư số gian hàng trong lần thứ hai.
Bà nói với The Epoch Times: “Điều đó không hợp lý lắm.”
Trong khi đó, Tiến sĩ Trey suy nghĩ về cụm từ “hướng khác”.
“Kiểu lý do như vậy có thể được diễn giải theo bất cứ nghĩa nào,” ông nói với The Epoch Times, đặt câu hỏi liệu Hội nghị Ghép tạng Hoa Kỳ có đang cố gắng “che giấu điều gì đó” hay không.
Ông cho biết nhóm của ông sẵn sàng điều chỉnh bất kỳ tài liệu nào cho phù hợp với yêu cầu của hội nghị nếu đó là điều cần làm để được trình bày nghiên cứu của họ.
“Họ hoàn toàn không cung cấp cho chúng tôi bất kỳ thông tin nào.”
Ông cho biết ông đã “không nói nên lời” khi nghĩ rằng các quan chức của hội nghị đã “đưa ra quyết định thay mặt cho cả 4,000 người tham dự” rằng họ không cần phải xem xét nghiên cứu của DAFOH.
“Đây có thể là cuộc áp bức y tế lớn nhất thế kỷ,” ông nói. “Nếu cộng đồng cấy ghép không sẵn sàng nhìn vào cuộc áp bức này, thì việc đó sẽ mang lại tai tiếng thế nào cho cộng đồng cấy ghép?”
Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa–Pennsylvania), nhà lập pháp đã thúc đẩy dự luật nhằm trừng phạt các quan chức, lãnh đạo quân sự, hoặc những cá nhân Trung Quốc khác đồng lõa trong việc tạo thuận tiện cho việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức, đã bày tỏ sự phẫn nộ trước sự việc.
“Thật đáng chê trách và hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với bất kỳ tổ chức nào – đặc biệt là Hội nghị Ghép tạng Hoa Kỳ – khi kiểm duyệt bất kỳ ai đang cố gắng chống lại việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức,” ông nói với The Epoch Times. “Các chuyên gia y tế phải nhận thức được sự xâm nhập có thật và đã đang diễn ra của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức vào cộng đồng y tế thời hiện đại.”
Hội nghị Ghép tạng Hoa Kỳ cho biết hai tổ chức chủ trì của họ, Hiệp hội Ghép tạng Hoa Kỳ (AST) và Hiệp hội các Bác sĩ phẫu thuật Cấy ghép Hoa Kỳ (ASTS), “hoàn toàn cam kết cải tiến” hệ thống cấy ghép nội tạng “mà không gây nguy hại cho các nền tảng và việc hành nghề có đạo đức đã làm cho hệ thống này của Hoa Kỳ trở nên đáng tin cậy và hiệu quả một cách độc nhất.”
“Ngoài ra, chúng tôi nhận thức được những ý tưởng tiến bộ đề nghị tăng cường khả năng tiếp cận cấy ghép từ người hiến tạng còn sống, trong đó có cả việc cưỡng bức cấy ghép nội tạng, điều có vẻ thiết thực nhưng có thể gây ra hậu quả bất lợi nghiêm trọng cho ngành cấy ghép và cho bệnh nhân. Những đề xướng này gây ra những hậu quả nghiêm trọng không lường trước được đối với cả người hiến tạng và niềm tin của công chúng đối với việc hiến tạng,” một nữ phát ngôn viên nói với The Epoch Times.
“Chúng tôi không thể nói về các tổ chức khác bên ngoài Hoa Kỳ, nhưng về căn bản chúng tôi từ chối những cố gắng lập mô hình giả định cho các thay đổi đối với hệ thống hiện tại của Hoa Kỳ dựa trên nghiên cứu hoặc thực hành cấy ghép nội tạng ở các quốc gia như Trung Quốc, nơi chính phủ không đáp ứng hoặc phớt lờ các tiêu chuẩn cao của cộng đồng quốc tế cũng như của Hoa Kỳ về nghiên cứu y học có đạo đức và các quyền cơ bản của con người.”
Yêu cầu chịu trách nhiệm
Hôm 01/06, Bác sĩ Gilcrease, phó giám đốc của DAFOH, đã đứng trước Trung tâm Hội nghị Pennsylvania – địa điểm tổ chức Hội nghị Ghép tạng Hoa Kỳ – nói chuyện với những người tham gia mít tinh.
Ông trích dẫn việc chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt Bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) – người đã cố gắng cảnh báo thế giới về đại dịch hồi cuối năm 2019 nhưng lại “bị ép phải ký văn bản nào đó nói rằng sự thật là sai và điều sai là đúng.” Cuối cùng vị bác sĩ này đã qua đời vì chính loại virus đó.
“Ở Trung Quốc, mọi thứ đều bị che giấu và những chuyện như vậy vẫn tiếp tục diễn ra. Nhưng lĩnh vực y tế không thể để xảy ra điều này. Y đức đòi hỏi trách nhiệm giải trình,” ông nói.
Định hướng của DAFOH là tìm kiếm “sự thật, sự minh bạch, sự tôn trọng nhân phẩm, và trách nhiệm giải trình. Những điều này có khác với Hội nghị Ghép tạng Hoa Kỳ không? Nếu khác thì khác thế nào? Và nếu không khác, thì tại sao chúng tôi vẫn phải ở bên ngoài hội nghị?”
Đối với ông Smith, việc chống thu hoạch nội tạng cưỡng bức là “vấn đề nhân quyền mà ít có việc nào quan trọng bằng.”
“Pháp Luân Công đã phải chịu đựng quá nhiều – vì điều gì đây? Vì hòa nhã, tử tế, có kỷ luật, và khỏe mạnh ư? Họ đang bị lọc ra và sát hại vì sự khỏe mạnh của họ, họ quá khỏe mạnh, họ tự chăm sóc bản thân, nên Trung Cộng xem họ thành mục tiêu để khai thác.”
Hai tháng trước khi dự luật của ông được Hạ viện thông qua, ông Smith đã phải nhập viện vì một số bệnh tật, và hình ảnh về sự tàn ác đang diễn ra ở Trung Quốc đã ám ảnh ông: Học viên Pháp Luân Công bị giam giữ hoặc giả nạn nhân của một nhóm bị bức hại khác, bị đưa đến bệnh viện ngoài ý muốn của họ.
“Họ đang nằm đó, có lẽ trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Họ biết rằng bác sĩ này không ở đó để chữa trị cho họ, mà là để sát hại họ như một kẻ hành quyết, và trước khi cuộc hành quyết kết thúc, người này sẽ lấy đi hai hoặc ba nội tạng của họ.”
Phải mất ba năm ông mới thuyết phục được các đồng sự của mình ký vào dự luật chống thu hoạch nội tạng cưỡng bức này.
Ông cho biết đó là một trận chiến cam go, nhưng “giờ đây mọi người dường như đều đã hiểu.”
“Chúng ta đều đã hiểu điều này, vậy hãy làm gì đó thôi.”