Cách ứng phó của các nhà hàng Nhật Bản khi ngành du lịch bị quá tải
Lý Ngôn
Nếu quý vị có thể nói tiếng Nhật lưu loát và có thể gọi món tại một nhà hàng sushi gần Tokyo thì khi quý vị đi du lịch Nhật Bản vào lần tới, có thể quý vị sẽ được các nhà hàng xem như người bản xứ, và họ sẽ cung cấp mức giá ưu đãi cho quý vị.
Theo CNN, Nhật Bản chưa bao giờ là quốc gia có tệ nạn “hét giá” đối với du khách ngoại quốc. Tuy nhiên, sau khi những hạn chế do đại dịch COVID-19 được nới lỏng, thì ngành du lịch nước này đã lâm vào cảnh quá tải. Hơn nữa, hiện nay đồng yên đang mất giá nên trong thời gian gần đây, các nhà hàng ở Nhật Bản buộc phải xét đến vấn đề “định giá chênh lệch”.
Ông Shogo Yonemitsu – chủ nhà hàng hải sản nướng “Tamatebako” ở khu mua sắm sầm uất Shibuya, Tokyo – cho biết: “Chúng tôi thực sự gặp khó khăn trong việc phục vụ khách ngoại quốc, điều này vượt quá khả năng của chúng tôi.”
Ông kiên quyết không tính thêm chi phí phụ trội cho du khách. Thay vào đó, ông cung cấp chương trình giảm giá 1,000 yên (6.50 USD) cho khách hàng người bản xứ.
“Vì lý do chi phí, chúng tôi cần hệ thống định giá này.” Ông Yonemitsu cho biết lượng du khách tăng lên không chỉ đơn giản là tăng số bàn ăn.
Ông nói, nhà hàng hải sản nướng của ông buộc phải thuê thêm nhân viên biết tiếng Anh để nhận đơn đặt hàng, giải quyết việc đặt chỗ, và giải thích cho du khách mọi thứ từ cách phân biệt sashimi và thực phẩm nướng đến cách đặt hành lý, để tránh gây “hỗn loạn”.
Trong khi đó, một số chủ doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang thử nghiệm những sáng kiến mới.
Ông Shuji Miyake – chủ một quán rượu (izakaya) ở một khu vực sầm uất của Tokyo – đã giới thiệu món mì tôm hùm có giá 5,500 yên (35 USD), gấp bốn lần giá món mì tôm thông thường được khách quen gọi. Ông Miyake cho biết, món mì tôm hùm cao cấp này nhắm vào các khách du lịch, những người sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để thử những điều mới lạ.
Ngành du lịch bị quá tải
Số liệu của chính phủ cho thấy, trong nửa đầu năm 2024, số lượng du khách đến Nhật Bản đạt kỷ lục 17.78 triệu người, dự kiến sẽ phá vỡ kỷ lục 31.88 triệu du khách hồi năm 2019.
Vì lý do này, các địa phương trên khắp Nhật Bản bắt đầu thu thuế du lịch, quy định giới hạn số lượng du khách, thậm chí cấm bán rượu để cố gắng giảm bớt ảnh hưởng của việc du lịch quá tải.
Đầu năm nay, một thị trấn nghỉ mát dưới chân núi Phú Sĩ đã dựng một tấm lưới rất lớn để ngăn dòng du khách đổ xô về ngọn núi mang tính biểu tượng này, vì lượng du khách đông đúc sẽ gây ra vấn đề rác thải và giao thông tại địa phương.
Thị trưởng của một thành phố ở phía tây Nhật Bản cho biết ông đang xem xét thu lệ phí vào cửa cao gấp 6 lần đối với du khách ngoại quốc đến tham quan Lâu đài Himeji – di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Trong tháng 07/2024, người đứng đầu ngành du lịch ở Hokkaido, nơi có cảnh quan tuyệt đẹp và điểm trượt tuyết nổi tiếng, đã khuyến khích các doanh nghiệp giảm giá cho du khách bản xứ.
Tại Nhật Bản, mỗi doanh nghiệp có thể tự quyết định liệu có áp dụng hệ thống hai mức giá hay không. Nhưng ở những nước khác, không phải lúc nào cũng áp dụng giá như vậy, vì chính phủ có thể can thiệp.
Ở Venice, chính quyền Ý đã đưa ra một khoản kinh phí vào thành phố và thiết lập hệ thống đặt chỗ trực tuyến để giải quyết vấn đề quá đông du khách ngoại quốc.
Ngày 21/06, địa điểm nghỉ mát nổi tiếng Barcelona ở Tây Ban Nha, đã tuyên bố sẽ thu hồi tất cả những căn phòng dành cho du khách cho thuê. Khi lợi nhuận từ cho thuê du lịch ngày càng tăng, người dân địa phương tại nhiều nơi không thể mua nhà vì giá cả quá cao – điều này đã trở thành chủ đề được quan tâm khắp Âu Châu.