Cán cân quyền lực ‘thay đổi đáng kể’ khi Trung Cộng quân sự hóa các đảo ở Biển Đông
Theo các nhà phân tích an ninh, việc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông là một dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc muốn thống trị khu vực này và gửi một thông điệp đến phần còn lại của thế giới.
Mới đây, Chỉ huy Bộ Tư lệnh khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc John Aquilino tiết lộ rằng chính quyền Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất ba quần đảo đang bị tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Cộng tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn các tuyến đường thủy chiến lược đang bị một số quốc gia Đông Nam Á khác tranh chấp. Mặc dù yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh bị tòa án quốc tế bác bỏ, nhưng họ đã tìm cách khẳng định đòi hỏi của mình qua việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trong khu vực.
Theo ông James Fanell, cựu giám đốc phụ trách hoạt động tình báo và thông tin của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, sự khuếch trương này được ông Aquilino ghi nhận như “sự leo thang của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong mục tiêu chiến lược mở rộng chủ quyền trên Biển Đông.”
Ông cũng xem mục tiêu này là “yếu tố chủ chốt của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và ‘sự phục hưng vĩ đại’ được công bố rộng rãi của Trung Cộng” – một kế hoạch được các quan chức và nhà phân tích nhận định là sự hé lộ dự định thay thế Hoa Kỳ trở thành siêu cường duy nhất vào năm 2049 của Bắc Kinh.
Trung tá Hải quân Hoa Kỳ đã về hưu Kirk Lippold cũng đồng tình, và nói rằng thế giới đang chứng kiến sự đeo đuổi trường kỳ của Trung Cộng đối với việc thống trị khu vực này và cuối cùng là toàn cầu. Ông cho biết để đạt được mục tiêu, nhà cầm quyền này đang sử dụng một loạt “các công cụ quyền lực quốc gia” mà về bản chất thuộc các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, thông tin, và quân sự.
Trung Cộng muốn “đàm phán về vị thế của họ trên thế giới từ một thế thượng phong – thống trị kinh tế và thống trị quân sự,” ông Lippold nói.
Để đạt được mục tiêu đó, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường đánh cắp tài sản trí tuệ từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, để giúp gây dựng một nền kinh tế mà ông Lippold cho là “về căn bản đã khiến thế giới trở nên phụ thuộc vào họ cả về tài nguyên lẫn sản xuất.”
Cường quốc đang phát triển
Ông Lippold cho hay, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác của Liên Hiệp Quốc vẫn xem Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển, “Trung Quốc đã thao túng dư luận thế giới trong hai thập niên qua để khiến mọi người tin rằng họ vẫn là một quốc gia đang phát triển.”
Năm 2019, lần đầu tiên trong lịch sử, Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã đổ bộ thành công tàu vũ trụ robot lên “vùng tối” của mặt trăng. Và trong năm 2021, Trung Quốc đã thử nghiệm phương tiện lướt siêu thanh có khả năng mang hạt nhân, bay vòng quanh địa cầu trong không gian quỹ đạo thấp.
Ông Lippold cho rằng với những điều này, thật nực cười khi xem Trung Quốc là quốc gia đang phát triển khi họ có khả năng đưa tàu vũ trụ lên mặt trăng và thử nghiệm hỏa tiễn siêu thanh. Ông nói: “Đây là những điều mà các quốc gia thuộc thế giới thứ nhất làm, và quý vị phải có sức mạnh kinh tế để làm điều đó.”
Theo ông Lippold, chính quyền Trung Quốc rõ ràng đang có được sức mạnh kinh tế và quân sự để có thể bành trướng quyền lực tới Eo biển Đài Loan, lên Đài Loan, vào Biển Đông, và ra khắp nơi trên thế giới.
Ngăn chặn hành động của Bắc Kinh
Ước tính 60% thương mại hàng hải đi qua Á Châu, khoảng một phần ba số lượng đi qua Biển Đông (South China Sea), theo ước tính của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển. “Trung Cộng muốn có được khả năng can thiệp và kiểm soát luồng giao thông đó, vì họ biết rằng việc kiểm soát luồng kinh tế hàng hóa sẽ đưa họ tiến gần hơn đến việc trở thành một cường quốc thống trị thế giới,” ông Lippold nói.
Việc quân sự hóa các vùng đảo của chính quyền Trung Quốc là “một diễn biến rất nguy hiểm và Hoa Kỳ – quốc gia về căn bản đã im lặng trong vấn đề này – tốt hơn là hãy xem xét kỹ lưỡng và lâu dài, đồng thời hiểu rằng điều này không được phép dẫn đến việc xoay trục sang Trung Quốc,” ông nói thêm.
Ông nói rằng các hành động của Bắc Kinh phải bị ngăn chặn. “Nếu điều đó thúc đẩy sự đối đầu, thì có lẽ đó là điều sẽ phải xảy ra.”
Ông Lippold cho hay, “Chính quyền Trung Quốc không được phép ở vào vị thế sử dụng các đảo đó để bành trướng quyền lực theo cách đe dọa đến nền kinh tế, các đồng minh, và các hoạt động quân sự của chúng ta ở khu vực đó trên thế giới.”
Tăng cường hiện diện trên Biển Đông
Ông Fanell cho biết, suy cho cùng thì “việc quân sự hóa hoàn toàn các đảo nhân tạo bằng vũ khí phòng không và vũ khí chống hạm được thiết kế để khiến các nhà hoạch định chính sách an ninh quốc gia ở Hoa Thịnh Đốn xem xét lại việc bảo vệ Đài Loan thông qua Biển Đông.”
Ông Fanell nói, việc quân sự hóa Biển Đông của Trung Cộng thể hiện “sự thay đổi đáng kể trong cán cân quyền lực quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.”
“Điều này gây thêm áp lực lên Hoa Kỳ trong việc tăng cường sự hiện diện và khả năng quân sự của mình trong khu vực, cũng như tăng gấp đôi nỗ lực của mình trong việc thiết lập các kho dự trữ vũ khí và căn cứ ở các quốc gia đồng minh cùng chí hướng không muốn nằm dưới bàn tay độc tài của Trung Cộng.”
Ông Lippold tin rằng nếu ngày hôm nay xảy ra một “cuộc chiến tay đôi” với hải quân Trung Quốc vì vấn đề Đài Loan, thì Hoa Kỳ sẽ thắng thế.
Tuy nhiên, ông lo ngại về việc Trung Cộng tăng số lượng các tàu hải quân. Theo một báo cáo hồi tháng Ba của Vụ Khảo cứu Quốc hội, Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) có lực lượng chiến đấu khoảng 355 tàu, vượt qua Hải quân Hoa Kỳ về số lượng. Báo cáo cho biết lực lượng chiến đấu của PLAN dự kiến sẽ tăng lên 420 tàu vào năm 2025 và 460 tàu vào năm 2030.
Ông Lippold nói, “Khi lượng khí giới này được đưa ra biển, họ sẽ bắt đầu là một thách thức, nếu không muốn nói họ hoàn toàn là địch thủ của Hải quân Hoa Kỳ.”
Mỗi khi họ đưa một tàu mới ra biển và tiến hành các bài tập huấn luyện khác nhau kể từ ngày này trở đi, ông nói, “họ đang tích lũy kinh nghiệm hoạt động trên biển và mài dũa lưỡi gươm.”