CẦN PHẢI BIẾT SỬ NƯỚC NHÀ
Không nói đến hạng người ít học và không học, ngay như phần đông hạng người có học cũng không biết rõ lịch sử nước nhà là thế nào, đầu đuôi ra làm sao ? Họa chăng họ còn phảng phất trong trí những tên: Phù Đông Thiện Vương, Trần Hưng Đạo, Trưng-Trắc, Trưng Nhị, Lê Lợi, Tây Sơn, Gia-Long v.v, là những tên mà họ cần phải nhớ, khi còn chà đũng quần trên ghế nhà trường, cho khỏi bị phạt. Mỉa-mai hơn nữa là họ thạo vanh vách lịch sử các nước khác: Charlemagne sanh ngày nào, dòng Bourbon, dòng Hohenzollern có mấy người đặng làm vua, Louis XVI và Marie – Antoinette lên đoạn đầu đài ngày nào, vì sao Napoleon thất trận Moscow V…V…họ đều biết rành-rẻ.
Nói thế, không phải tôi ngụ ý trách hạng người đó, hoặc bảo là không cần hay không nên biết lịch sử của các nước khác, nhứt là lịch sử nước Pháp, nước bảo | hộ ta đâu.
Thông hiểu lịch sử nước ngoài mà lại không biết chính mình cũng có một lịch sử vẻ vang, thì thật nông nổi quá ! Đành rằng sự biết rõ lịch sử các nước ấy có
thể giúp ta được rộng kiến văn và thêm hiểu biết, nhưng quá chuộng của người,
trở lại làm ngơ hoặc khinh khi của mình, thì có phần eo hẹp một chút,
Ta về ta tắm ao nhà,
Dù trong, dù đục cũng là ao ta.
Lấy công tâm mà phản xét, thì lịch-sử Việt-Nam, so với lịch sử của bất cứ nước nào, không kém phần vinh diệu. Trải mấy ngàn năm từ ngày lập quốc, dân tộc Việt-Nam đã bao phen toàn thắng khi cần phải phấn đấu với nước Tàu đặng gìn giữ tự do và đất nước. Nhiều tay anh hùng lỗi lạc đã xoay trở thời thế, mở
mang cõi bờ, có thua gì anh hùng của nước khác ? Những vị anh hùng đó không đáng cho ta quan tâm đến sao ? Không đủ cho ta sủng bái sao ?
Ai đã có đọc sử Việt Nam, đọc với một tấm lòng ngay thật, không thiên vị, đọc với một trí phán xét sáng suốt, không thành kiến, chắc cũng nhận thấy, như tôi, những vẻ-vang, những cao quí của các bực ảnh hùng nước ta thuở trước.
?
Sử còn là một nguồn sinh lực cho tinh thần quốc gia.
Những cảnh loạn lạc, lầm than của nhân dân gặp khi quốc biến nhắc ta nhớ rằng quanh mình ta còn có đồng bào, chủng tộc.
Những nỗi vì nước đau lòng của người xưa nhắc ta không nên thờ ơ, lãnh đạm với các biến cố xảy ra trong nước.
Những điều người Nguyên ép buộc, bất công, những cuộc nhà Minh xâm lấn, chiếm đoạt đều là những chén thuốc mạnh thêm hăng hái, phấn khởi cho lòng yêu quí Trần, Lê.
Nhà sử học đã viết sử với một tấm lòng vô tư cứng cỏi, thì những cái hay cũng như những cái dở đều đặng ghi chép lại rành rành. Những cái hay giúp ích cho tinh thần quốc gia bao nhiêu thì những cái dở cũng hữu ích bấy nhiêu ; vì, khi đọc sử, ta đã thấy cái dở của người xưa có nguy hại đến nước nhà thể nào rồi, nhơn đó, trên con đường ta đang đi, ta sẽ rán tránh đừng tái phạm những cái dở ấy nữa.
Có đọc sử mới thấy rõ rằng tinh thần quốc gia Việt Nam, trải mấy ngàn năm, không bao giờ chết !
Có đọc sử mới thấy rõ công khó nhọc của tổ tiên gây dựng nước nhà, gìn giữ giang san, mở mang bờ cõi là lớn lao đến thế nào!
Có đọc sử mới thấy rõ những chiến công oanh liệt, những hành động hiên ngang của các vị anh hùng xưa, đáng quí, đáng trọng, đáng tôn sùng là thế nào ?
Thấy rõ mấy điều ấy rồi, người đọc sử sẽ giật mình như tỉnh một giấc mê ly, như ra khỏi nơi u ám. Rồi, trước mắt người đọc, sán lạn, rực rỡ hiện ra con đường vinh quang của lịch sử Việt Nam dài dằng dặc.
Thông hiểu sử nước nhà, ngoài sự khỏi hổ với ta và với kẻ khác, còn đặng thêm mạnh mẽ cho tinh thần quốc gia, thêm chắc chắn cho lòng sùng bái anh hùng của đất nước.
Muốn thiệt dạ yêu nước, cần phải hiểu biết lịch-sử nước nhà.
KHUÔNG VIỆT