Cẩn trọng với 6 thói quen dễ dẫn đến ly hôn
Trong thế giới tràn ngập công nghệ ngày nay, khi nhịp sống diễn ra ngày càng hối hả thì trạng thái căng thẳng là không thể tránh khỏi. Có một điều quan trọng cần nhớ là hãy dành thời gian để xây dựng kết nối với những người đặc biệt trong cuộc sống của chúng ta, nhất là với người bạn đời. Do đó, bài viết này lưu ý 6 thói quen có thể dẫn đến sự đổ vỡ trong gia đình, đồng thời cũng đưa ra các gợi ý để ngăn chúng vượt quá tầm kiểm soát.
Không giải quyết các mâu thuẫn
Tình huống này có thể xảy với tất cả chúng ta: Bạn tranh luận với vợ hoặc chồng của mình, rồi mọi chuyện bắt đầu trở nên tồi tệ; cả hai người dường như quá nóng giận và bực tức bỏ đi. Xung đột như vậy là kết thúc, có thực vậy không? Các cuộc tranh luận kết thúc trong trạng thái xấu như vậy sẽ chẳng khác một vết thương từ từ mưng mủ, và biến những cảm giác giận dỗi, bất đồng ban đầu thành cay đắng.
Tình trạng đó có thể kéo dài nếu không ai trong hai người loại bỏ những cảm xúc tiêu cực về đối phương và bù đắp những tổn thương. Dĩ nhiên, chúng ta đều cần thời gian để bình tĩnh trở lại, và xem xét các ý niệm của bản thân để có thể diễn tả các cảm xúc của mình thành lời một cách tốt hơn. Điều này nhằm bảo đảm vợ hoặc chồng bạn hiểu rằng bạn quan tâm và coi trọng họ nhiều như thế nào, ngay cả khi hai người không có chung tiếng nói.
Quá coi trọng quan điểm cá nhân
Mặc dù tất cả chúng ta đều có quan điểm riêng về cách mọi thứ “nên diễn ra”, nhưng trong một số trường hợp, ý kiến của chúng ta không mấy phù hợp với người thân của mình. Trừ khi đối phương là bản sao của chính bạn (xét theo nghĩa bóng), bất đồng quan điểm sẽ xảy ra dù sớm hay muộn.
Điều này không hẳn là xấu, vì chúng ta có thể rút ra bài học về cách người khác nhìn nhận vấn đề, thậm chí nó sẽ giúp mở rộng sự hiểu biết của chúng ta khi sẵn lòng đón nhận các ý kiến khác nhau, thậm chí là hoàn toàn đối lập. Khi chúng ta quá coi trọng quan điểm cá nhân đến mức đặt cái tôi lên trên những mối quan hệ, các vấn đề rắc rối sẽ nảy sinh.
Đôi lúc, thật tốt nếu bạn có thể lùi lại một chút để suy xét có nên nói điều gì đó hay không. Nếu bạn cảm thấy rằng đặt nặng vấn đề có hại hơn là có lợi, thì tốt hơn hết bạn nên dừng cuộc tranh luận lại.
Chỉ chú trọng vào khuyết điểm của đối phương
Khi bạn đã yêu ai đó, rất có thể bạn không để ý đến những khiếm khuyết của họ lúc bạn quyết định kết hôn. Bạn đã rất yêu họ vào thời điểm đó và họ dường như thật “hoàn hảo”.
Giờ đây, khi giai đoạn trăng mật qua đi, bạn bắt đầu chú ý đến một số vấn đề về người bạn đời của mình; họ không thật sự hoàn mỹ. Vào những lúc như vậy, bạn hãy nhắc nhở bản thân mình nhớ lại những điều ban đầu khiến bạn muốn đồng hành cùng họ suốt cuộc đời. Nó có thể là những điều rất giản đơn như sự chân thành trong nụ cười, hay là khiếu hài hước của họ.
Chú tâm nhiều hơn vào những điều tốt đẹp để thấy những khuyết điểm không thực sự to tát, như câu nói “không ai hoàn hảo”. Biết trân trọng những ưu điểm của người bạn đời hơn một chút sẽ khiến con đường song hành của hai bạn dài lâu.
Phụ thuộc vào công nghệ
Với khả năng kết nối mọi người trên toàn thế giới của Internet, cùng với việc ra đời của điện thoại thông minh, mọi thứ từ email, mạng xã hội, cho đến những hoạt động giải trí thông thường như xem video, chơi trò chơi… đều rất dễ dàng đối với con người ngày nay. Tuy nhiên, càng dành nhiều thời gian trên điện thoại, bạn sẽ càng có ít thời gian tương tác trực tiếp với mọi người xung quanh.
Đừng để điện thoại thế chỗ của người thân, hoặc cho phép nó là lý do khiến bạn bỏ quên gia đình. Dù sao thì bạn có thể tạm dừng những việc đang làm trên điện thoại hoặc tiếp tục sau đó, nhưng bạn sẽ không lấy lại được quãng thời gian ở bên những người bạn yêu thương khi đã đánh mất nó.
Xem bạn đời là hiển nhiên
Hãy nhớ tới những lần vợ hoặc chồng của bạn dành cho bạn một điều gì đó tuyệt vời mà bạn không hề được báo trước, điều đó có khiến bạn hạnh phúc? Phải chăng những điều tương tự như vậy đã trở nên quá đỗi bình thường và nhàm chán?
Sẽ như thế nào nếu hết thảy những điều nhỏ nhặt mà họ vẫn thường làm cho bạn không còn nữa? Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta dần quen thuộc với những gì lặp đi lặp lại trong một quãng thời gian dài, nhưng việc này không đồng nghĩa là làm giảm giá trị của những điều dành cho nhau. Hãy luôn trân trọng quãng thời gian ở cạnh người đặc biệt với bạn, và đừng bao giờ xem đó là một điều đương nhiên.
Không dành thời gian cho nhau
Nếu bạn bận rộn trong một môi trường công việc có nhiều áp lực, bạn sẽ trở về nhà trong tình trạng kiệt sức và ngay sau đó bạn lại muốn hòa mình vào nhịp sống của thế giới. Đáng buồn là, điều này khiến bạn có ít thời gian dành cho vợ hoặc chồng mình.
Một tuần cứ như vậy mà trôi qua trước khi bạn kịp nhận ra điều đó, và hai người dường như không thể chia sẻ điều gì với nhau. Dù cuộc sống có bận rộn nhường nào, điều quan trọng là hãy kết nối với vợ hoặc chồng mình. Thậm chí sẽ tốt hơn nếu hai bạn có thể hỗ trợ lẫn nhau hoặc làm một điều gì đó vui vẻ cùng nhau, như một cách để duy trì mối quan hệ và thư giãn sau một ngày dài làm việc.
Những xung đột sẽ thường xuyên xảy ra trong cuộc sống, nhưng khi chúng ta dành thời gian để thể hiện lòng biết ơn, sự trân trọng và nghĩ cho nhau, mối quan hệ vợ chồng cũng như sự bền vững của gia đình – một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất của xã hội – sẽ trường tồn.