Canada đã gửi virus Nipah đến Vũ Hán; phòng thí nghiệm tiến hành ‘nghiên cứu nguy hiểm nhất’ trên Nipah
OMID GHOREISHI
Gần đây, một nhà khoa học Mỹ đã làm chứng trong một phiên điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ rằng nghiên cứu của ông cung cấp bằng chứng cho thấy Viện Virus học Vũ Hán đã tiến hành nghiên cứu sinh học tổng hợp trên virus gây tử vong Nipah. Một số nhà khoa học đang bày tỏ lo ngại về việc Canada gửi virus Nipah và Ebola đến một phòng thí nghiệm có khả năng thực hiện nghiên cứu như vậy.
“Virus Nipah là một loại virus nhỏ hơn SARS2 [virus gây ra COVID-19] và khả năng lây nhiễm thấp hơn nhiều. Nhưng nó là một trong những loại virus nguy hiểm nhất, với khả năng gây tử vong lên tới 60%. Virus này gây tử vong gấp 60 lần so với SARS2,” Tiến sĩ Steven Quay, một bác sĩ kiêm khoa học gia ở Seattle, nói với một tiểu ban của Thượng viện tại một phiên điều trần hôm 03/08.
Ông Quay, người trước đây từng là giảng viên Trường Y của Đại học Stanford trong khoảng một thập niên, cho biết thêm rằng nghiên cứu về Nipah tại phòng thí nghiệm Vũ Hán không được tiến hành tại các cơ sở an toàn sinh học cấp 4 (BSL-4), nơi có mức độ an toàn sinh học cao nhất, mà là tại các cơ sở BSL-2 hoặc BSL-3 với các quy trình an toàn thấp hơn.
“Đây là nghiên cứu nguy hiểm nhất mà tôi từng gặp,” ông nói.
Trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Quay cho biết các thỏa thuận quốc tế đã cấm sinh học tổng hợp trên một số loại virus gây tử vong như Nipah và Ebola. Sinh học tổng hợp liên quan đến việc tạo ra hoặc thiết kế lại các thực thể và hệ thống sinh học. Một ví dụ về sinh học tổng hợp là nghiên cứu tăng chức năng (GoF), liên quan đến việc tăng mức độ gây tử vong hoặc khả năng lây truyền của mầm bệnh.
Phòng thí nghiệm Vi sinh vật Quốc gia Canada (NML) ở Winnipeg đã vận chuyển các mẫu virus Nipah và Ebola đến Viện Virus học Vũ Hán (WIV) vào tháng 03/2019 sau khi nhận được một yêu cầu từ phòng thí nghiệm Trung Quốc này. Chuyến hàng đó đã được sắp xếp bởi nhà khoa học người Trung Quốc Khâu Hương Quả (Xiangguo Qiu), người làm việc tại NML vào thời điểm đó, với sự cho phép của cấp trên. Bà Khâu và chồng bà, ông Thành Khắc Định (Keding Cheng), là đối tượng của một cuộc đột kích của RCMP (Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada) tại phòng thí nghiệm này vào tháng 07/2019 và sau đó đã bị sa thải vì lý do không được tiết lộ.
Ông Quay cho biết nghiên cứu của ông dựa trên việc khảo sát thông tin từ các bệnh nhân COVID-19 ban đầu mà Trung Quốc đã tải lên cơ sở dữ liệu quốc tế và việc tìm thấy “20 chất gây ô nhiễm không mong đợi” được tìm thấy trong các mẫu xét nghiệm của con người – gồm cả virus Nipah và các chất khác như các gene của cây kim ngân (honeysuckle). Ông cho biết có vẻ như những thứ chứa trong những mẫu xét nghiệm này là do nhiễm chéo từ các nghiên cứu khác tại WIV.
Ông Quay cho rằng ngoại trừ virus Nipah, 19 chất khác mà ông và các cộng sự phát hiện “không nên có ở người” đã được WIV công bố trên các bài báo khoa học, cùng với lời giải thích từ viện này, chẳng hạn như, công việc họ đang làm với gene của cây kim ngân hoặc virus của ngựa.
“Vì vậy, 19 phát hiện của chúng tôi đã được chứng thực rằng chúng tôi đang kiểm tra chính xác những gì đã diễn ra trong phòng thí nghiệm này vào hai năm trước đó. Nhưng có một điều họ không công bố là công trình về virus Nipah này. Không có ấn phẩm nào về điều đó,” ông cho hay.
Ông Quay cho biết chủng virus Nipah mà họ tìm thấy không giống với chủng virus mà Canada đã gửi cho WIV.
Tiến sĩ Joe Wang, người trước đây đã dẫn đầu chương trình phát triển vaccine phòng bệnh SARS ở Canada với một trong những công ty dược phẩm hàng đầu thế giới, cho biết việc Canada gửi các mẫu virus đến một phòng thí nghiệm đang tham gia vào nghiên cứu như vậy là đáng lo ngại.
“Tệ nhất là WIV có thể sử dụng các mẫu mà Canada gửi cho các mục đích so sánh với nghiên cứu sinh học tổng hợp trên chủng Nipah khác,” ông Wang, hiện là chủ tịch của NTD Television Canada, một hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, cho biết.
Ông Bernard Massie, một nhà nghiên cứu virus học đã về hưu từ Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada trong tư cách quyền giám đốc, cho biết ông sẽ “suy nghĩ kỹ” trước khi gửi các mẫu virus gây tử vong đến WIV. Ông nói thêm rằng với công nghệ ngày nay, các phòng thí nghiệm cũng có thể tạo ra các chuỗi virus của riêng họ nhưng điều đó cần nhiều công sức hơn.
“Phân lập virus chắc chắn là nhanh hơn nhiều so với việc mỗi lần phải tạo ra nó. Việc đó thuận tiện hơn,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn.
The Epoch Times đã liên lạc với Cơ quan Y tế Công cộng Canada (PHAC), cơ quan phụ trách NML, nhưng không nhận được phản hồi vào thời điểm phát hành bài báo này.
Các tài liệu NML nội bộ do Nghị viện công bố cho thấy khi một người quản lý NML hỏi vì sao phòng thí nghiệm này lại được WIV yêu cầu các mẫu virus, một nhân viên đã cho biết trước đây việc lấy tài liệu từ NML dễ dàng hơn là lấy từ các phòng thí nghiệm của Hoa Kỳ, và các phòng thí nghiệm gần đó không có khả năng gửi các mẫu như vậy.
Trong một cuộc họp của ủy ban nghị viện Canada vào tháng 03/2021, các nghị sĩ đã chất vấn ban lãnh đạo cao cấp của NML về lý do phòng thí nghiệm này lại cho phép vận chuyển virus Nipah và Ebola cho WIV.
Quyền giám đốc khoa học của NML, ông Guillaume Poliquin, nói với các nghị sĩ rằng phòng thí nghiệm chỉ gửi các mẫu đến WIV sau khi nhận được bảo đảm rằng sẽ không có nghiên cứu GoF nào.
Nghị sĩ Đảng Bảo Thủ John Williamson đáp lại rằng không thể tin những lời của một phòng thí nghiệm do nhà nước điều hành ở Trung Quốc, vì chế độ Trung Quốc “có một lịch sử đánh cắp và dối trá”.
NML
Trước khi bị sa thải khỏi NML, bà Khâu đã nhiều lần đến WIV, giúp đào tạo nhân viên tại phòng thí nghiệm về an toàn sinh học cấp độ 4.
Bà Khâu cũng hợp tác và xuất bản các bài báo với các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc, bao gồm cả Thiếu tướng Quân Giải phóng Nhân dân Trần Vi (Chen Wei).
Bà Khâu và chồng của bà, ông Thành, cùng với một nhóm sinh viên Trung Quốc, đã bị áp giải khỏi NML vào tháng 07/2019 giữa một cuộc điều tra của cảnh sát. Cả hai đã chính thức bị sa thải tại phòng thí nghiệm hồi tháng 01/2021.
Chính phủ liên bang Canada đã từ chối cung cấp chi tiết lý do vì sao bà Khâu và ông Thành bị sa thải, với lý do lo ngại về quyền riêng tư và an ninh quốc gia. Điều này đã bị thách thức bởi các đảng đối lập; các nghị sĩ tại Hạ viện đã ban hành một lệnh tại Nghị viện trước đó yêu cầu chính phủ tiết lộ thông tin.
Chính phủ đã đưa Chủ tịch Hạ viện ra tòa để tìm cách giữ lại các tài liệu này, và sau đó hủy bỏ vụ kiện khi một cuộc bầu cử được ấn định tháng 08/2021 và Nghị viện đã bị giải tán.