Canada: Hơn 70% nông dân nói rằng việc ép buộc cắt giảm phân bón sẽ làm thiếu lương thực
PETER WILSON
Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy, 72% nông dân nói rằng kế hoạch của chính phủ tự do thiên tả nhằm giảm lượng phát thải phân bón xuống 30% sẽ khiến năng suất cây trồng và sản lượng lương thực của họ suy giảm.
Những người nông dân đã được thăm dò ý kiến trong một nghiên cứu do Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Canada (CFIB) thực hiện và được công bố hồi tháng 06/2022.
Cô Taylor Brown, một nhà phân tích chính sách của CFIB đóng góp cho nghiên cứu này, đã khảo sát xem nông dân Canada nghĩ gì về kế hoạch giảm phát thải – vốn cũng kêu gọi cắt giảm phân bón quy mô lớn – được chính phủ Thủ tướng Trudeau đưa ra vào năm 2020.
Làm việc với Phó Chủ tịch đặc trách Các vấn đề Quốc gia Jasmin Guénette của CFIB, cô Brown nhận thấy gần ¾ trong số 361 nông dân được khảo sát, cũng là thành viên của CFIB, nói rằng việc bắt buộc giảm lượng khí thải nitrogen sẽ làm giảm cả năng suất cây trồng lẫn sản lượng lương thực nói chung.
“Các thành viên của chúng tôi đang lo lắng,” cô Brown nói với The Epoch Times.
“Họ biết rằng việc giảm phân bón theo bất kỳ kiểu nào cũng sẽ làm giảm lợi nhuận, giảm năng suất của họ, và hiện họ đang phải đối mặt với chi phí gia tăng và tình trạng thiếu lao động.”
Cô Brown nói rằng thuế quan áp lên Nga đã làm cho phân bón “vô cùng đắt đỏ ngay lúc này” và bất kỳ chính sách nào bắt buộc giảm phân bón sẽ làm tăng thêm giá.
“Một số nông dân đang tự hỏi họ sẽ làm thế nào để tiếp tục cung cấp lương thực cho người dân Canada cũng như thế giới đây,” cô nói.
Qua báo cáo của cô Brown và cô Guénette, CFIB – một tổ chức vận động kinh doanh bất vụ lợi – đã kêu gọi chính phủ Canada làm lại kế hoạch giảm phát thải trong tương lai sao cho phù hợp với sinh kế của nông dân Canada.
Báo cáo cho biết, “Trong kế hoạch môi trường của Canada, nông dân có thể là một phần của giải pháp, chứ không phải là vấn đề.”
‘Cảnh báo đỏ’
Trong kế hoạch khí hậu có tên “Một Môi Trường Lành Mạnh và một Nền Kinh Tế Lành Mạnh” (A Healthy Environment and a Healthy Economy), chính phủ liên bang cho biết họ đặt mục tiêu giảm 30% lượng phát thải quốc gia từ phân bón xuống “dưới mức năm 2020”.
Chính phủ cũng cho biết “lượng phát thải trực tiếp” từ việc sử dụng phân bón tổng hợp đã tăng 60% trong 15 năm qua và “dự kiến sẽ tiếp tục tăng”.
“Cải thiện cách sử dụng phân bón thông qua các sản phẩm và tập quán tốt hơn sẽ tiết kiệm tiền bạc và thời gian cho nông dân, đồng thời giúp bảo vệ đất đai và nước của Canada,” bản kế hoạch khí hậu viết.
Bộ Nông Lương Canada (AAFC) nói với The Epoch Times trong một email rằng lượng khí thải phân bón của năm 2020 tương đương với “11.82 triệu tấn carbon dioxide”.
AAFC cho biết: “Mục tiêu giảm phân bón được thiết lập dựa trên nghiên cứu khoa học có sẵn và phân tích nội bộ – cho thấy tiềm năng tối ưu hóa việc sử dụng phân bón nitrogen đi kèm với việc giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời duy trì hoặc tăng năng suất”.
Mục tiêu giảm phát thải 30% hiện là tùy chọn, nhưng kế hoạch khí hậu được đề xướng – nếu được thông qua – sẽ yêu cầu người dân Canada từng vùng duyên hải điều chỉnh thói quen của họ để đạt được mục tiêu.
“Đó là một cảnh báo đỏ khác cho chúng tôi,” cô Brown nói. “Bất kỳ loại sáng kiến bao quát, sâu rộng nào đều đáng được quan tâm.”
Cô Brown chỉ ra rằng “lượng phát thải nitrous oxide rất khác nhau” giữa các tỉnh bang và cho rằng quy định giảm lượng phát thải như nhau trên toàn quốc của liên bang sẽ không giải quyết được vấn đề một cách hợp lý.
“Ở miền tây, như chúng ta biết – đó là một khu vực có năng suất nông nghiệp lớn – chúng tôi thực sự thấy rằng, trên mỗi mẫu Anh, họ không thải ra nhiều khí thải nitrous oxide như vậy,” cô Brown nói. “Tuy nhiên, ở miền đông, thực tế hoàn toàn khác. Vì vậy, chúng tôi muốn có một sáng kiến tốt hơn, ít trải rộng hơn trong tương lai.”
CFIB báo cáo rằng hơn một nửa số doanh nghiệp và nông dân được khảo sát nói rằng việc cắt giảm phát thải bắt buộc sẽ làm tổn hại đến lợi nhuận của công việc kinh doanh nông nghiệp của họ. Hơn 40% nông dân cho biết họ vốn dĩ đã giảm tỷ lệ phát thải và việc giảm tiếp nữa sẽ rất “khó khăn” bởi vì họ đã hạn chế sử dụng phân đạm rồi.
“Gần một nửa số thành viên của chúng tôi nói rằng họ đã tối ưu hóa việc sử dụng phân bón nitơ,” cô cho biết thêm. “Và họ đã làm được điều này bằng cách canh tác bảo tồn, thử nghiệm đất, luân canh các loại cây trồng cố định ,và sử dụng quy trình quản lý chất dinh dưỡng 4-R (đúng nguồn, đúng tỷ lệ, đúng lúc, và đúng nơi).”
Cô nói rằng nông dân đã tìm ra những phương pháp mới để giảm lượng khí thải nitrogen trong 15 năm qua, và quy định này của chính phủ khiến nhiều nông dân lo lắng – đặc biệt là trước các cuộc biểu tình lan rộng của nông dân ở Âu Châu để phản ứng lại các chính sách tương tự được ban hành trong khu vực.
“Chúng ta đang chứng kiến các mục tiêu phát thải nghiêm ngặt ở Âu Châu và quý vị có thể thấy nông dân Hà Lan biểu tình vì họ biết rằng hoa lợi của họ sẽ hoàn toàn không đáng kể,” cô Brown cho biết. “Nông dân Canada lo ngại – khi chứng kiến những gì đang xảy ra ở Âu Châu – rằng điều đó có thể chuyển thành những gì sắp xảy ra với sáng kiến này.”
‘Chi phí sẽ chỉ tiếp tục tăng’
Cô Brown cho biết người dân Canada vốn dựa vào sản lượng vụ mùa ổn định cho các kệ hàng thực phẩm cũng sẽ cảm thấy tác động của việc giảm phát thải phân bón nếu điều này trở thành bắt buộc.
“Người tiêu dùng chắc chắn sẽ nhìn thấy điều đó ảnh hưởng đến túi tiền của họ,” cô nói. “Bởi vì khi sản phẩm ít hơn, trong khi nhu cầu thì vẫn vậy, thì chi phí sẽ chỉ tiếp tục tăng.”
Cô Brown nói rằng tỷ lệ lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu lao động, và các vấn đề chuỗi cung ứng đã gây thiệt hại đủ lớn cho nền kinh tế Canada, và các sáng kiến môi trường mới sẽ chỉ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn cho người tiêu dùng Canada.
“Bản thân tôi đã trả hơn 5 dollar cho một củ khoai lang vào ngày hôm trước,” cô cho biết. “Thành thật mà nói, thật đáng báo động. Quý vị phải nghĩ đến những người không đủ khả năng [mua thực phẩm tươi]; họ sẽ đi đến những nơi bán thức ăn nhanh và mua một số thức ăn đó, thay vì có một bữa ăn bổ dưỡng tại nhà từ những nông dân địa phương.”
Cô Brown cũng cho biết CFIB đang tập trung vào việc kêu gọi chính phủ duy trì mục tiêu giảm phát thải một cách tự nguyện vì cả người nông dân và người tiêu dùng đều gặp bất lợi.
“Chúng tôi đã được các đối tác liên bang của chúng tôi trấn an rằng hy vọng nằm ở việc duy trì điều này một cách tự nguyện và họ đang tập trung vào phát thải chứ không phải thực sự giảm phân đạm một cách cứng nhắc,” cô nói.
“Tuy nhiên, cần phải lưu tâm rằng nếu nông dân buộc phải giảm sử dụng phân đạm, thì năng suất sẽ giảm, cũng đồng nghĩa với thực tế là chi phí tiêu dùng và cả chi phí kinh doanh nói chung của nông dân sẽ cao hơn.”