Căng thẳng Ukraine–Ba Lan gia tăng vì cạnh tranh nông sản không công bằng
Ella Kietlinska
Tranh chấp giữa Ukraine và Ba Lan về nhập cảng nông sản giá rẻ từ Ukraine leo thang khi nông dân Ba Lan chặn các cửa biên giới vào Ba Lan để phản đối sự cạnh tranh không công bằng và các biện pháp biến đổi khí hậu của EU mà cả hai điều này đều đe dọa đến sinh kế của họ.
Nông dân Ba Lan đã gia tăng biểu tình trong tuần lễ từ 19 đến 25/02 bằng cách chặn gần như toàn bộ giao thông với Ukraine.
Hôm 23/02, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với các phóng viên rằng số ngũ cốc của Ukraine – mà hiện đang bị nông dân Ba Lan đang phản đối các chính sách của EU chặn ở biên giới – là không “dành cho thị trường Ba Lan”.
Ông Zelensky nói trong một buổi họp báo ở Lviv, Ukraine, “rằng ngũ cốc của Ukraine không đi đến thị trường Ba Lan. … Chúng tôi đang sẵn sàng và sẽ làm mọi thứ để giải quyết vấn đề này,” theo một tuyên bố.
Theo một tuyên bố hôm 22/02, ông Zelensky đã chỉ thị chính phủ Ukraine đến biên giới Ukraine–Ba Lan trước ngày 24/02.
Ông cũng yêu cầu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, và các quan chức Liên minh Âu Châu đến biên giới để thảo luận về các cuộc biểu tình của nông dân. Ông Zelensky nói thêm rằng ông cũng sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán.
Hôm 22/02, ông Tusk cho biết chính phủ Ba Lan và Ukraine sẽ gặp nhau tại Warsaw vào ngày 28/03, bày tỏ hy vọng rằng đến lúc đó, các cuộc đàm phán theo quy tắc đang diễn ra ở cấp bộ trưởng sẽ dẫn đến một cuộc họp đạt kết quả, nhưng ông không chấp nhận yêu cầu của ông Zelensky về cuộc đàm phán khẩn cấp trong tuần này.
Nông dân trên khắp châu Âu đã và đang biểu tình phản đối những hạn chế do các biện pháp của Liên minh Âu Châu đặt ra để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như sự cạnh tranh không công bằng, đặc biệt là từ phía Ukraine sau khi EU miễn thuế cho thực phẩm Ukraine nhập cảng để giúp Ukraine sau khi bị Nga xâm lược.
Các cuộc biểu tình của nông dân Ba Lan
Các cuộc biểu tình của nông dân Ba Lan đã làm dấy lên sự giận dữ ở nước láng giềng Ukraine hôm 20/02, và Kyiv đã kêu gọi Ủy ban Âu Châu có hành động mạnh mẽ sau khi những người biểu tình phong tỏa biên giới và mở cửa toa xe lửa để ngũ cốc tràn ra ngoài.
Reuters đưa tin đoạn phim trên truyền hình cho thấy những người biểu tình mở cửa toa xe lửa để ngũ cốc đổ xuống đường rầy tại cửa biên giới Medyka ở Ba Lan.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solskyi cho biết ngũ cốc đó được chuyển đến Đức chứ không vào thị trường Ba Lan.
Ông Adrian Wawrzyniak – phát ngôn viên của nghiệp đoàn nông dân Đoàn kết (Solidarity) – nói trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Ba Lan Wnet.fm rằng việc những người nông dân đổ ngũ cốc được vận chuyển bằng đường sắt qua biên giới cho thấy số ngũ cốc đó không thực sự được vận chuyển sang các nước khác, vì số ngũ cốc này đã được chất lên lại và gửi đến những người nhận hàng nội địa.
Warsaw vẫn luôn ủng hộ Kyiv một cách trung thành trong cuộc chiến đẩy lùi cuộc xâm lược toàn diện mà Nga phát động hồi năm 2022, nhưng các cuộc phản đối của nông dân về cạnh tranh không công bằng đã tạo thêm sức ép cho mối bang giao vốn đã căng thẳng sau khi các tài xế xe tải chặn các cửa biên giới khoảng hồi đầu năm.
Cuộc biểu tình hôm 20/02 của nông dân đánh dấu sự leo thang từ các cuộc biểu tình trước đó, với việc gần như toàn bộ tất cả các cửa biên giới với Ukraine bị phong tỏa và các cảng cũng như đường sá trên toàn quốc bị gián đoạn.
Trong tuyên bố hôm 19/02 của mình, ông Zelensky chỉ trích các cuộc biểu tình của nông dân Ba Lan.
Ông nói: “Gần Kupiansk, sát biên giới Nga, nơi pháo binh của kẻ thù không ngừng nghỉ, tin tức từ biên giới với Ba Lan dường như hoàn toàn mang tính chế nhạo.”
Theo ông Zelensky, Ukraine xuất cảng chỉ 5% ngũ cốc qua biên giới Ba Lan. Ông nói: “Vì vậy, trên thực tế, đây không phải là vấn đề về ngũ cốc, mà là về chính trị.”
Lập trường của chính phủ Ba Lan
Ông Tusk đã nêu ra trong cuộc họp báo hôm 22/02 rằng viện trợ quân sự, nhân đạo, và y tế để giúp Ukraine chống lại cuộc tấn công của Nga là không thể nghi ngờ và là “không thể thương lượng”.
Ông Tusk cho biết, để bảo đảm rằng sự viện trợ này sẽ đến Ukraine không chậm trễ, Ba Lan sẽ đưa các cửa biên giới với Ukraine và một số đoạn đường bộ và đường sắt vào danh sách cơ sở hạ tầng quan trọng.
Theo một tuyên bố, nghiệp đoàn nông dân Đoàn kết vốn đã tổ chức và điều phối các cuộc biểu tình của nông dân đã phủ nhận rằng những người biểu tình đang cản trở các chuyến hàng quân sự và nhân đạo qua biên giới Ba Lan–Ukraina.
“Chúng tôi tuyên bố chắc chắn rằng viện trợ nhân đạo, viện trợ quân sự, và các xe ARD [các xe chở hàng nguy hiểm] được phép đi qua tất cả các khu vực phong tỏa một cách liên tục, mà không phải xếp hàng chờ đợi, và chúng tôi không biết về bất kỳ trường hợp vận chuyển nào như vậy bị chặn,” chủ tịch nghiệp đoàn Tomasz Obszański cho biết trong tuyên bố này.
Ông Wawrzyniak nói với đài phát thanh Wnet.fm rằng hành động này của chính phủ có thể dẫn đến việc ngăn chặn các cuộc biểu tình của nông dân ở biên giới. Ông cũng cho biết nghiệp đoàn này dự định chuyển các cuộc biểu tình đến Warsaw – thủ đô của Ba Lan – hy vọng rằng nông dân sẽ biểu tình hiệu quả hơn ở đó.
Ông Tusk nêu thêm: “Vấn đề thứ hai là làm thế nào để bảo vệ nông dân Ba Lan và thị trường Ba Lan trước những tác động tiêu cực của tự do hóa thương mại – tức là, mở cửa biên giới cho giao thương miễn thuế nông sản.”
Ông nói rằng chính phủ Ba Lan sẽ tìm kiếm các giải pháp bảo vệ nông dân Ba Lan, sử dụng cả các biện pháp quốc gia và tiếp tục đàm phán với Ukraine và châu Âu để bù đắp nhiều nhất có thể những hậu quả tiêu cực của việc tự do mậu dịch với Ukraine.
EU phản ứng thế nào trước các cuộc biểu tình của nông dân
Theo một tuyên bố, ông Norbert Lins – Thành viên Nghị viện Âu Châu (MEP) và chủ tịch ủy ban nghị viện về nông nghiệp – đã đề xướng các hành động tức thì mà Ủy ban Âu Châu, cơ quan điều hành EU, phải thực hiện để giải quyết những khó khăn của nông dân Âu Châu.
Tuyên bố cho biết hôm 20/02, ông Lins đã gửi thư cho Ủy viên Nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski để đề nghị “các hành động cụ thể” như thay đổi về thủ tục và quy định, cũng như một số thay đổi trong thực tiễn thương mại của EU để cải thiện tính công bằng.
Trong thư, ông Lins cũng yêu cầu đánh giá dự luật Thỏa thuận Xanh Âu Châu liên quan đến nông nghiệp để xác định nhu cầu về bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào, những giai đoạn chuyển tiếp, hoặc những đề nghị thay thế, bao gồm cả việc duy trì hiện trạng này.
Theo một tuyên bố chính sách của EU, thỏa thuận Xanh Âu Châu là sáng kiến của EU nhằm chống lại biến đổi khí hậu mà EU xem là “một mối đe dọa hiện hữu cho châu Âu và thế giới.”
Ông Wojciechowski – thành viên Ba Lan của Ủy ban Âu Châu – nói trong thư trả lời ông Lins rằng “các chính sách giao thương và khí hậu” của liên minh là nguyên nhân chính khiến nông dân bất mãn, theo Euractiv.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 23/02 để làm rõ quan điểm của mình, ông nói rằng ông đã viết trong thư: “Hãy ngưng nhập cảng, loại bỏ Thỏa thuận Xanh!” và những lời này đã gây ra sự chú ý và bình luận trên một số hãng truyền thông.
“‘Hãy ngưng nhập cảng, loại bỏ Thỏa thuận Xanh’ là sự tóm lược những yêu cầu mà tôi đã nghe được từ nông dân trong một số lần gặp gỡ và tiếp xúc trong những tuần gần đây. Đó không phải là một tuyên bố về quan điểm của tôi,” ông Wojciechowski giải thích trong tuyên bố đó, và nói thêm rằng ông rất tiếc vì đã phải sử dụng nhóm từ này.
Ủy viên này nói rằng “nông dân phải được bảo vệ trước những tác động đáng kể của tự do hóa giao thương với Ukraine và bất kỳ sự cạnh tranh không công bằng nào trong các hiệp định giao thương của chúng ta.”
Ông thừa nhận rằng một số biện pháp của Thỏa thuận Xanh có thể khiến nhiều nông dân cảm thấy bị đe dọa, nhưng theo quan điểm của ông, Ủy ban Âu Châu đáp lại yêu cầu của nông dân. Chẳng hạn, ông Wojciechowski cho biết trong tuyên bố rằng vài tuần trước, chủ tịch ủy ban Ursula von der Leyen đã rút lại đề nghị giảm sử dụng thuốc trừ sâu.
Sự cạnh tranh không công bằng
Theo Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông (OSW) – một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Ba Lan – trước khi Nga xâm lược, Ukraine đã xuất cảng hầu hết hàng nông sản của họ qua các cảng ở Hắc Hải tới các điểm đến ở châu Á và châu Phi.
Báo cáo của OSW cho biết sau khi chiến tranh nổ ra, Nga đã phong tỏa các cảng của Ukraine ở Hắc Hải, buộc Ukraine phải mở ra các tuyến đường bộ thay thế đi qua các nước EU.
Để giúp đỡ quốc gia đang gặp nhiều khó khăn này, EU đã tạm thời đình chỉ thuế quan đối với hàng xuất cảng của Ukraine, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp, và điều đó đã làm tăng đáng kể lượng xuất cảng những hàng hóa đó sang EU.
Báo cáo của OSW cho biết nông sản xuất cảng từ Ukraine chủ yếu được vận chuyển bằng đường bộ đến các nước láng giềng EU do chi phí vận chuyển tương đối thấp, có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn, trong khi xuất cảng sang những nơi xa hơn làm tăng chi phí vận chuyển nên lợi nhuận giảm.
Ngoài ra, nông dân EU có nghĩa vụ phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật và phúc lợi động vật của liên minh; điều này làm tăng chi phí sản xuất và khiến nông sản của họ kém sức cạnh tranh hơn.