Mỗi năm, Việt Nam phát hiện khoảng 5% ngân sách quốc gia bị chi tiêu sai, tương đương khoảng 2.2 tỷ USD và hàng ngàn hecta đất bị sử dụng không đúng mục đích. Thông tin này đang gióng lên những lo ngại về những hệ lụy cho nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, thu ngân sách không đủ chi.

Câu chuyện chi tiêu tiền ngân sách quốc gia Việt Nam Kỳ 1: Tiền ngân sách - đâu phải vô tận
(Ảnh Vatsyayana/AFP qua Getty)

Căng thẳng chuyện thâm hụt ngân sách

Thông tin chi tiêu sai mục đích từ ngân sách quốc gia nêu trên được Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho biết trong Hội thảo khoa học hôm 18/11 vừa qua.

Các hãng thông tấn thường đưa tin về những vụ việc thất thoát, lãng phí ngân khố, nhưng việc hàng năm chi tiêu sai tới 5%, tương đương 2.2 tỷ USD thì quả thực là không hề nhỏ đối với một nước nghèo. Để so sánh, 5% GDP chi sai này là tương đương số tiền ngân sách chi cho giáo dục, hoặc tương đương với số vay nợ tăng thêm hàng năm của ngân sách quốc gia. Ngoài ra, nếu cộng thêm cả những khoản chi đúng nhưng không hiệu quả và những khoản thất thoát lãng phí trong chi tiêu của bộ máy hành chính khổng lồ thì khó mà xác định bao nhiêu tỷ tiền thuế của người dân đã “bốc hơi”.

Thu ngân sách quốc gia 10 tháng đầu năm mới đạt 75% kế hoạch, thấp hơn 10% so cùng thời kỳ năm trước. Trong khi đó, đại dịch virus Trung Cộng vẫn chưa có hồi kết, đã làm cho nhiều ngành kinh tế trong nước rơi vào thảm họa, ngành hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng gần như ngưng trệ. Các ngành hàng sản xuất khác cũng bên bờ vực khó khăn, tiêu thụ nội địa và xuất cảng đều bị giảm mạnh, khiến cho nguồn thu thuế bị giảm nhiều.

Bên cạnh đó, chi từ ngân sách không giảm, dẫn tới việc phải vay từ nước ngoài để bù đắp thiếu hụt này. Dự kiến đến cuối năm 2020, nợ công Việt Nam chiếm 57% GDP, tương đương gần 150 tỷ USD.

Đáng chú ý, những khoản chi thường xuyên cho bộ máy nhà nước năm 2020 lên tới 63% ngân sách, và chỉ có 37% là chi cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, chi đầu tư phát triển 10 tháng đầu năm mới đạt 60% kế hoạch, trong đó giải ngân vay viện trợ ODA (Official Development Assistance) diễn ra rất chậm chạp và mới đạt khoảng 25% kế hoạch.

Tiền ngân sách – đâu phải “tiền chùa”!

Ngoài những khoản chi sai, những khoản chi đúng có hiệu quả hay không vẫn là một câu hỏi. Năm 2020 này, tất cả các cơ quan hành chính ở trung ương, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước, 63 tỉnh thành phố và hơn 600 quận, huyện, hàng nghìn xã đều tổ chức đại hội đảng, chi phí cho tổ chức đại hội rất tốn kém. Vừa qua các hãng thông tấn đã đăng tin hàng loạt tỉnh, thành phố chi tiền tỷ mua cặp da, may trang phục, mua quà tặng cho đại biểu dự các hội nghị đảng. Ví dụ, tỉnh Quảng Bình chi 100,000 USD mua cặp da Trung Quốc, Vĩnh Phúc chi 80,000 USD, Lâm Đồng chi 60,000 USD đều mua cặp da từ Trung Quốc, … Không có số liệu công bố chi tiết nhưng tổng số tiền cho các hội nghị này chắc chắn là con số không hề nhỏ.

Một hiện tượng phổ biến khác chứng minh cho việc tiêu tiền ngân sách mà xem như “tiền chùa”, là chi tiêu cho hoạt động đi công du nước ngoài, thực chất là đi du lịch nước ngoài từ tiền ngân sách. Chi phí cho mỗi chuyến công du nước ngoài rất đắt đỏ, mỗi năm hàng nghìn đoàn đi vậy thì tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền thuế của dân. Hiện giờ do không thể đi nước ngoài được, họ chuyển thành tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ tổng kết… triền miên tại các thành phố trong nước, cũng tiêu tốn không ít tiền của dân.

Xây trụ sở hành chính hoành tráng

Hầu hết các tỉnh đều chi những khoản tiền khổng lồ để xây trụ sở hành chính, các tượng đài, các cổng chào hoành tráng. Trụ sở hành chính được coi là quan trọng hơn so với trường học, bệnh viện, công trình dân sinh khác. Thậm chí, một số địa phương còn coi việc xây dựng trụ sở hơn cả đầu tư xây dựng các công trình quốc kế dân sinh như hạ tầng giao thông, hạ tầng lưới điện, nước, hạ tầng thông tin, hạ tầng giáo dục…

Lai Châu là một tỉnh nghèo nhất Việt Nam, nhưng trụ sở hành chính quy mô rất hoành tráng, 4 tòa nhà cao hàng chục tầng trên một diện tích đất rất lớn, tổng diện tích sàn xây dựng lên đến 42,000 mét vuông. 

Hải Phòng xây khu trung tâm hành chính mới đứng đầu về diện tích và vốn đầu tư, rộng tới 324 hecta, tổng mức đầu tư là 500 triệu USD. 

Khu trung tâm hành chính của Khánh Hòa, tổng diện tích 127 hecta ở Nha Trang, với vốn đầu tư lên tới 300 triệu USD. Vì sự khuất tất trong dự án này mà dàn lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã bị kỷ luật, cách chức. 

Trung tâm hành chính Đà Nẵng 37 tầng, cao 166 mét, là tòa nhà cao nhất miền Trung hiện nay và là tòa nhà hành chính cao nhất thế giới. Dự án được xây dựng trên khu đất rộng hơn 23 hecta, tổng diện tích sàn sử dụng là 64,108 mét vuông, bình quân sàn sử dụng cho một người là  64 mét vuông. Tổng mức đầu tư cho trụ sở hành chính này là 100 triệu USD.

Trung tâm hành chính Bình Dương lại độc đáo vì có bãi đáp trực thăng, là tòa tháp 21 tầng, cao 104 mét do Singapore thiết kế, tổng đầu tư hơn 60 triệu USD, bình quân một người sử dụng 104 mét vuông sàn. 

Còn trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng nằm trên một ngọn đồi giữa trung tâm thành phố Đà Lạt, gồm bốn khối nhà 9 tầng và bốn khối nhà 6 tầng liên thông nhau trên tổng diện tích 56,000 mét vuông với số vốn đầu tư 50 triệu USD.

Người dân đang rất cần tiền để thực hiện các chương trình xóa đói nghèo, xây trường học, bệnh viện, đầu tư phát triển kinh tế, tái thiết sau thiên tai … Vậy mà các quan chức tỉnh lại chi cho xây trụ sở, văn phòng hàng trăm triệu USD?

Không chỉ trụ sở tỉnh, đến cả trụ sở hành chính các quận huyện, xã cũng xây dựng bề thế, tốn đất và chi phí đầu tư lớn. Tình trạng này không những không giảm bớt mà còn có chiều hướng gia tăng. 

Rất khó khăn trong việc tìm kiếm tổng số chi phí đã đầu tư xây dựng cơ bản của các tỉnh, huyện, … sử dụng để xây trụ sở hoành tráng, lãng phí, nhưng chắc chắn đó là con số không hề nhỏ từ tiền thuế của nhân dân.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times.

Hy Vọng

(còn nữa)

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn