Trong bài viết “Thế giới chúng ta đang sai chỗ nào vậy”, tôi đã nhắc đến điều mà tôi gọi là “bộ ba bệnh lý tâm thần” – một vấn đề tồn tại và gây ra nhiều phiền toái cho nhân loại chúng ta. Ba loại bệnh tâm lý này đã được nhìn thấy từ rất xa xưa, từ lúc khởi thủy của nhân loại.

Thật vậy, khi tìm hiểu các tích xưa cũ, tưởng như chỉ đơn giản là các câu chuyện được kể lại cho vui; thế nhưng ngày càng khám phá ra nhiều huyền cơ được chứa đựng bên trong đó. Câu chuyện về Adam và Eva là một minh chứng hoàn hảo.

Đổ lỗi – Giảo biện – Chối bỏ

Trước tiên, hãy cùng điểm lại đâu là 3 căn bệnh tâm lý của con người.

* Thứ nhất, nhân loại chúng ta thường đầu tiên là đổ lỗi cho người khác, đặc biệt là khi chúng ta phạm lỗi lầm;

* Thứ nhì, giảo biện dựa trên nỗi sợ, sự bất an, động cơ của chúng ta;

* Và thứ ba, chối bỏ sự thật, rằng chúng ta không chấp nhận cách sự việc diễn ra ngay cả khi chứng cứ đã rành rành trước mặt. 

Câu hỏi đầu tiên

Theo như câu chuyện ở Chương 3 Sáng Thế Ký, trong đoạn đầu tiên, chúng ta thấy mô tả về con rắn lớn, “xảo quyệt hơn bất kỳ dã thú nào”. Ngay sau hai chương đầu, chúng ta gặp ngay câu nghi vấn của rắn. Thực ra, câu hỏi đầu tiên được viết lại trong Kinh Thánh là: 

“Có phải Chúa Trời thực sự đã dạy rằng ‘Con không được ăn quả của bất kỳ cây nào trong vườn địa đàng’?”

Chúng ta lập tức nhận ra sự xảo quyệt của con rắn (Eva thì không) vì Đức Chúa Trời không dạy là “Con không được ăn quả của bất kỳ cây nào”, mà là “Con được tự do ăn quả của các cây khác trong vườn, nhưng quả của cây hiểu biết điều thiện ác thì chớ có ăn đến.” 

Nói cách khác, lệnh cấm chỉ được áp dụng cho một loại cây cụ thể. Tất nhiên, con rắn đã phóng đại để làm sự cấm đoán có vẻ nặng nề hơn.

Sự phóng đại của con rắn đã khởi lên nghi tâm đầu tiên của Eva. Cô ấy nghĩ: “Thật ra Chúa đã nói gì? Ngay sau đó, sự nghi ngờ trong cô lại mạnh hơn; cô không thắc mắc Chúa đã nói gì, mà thắc mắc: “Liệu lời Chúa có đúng không? Họ có chết khi ăn trái cấm không?” 

Tin lời rắn, cô nghĩ là: Không! Và câu hỏi này ẩn chứa một câu hỏi khác sâu sắc hơn nhiều: “Sự Tạo hóa có ‘tốt’ như Chúa đã khẳng định trong Chương 1?”

Con rắn đã dụ dỗ Eva nghi ngờ sự tốt đẹp của tạo hóa, của thế giới, và của chính chúng ta. Chúng ta có tốt không?

Câu chuyện cổ hay nhất: Adam và Eva
Một phần bức tranh “Adam và Eva với quả táo và con Rắn lớn” vẽ bởi Marcantonio Raimondi, sau Albrecht Dürer. Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan. (Ảnh Miền Công cộng)

Bỏ Thiện lại phía sau

Và câu trả lời dĩ nhiên là chúng ta không tốt, bởi vì Adam và Eva đã chọn Ác cũng như chúng ta hiện nay. Trên nghĩa bóng hay thậm chí cả nghĩa đen, họ đã ăn phải điều Ác (biểu tượng bởi Trái Cấm) và cách nhận thức vấn đề bắt đầu thay đổi; giống như chất thuốc cấm khi mới vào cơ thể, triệu chứng trúng độc ban đầu thường rất nhẹ, nhưng cuối cùng thì cơ thể bị nhiễm độc đến mức không thể tự chủ được nữa. 

Các hành vi tâm lý sai trái bắt đầu hiện rõ. Đầu tiên, Adam chối bỏ lỗi lầm của mình. Chúa đã hỏi trực tiếp rằng, “Có phải con đã ăn… ?” Anh ta liền đổ lỗi cho Eva và cho rằng cô ta phải chịu trách nhiệm cho những hành động của anh ấy. Hãy xem câu “Con đã ăn” được đặt ở cuối câu trả lời của anh ta: “Người phụ nữ “Ngài” đã tạo ra để chung sống với con, cô ấy hái trên cây và đưa cho con, rồi con đã ăn.”

Như vậy sự chối bỏ và đổ lỗi đã tạo ra hiệu ứng kép. Eva đột nhiên thấy mình bị hoàn toàn chịu trách nhiệm cho lỗi lầm, ngay lập tức dùng cách biện hộ tương tự. Câu trả lời của cô ít vòng vo hơn, nhưng nó vẫn là đổ lỗi: “Con Rắn dụ dỗ con, và con đã ăn.”

Cả hai người, sau đó, nói rằng họ không chịu trách nhiệm về hành động của mình, và đổ lỗi cho kẻ khác. Chắc chắn, điều này cũng hoàn toàn không xa lạ với chúng ta. Có phải chúng ta vô tội vì chúng ta bị ai đó lừa dối khi chúng ta phạm lỗi? 

Adam có thể chối bỏ gì? Việc anh ta (và cả của Eva) muốn khỏa lấp, che đậy hành động của mình là bằng chứng hiển nhiên cho tội lỗi của anh ta.

Cuộc sống thật tồi tệ

Đỉnh điểm của những lời chối bỏ và đổ lỗi ấy, thật thú vị, họ giảo biện tội lỗi của mình. Thật khó tin khi Adam dám đẩy tội lỗi của mình về cho Chúa của anh ta: “Người phụ nữ Ngài ban cho con, Cô ấy đưa con… ”

Nói cách khác, chính hành động của Ngài đã tạo nên lỗi lầm này. Nếu Ngài không trao Eva cho con, con đã không ăn; lỗi của con chính là lỗi của Ngài. Nếu con làm sai điều gì, thì đó là vì Ngài đã làm sai trước. Hoặc có khả năng lời Chúa nói là tương phản, cuộc sống là tồi tệ. Khi lối suy nghĩ đó trở nên mạnh mẽ, người được sáng tạo lại quay ra cáo buộc Đấng Sáng Tạo về những lỗi lầm và hành vi sai trái của anh ta.

Câu chuyện cổ hay nhất: Adam và Eva
“Lời trách phạt cho Adam và Eva” 1740, Charles Joseph Natoire. Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan. (Ảnh Miền Công cộng)

Eva làm cách khác. Thay vì đổ lỗi cho Đức Chúa, Cô gán tội lỗi và hành vi sai trái cho con rắn, kẻ đã lừa dối cô. Tất nhiên hãy nhớ rằng, Chúa cũng đã tạo ra con rắn, cho nên đó cũng là gián tiếp đổ lỗi cho Ngài!

Eva nói có vẻ rất thẳng thắn, nhưng nếu xét lại câu chữ, chúng ta thấy một vài điểm khá khác lạ không đơn giản. Đầu tiên, cô nghe theo con rắn, sau đó cô thấy rằng cái cây đó là nguồn “thức ăn tốt” và “nhìn thật vui mắt”, và bản thân cái cây đã “làm người ta khao khát sự khôn ngoan.” Toàn bộ là do ham muốn cảm quan: cô ấy nghe, cô ấy thấy, cô ấy trải qua cơn đói cồn cào.

Tất nhiên, không có gì sai với sự hưởng thụ, vì thế giới là tươi đẹp, nhưng việc mà Eva đang làm, dù bị dẫn dụ bởi sự xảo quyệt của con rắn, chính là nguyên nhân chủ yếu khiến cô không thể cưỡng lại việc ăn Trái Cấm. Nói cách khác, vẻ đẹp của thế giới (mà Chúa tạo ra) đã dụ dỗ cô mắc lỗi. Cô yêu mọi vật Chúa tạo ra hơn cả chính Đức Sáng Tạo, và vì thế phá vỡ niềm tin.

Và có thể vượt trên các lý do khoái cảm, cô ấy còn lý do về nhận thức: mong muốn sở hữu được trí tuệ – một tham vọng mãnh liệt để trở thành Chúa hoặc giống như Chúa. Mong muốn báng bổ này còn ẩn chứa trong đó một lời phê phán khác cho Đấng Sáng Tạo, hàm ý một khiếm khuyết của sự sáng tạo, rằng cô ta và Adam không đủ khôn ngoan.

Cô đổ lỗi hết cho con rắn, nhưng cô cũng giảo biện thêm cho nó: con rắn thật sự phải chịu mọi trách nhiệm cho sự thiếu hoàn hảo của sáng tạo; tuy nhiên, Chúa là mục tiêu thực sự vì Ngài cũng đã tạo ra con rắn.

Tất cả điều này giống thời hiện đại biết bao! Bởi vì sự phản đối phổ biến nhất đối với sự tồn tại của Chúa là tại sao hoặc bằng cách nào Chúa lại cho phép cái ác tồn tại.

Hậu quả của đổ lỗi, giảo biện và chối bỏ

Như trên chúng ta cuối cùng có được “sự sa ngã” của hai người tốt, một đàn ông và một đàn bà, ai bây giờ cuối cùng phải chịu đựng sự đổ lỗi, giảo biện và chối bỏ. 

Hãy tự kiểm điểm chính bạn: Bao lâu thì bạn đổ lỗi cho người khác về các vấn đề khó khăn của bản thân mình một lần? Bạn có thường xuyên đổ tội cho người khác – hàng xóm, chủng tộc, giới tính, tuổi tác …  –  về những vấn đề có gốc rễ trong bạn không?

Và cuối cùng, bạn có đang chối bỏ không? Những sự thật mà bạn không chấp nhận, sẽ tiếp tục chối bỏ đến khi hấp hối? Những thứ này dù ở cấp độ cá nhân, địa phương, quốc gia, hay tầm cỡ quốc tế là những gì đang thúc đẩy cái ác hoặc tệ nạn ngày nay. Lỗi lầm là trong chúng ta. Nếu không chấp nhận điều này và nhận lãnh trách nhiệm, những tình huống mà chúng ta gặp phải là không thể sửa chữa và chỉ có thể tồi tệ hơn thôi! Câu chuyện Adam và Eva đã nói rõ cho chúng ta rất nhiều điều.

Tất cả trích dẫn lấy từ Kinh Thánh bản tiêu chuẩn Mỹ quốc mới nhất.

James Sale là một doanh nhân người Anh, Chủ công ty Motivational Maps đang hoạt động tại 14 quốc gia. Ông là tác giả của hơn 40 đầu sách về quản trị và giáo dục từ các nhà xuất bản quốc tế lớn bao gồm Macmillan, Pearson. Là một nhà thơ, ông đạt giải nhất của The Society of Classical Poets’ 2017 và hiện là phát ngôn tại Câu lạc bộ Princeton New York.

James Sale
Lê Trần biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn