Khi Ant Group của Jack Ma sắp được niêm yết, thì đột nhiên chính quyền Trung Cộng thông báo dừng giao dịch. Các chuyên gia chỉ ra rằng đằng sau sự việc này, không chỉ liên quan đến việc đấu đá quyền lực trong các lãnh đạo cấp cao của Trung Cộng, mà còn liên quan đến các nhân tố phức tạp như an ninh tài chính của chính quyền này.

Câu chuyện đằng sau việc Ant Group của Jack Ma bị hủy niêm yết
Người xem theo dõi trên một màn hình khổng lồ đặt bên ngoài địa điểm tại Paris Expo Portes de Versaille, Giám đốc điều hành tập đoàn Alibaba Trung Quốc Jack Ma phát biểu trong hội chợ khởi nghiệp và đổi mới Vivatech, ở Paris vào ngày 16/5/2019. (Ảnh Alain Jocard/ AFP qua Getty Images)

Ant Group dự định niêm yết đồng thời ở Thượng Hải và Hồng Kông, nhưng ngay trước khi niêm yết thì Jack Ma, người kiểm soát thực tế của Ant Group, chủ tịch Tỉnh Hiền Đống và CEO Hồ Hiểu Minh bị 4 cơ quan giám sát lớn của Trung Cộng triệu tập vào ngày 2/11, sau đó chính quyền dựa vào lý do “hoàn cảnh giám sát thay đổi”, để trì hoãn việc niêm yết của Ant Group. 

Jack Ma bị cáo buộc công khai thách thức Tập Cận Bình

Chuyên gia phân tích vấn đề kinh tế chính trị Trung Quốc Tần Bằng nói với Epoch Times rằng, lý do trên bề mặt là Ant Group gặp “xung đột về về giám sát tài chính”, “nhưng kỳ thực mọi người đều rất rõ nguyên nhân căn bản là do Jack Ma đã có bài phát biểu tại diễn đàn tài chính; bài phát biểu này đã đắc tội với Tập Cận Bình, lãnh đạo tối cao của Trung Cộng”.

Trong bài phát biểu của Jack Ma tại Hội nghị thượng đỉnh tài chính Thượng Hải lần thứ 2 hôm 24/10, ông nói về những rủi ro của việc Trung Quốc “thiếu hụt hệ thống tài chính”, ngành tài chính Trung Quốc “không có hệ thống sinh thái trưởng thành và vẫn chưa thể hoạt động đầy đủ được”. Hiện giờ điều mà Trung Quốc “cần là xây dựng hệ thống tài chính lành mạnh, chứ không [cần xây dựng] các rủi ro tài chính mang tính hệ thống”.

Jack Ma không nói thẳng tên nhưng chỉ trích chính quyền “kiểm soát” ngành tài chính quá nhiều, cơ quan giám sát “không có rủi ro, nhưng toàn bộ nền kinh tế thì có rủi ro, toàn bộ xã hội sẽ trở nên rủi ro”.

Jack Ma còn nói: “Việc nâng cao năng lực chính trị mà chủ tịch Tập Cận Bình đề cập là chỉ việc duy trì phát triển bền vững dưới sự giám sát có trật tự, chứ không phải nói rằng giám sát rồi thì không còn phát triển.”

Ông Tần Bằng chỉ ra, bài nói chuyện của Jack Ma bị cho là một hành động nổi loạn, do vậy mới bị triệu tập, và Ant Group mới vội vã công bố cùng lúc đó rằng không phải ông ta bị cáo buộc xúc phạm ngành ngân hàng hay đắc tội với mạng lưới nghiệp vụ của chính quyền Trung Cộng.

Ông Tần Bằng nói, “Vì sao lại nói như vậy? Bởi vì toàn bộ sự ngăn chặn rủi ro tài chính có tính hệ thống là điều mà Tập Cận Bình đề xuất ra cách đây hai, ba năm.”

Liệu Jack Ma có liên quan mâu thuẫn của các lãnh đạo cao cấp Trung Cộng?

Giáo sư đại học kỹ thuật Sydney và là chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc Phùng Sùng Nghĩa nói với Epoch Times rằng, Ant Group của Jack Ma là thuộc về hoạt động của ngân hàng tư nhân, mà ngành ngân hàng lại là ông chủ của nền kinh tế, là địa bàn của các gia tộc quyền quý. Nếu không có người “chống lưng”, không có sự bảo hộ chính trị, thì ông ta không thể có giấy phép [của ngành này].

Giáo sư Phùng Sùng Nghĩa nói, việc chính quyền Trung Cộng đột nhiên đình chỉ niêm yết của Ant Group, “là vì Jack Ma đã bị cuốn vào cuộc đấu đá quyền lực tại tầng cao nhất của Trung Cộng.”

Ngay trước lúc Ant Group chuẩn bị niêm yết, thì cựu thị trưởng Trùng Khánh Hoàng Kỳ Phàm, cho biết trong một hội nghị trực tuyến do Viện nghiên cứu Tài chính Cao Kim – Thượng Hải tổ chức hồi tháng 6 năm nay rằng, Jack Ma đã nói khi đến Trùng Khánh năm 2013 rằng, “tôi muốn thành lập một công ty cho vay, (nhưng) những công ty cho vay nhỏ ở Chiết Giang, Ôn Châu lại đang bị giám sát, bị đóng băng cả rồi”. Sau đó, Hoàng Kỳ Phàm giúp Jack Ma thành lập “hai công ty cho vay nhỏ”.

Hoàng Kỳ Phàm cho biết, “Hiện giờ trong 10 tỷ (Nhân dân tệ) lợi nhuận của Công ty dịch vụ tài chính Ant, có đến 4.5 tỷ là đến từ hai công ty cho vay nhỏ ở Trùng Khánh.”

Ngày 21/7/2014, New York Times đã đăng một bài báo nói rằng, công ty Alibaba dưới quyền Jack Ma có thế lực chính trị rất mạnh hậu thuẫn. Trong đó có nhiều công ty, như Công ty tài chính Boyu (Bác Dụ), Công ty tài chính Zhongxin (Trung Tín), và khối đầu tư của Ngân hàng Phát triển Quốc gia là Tài Chính Khai Quốc, và Tân Thiên Vực.

Alibaba cho biết hôm 22/7/2014, đến cuối tháng 6, Công ty tài chính Boyu, công ty tài chính Trung Tín và Tài Chính Khai Quốc lần lượt nắm giữ 0.55%, 1.1% và 0.47% cổ phần phổ thông của Alibaba.

Cháu trai của cựu lãnh đạo Trung Cộng Giang Trạch Dân là Giang Chí Thành hợp tác với công ty tài chính Boyu; công ty mẹ của công ty tài chính Trung Tín là tập đoàn Trung Tín còn có một công ty khác liên quan đến con trai của ông Lưu Vân Sơn là Lưu Lạc Phi.

Ông Tập muốn kiểm soát quyền lực tài chính?

Ông Tần Bằng cho rằng, nếu ông Tập Cận Bình muốn nắm quyền lớn trong tay thì phải kiểm soát được quyền lực tài chính. Với sự phát triển của ngành tài chính ở Trung Quốc, những nhóm kiểm soát tài chính mới đã xuất hiện và một lượng lớn vốn có thể bị chảy ra nước ngoài, ví dụ như Tập đoàn An Bang, chỉ trong thời gian vài năm ngắn, có thể nhanh chóng tăng quy mô hoạt động lên tới hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ (NDT). Ông Tập phải tăng cường giám sát tài chính và ngăn chặn nguy cơ này, bao gồm cả nguy cơ có thể uy hiếp chính quyền đương thời của Trung Cộng.

Truyền thông Hồng Kông trước đó đưa tin rằng, chủ tịch tập đoàn An Bang Ngô Tiểu Huy, bị nghi tham dự vào phe của Giang Trạch Dân để làm chính biến kinh tế chống lại chính quyền Tập Cận Bình năm 2015, đã thực hiện bán khống (short sell) tại thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục. Sau đó, Ngô Tiểu Huy bị điều tra và bị kết án 18 năm tù, bị tịch thu tài sản và bị phạt 85.7 tỷ NDT.

Ông Tần Bằng cho biết, cho dù là để củng cố quyền lực hay là để đưa kinh tế tài chính của Trung Cộng sang hình thức tập trung hóa, thì ông Tập đều phải khống chế lĩnh vực kinh tế.

Giáo sư Phùng Sùng Nghĩa cho rằng ông Tập muốn kiểm soát tài chính và kiểm soát nền kinh tế. Trong khi đó Ant Group lại thực hiện gọi vốn từ lĩnh vực tư nhân, rất nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu và tầng lớp “cổ cồn trắng” sẽ tham gia, cứ như vậy kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển theo hướng tự do hóa, thị trường hóa. Điều này ngược với việc chính quyền Trung Cộng nhấn mạnh vào công hữu nền kinh tế.

Liang Zi
Thanh Phong biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn