Câu chuyện thành ngữ: Cưỡi ngựa xem hoa
Thành ngữ “cưỡi ngựa xem hoa” hàm ý việc chỉ nhìn bên ngoài của một sự việc mà không tìm hiểu thấu đáo bên trong.
Thành ngữ tương quan: Ngắm hoa trong sương
Tương truyền, một người tàn tật tên Quý Lương muốn tìm cưới một cô vợ xinh đẹp, nên đã nhờ người bạn Hoa Hán làm mai mối. Đúng lúc này cũng tình cờ có một cô nương tên Diệp Thanh trên mũi có một ít khiếm khuyết; cô nương này mãi vẫn không tìm được đức lang quân như ý.
Hoa Hán trong lòng thầm nghĩ: “Hai người này há chẳng phải là trời sinh một cặp sao?” Không lâu sau, anh ta lại do dự nghĩ: “Một người bị tật ở chân; một người thì khiếm khuyết ở mũi. Việc này thật không dễ giải quyết!”
Hoa Hán này bình thường là một người có nhiều ý tưởng; vậy cho nên vấn đề nhỏ này đương nhiên không làm khó được anh ta. Ngày hôm sau, anh ta bảo Quý Lương ăn mặc chỉnh tề rồi cưỡi ngựa đi ngang qua cổng nhà Diệp Thanh, lại bảo Diệp Thanh trang điểm ăn mặc đẹp, tay cầm bông hoa che ngang mũi, làm bộ như đang cúi đầu ngửi hương thơm. Diệp Thanh chậm rãi ngẩng đầu lên, nhìn thấy Quý Lương đang cưỡi ngựa với một phong thái phóng khoáng nho nhã, phong độ thanh thoát nhẹ nhàng, trong lòng không khỏi rung động, hai má ửng hồng. Quý Lương trông thấy Diệp Thanh tay cầm hoa che khuôn mặt đang xấu hổ, eo thon như liễu, duyên dáng động lòng, trong lòng vô cùng vui mừng lập tức mang sính lễ sang đón dâu.
Trong đêm động phòng hoa chúc, tân lang hào hứng vén khăn che mặt của tân nương, vừa nhìn thấy tân nương với chiếc mũi quá đỗi xấu xí, anh ta khập khiễng lùi lại ba bước. Tân nương cũng bàng hoàng khi phát hiện Lương là một người có tật ở chân, cả hai cùng nhớ lại tình cảnh “Cưỡi ngựa xem hoa” lúc đầu thì cùng phá lên cười và nói rằng: “Đây gọi là duyên trời tác hợp.”
Sau này “Cưỡi ngựa xem hoa” được dùng để hình dung việc nhìn sự việc một cách qua loa cẩu thả, không cẩn thận tỉ mỉ quan sát. Tuy câu chuyện này có một kết thúc vui vẻ hài hước, nhưng “cưỡi ngựa xem hoa” không phải là thái độ nên có khi làm việc hoặc khi quan sát sự việc.
Câu chuyện trên chỉ là một truyền thuyết; trên thực tế, thành ngữ “Cưỡi ngựa xem hoa” đến từ bài thơ “Đăng khoa hậu” của nhà thơ Mạnh Giao đời nhà Đường. Bài thơ có một câu như sau: “Xuân phong đắc ý mã đề tật, nhất nhật khán biến Trường An hoa” (Tạm dịch: Đắc ý cưỡi ngựa trong làn gió xuân, trong một ngày xem một lượt tất cả hoa trong thành Trường An), đắc ý với làn gió xuân trong lúc viết “Đăng khoa hậu”, tâm tình bỗng trở nên vui vẻ, cưỡi ngựa cũng cảm thấy nhẹ nhàng thanh thoát, chỉ trong một ngày đã thưởng thức hết hoa trong thành Trường An. Trường An có bao lớn, trong khoảng thời gian ngắn ngủi đã đi ngắm một vòng; như vậy tự nhiên cũng là “Đi ngựa xem hoa” rồi (“đi ngựa” ý nghĩa là “cưỡi ngựa chạy”).
Liên tưởng và thưởng thức: Lão Phật gia dùng cơm
Bắc Kinh không chỉ là tinh hoa của văn hóa Trung Quốc, mà còn nổi tiếng về “ẩm thực”. Nghệ thuật ăn uống của người Bắc Kinh sở dĩ nổi danh kiêu kỳ như vậy là vì có liên quan rất lớn đến vị hoàng đế sống tại nơi đây: Từ Hy Thái hậu.
Từ Hy Thái hậu rất thích kiểu cách [khác nhau]. Tương truyền rằng mỗi bữa ăn của bà đều phải bày trước mặt 128 món; thế nhưng bà chỉ thích ăn một ít củ cải nước tương. Còn các món khác, bà chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, ngửi một chút mùi thơm, nhìn một chút khai vị là xong.
Một lần bà đến Di Viên ngắm cảnh trời mưa thì cũng đúng vào lúc đến giờ ăn; liền đó hơn 200 thái giám đã xếp hàng đến thẳng nhà bếp của hoàng cung, lần lượt chuyền tay nhau 128 món ăn đến Di Hòa Viên. Đến khi thái hậu dùng bữa xong, thì tay của các thái giám cũng đau đến mức không nhấc lên được.
Có một lần bà ngồi xe lửa đến Phụng Thiên để tế tổ. Vì để phục vụ Lão Phật gia dùng cơm, người hầu đã dùng bốn toa tàu để làm nhà bếp tạm thời. Riêng bếp đã là 50 cái, đầu bếp cũng 50 người. Khó khăn lắm mới chuẩn bị xong hơn 100 món ăn phong phú thịnh soạn, Từ Hy thái hậu chỉ liếc mấy cái, ăn vài món gần mình, rồi sai người dọn dẹp.