Câu chuyện về con bọ cạp cùng lòng từ bi và trí tuệ
Một thiền sư ngồi tĩnh tọa bên bờ sông, chợt nghe thấy tiếng vùng vẫy. Ông mở mắt ra và thấy một con bọ cạp sắp chìm xuống nước.
Thiền sư liền vớt con bọ cạp. Khi đưa tay vớt nó lên thì ông bị con bọ cạp đốt, ông vẫn đưa nó vào bờ và tiếp tục ngồi thiền.
Một lúc sau, ông lại nghe thấy tiếng vùng vẫy, mở mắt ra đã thấy con bọ cạp lại rơi xuống nước.
Ông lại cứu nó một lần nữa, và tất nhiên là lại bị đốt, xong ông tiếp tục thiền.
Sau một thời gian, sự việc vẫn xảy ra như cũ.
Người đánh cá gần đó thấy vậy liền nói: “Ông thật là ngốc, ông không biết bọ cạp có thể đốt sao?”
Thiền sư: “Tôi biết, tôi đã bị nó đốt ba lần.”
Người đánh cá: “Vậy tại sao ông lại cứu nó?”
Thiền sư nói: “Cắn người là bản chất của nó, còn lòng từ bi là bản chất của tôi. Bản chất của tôi sẽ không thay đổi bởi vì bản chất của nó.”
Lúc này, ông lại nghe thấy tiếng vùng vẫy. Thoạt nhìn, vẫn là con bọ cạp khi nãy.
Ông nhìn bàn tay sưng tấy của mình, nhìn con bọ cạp đang vùng vẫy sắp chìm trong nước rồi lại vươn tay ra không chút do dự.
Lúc này, người đánh cá chuyền tay đưa ra một cành cây khô. Thiền sư dùng cành cây này vớt con bọ cạp đưa lên bờ.
Người đánh cá cười và nói: “Từ bi là tốt. Nhưng từ bi với con bọ cạp, thì cũng phải từ bi với chính mình. Vì vậy, từ bi cũng phải có cách của từ bi.”
Đây là câu chuyện được đăng trên mạng xã hội thu hút sự chú ý. Hầu hết mọi người đều ca ngợi lòng từ bi của vị thiền sư và trí tuệ của người đánh cá.
Tuy nhiên, sau khi đọc xong, tôi cảm thấy không ổn. Bởi vì loại từ bi và trí tuệ này đang dung túng cho cái ác.
Thiền sư lương thiện và người đánh cá khôn ngoan, nhưng họ không biết cách xử lý con bọ cạp chỉ biết cắn người này. Họ chỉ biết dùng một nhánh cây vớt nó lên bờ, nhưng con bọ cạp đã cắn người ba lần này vẫn có thể đi khắp nơi, gây nên mối đe dọa và gây hại cho người khác, những người mẫn cảm thậm chí có thể bị mất mạng.
Việc phớt lờ đi chất độc của loài bọ cạp cũng như nhiều người trong xã hội hiện nay đang viện lý do vì tôn giáo, vì nhân quyền, vì lòng nhân ái mà bỏ qua vai trò của luật pháp.
Giống như vị thiền sư đã bị đốt ba lần, tay sưng tấy, nhưng vẫn sẵn sàng để cho con bọ cạp tiếp tục cắn.
Vì vậy, để xử lý con bọ cạp, cần một khái niệm về pháp quyền, chứ không chỉ là từ bi hay trí tuệ, vì đây là vấn đề về luật pháp.
Những người bị rối loạn thần kinh cần vào bệnh viện điều trị, những kẻ phạm pháp phải vào tù, nếu không xã hội sẽ bất ổn và người lương thiện phải chịu tổn hại.
Từ bi và trí tuệ có thể hướng kẻ ác đến điều thiện, và luật pháp có thể bảo vệ người tốt. Từ bi, trí tuệ và pháp luật, ba điều này không thể thiếu, nếu không xã hội sẽ rối loạn (do không có pháp luật) hoặc mất đi bản chất con người (do không có từ bi và trí tuệ).
Nếu là bạn, bạn sẽ xử lý con bọ cạp như thế nào?