Câu hỏi của Chúa, Phần II: Ý đồ xảo quyệt trong câu hỏi của Satan
Trong bài viết trước, chúng ta đã biết việc Đức Chúa Trời đặt câu hỏi trong Kinh Thánh không có nghĩa rằng Ngài không toàn trí. Ngược lại, thông qua những câu hỏi đó, Ngài tiết lộ cho người trong cuộc hiểu được bản chất của màn kịch, hay nói cách khác là tính chân thực. Điều này có ý nghĩa trong việc phơi bày những tư tưởng và cảm xúc sai lầm đang thao túng con người.
Và điều thú vị là, trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời không phải là người đầu tiên đặt câu hỏi, mà lại là con rắn trong câu chuyện quen thuộc về Adam và Eva. Sử gia người Anh Richard Cavendish đã mô tả con rắn này “là một trong những huyền thoại quan trọng của nền văn minh Âu Châu”. Ông nói rằng nó đã “thắp sáng cho toàn bộ hệ thống phản ứng và sự kết nối trong tâm trí chúng ta.”
Vậy con rắn là ai và câu hỏi đó là gì? Tại sao nó lại quan trọng, hay theo cách nói của Cavendish, nó đã khai sáng điều gì trong tâm trí?
Con rắn mê hoặc Adam và Eva chính là hóa thân của Satan, kẻ xem Chúa và loài người là kẻ thù không đội trời chung. Hãy suy ngẫm về câu hỏi của nó. Có nhiều tranh cãi gay gắt cho rằng câu hỏi của Satan trong Sáng Thế Ký là hướng đến Eva chứ không phải Adam, và điều đó hàm ý rằng phụ nữ là phái yếu đuối hơn.
Tất nhiên, John Milton đã đưa câu chuyện này vào thiên sử thi “Thiên Đường Đã Mất” (Paradise Lost) của ông. Nhưng tôi nghĩ, trên thực tế, chẳng giới tính nào là yếu đuối cả. Cả hai đều phạm tội nghiêm trọng bởi vì họ đều háo hức thực hiện lỗi lầm bất chấp lệnh cấm, và Adam cũng có vẻ như phạm tội không chút đắn đo.
Câu hỏi gài bẫy của Satan
Câu hỏi của Satan rất đơn giản: “Có phải Đức Chúa Trời đã nói rằng, ‘Con không được ăn bất cứ cây nào trong vườn?’” Trong câu hỏi này có hai điều cần lưu ý. Thứ nhất, giọng điệu của câu hỏi như có một sự trách móc đối với Chúa, như thể một người nào đó đã tuỳ tiện ngăn cấm một số điều tốt đẹp mà người khác (Eva) được quyền hưởng.
Điều thứ hai có lẽ còn mạnh mẽ hơn. Việc trích dẫn lời của Chúa và cố tình làm sai lệch một chút để người khác không dễ dàng nhận thấy. Nó như mời gọi người trả lời là Eva tiến vào một loại trạng thái mà tất cả chúng ta từng trải qua: háo hức muốn sửa sai ai đó, và khi làm như vậy, chúng ta cảm thấy như thể mình vượt trội hơn người khác vì biết nhiều hơn họ.
Chúa thực sự đã nói gì với Adam? Không phải là “Con không được ăn bất kỳ cây nào trong vườn” mà ngược lại: “Con có thể tự do ăn bất kỳ cây nào trong vườn; nhưng với cây biết Thiện ác thì các con không được ăn.” Kết cục của việc ăn trái cấm là cái chết.
Có sự khác biệt trong bản chất của hai việc này: “không ăn bất kỳ thứ gì” so với việc “có thể tự do ăn” nhưng với một điều cấm cụ thể. Tất nhiên, bằng cách trích dẫn sai câu nói của Chúa, Satan cũng né tránh được việc nhắc nhở Eva về điều cấm thật sự là gì. Và trong sự háo hức muốn sửa sai Satan, Eva dường như cũng không nhớ chính xác lời dặn dò của Chúa. Lời nói của Chúa trong suy nghĩ của Eva trở thành “không chạm vào” chứ không phải là “không được ăn” (phóng đại sự cấm đoán) và “e rằng sẽ chết”. Eva cho rằng hình phạt là còn tùy điều kiện, hay nói cách khác là cô đang giảm thiểu hình phạt.
Đối với tất cả sự việc này, dùng phương pháp phân tích ngôn ngữ một cách tinh tế, có vẻ rõ ràng là Eva muốn ăn trái cây – cũng như Adam, người không có một chút đắn đo khi tham gia cùng cô – bởi vì Eva muốn được thoả mãn (“ăn ngon”); cô ấy khao khát được chiêm ngưỡng (“mãn nhãn”), và cô ấy mong muốn thông thái như Đức Chúa Trời (“làm cho một người trở nên thông thái”). Những ham muốn đối với thức ăn, thỏa mãn dục vọng cá nhân, và tính tự phụ hay kiêu ngạo của Eva đã khiến cô nghe theo lời của Satan.
Và như Đức Hồng Y John Henry Newman đã nói trong cuốn “Biện Hộ cho Sự Sống” (Apologia Pro Vita Sua) rằng: “Và vì vậy tôi tranh luận về thế giới này rằng; nếu trên đời có Chúa, vì có Chúa, loài người bị vướng vào một số tai họa khủng khiếp. Điều đó đi ngược lại với mục đích của Đấng Tạo Hóa.”
Đã có một số “tai họa khủng khiếp của loài người” và tai họa này vẫn đang tồn tại, đe dọa chúng ta cho đến ngày nay. Tất cả các tôn giáo đều chứng thực việc này – và họ cũng không tồn tại nếu thiếu nó – tất cả các tôn giáo đều tìm cách giải quyết những đau khổ và mục đích của loài người, họ cố gắng khắc phục thông qua việc thờ phụng và sùng kính. Cơ Đốc Giáo có một từ đặc biệt dành cho “tai họa khủng khiếp của loài người”; nó được gọi là Sự Sa Ngã (The Fall).
Sự tồn tại mạnh mẽ của Satan
Ngày nay Satan còn tồn tại không? Câu trả lời là có! Satan vẫn còn tồn tại và lớn mạnh; những tình tiết trong câu chuyện này, sự thật này, đang nói với chúng ta chính xác cách mà Satan gây ảnh hưởng (Satan giỏi thuyết phục, các trò xảo quyệt giúp hắn mê hoặc được rất nhiều thiên thần khác làm tay sai cho hắn). Vậy nên, điều quan trọng là phải chú ý đến tất cả những sự thật xuất hiện trong thần thoại, đặc biệt là những điều viết trong những cuốn sách Thiêng, vì những sự thật này chính là hàm ý sâu xa của các tầng chân lý.
Vậy thì, điều này giúp gì trong việc hiểu về Satan và cách thức hoạt động của hắn trong thời đại ngày nay? Nếu nhìn vào mô thức của hắn trong câu chuyện với Eva, chúng ta thấy rằng Ác quỷ có ba bước mang tính chất quyết định.
Ba bước của Ác quỷ:
- Làm bạn với nạn nhân và đặt bản thân vào vai trò như đang tìm quyền lợi cho nạn nhân. Chúng ta hãy nhớ lại việc Satan đã xuất hiện và giúp Eva trưởng thành như một con người: Cô sẽ hiểu biết hơn nhờ hành động mà hắn ủng hộ. Hơn nữa, tất nhiên, trong khi làm việc này hắn khích lệ Eva nghĩ rằng cô ấy là người hiểu rõ nhất (tìm hiểu thêm điều này ở bước 3). Và khi giả làm bạn của Eva, hắn tỏ ra rất có đạo đức.
- Trích dẫn sai hoặc bóp méo sự thật của tình huống để gây ra sự nhầm lẫn tệ hại, thêm vào đó là gợi mở một lối thoát dễ dàng. Điều này được thực hiện bằng cách giúp Eva có cảm giác hiểu biết nhiều hơn và tốt hơn, thông qua các cách diễn giải khác nhau về sự việc hay dữ kiện – những cách diễn giải phù hợp với mong muốn của Eva (và của chúng ta).
- Khơi gợi, cổ vũ cảm giác vượt trội về mặt đạo đức ở nạn nhân, dễ dàng cho phép Eva (và chúng ta) cảm thấy vượt trội về tài năng và đức hạnh; lợi dụng sự cả tin của cô ấy ngay cả khi cô mới bắt đầu nghĩ về việc mình thật sự tốt như thế nào.
Bước thứ tư có thể bảo đảm là khi nạn nhân rơi vào thảm họa, hắn sẽ biến mất chứ không phải có mặt ở đó để cùng khắc phục hậu quả.
Cách thức hoạt động của Satan thời hiện đại
Có thể thấy tất cả các phương pháp luận này có trong các hệ tư tưởng “thức tỉnh” tràn ngập quanh chúng ta ngày nay. Nó lường gạt và thu hút chúng ta với mục đích có vẻ thân thiện (bước 1), (bước 2) xuyên tạc sự thật, và (bước 3) khắc họa những cảm giác vượt trội về mặt đạo đức.
Robert Oulsds và Niall McCrae viết trong cuốn sách nổi tiếng “Đạo Đức – Con Virus Văn Hóa” (Moralitis: A Cultural Virus) đã đưa ra một cái nhìn tổng quát về vấn đề này liên quan đến Vương quốc Anh (tất nhiên không đề cập đến mối liên hệ với Satan mà tôi đang nói). Họ viết: “Nhiệm vụ của các đảng cánh tả hiện nay không còn là nhiệm vụ của xã hội chủ nghĩa nữa. Họ tuyên bố đấu tranh cho sự bình đẳng, nhưng thực sự đây là một chiến dịch vụ lợi phá hoại xã hội truyền thống.” Do đó, hãy lưu ý rằng “đấu tranh cho sự bình đẳng” (bước 1) nghe có vẻ thân thiện. Đó là giúp đỡ người khác, những người ở tầng lớp dưới, để họ có thể được “bình đẳng”.
Nhưng sau đó, ông Oulds đưa ra một số dữ kiện thực tế để vạch trần sự lừa dối của chủ nghĩa thức tỉnh (bước 2). Ở Anh, “Chủ nghĩa nữ quyền hiện nay rất quan tâm đến sự sai biệt lương theo giới tính khi nhìn vào công việc dẫn chương trình ở BBC được trả lương bình quân cao hơn nhân viên tạp vụ… Đảng Bình Đẳng Phụ Nữ trung lưu ở Anh được thành lập vào thời điểm các em gái vượt trội hơn các em trai trong lĩnh vực giáo dục, và phụ nữ trẻ có thu nhập cao hơn nam giới ở cùng độ tuổi. Khái niệm về “đặc quyền nam giới” cũng mâu thuẫn với độ sai biệt trong những người vô gia cư [nam vô gia cư nhiều hơn nữ], những nạn nhân của bạo lực, tù tội, tự tử, và về quyền nuôi con. Và khái niệm “đặc quyền người da trắng” là phi lý đối với các tầng lớp xã hội thấp hơn ‘bị bỏ lại phía sau’”.
Cuối cùng, bước 3 của nghị trình về vấn đề “thức tỉnh”; đó là ý thức về sự ưu việt về mặt đạo đức. Ông Oulds nhận xét rằng “giai cấp công nhân không quan tâm đến bản sắc chính trị và các quan niệm ngụy biện về ‘đặc quyền của người da trắng’ hay ‘nam tính độc hại’ và chín mươi chín giới tính”. Ông tiếp tục đối chiếu cách giới tinh hoa thành thị và quốc tế đã tự cho mình siêu việt về mặt đạo đức so với tầng lớp dân thường hàng ngày chỉ chăm chỉ lao động. Những người dân này cảm thấy khó hiểu, chứ chưa nói đến việc chấp nhận, tại sao chỉ có người da trắng mới được đặc quyền, tại sao chỉ có đàn ông là độc hại, và tại sao chúng ta cần tôn vinh chín mươi chín giới tính. Những người dân bình thường luôn có những mối bận tâm khác quan trọng hơn.
Nếu chúng ta nhớ lại cuộc thảo luận về các câu hỏi của Đức Chúa Trời trong Phần 1 của bài viết này, chúng ta sẽ thấy có một sự khác biệt to lớn giữa mục đích của Đức Chúa Trời và của Satan: Chúa sáng tạo, dạy dỗ và tôi luyện con người; còn mục đích của Satan dựa trên cơ sở xuyên tạc, bóp méo sự thật và dối lừa để cám dỗ và hủy hoại con người.
Những câu chuyện cổ – như tôi vẫn thường viết trên những chuyên mục này – là những câu chuyện chân thực thâm thúy nhất. Và nếu tất cả chúng ta bắt đầu chú ý hơn tới cách thức hoạt động của Satan, chúng ta sẽ chủ động hơn để loại bỏ hắn ra khỏi khu vườn tâm trí.
Tác giả James Sale đã xuất bản hơn 50 cuốn sách, cuốn gần đây nhất là “Mapping Motivation for Top Performing Teams” (Routledge, 2021). Ông giành giải nhất trong cuộc thi thường niên The Society of Classical Poets 2017 và được trình diễn ở New York vào năm 2019.