Cây anh đào dạy chúng ta ‘Danh hiệu nào mới là đáng ao ước nhất’
Lorraine Ferrier
Câu chuyện của ngài George Washington và cây anh đào là một câu chuyện về mỹ đức và tình phụ tử, đã truyền lại cho nhiều thế hệ, giúp chúng ta hiểu về tuổi thơ của vị tổng thống đầu tiên. Câu chuyện cũng là ngọn nguồn của câu nói nổi tiếng của ngài Washington: “Con không thể nói dối.”
Trớ trêu thay, trên thực tế truyền thuyết này có thể là hư cấu, nhưng đó lại là việc khác. Cho dù có chính xác về mặt lịch sử hay không, câu chuyện này vẫn là một phần trong di sản của Hoa Kỳ.
Câu chuyện được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1806, trong ấn bản thứ năm của cuốn “The Life of George Washington With Curious Anecdotes, Equally Honourable to Himself and Exemplary to His Young Countrymen” (Cuộc Đời Của Ngài George Washington Cùng Các Giai Thoại Kỳ Lạ, Đáng Kính Trọng Đối Với Bản Thân Ông Cũng Là Tấm Gương Cho Những Người Đồng Hương Trẻ Của Ông) của tác giả Mason Locke Weems.
Chuyện kể rằng (theo nội dung trong ấn bản năm 1808), cậu bé Washington sáu tuổi được tặng một chiếc rìu. Vì vậy, theo lẽ đương nhiên, cũng như đa số những đứa trẻ sáu tuổi khi nhận quà, cậu bé đã dùng thử. Cậu vung rìu chặt thử vào những cây cọc trồng đậu của mẹ, và thật không may là vào đúng lần này cậu đã làm “trầy xước” cây anh đào Anh quốc non yêu quý của cha cậu. Cây anh đào đã không bao giờ trở lại như cũ.
Khi cha hỏi George rằng ai đã chặt gốc cây yêu thích của ông, George nhìn “cha mình với khuôn mặt đáng yêu của trẻ thơ ánh lên vẻ đẹp khó diễn tả của sự thật là tất cả,” và nói, “Thưa cha, con không thể nói dối,” cậu bé đã thú nhận tất cả.
Cha cậu, thay vì quở trách con trai, ông dang rộng vòng tay gọi con trai đến, khâm phục lòng dũng cảm và trung thực của cậu bé. “Hành động anh hùng của con trai tôi đáng giá hơn ngàn gốc cây, bất kể chúng nở ra hoa bằng bạc, và kết trái bằng vàng tinh khiết nhất,” ông nói.
Trong cuốn sách này, ông Weems sử dụng câu chuyện về cây anh đào để minh họa tầm quan trọng của việc nói thật, bất kể hậu quả như thế nào. Trước khi kể chuyện, ông lưu ý rằng các bậc cha mẹ có vai trò “những thiên thần hộ mệnh”. Ông dùng hình ảnh cha của ngài Washington để minh họa quan điểm này và cách mà các bậc cha mẹ nên chịu trách nhiệm về tính cách và hành vi của các con. Trong một ví dụ tương tự, cha của cậu bé George kể cho cậu nghe về một số bậc cha mẹ đánh con vì bất kỳ lỗi lầm nhỏ, đánh nhiều đến mức “đứa bé sợ hãi buột miệng thốt ra lời nói dối! chỉ để tránh đòn roi.”
Trong hơn 200 năm qua, câu chuyện này – cho thấy lòng chính trực của vị tổng thống đầu tiên của chúng ta – đã được truyền lại từ đời này sang đời khác.
Câu chuyện được xuất bản vào năm 1806, bảy năm sau khi ngài Washington qua đời. Người dân Mỹ muốn nghe nhiều chuyện hơn về ngài Washington; mọi người đã biết về nhiều công việc dành cho dân chúng nổi tiếng của ông, nhưng rất ít người biết về cuộc sống riêng tư của ngài. Ông Weems đã kể câu chuyện này, và công chúng trân quý giá trị đạo đức đó, dù câu chuyện có thật hay không.
Câu chuyện này không chỉ cho thấy nhân cách tốt đẹp của ngài Washington khi còn là một đứa trẻ, mà còn nhắc nhở chúng ta xem trọng sự thành thật – ‘thành thật’ thực sự là cách hành xử tốt nhất. Ngài Washington đã cho thấy những đức tính này qua cách ông lãnh đạo, với vai trò là tổ phụ lập quốc và “Thiên thần Hộ mệnh” của Hoa Kỳ: “Tôi hy vọng mình sẽ luôn có đủ kiên định và đức hạnh để duy trì (điều tôi xem là đáng ao ước nhất trong mọi danh hiệu) đức tính của một người thành thật,” ngài George Washington gửi đến ông Alexander Hamilton vào ngày 28/08/1788.
Cô Lorraine Ferrier là nữ tác giả chuyên viết về mỹ thuật và thủ công cho The Epoch Times. Cô đặc biệt quan tâm đến những ngành nghệ thuật và thủ công hiếm gặp và ít được biết đến. Cô hy vọng rằng chúng ta có thể bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống. Cô sinh sống và sáng tác tại vùng ngoại ô thành phố London, Anh quốc.