Cây nêu ngày Tết: ‘Xuân từ trong ấy mới ban ra’
Tùng Quân
Lễ dựng nêu là nghi thức quan trọng vào dịp Tết Nguyên Đán thời xưa. Cây nêu được dựng lên từ hôm trừ tịch (ngày cuối năm) trước cửa nhà báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu.
Một tập tục ở cả ba miền
Jean Koffer – một thầy thuốc cho Chúa Nguyễn – ghi lại những hồi ức về khoảng thời gian khá dài sống ở Đại Việt, trong đó có cảnh ăn Tết ở Xứ Đàng Trong vào thế kỷ XVIII: “Trước phủ chúa cũng như nhà dân đều dựng cây nêu lớn, trên ngọn buộc một chùm lá xanh hay buộc giấy tiền vàng bạc, ít cọng rơm, và một cái giỏ để mấy đồng tiền.” (trích trong Description Historique de la Cochinchine)
Giovanni Filippo De Marini – một linh mục người Ý đến Bắc kỳ vào thế kỷ 17 – kể lại: “Chiều hôm 30 Tết, mọi người đều trồng trước nhà một cây khô, hoặc một cái sào trên ngọn buộc một cái giỏ bé bé, chung quanh có viền giấy mã, lóng lánh như kim tuyến, cái giỏ và giấy trang kim này buộc ở trên ngọn sào có ý nghĩa là để tiêu trừ tà ma tránh xa chỗ nhà ở…”
Nhà sử học Nguyễn Văn Huyên, trong cuốn Hội hè lễ tết của người Việt, đã mô tả chi tiết cây nêu: “là một cây tre dài năm sáu mét, được tước hết các cành, nhưng có để lại ở ngọn những cụm lá hoặc buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây vạn niên thanh. Gần đỉnh treo một cái vòng tre, có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất sét nung phát ra một âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi. Dưới cái vòng này có buộc một cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng gai. Ở đỉnh còn treo một cái đèn thắp ban đêm. Cây nêu được làm như vậy để chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn tết.”
Đuổi ma, trừ tà
Theo quan niệm truyền thống dân gian, việc dựng cây nêu để mừng ngày Tết, xua đuổi ma quỷ, trừ tà ma gây hại, cầu mong một năm mới tốt lành, thần linh để phò hộ cho gia chủ được bình an.
Theo sách “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính, nhiều nơi chặt tre dựng cây nêu, kết ba cái lạt ra, buộc một bó vàng, hoặc lấy cành đa lá dừa cài ngoài cửa ngõ, hoặc là rắc vôi bột trong sân ngoài ngõ, vẽ bàn cờ cái cung, cái nỏ… cũng là có ý trừ quỷ, kẻo sợ năm mới quỷ vào quấy nhà mình.
Truyện cổ kể rằng, từ xa xưa, quỷ dữ luôn áp bức và chiếm hết đất đai của con người, còn Người phải thuê đất của quỷ trồng lúa và chịu điều khoản “ăn ngọn cho gốc”. Quỷ lấy hết thóc, người chỉ còn rơm rạ.
Thương người, Phật mách cho trồng khoai lang. Cuối vụ, người thu hoạch hết phần củ, để lại quỷ phần lá. Quỷ đổi điều khoản sang “ăn gốc cho ngọn”. Phật lại mách người quay lại trồng lúa. Người thu hoạch lúa, phần rơm rạ cho quỷ.
Bực tức vì hai vụ liền không thu được gì, quỷ đổi điều khoản “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Phật bảo người trồng ngô. Bắp ngô ra ở giữa thân cây nên cuối vụ, người thu hoạch ngô về chất đầy bồ, quỷ chẳng thu được gì.
Không thu được nông sản, quỷ đòi lại đất. Phật bảo người đến mua một mảnh đất nhỏ bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn tre. Thấy hời, quỷ đồng ý. Khi người trồng cây tre xuống, Phật hóa phép cho cây tre cao lên tận trời, chiếc áo cà sao mở rộng che khắp mặt đất.
Quỷ mất hết đất đai, phải lùi ra tận biển. Uất hận, chúng mang quân đánh chiếm lại ruộng đất. Biết quỷ sợ vôi bột, lá dứa, máu chó, Phật bảo người sử dụng những thứ đó để đánh bại lũ quỷ.
Mỗi khi Tết đến thì đây là lúc thần linh phải về chầu trời, do đó dễ bị ác quỷ xâm nhập, quấy phá, nên cần có “bảo bối” như cây nêu để chống lại chúng. Bên cạnh ý nghĩa là xua đuổi tà ma thì cây nêu ngày Tết còn mang ý nghĩa cầu mong một năm mới suôn sẻ, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an.
Tục dựng nêu ngày Tết nhắc nhở nhân gian, rằng con người trong quá trình sinh tồn luôn phải đấu tranh giữa cái Thiện và Ác, nhưng Thần Phật sẽ luôn phò hộ người lương thiện.
Lễ Thướng Tiêu (hay Lễ Thượng Tiêu)
Trong hoàng cung Huế thời xưa, trước ngày Tết, triều đình làm lễ “Thướng Tiêu” tức lễ dựng nêu để báo hiệu ngày Tết đã tới và cầu cho mưa thuận gió hòa, cho dân chúng làm ăn thuận lợi.
Lễ Thượng Tiêu là một lễ tiết chính yếu trong triều đình xưa, do Hoàng thượng cử hành lễ.
Theo chính sử triều Nguyễn “Đại Nam thực lục”, vào ngày mùng Một Tết năm Ất Hợi, niên hiệu Minh Mạng thứ 16 (1835), sau khi trăm quan vào cung chúc thọ, nhà vua đã hỏi thị thần rằng: “Lễ dựng cây nêu trong buổi trừ tịch là từ kinh điển nào?”
Quan ở Nội các Hà Quyền thưa rằng: “Người xưa cũng có dùng cây nêu làm đề tài làm thơ. Thần chỉ nghe tương truyền là ra từ kinh nhà Phật, nhưng cũng chưa rõ ý nghĩa vì sao.” Nhà vua nghe vậy, nói rằng: “Người xưa đặt ra lễ này cũng là lấy nghĩa rằng nêu là tiêu biểu cho năm mới. Thế thì lễ là do nghĩa mà sinh ra đó thôi.”
Sách Gia định thành thông chí (thế kỷ XIX) miêu tả tục dựng nêu: “dựng cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo vàng bạc, gọi là lên nêu.”
Cây nêu được dựng trong hoàng cung không chỉ mang ý nghĩa xua đuổi tà ma mà còn là sự cầu chúc, là sự gửi gắm khát vọng của các bậc đế vương cho một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thái bình thịnh trị. Việc hưởng Tết Nguyên Đán từ hoàng cung đến dân gian bắt đầu từ ngày dựng nêu và kết thúc vào ngày hạ nêu.
Khi cây nêu trong Hoàng cung được dựng lên, nêu tại các đền miếu và trong dân mới được dựng.
Ông Tú Xương có thơ rằng:
“Xuân từ trong ấy mới ban ra