Cha mẹ cần dạy con phân biệt đúng sai
Khi chúng ta còn nhỏ, cha mẹ đã dạy chúng ta những điều hay lẽ phải. Họ đề ra những quy tắc khá nghiêm ngặt và yêu cầu chúng ta tuân theo. Ngoài ra, họ còn giúp chúng ta đánh giá và nhận xét hành động của những đứa trẻ khác, và chỉ cho phép chúng ta kết bạn với những ai mà họ cho là đúng đắn và phù hợp. Chúng ta không có những người bạn không đủ tiêu chuẩn của cha mẹ.
Nói tóm lại, cha mẹ dạy chúng ta cách nhận định, không phải theo màu da của một người hay trang phục họ đang mặc, mà từ hành động của họ. Họ cũng thảo luận về việc chúng ta nên yêu thương cả người đã lầm lỗi nhưng phải biết tránh xa tội lỗi. Khi còn nhỏ, điều này thật khó hiểu; lớn hơn một chút, chúng ta mới hiểu được sự đúng đắn của họ.
Trẻ em ngày nay vô cùng thiệt thòi. Ở nhà, ở trường hay trong nhà thờ, chúng không được dạy về cách phân biệt đúng sai. Cha mẹ cũng được khuyến nghị rằng họ không nên phán xét hành động, niềm tin hay thói quen của người khác. Thiếu niên thường mặc áo thun in chữ “DON’T JUDGE ME” (Đừng phán xét tôi). Nhưng tôi đã được dạy về cách đánh giá và nhận định, nên từ khi bước vào trường trung học, tôi đã lên kế hoạch định hướng cho các con trên con đường tương tự.
Khi đứa con trai thứ ba của chúng tôi chào đời, vợ tôi Mary và tôi đã đưa con cùng hai đứa 5 tuổi và 3 tuổi đến gặp bác sĩ nhi của gia đình, bác sĩ Ruppa. Tôi là một bác sĩ nhi khoa nội trú vào thời điểm đó, và biết bác sĩ Ruppa là một bác sĩ nhi khoa uyên bác với cách chăm sóc bệnh nhân tuyệt vời. Tôi xem ông là người cố vấn giỏi nhất của mình.
Chúng tôi vừa xong việc thì cùng lúc đó đứa con trai 5 tuổi của tôi chán cảnh đứa em út thu hút hết sự chú ý của mọi người, nên đấm vào bụng em trai. Cú đánh không đau, nhưng tôi đã rất tức giận.
“Con hư quá!” tôi quát lên với khuôn mặt đỏ bừng.
Bác sĩ Ruppa cau mày và nói: “Cô Donahue, phiền cô hãy ở lại với các con trai thêm một phút trong khi tôi nói điều này với bác sĩ Donahue nhé.” Hồi đó chúng tôi đều rất tôn trọng lễ nghi.
Khi cánh cửa đóng lại, ông ấy nhìn tôi, mỉm cười và nói: “Cậu bé không phải là một cậu bé hư. Cậu bé đã làm một hành động không nên. Con trai thường hay cư xử không phải phép, nhưng điều đó không biến chúng thành trẻ hư. Gọi tên và hạ thấp con trước mặt người khác có thể khiến chúng trở nên hư hỏng thực sự. Bé cảm thấy bị phớt lờ vì chúng ta đang nói chuyện và không chú ý đến bé. Bây giờ, cậu hãy trở ra và thể hiện tình yêu với cả bốn con người tuyệt vời đó. Chúc một ngày cuối tuần vui vẻ, hẹn gặp lại vào thứ Hai tại bệnh viện.” Ông bắt tay tôi rồi đi mất.
Bác sĩ Ruppa đánh giá hành vi của tôi; tôi đã phán xét con trai tôi và bị lên án ngay!
Vài năm trước, một sinh viên năm nhất đại học Vanderbilt thức dậy lúc 2:30 sáng khi bạn cùng phòng của anh ta và một nhóm người đã bế một người phụ nữ bất tỉnh vào phòng, đặt cô ấy xuống nền gạch lạnh và lần lượt hãm hiếp cô ấy. Sau đó, anh ta nói với nhà chức trách rằng anh ta không muốn phán xét họ nhưng không biết phải làm gì, vì vậy anh ta trở mình và cố gắng ngủ tiếp. Hầu hết mọi người sẽ nói rằng anh ta nhận định thật kém, nhưng theo tôi, anh ta thật ra chẳng đưa ra lời phán xét hay nhận định nào cả!
Cha mẹ và giáo viên sợ phán xét đến mức họ lờ đi hành vi xấu. Nhưng hành động đó không đem lại điều gì tốt đẹp. Trẻ em cần biết đúng sai, có khả năng phân biệt tốt xấu, và nhận định xem chúng nên kết giao với ai. Đó là cách chúng học hỏi và cha mẹ có trách nhiệm dạy chúng.
Cha mẹ dạy con phân biệt đúng sai như thế nào?
Cha mẹ dạy con mỗi ngày bằng hành động, lời nói, và nhân sinh quan của mình. Họ tuân theo các quy tắc mà mình đặt ra và yêu cầu bọn trẻ thực hiện theo. Họ tránh làm những hành vi có hại, cẩn trọng với lời nói của mình, và giữ thái độ tích cực. Cha mẹ cần làm điều tốt đẹp, nói lời dễ chịu và tinh thần lạc quan. Cha mẹ cũng nên sửa sai cho con nếu chúng làm điều chưa đúng đắn. Khi con trưởng thành, cha mẹ hãy giải thích tế nhị tại sao những gì chúng làm là sai.
Nếu con bạn làm tổn thương người khác hoặc gây tổn hại cho một địa điểm hoặc đồ vật nào đó, thì chính đứa trẻ, chứ không phải cha mẹ, sẽ cần phải xin lỗi và bồi thường những đối tượng đó. Còn trong cuộc trò chuyện thông thường, cha mẹ cần giải thích cho trẻ những quy tắc mà tất cả chúng ta phải tuân theo. Đó là lý do vì sao gia đình nên theo một tôn giáo để thực hành các quy tắc này. Cha mẹ cần biết nhận định và phân biệt tốt xấu, nhưng đừng bao giờ lên án con mình.
Chúng ta đều nghe rất nhiều về những người không làm gì cả, mà chỉ đứng nhìn những kẻ lưu manh giật ví, trộm cắp hoặc hành hung người khác. Là công dân tốt, cha mẹ cần đánh giá được tình hình và can thiệp khi thấy người khác bị bạo hành. Nếu chúng ta không làm gì cả, các con sẽ noi gương chúng ta.
Và đây là câu chuyện xảy ra 30 năm sau khi bác sĩ Ruppa sửa lại cách “phán xét” của tôi về con trai mình.
Con trai tôi ngồi trên phi cơ ở vị trí ghế sát lối đi, cạnh một nam thanh niên xa lạ khác. Ngay bên cạnh anh bạn trẻ đó là một bé gái khoảng 9, 10 tuổi đang ngủ, hoặc ít nhất là đôi mắt của cô bé đang nhắm nghiền. Con tôi nhận thấy người đàn ông đưa tay lên đùi, xoa bóp chân cô bé. Con trai tôi vỗ vai vai anh chàng kia và hỏi anh ta đang làm gì, và tại sao anh ta làm như vậy? Người đàn ông cười cợt trả lời: “Có sao đâu, cô bé đang ngủ mà.”
Con trai tôi yêu cầu anh ta dừng ngay hành động đó lại. Anh ta dừng được một phút rồi lại tiếp tục lạm dụng cô bé. Con trai tôi đến gặp tiếp viên hàng không và phản ánh chuyện đang xảy ra. Cô đã liên lạc với cơ trưởng chuyến bay; cơ trưởng rời buồng lái và chuyển kẻ lạm dụng sang một chỗ ngồi khác. Khi máy bay hạ cánh, và trước khi bất cứ ai ra ngoài, cảnh sát đã ập vào còng tay người đàn ông kia.
Cảm ơn con trai, và cảm ơn bác sĩ Ruppa!
Ông Parnell Donahue là một bác sĩ nhi khoa, cựu quân nhân, tác giả của bốn cuốn sách và blog ParentingWithDrPar.com, đồng thời là người dẫn chương trình “Chuyện nuôi dạy con” của WBOU. Ông và vợ là Mary, có bốn người con đã trưởng thành; tất cả đều có bằng Ph.D., trong đó có hai người là bác sĩ.