Chàm – thứ màu ‘Phương Đông huyền bí’ kết nối văn minh nhân loại
Đan Thư
Nhuộm chàm có nguồn gốc thực vật cổ xưa nhất trên thế giới. Nó gần như là chất nhuộm màu xanh lam duy nhất xuất hiện trong tự nhiên. Thuốc nhuộm chàm được tạo ra thông qua quá trình biến lá của cây Indigofera thành bột, đun sôi bột thành chất lỏng đậm đặc, sau đó lên men thuốc nhuộm cho đến khi nó có màu xanh lam đặc biệt.
Indigo – màu chàm, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘từ Ấn Độ’. Nghề trồng chàm được cho là đã tồn tại ở Ấn Độ hơn 5,000 năm trước; ở đó nó được gọi là nila, có nghĩa là “xanh đậm”. Với một lịch sử hấp dẫn, được vô số nền văn hóa đánh giá cao trong hàng ngàn năm, Chàm thiết lập nên sự đa dạng văn hóa, thẩm mỹ, chất liệu và phục trang của nhân loại.
Thứ màu từ ‘Phương Đông huyền bí’, phát triển qua quá trình lịch sử tại những nền văn hoá khác nhau, tạo nên sợi chỉ màu xanh lam kết nối nhân loại, từ Ấn Độ, Á Châu, Phi Châu, Trung Đông, sang đến Mỹ Châu bên kia đại dương, góp phần thay đổi nhiều nền văn hóa một thời.
Định hình văn minh nhân loại
Thuốc nhuộm chàm đã được sử dụng hàng ngàn năm, trải rộng trên nhiều lục địa, nền văn hóa. Các nền văn minh cổ đại La Mã, Hy Lạp, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, v.v. đều tạo ra những loại vải dệt đặc biệt dựa trên màu chàm. Chàm có một di sản đẹp đẽ và rộng lớn từ Lưỡng Hà cổ đại đến Peru, Tây Phi… màu chàm cũng được sử dụng ở Trung, Nam Mỹ. Thứ màu xanh lam huyền thoại vừa mang tính phổ quát, đồng thời gắn liền sâu sắc với nền văn hóa bản địa.
Dấu vết về thuốc nhuộm chàm được tìm thấy trên vải bảo quản trong các ngôi mộ Ai Cập có niên đại từ cuối Thời đại đồ đồng. Một mô tả chi tiết về quy trình sản xuất thuốc nhuộm đã được nhà văn La Mã Pliny the Elder ghi lại vào thế kỷ 1 TCN, cho thấy rằng hàng dệt nhuộm chàm đang được buôn bán trên khắp tiểu lục địa Ấn Độ, Tây Á, và quanh biển Địa Trung Hải. Chất nhuộm chàm đã sớm du nhập vào châu Âu và được biết đến nhiều nhất trong giai đoạn hưng thịnh của các nền văn minh cổ đại ở Lưỡng Hà, Ai Cập, Peru, và Phi Châu…
Vào thế kỷ 16, nhà thám hiểm Vasco de Gamma, một trong những người Âu Châu đầu tiên đến Ấn Độ, khi trở về quê nhà đã mang theo màu indigo. Màu chàm đã nhanh chóng trở thành xu hướng được săn đón tại châu Âu lúc bấy giờ, thay thế cho hệ màu xanh pastel vào thời điểm trước đó vì màu có sắc độ cực mạnh lên đến 20 lần, rồi tiếp tục vượt qua đại dương, và trở thành màu sắc được ưa thích ở Mỹ Châu. Cơn sốt chàm của phương Tây lúc đó đã thúc đẩy việc sản xuất thuốc nhuộm màu xanh này nhanh chóng trở thành một nền công nghiệp mới tại Tây Ấn và Tây Phi. Chàm không chỉ phổ biến trong lĩnh vực nhuộm phẩm mà cả trong dược phẩm, mỹ phẩm, họa phẩm, văn phẩm.
Màu của đại ngàn
Chàm luôn là sắc màu biểu tượng gắn liền với văn hóa của các dân tộc vùng núi phía Bắc Việt Nam. Tại các cộng đồng bản địa, màu chàm vẫn là thứ màu chủ đạo làm nên những phục trang truyền thống của người H’Mông, Dao, Tày, Nùng, Thái, Tà Ôi, Cơ-tu, Kh-mer. v.v.
Điều kiện khí hậu nhiệt đới lý tưởng tại Việt Nam là môi trường thuận lợi để chàm phát triển tự nhiên. Vụ chàm bắt đầu vào mùa xuân và thu hoạch vào cuối hè. Sau khi gặt, cây chàm tươi được ngâm trong bể nước. Cây chàm được ủ chín dần lên men, nổi bong bóng, sau đó người dân tộc sẽ vớt bỏ bã cây chàm; còn nước ngâm chàm được hòa tan với vôi bột. Phần nước phía trên được dùng để tưới, còn lá được tái sử dụng làm phân bón. Phần nước đục lắng ở đáy màu xanh đậm có chứa tinh bột chàm sẽ được lọc qua vải cho thật mịn, thu được cao chàm, ép thành bánh và sấy khô trong vài ngày, sẵn sàng để sử dụng làm thuốc nhuộm.
Vải ngâm trong thuốc nhuộm càng lâu thì sẽ càng sẫm màu. Cuối cùng, vải sẽ được oxy hóa thành màu xanh đậm đặc trưng. Trang phục truyền thống của người H’Mông có màu xanh chàm đậm đến mức chuyển sang màu đen. Phương pháp nhuộm, treo và sấy khô được lặp lại hai lần một ngày trong một tháng để đạt được độ sâu màu phù hợp, màu chàm càng đậm thì vải càng có giá trị.
Người ta ví nhuộm chàm giống như luyện đan, một thứ thuật giả kim của những nghệ nhân miền núi. Nhưng tất cả những công đoạn phức tạp này đều xứng đáng với kết quả cuối cùng. Sau khi được nhuộm, màu chàm bền vững đến mức có thể tồn tại hàng thế kỷ, thậm chí hàng ngàn năm.
Màu của sự tĩnh lặng
Màu chàm là một trong số những màu được dùng phổ biến nhất thời cổ đại. Indigo blue là thứ màu tượng trưng cho ánh nắng, ở giữa màu xanh tím và màu xanh da trời trong hệ cầu vồng.
Là sự giao thoa giữa màu lam và màu tím, màu chàm là sắc tố bí ẩn, mang ý nghĩa tâm linh. Người Ai Cập cổ xưa quan niệm màu chàm đại diện cho sự linh thiêng, huyền bí, giúp ích cho nhân loại gia tăng trí tuệ, và tập trung cao độ.
Sắc chàm thể hiện sự thanh lịch, và nội lực tiềm ẩn bên trong thường xuyên được sử dụng trong các kiểu âu phục thời cổ xưa dành cho giới vương tôn quý tộc hoặc tầng lớp tăng lữ.
Indigo dành cho những ai yêu thích tĩnh lặng và thiền định, thứ màu mang cảm giác yên bình, giúp con người nhìn nhận thấu đáo sự vật, màu chàm gợi lên cảm giác chân thực, mang đến niềm tin, lý trí sáng suốt, và sự khiêm nhường, tinh tế.
Vàng xanh
Nhiều thế kỷ trước, loại thuốc nhuộm bí ẩn này độc quyền đến mức chỉ hoàng gia và tầng lớp quý tộc mới có thể mua được. Nó được nhập khẩu rất khó khăn từ các thuộc địa xa xôi, khiến màu chàm có vị thế tương tự như trà, cà phê, lụa, hoặc thậm chí như vàng. Xanh chàm đã trở thành màu gắn liền với sự sang trọng trong nhiều nền văn hoá.
Việc sử dụng màu chàm làm chất màu cho hội họa đã được ghi nhận ở Ai Cập cổ đại cũng như các đế chế Hy Lạp và La Mã. Được người Hy Lạp và La Mã xem là xa xỉ và được nhiều nước ở Á Châu sử dụng trong nhiều thế kỷ để nhuộm lụa, quần áo nhuộm màu chàm thường được xem là dấu hiệu của sự giàu có.
Ở Bắc Mỹ, cây chàm đã được du nhập vào South Carolina – nơi nó trở thành cây trồng quan trọng thứ hai của thuộc địa sau lúa, và vì giá trị cao của nó như một mặt hàng thương mại nên thường được gọi là “vàng xanh”.
Trong suốt lịch sử lâu dài của mình, màu chàm đã được tôn kính. Vào thời Ai Cập cổ đại, những người thợ dệt đã chèn các sọc xanh vào viền vải lanh trơn của xác ướp. Màu xanh rực rỡ này trở nên quan trọng đến mức nó gây ra chiến tranh thương mại giữa các nước châu Âu và các vùng lãnh thổ thuộc địa ở Mỹ Châu, thúc đẩy hoạt động buôn bán nô lệ ở Phi Châu và thậm chí trở thành một phần trong quang phổ màu của Isaac Newton khi ông công bố lần đầu tiên vào năm 1672.
Thứ màu thống lĩnh thế giới
Năm 1850, một người thợ may tên là Levi Strauss ở San Francisco đã sáng tạo ra một loại quần mang sắc xanh indigo dành cho người lao động, nhưng ông cũng không ngờ rằng về sau nó trở thành một sản phẩm thời trang kinh điển toàn cầu: quần jeans. Kể từ đây, màu chàm đã trở thành màu thông dụng nhất trên toàn thế giới.
Đầu thế kỷ 20, việc sản xuất thuốc nhuộm chàm tổng hợp đã gần như thay thế hoàn toàn thuốc nhuộm chàm có nguồn gốc tự nhiên từ cây Indigofera trên thị trường thế giới. Ngày nay, có rất ít nhà sản xuất cung cấp quần áo nhuộm chàm tự nhiên cho khách hàng của mình. Vải denim ngày nay chỉ được nhuộm bằng màu chàm tổng hợp bởi việc sản xuất nó dễ dàng hơn, rẻ hơn.
Thuật ngữ “công nhân cổ xanh” bắt nguồn từ những năm 1920, từ việc cổ áo công nhân được nhuộm chàm để ít bẩn hơn cổ áo trắng. Màu chàm vẫn là một màu quan trọng không chỉ ở Bắc Mỹ và trên toàn thế giới. Lá cờ Mỹ ban đầu cũng được làm từ vải chàm. Thời cách mạng Mỹ, bánh chàm được dùng làm tiền tệ.
Thuốc nhuộm chiết xuất từ cây chàm, thứ vàng xanh từng là biểu tượng của quyền lực và thịnh vượng, là màu của trang phục hoàng gia, cuối cùng đã trở thành màu sắc chủ yếu trong ngành dệt may toàn cầu.
Tương lai của thời trang bền vững
Sự bắt nguồn từ thiên nhiên và quá trình chế tác thủ công công phu, kỳ thú, đã khiến chàm có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với các thương hiệu thời trang cao cấp trên toàn thế giới. Thứ màu lam da diết vốn thường xuất hiện trong các trang phục truyền thống hay sản phẩm thủ công đơn sơ dần dần thống lĩnh các sàn diễn thời trang quốc tế, các bộ sưu tập thiết kế cao cấp, khi xu hướng của các sản phẩm “bền vững, thân thiện tự nhiên, sản phẩm xanh”… luôn được nhắc đến tại các diễn đàn thời trang, may mặc toàn cầu.
Trầm tĩnh và thanh lịch, màu chàm được ưa thích không chỉ trong ngành thời trang, nó cũng phổ biến trong thế giới mỹ thuật. Màu Indigo thường hay xuất hiện trên tranh treo tường, vải và đồ gốm sứ. Sắc màu đậm chất “thiền” tạo cảm giác thư thái cho không gian, và những mộng tưởng về một vùng đất xa xôi, nơi màu xanh của núi rừng ngút ngàn tới chân trời xanh thăm thẳm.
Ngày nay, nhuộm chàm không chỉ được xem là một hiện tượng lịch sử kỳ lạ, nó còn có tiềm năng trở thành một phần giải pháp cho ngành may mặc đang ngày càng nguy hại cho môi trường. Công thức hóa học của màu chàm tự nhiên và tổng hợp thì như nhau, nhưng thuốc nhuộm tổng hợp có chứa chất giống như formaldehyde và thuốc nhuộm tổng hợp đều có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Chàm tự nhiên là lựa chọn bảo vệ sinh thái, thảm thực vật đa dạng của địa phương, bảo tồn văn hoá bản địa. “Lá xỏm”, tên phương ngữ khác của cây chàm được đồng bào dân tộc thiểu số dùng để đắp vào vết thương. Những nông dân trồng chàm đã khám phá ra đặc tính làm dịu và phục hồi của loại thực vật huyền thoại này. Các samurai quý tộc của Nhật Bản mặc một lớp vải nhuộm chàm bên dưới áo giáp để giúp chữa lành vùng da bị thương, nên được đặt tên là “Japan Blue”. Ở Nhật, màu chàm giữ vị trí đặc biệt trong văn hóa vì lịch sử lâu đời và tính biểu tượng của nó. Chàm là màu sắc yêu thích của các tầng lớp xã hội, từ samurai, quý tộc đến nông dân.