Chất thơ của vũ đạo: Trò chuyện cùng Nghệ sĩ múa được trao giải Bella Fan
Wandi Zhu
“Là một nghệ sĩ múa cổ điển Trung Hoa khiến tôi tự tin hơn, kiên cường, kiên nhẫn, và kiên trì hơn.”
—Bella Fan
Giai điệu quyến rũ cất lên khi một nghệ sĩ múa trong trang phục sắc tím và trắng bước ra sân khấu. Khi cô xòe chiếc quạt trong tay, ánh trăng như mờ như tỏ. Chuyển động của cô lúc khoan, lúc nhặt, đưa cô hóa thân thành một chàng thư sinh thời cổ đại. Một mình trầm tư, cô lạc vào thế giới của riêng mình.
Ánh Trăng Huyền Ảo là tên của vở múa mà Bella Fan biên đạo để biểu diễn tại Cuộc thi Múa Cổ Điển Trung Hoa Quốc Tế NTD lần thứ 10, mang về cho cô giải vàng ở hạng mục thanh nữ.
Năm nay đánh dấu lần thứ tư cô Fan tham gia cuộc thi danh giá này ở New York. Mỗi hành trình đều có nhiều khó khăn và mỏi mệt, nhưng cũng đầy niềm vui và mãn nguyện nhờ sự kiên trì bền bỉ khổ luyện. Những kinh nghiệm như vậy đã tiếp sức cho cô gái trẻ, giúp cô trở thành một nghệ sĩ thành công.
Vở múa được trao giải năm 2023 của cô Fan lấy cảm hứng từ Động Tiên Ca Tết Trung Thu Tứ Châu, một bài thơ của nhà văn Tiều Vô Cữu thời Tống. Trong bài thơ, người kể chuyện chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vầng trăng trong một đêm mù sương rồi suy ngẫm về ý nghĩa nhân sinh.
“Với cuộc thi này, tôi muốn thể hiện một nhân vật chín chắn trưởng thành, người đã trải qua những biến chuyển quan trọng,” Fan nói.
Trong tác phẩm của mình, cô hóa thân vào những khoảnh khắc dữ dội của một chàng thư sinh thời Trung Quốc cổ đại, chuyển từ cảm giác lạc lõng trong kiếp nhân sinh sang niềm hân hoan khi giác ngộ. Niềm vui, sự lạc quan, và thanh thản tương phản với cảm giác mất mát, chán nản và cô đơn. Lấy cơ thể làm ngòi bút, sân khấu làm nền vải canvas, và tiếng nhạc làm mực vẽ, cô Fan dệt nên tinh thần và ý chí thường thấy trong các tác phẩm cổ điển để sáng tạo ra một hình ảnh thơ mộng của riêng mình.
Để truyền tải những cảm xúc phức tạp của chàng thư sinh và nắm bắt được sự thay đổi tâm lý mà chàng trải qua sau khi giác ngộ, Fan cần không chỉ kỹ thuật múa tuyệt đỉnh mà còn cả hiểu biết sâu sắc về lịch sử và truyền thống Trung Quốc. Cô nói: “Tôi rất có thiện cảm với văn hóa thời Tống và thường đắm mình trong những bài thơ và thể thơ thời kỳ đó”.
Triều Tống (960–1279) là một thời đại huy hoàng của nghệ thuật Trung Quốc, đặc trưng là những bức tranh hoàn hảo, gốm sứ tinh xảo, và thơ ca tinh tế. Văn học thời kỳ đó truyền tải những giá trị của Nho gia còn nghệ thuật lại giản dị mà sâu sắc, từng chi tiết tinh tế đều có ý nghĩa quan trọng. Thẩm mỹ kiền tịnh và tao nhã đó luôn là nguồn cảm hứng vượt thời gian được bao thế hệ tán thán.
Các loại hình nghệ thuật truyền thống Trung Quốc hướng đến truyền tải những cảm xúc sống động. Đó có thể là một bức tranh, một bài thơ, một điệu múa hay một bản nhạc, vẻ đẹp của những môn nghệ thuật này là do tâm hồn của người nghệ sĩ quyết định. Vượt trên những điều hữu hình, cho phép các nghệ sĩ thể hiện trí huệ của mình và cùng khán thính giả giao lưu về ý nghĩa nhân sinh.
“Đây là lý do vì sao vũ đạo Trung Hoa cổ điển bắt đầu từ trái tim,” cô Fan nói. “Người nghệ sĩ múa trước tiên phải điều chỉnh bản thân phù hợp với tình cảm và giá trị mà cô ấy muốn giao tiếp trước khi dùng cơ thể để truyền tải những cảm xúc nội tâm của nhân vật.”
Triết lý thẩm mỹ uyên thâm
Những triết lý nghệ thuật có thể được thể hiện thông qua một vài nét vẽ đơn giản hoặc một khổ thơ tao nhã. Trong vũ đạo, những triết lý này được truyền tải thông qua một cái nhấc tay hoặc một nhịp chân của người nghệ sĩ múa. Các nghệ sĩ múa phải cân nhắc từng động tác để tìm ra phương cách biểu đạt hiệu quả nhất.
“Tôi muốn miêu tả từng nhân vật của mình đa dạng và đa chiều. Tôi muốn có thể thể hiện từng diễn biến cảm xúc cũng như tất cả những đặc điểm cá nhân của họ,” cô Fan chia sẻ.
Trong vở Ánh Trăng Huyền Ảo, động tác của cô gái trẻ gồm cả sự dịu dàng, nhẹ nhàng, và ngoan cường, chính trực của một chàng thư sinh đức độ. Ban đầu, bước đi của cô duyên dáng nhưng trang trọng, ánh mắt kiếm tìm trên bầu trời đêm vằng vặc ánh trăng câu trả lời cho những uẩn khúc trong lòng. Tiếp đó, khi bị bao phủ bởi một làn sương mù, cô vấp ngã. Đột nhiên giác ngộ, hai bàn chân cô trở nên nhẹ nhõm và hân hoan, nét mặt toát lên niềm hân hoan và thư thái. Qua từng cái vung tay, từng cú xoay người, từng bước nhảy và từng thay đổi trên nét mặt, cô Fan đã truyền tải hiệu quả hành trình cảm xúc nội tâm của nhân vật.
“Bất kỳ ai có kinh nghiệm múa, đặc biệt là những người đã được đào tạo chuyên nghiệp, đều biết rằng các nghệ sĩ múa luôn cố gắng duỗi tay chân ra xa nhất có thể. Điều này giống như một nhà văn có vốn từ vựng phong phú hoặc một ca sĩ có âm vực rộng. Việc mở rộng này không chỉ tăng thêm sự duyên dáng và năng động mà còn mang lại nhiều không gian biểu đạt hơn, khiến diễn xuất có nội lực hơn,” cô cho hay.
Trong những năm gần đây, cô Fan và các bạn nghệ sĩ múa của mình tại Đoàn Nghệ Thuật Biểu Diễn Shen Yun đã được học kỹ thuật được gọi là thân đới thủ, khố đới thối (thân dẫn theo tay, hông dẫn theo chân). Kỹ thuật này đã thất truyền từ lâu và hiện chỉ có ở Shen Yun, đại diện cho đỉnh cao của kỹ thuật vũ đạo Trung Hoa cổ điển, cho phép các nghệ sĩ múa mở rộng tầm chuyển động đến mức tối đa. Ngay cả những động tác nhỏ nhất, chẳng hạn như búng ngón tay hay nhón chân, đều bắt nguồn từ vùng trung tâm cơ thể [bụng, hông, lưng dưới], mọi dây thần kinh đều đóng vai trò tích cực trong việc thực hiện từng tư thế.
Hoàn thành sứ mệnh
Để duy trì sự mềm dẻo, sức chịu đựng, và khả năng thành thạo các kỹ thuật của mình, cô Fan phải trải qua quá trình khổ luyện chuyên sâu hàng ngày, bao gồm cả các bài tập kéo giãn cơ và các kỹ thuật múa với cường độ cao lặp đi lặp lại. Cô đã duy trì lịch trình khắt khe này kể từ khi rời quê hương Đài Loan mười năm về trước để tham gia công ty Shen Yun có trụ sở tại New York.
Công ty nghệ thuật biểu diễn này hiện có tám đoàn lưu diễn với quy mô tương đương, mỗi đoàn có hơn một trăm buổi biểu diễn mỗi mùa. Cô Fan và các bạn nghệ sĩ múa của mình thường đăng các vlog về cuộc sống thường nhật của họ khi đi lưu diễn vòng quanh thế giới. Cô thẳng thắn chia sẻ rằng, kể từ khi cô bắt đầu múa, tình trạng mệt lả, đau đớn cùng việc tập luyện không ngừng đã có lúc khiến cô muốn bỏ cuộc.
“Mỗi khi tình trạng này xuất hiện, tôi lại tự hỏi: ‘Mình có thực sự muốn bỏ cuộc hay chỉ đơn giản là muốn trốn tránh những vất vả và khó khăn phía trước?’ Câu trả lời rất hiển nhiên, thế nên tôi luôn chọn bước tiếp”, cô nói
Cái tên “Shen Yun” mang nghĩa là “vẻ đẹp của những vị Thần đang múa”. Khi bắt đầu tham gia Shen Yun, cô Fan cảm thấy mình có sứ mệnh thiêng liêng là chia sẻ 5,000 năm lịch sử và văn hóa huy hoàng của Trung Hoa với thế giới. Từ thời xa xưa, người Trung Quốc đã tin vào sự tồn tại của Thần và thể hiện lòng tôn kính với thiên lý. Đó là vì những giáo lý của Nho gia, Đạo gia, và Phật gia tạo nên nền tảng của nền văn hóa Trung Hoa.
Các học giả Trung Quốc cổ đại tin rằng trái tim là cốt lõi nội tâm của mỗi người. Chỉ có thông qua việc tự hoàn thiện bản thân và có đạo đức cao thượng, thì một cá nhân mới có thể tạo nên ảnh hưởng tích cực và mang lại sự thay đổi cho xã hội. Tương tự như vậy, một nghệ sĩ múa muốn thành thạo kỹ thuật vô song “thân đới thủ, khố đới thối” thì phải học cách thực hiện từng động tác từ trong tâm.
Các nghệ sĩ biểu diễn của Shen Yun là những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện dạy các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Cô Fan và các bạn nghệ sĩ múa của mình luôn cố gắng sống theo những nguyên lý này trong cuộc sống hàng ngày, nỗ lực cải thiện cả kỹ thuật bên ngoài lẫn tâm tính bên trong. Việc liên tục hoàn thiện bản thân khích lệ họ kiên trì trong quá trình khổ luyện hàng ngày, khiến họ tỏa ra sự thuần khiết và thanh lịch phi thường có thể nói là “vẻ đẹp của những vị Thần đang múa”.
“Sứ mệnh của chúng tôi là hồi sinh và truyền tải văn hóa truyền thống Trung Hoa đích thực, đây là động lực để chúng tôi nỗ lực cải thiện và thử thách chính mình,” cô Fan cho hay.
Cô rất vui khi được trở thành một phần của một sứ mệnh lớn lao và cao cả, sứ mệnh này không chỉ giúp cô phát triển trong nhiều lĩnh vực mà còn đem lại cho cô niềm hạnh phúc viên mãn.
“Là một nghệ sĩ múa cổ điển Trung Hoa đã khiến tôi tự tin hơn, kiên cường, kiên nhẫn và kiên trì hơn. Điều đó cho tôi cơ hội truyền đạt cảm xúc và suy nghĩ của mình cũng như chia sẻ vẻ đẹp của nghệ thuật,” cô Fan nói.
Hành trình đầy chất thơ của cô thực sự đáng trân quý.
Bài viết nguyên gốc được đăng tại www.magnifissance.com