Chiếm đất ở Nam Cực, Trung Cộng xây dựng căn cứ thứ 5
DANIEL Y. TENG
Bắc Kinh đang tiến hành mở rộng sự hiện diện “quan trọng nhất” của họ ở Nam Cực. Các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy chính quyền cộng sản đang tiếp tục xây dựng trạm thứ năm ở vùng địa cực này.
Một tổ chức cố vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn tin rằng trạm mới này, nằm trên đảo Inexpressible gần Biển Ross, có thể tăng gấp đôi hoạt động gián điệp.
Báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết: “Bên cạnh việc chính là theo dõi và liên lạc với thống vệ tinh khoa học ngày càng tăng của Trung Quốc, các trạm mặt đất này cũng có thể trợ giúp cả việc thu thập thông tin tình báo.”
“Điều quan trọng là vị trí của trạm này có thể cho phép thu thập các tín hiệu tình báo từ các đồng minh Úc và New Zealand của Hoa Kỳ, và có thể thu thập dữ liệu từ xa về hỏa tiễn phóng từ các cơ sở vũ trụ mới thành lập ở cả hai quốc gia.”
CSIS cho biết Bắc Kinh đã phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc thiết lập sự hiện diện ở phía bắc Bắc Cực và thay vào đó, họ “rảnh tay” hơn để khám phá Nam Cực.
Trong khi Hoa Kỳ vẫn duy trì sự hiện diện lớn nhất trên lục địa này, thì sự hiện diện của Bắc Kinh đang mở rộng nhanh chóng. Trung Quốc hiện có bốn trạm (tất cả sẽ được mở rộng), gồm các trạm Vạn Lý Trường Thành (Great Wall), Thái Sơn (Taishan), Côn Lôn (Kunlun), và Trung Sơn (Zhongshan).
“Tài sản của Trạm Trung Sơn có thể được tận dụng để thu thập thông tin tình báo về quân đội ngoại quốc ở Ấn Độ Dương, kể cả Cơ sở Hỗ trợ Hải quân Chung giữa Hoa Kỳ và Anh trên đảo Diego Garcia. Trạm này cũng có thể trợ giúp việc giám sát lực lượng hải quân đang phát triển của Ấn Độ hoạt động trong khu vực.”
Trung Cộng đã duy trì các chuyến thám hiểm thường xuyên tới Nam Cực chỉ nhằm mục đích nghiên cứu.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết chiến lược của Trung Cộng là phát triển “công nghệ, cơ sở vật chất và nghiên cứu khoa học lưỡng dụng,” tất cả đều nhằm nâng cao năng lực của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Các trạm nghiên cứu này cũng có thể là các vị trí tham khảo cho mạng lưới vệ tinh Bắc Đẩu (BeiDou) của Bắc Kinh – đối ứng với hệ thống định vị toàn cầu (GPS) do Hoa Kỳ điều hành.
Ông Anthony Bergin, thành viên cao cấp tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, trước đây đã nói với The Epoch Times rằng: “Hoàn toàn không có lý do gì khiến Nam Cực không bị học thuyết này ảnh hưởng.”
Ông nói: “Các công nghệ cụ thể, các phần cụ thể của nghiên cứu khoa học, có thể được biến thành một phần của hệ thống lớn hơn. Chúng tôi không nghĩ rằng có một mối đe dọa quân sự trực tiếp từ Nam Cực.”
Hiệp ước Nam Cực bị đe dọa
Hệ thống Hiệp ước Nam Cực (ATS) được thành lập năm 1961 là một thỏa thuận quan trọng quy định các mối quan hệ quốc tế trên lục địa này. Hiệp ước này được xem như là một trong những “bộ thỏa thuận quốc tế thành công” nhất vì dựa trên thiện chí và sự hợp tác hòa bình giữa các quốc gia.
Năm 1983, Trung Cộng đã tham gia hiệp ước này, và kể từ đó đã không ngừng mở rộng sự hiện diện, đội tàu đánh cá và các chuyến thám hiểm nghiên cứu tới lục địa này.
Vai trò của Bắc Kinh trong các vấn đề của Nam Cực cũng gây tranh cãi trên các phương diện khác.
Năm 2022, Nga và Trung Quốc một lần nữa ngăn chặn đề xướng thành lập khu bảo tồn mới trong khu vực trong cuộc họp của Ủy ban Bảo tồn Tài nguyên Sinh vật Biển Nam Cực (CCAMLR).
Đây là năm thứ sáu liên tiếp một đề nghị như vậy bị một trong hai bên chặn lại.
Ông Tony Press, cựu ủy viên CCAMLR, cho biết trong buổi phỏng vấn với Scientific American rằng: “Lại là kiểu chính trị hóa khoa học kỳ lạ này.”
“Thành thật mà nói, điều này hiện đang kìm hãm tiến độ. Các quốc gia ưu tiên nhu cầu cá nhân của họ đang làm suy yếu khả năng của chúng tôi trong việc đạt được các mục tiêu bảo tồn chung – lý do mà cơ quan này được thành lập.”