Chiêm ngưỡng bộ sưu tập ngọc bích tinh tế từ thế kỷ thứ 18
Người Trung Quốc từ xưa đã yêu thích và coi trọng ngọc bích nhất trong các loại đá quý. Ngọc bích còn là biểu tượng cho sự thuần khiết và đức hạnh của người quân tử.
Gần hai ngàn năm trước, học giả Hứa Thận, cũng là một vị quan Trung Quốc, đã viết về ngọc bích như sau, “Ngọc bích là loại đá mỹ lệ hàm chứa năm đức hạnh: Lòng nhân ái thể hiện qua ánh sáng lấp lánh, tươi tắn nhưng ấm áp; Sự chính trực biểu hiện qua đặc tính thuần khiết, để lộ màu sắc và vết tích bên trong; Trí tuệ biểu hiện bởi độ xuyên thấu khi ngọc được đánh bóng; Dũng cảm – ngọc có thể bị vỡ nhưng không thể bị làm cho thành cong; Sự tinh khiết, ở chỗ nó có các cạnh sắc, nhưng chúng không gây thương tích cho ai.”
Ngọc bích vô giá, còn quý hơn vàng và bất kỳ loại ngọc nào khác. Giá trị này không phải vì sự hiếm hoi hay vì thành phần vật chất khác biệt, mà chính là vì nội hàm cao quý của ngọc bích. Vì vậy, người quân tử đeo ngọc bích không phải để thể hiện tài phú mà là một lời nhắc nhở thường hằng về việc tu dưỡng và đạt được những đức hạnh của loại đá mỹ hảo này.
Ngọc bích được khai thác từ núi hoặc lòng sông, sau đó được tạo hình qua một quá trình kỳ công, tốn nhiều thời gian. Vì có độ cứng hơn thép, nên ngọc bích không thể chạm khắc bằng dao mà phải được tạo hình bằng cách tiện hoặc mài dũa. Nghệ thuật chạm khắc ngọc bích ở Trung Quốc đạt đến đỉnh cao vào thời nhà Thanh (1644–1911) dưới sự trị vì của Hoàng đế Càn Long. Đây là thời kỳ nghệ thuật phát triển tinh tế dưới sự bảo trợ của hoàng gia.
Trong tiếng Trung Hoa ngọc được gọi là “yu”, chỉ về một loạt các loại đá đẹp đẽ, không chỉ là ngọc bích, mà còn là pha lê và mã não. Tuy nhiên, có hai dạng ngọc thực sự: ngọc bích (nephrite), một loại đá mềm mịn hơn thường được sử dụng để chạm khắc; và cẩm thạch (jadeite), loại đá trong cứng hơn, trong hơn thường được sử dụng làm đồ trang sức.
Các vật phẩm này thuộc bộ sưu tập của ông Heber Bishop. Ông là một doanh nhân, người bảo trợ tích cực cho nghệ thuật, đã thu thập hơn một nghìn miếng ngọc bích và các loại đá quý khác từ Trung Quốc, sở hữu một trong những bộ sưu tập ngọc bích lớn và chất lượng nhất trên thế giới. Năm 1902, ông Bishop giao phó bộ sưu tập của mình cho Bảo tàng The Met.
Bộ sưu tập này khắc họa nghệ thuật Trung Hoa thâm thúy và tinh xảo thời nhà Thanh. Vào thời điểm mà hầu hết các nhà sưu tập chủ yếu quan tâm đến đồ sứ, thì ông Bishop đã nhận ra giá trị phi thường của ngọc bích, không phải bắt nguồn từ giá trị tiền bạc mà vì những giá trị đạo đức và tinh thần sâu sắc của ngọc bích.