Chiến hạm Hoa Kỳ tiến sát quần đảo do Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông
Hải quân Hoa Kỳ cho biết, hôm 06/02, một chiến hạm của Hoa Kỳ đã tiến sát quần đảo Hoàng Sa—một khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông do Trung Quốc kiểm soát —trong một chiến dịch tự do hàng hải, nhiệm vụ đầu tiên thuộc diện này dưới thời chính phủ của Tổng thống Joe Biden.
Quân đội Trung Quốc lên án hành động này, nói rằng họ đã cử các đơn vị hải quân và không quân theo dõi và cảnh báo chiến hạm.
Tuyến đường hàng hải đông đúc này là một trong những điểm nóng trong mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc, trong đó bao gồm chiến tranh thương mại, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, vấn đề Hồng Kông và Đài Loan.
Bắc Kinh có yêu sách lãnh thổ đối với hầu hết các tuyến đường hàng hải bao phủ Biển Đông, vốn bị tòa án quốc tế phán quyết là trái pháp luật trong phán quyết năm 2016. Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan có các tuyên bố chủ quyền tranh chấp trên các tuyến đường thủy này. Là nơi có ngư trường phong phú và các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị tiềm năng, Biển Đông cũng là một trong những tuyến đường vận chuyển chính của thế giới.
Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ cho biết khu trục hạm USS John S. McCain “đã khẳng định các quyền và tự do hàng hải trong vùng lân cận của quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Chiến dịch tự do hàng hải duy trì các quyền, tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển được công nhận trong luật pháp quốc tế bằng cách thách thức “những hạn chế bất hợp pháp đối với việc đi lại tự do do Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam áp đặt.”
Chiến khu Nam bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết con tàu đã đi vào vùng lãnh hải của Hoàng Sa mà không được phép, “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.”
Trung Quốc đã kiểm soát hoàn toàn Hoàng Sa vào năm 1974 sau một trận chiến ngắn với các lực lượng phía Nam Việt Nam. Việt Nam, cũng như Đài Loan, tiếp tục tuyên bố chủ quyền với quần đảo này.
Trong những năm gần đây, Trung Cộng đã tìm cách củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông bằng cách xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo và đá ngầm nhân tạo. Trung Cộng cũng đã khai triển các tàu tuần duyên và tàu đánh cá để đe dọa các tàu nước ngoài, chặn đường vào các tuyến đường thủy và chiếm giữ các bãi cạn và đá ngầm. Những hành động như vậy đã bị Hoa Kỳ và các đồng minh lên án.
Chiến hạm này của Hoa Kỳ cũng đã tham gia nhiệm vụ tương tự hồi đầu tuần 01-07/02 khi đi qua khu vực Eo biển Đài Loan nhạy cảm, khiến Bắc Kinh phản ứng giận dữ.
Tháng trước, một nhóm tác chiến thuộc một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ đã tiến vào Biển Đông với mục đích mà Hải quân cho là hoạt động thường lệ.