Chính phủ Hoa Kỳ nên hạn chế đầu tư vào Trung Quốc hơn nữa
Chính phủ cựu Tổng thống (TT) Trump đã hành động mau chóng trong những tháng cuối cùng của mình để cấm các khoản đầu tư vào các công ty quân đội Trung Cộng, nhằm hạn chế quyền tiếp cận của Bắc Kinh vào thị trường chứng khoán rộng lớn của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo một nhóm chuyên gia về Trung Quốc, cần phải hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ thị trường vốn và các công nghệ quan trọng của Hoa Kỳ.
Hôm 19/03, tại một phiên điều trần của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc (USCC), bà Nazak Nikakhtar, đồng sở hữu của công ty luật Wiley Rein LLP và là cựu trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tuyên bố cần phải hiện đại hóa luật pháp và kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ.
Trong lời chứng của mình, bà Nikakhtar tuyên bố Hoa Kỳ nên chấp nhận thực tế rằng các giao dịch kinh doanh với các công ty Trung Quốc đã trợ giúp cho sự phát triển của tổ hợp công nghiệp-quân sự của Trung Cộng trong bốn thập kỷ qua.
Bà Nikakhtar nói: “Duy trì hiện trạng không thể là chiến lược của chúng ta trong tương lai.”
Bà Nikakhtar cho hay một phân tích gần đây của Bộ Thương mại dựa trên dữ liệu công khai sẵn có cho thấy các khoản đầu tư vốn cổ phần tư nhân và đầu tư của chính phủ Hoa Kỳ vào các công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Hồng Kông từ năm 1992 đến cuối năm 2020, đã đạt tổng giá trị thị trường là 2.3 nghìn tỷ USD.
Phân tích cho thấy các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các doanh nghiệp nhà nước trị giá hơn 152 tỷ USD, trong khi các khoản đầu tư vào các công ty có liên hệ với Quân đội Trung Cộng (PLA) đạt gần 55 tỷ USD.
“Những thực tế này bác bỏ quan điểm cho rằng việc cấm dòng vốn chảy vào Trung Quốc không tạo ra sự khác biệt gì. Hạn chế vốn chắc chắn sẽ làm chậm sự phát triển của tổ hợp công nghiệp-quân sự của Trung Quốc và các sáng kiến của chúng ta thậm chí có thể thúc đẩy một số đồng minh làm điều tương tự.”
Cựu TT Trump đã ban hành một sắc lệnh vào tháng 11/2020, cấm đầu tư vào các công ty có liên hệ với Quân đội Trung Cộng. Lệnh cấm lúc bấy giờ bao gồm 44 công ty được Ngũ Giác Đài xác định là các công ty quân sự của Trung Cộng (CCMC).
Bà Nikakhtar đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ xem xét các sửa đổi bổ sung Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng để cải thiện hơn nữa thẩm quyền định danh CCMC của Ngũ Giác Đài, bằng cách mở rộng định nghĩa về CCMC.
Trong lời chứng của mình, bà Nikakhtar cũng nhấn mạnh những thách thức đang tồn tại trong việc nhận diện các công nghệ mới nổi, và khuyến nghị chính phủ Hoa Kỳ “xem xét việc áp đặt các yêu cầu về cấp phép cho việc xuất cảng các công nghệ mới nổi đối với các tổ chức và/hoặc các quốc gia gây ra những rủi ro an ninh quốc gia đáng kể nhất.”
Trọng số tự do
Nhiều công ty trong danh sách CCMC được giao dịch công khai trên các sàn giao dịch chứng khoán ở khắp thế giới. Thông qua các quỹ hưu trí, người dân Hoa Kỳ đang chuyển tài sản từ Hoa Kỳ cho các công ty nằm trong danh sách đen này.
Trình bày tại phiên điều trần của USCC, bà Perth Tolle, người sáng lập Life + Liberty Indexes, nói rằng hầu hết các chỉ số thị trường mới nổi có gần 40% dành cho Trung Quốc.
Các hãng cung cấp chỉ số tài chính lớn nhất là MSCI và FTSE dành lần lượt 38% và 43% cho Trung Quốc trong các chỉ số của thị trường mới nổi của họ. Nhiều quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và các quỹ đầu tư thụ động khác lấy các chỉ số chính này làm chuẩn cho các khoản đầu tư của họ.
Là một nhà cung cấp chỉ số thị trường mới nổi, công ty của bà Tolle thì ngược lại, vì công ty này có “trọng số tự do”, do đó loại trừ một số quốc gia toàn trị như Trung Quốc. Chiến lược đầu tư vào vốn cổ phần của công ty này là dùng các tham số về tự do kinh tế và tự do cá nhân như những yếu tố chính trong quá trình lựa chọn các khoản đầu tư.
Bà Tolle nói trong lời chứng của mình rằng, “Công ty của tôi áp dụng giải pháp thị trường tư nhân là dành cho các nhà đầu tư quan tâm đến những vấn đề này. Nhưng chúng tôi là một giọt nước nhỏ trong một đại dương mênh mông. Và có thể nói với một cách đầy tin tưởng rằng cần có các giải pháp về chính sách để các khoản đầu tư vào các công ty Trung Quốc bị hạn chế thiết thực.”
Bà Tolle không đồng tình với quan điểm cho rằng không thể lập danh mục đầu tư vào các thị trường mới nổi nếu thiếu Trung Quốc.
Bà nói: “Chúng tôi đang làm điều đó, và các quỹ ETF bên ngoài Trung Quốc cũng làm điều đó. Các thị trường mới nổi không thiếu chứng khoán phù hợp các yêu cầu về quy mô và thanh khoản tối thiểu để đưa vào danh mục.”
Theo sắc lệnh của cựu TT Trump, các tổ chức phát hành quỹ và quản lý tài sản đã yêu cầu các nhà cung cấp chỉ số loại trừ một số công ty Trung Quốc đã bị liệt vào danh sách đen ra khỏi chỉ số của họ.
Theo ông Ryan LaFond, phó giám đốc đầu tư tại quỹ đầu cơ Algert Global, hạn chế đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty quân sự Trung Quốc “có thể sẽ có tác động rất nhỏ đến hành vi căn bản của các công ty này.”
Trình bày tại phiên điều trần, ông LaFond cho biết có nhiều cách để giải quyết vấn đề này tốt hơn.
Ông Lafond cho biết, “Thay vì hạn chế các khoản đầu tư, các cơ quan quản lý có thể nâng cao yêu cầu công bố thông tin đối với các công ty niêm yết tại Hoa Kỳ và làm việc với các cơ quan quản lý toàn cầu để thúc đẩy việc công bố thông tin trên phạm vi thế giới.”