Chính phủ TT Biden thay đổi quy định về bếp gas sau nhiều tháng đàm phán
Allen Zhong
Hôm 29/01, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE) đã ban hành quy định cuối cùng bớt khắt khe hơn về bếp gas sau nhiều tháng đàm phán với các tổ chức trong ngành và các tổ chức hoạt động vì khí hậu.
Quy định cuối cùng đã có một số thay đổi lớn so với quy định ban đầu được ban hành hồi tháng 02/2023 – vốn được thông báo rộng rãi như là lệnh cấm bếp gas.
Quy định mới được thông qua này cho phép mọi người sử dụng loại bếp có đầu đốt có tốc độ đốt nóng cao (HIR) và vỉ bếp bằng gang cỡ lớn. Quy định này cũng tăng tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng đối với các loại bếp gas từ 1,204 ngàn Đơn vị Nhiệt Anh (BTU) mỗi năm lên 1,770 ngàn BTU mỗi năm.
“Mức hiệu suất được áp dụng đối với bếp gas cho phép bếp gas có thể dùng nhiều đầu đốt HIR và nhiều vỉ lưới gang tiếp nối,” quy định cho biết. “Mức hiệu suất mới được thông qua này cho phép người tiêu dùng được lựa chọn nhiều loại bếp gas.”
Quy định này sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ sản phẩm nấu nướng hiện tại nào mà chỉ ảnh hưởng đến các sản phẩm tương lai trên thị trường.
Khoảng 97% bếp gas, 95% lò nướng điện thông dụng, 95% lò nướng điện tự làm sạch, 96% lò nướng tiêu chuẩn dùng gas và 96% lò nướng gas tự làm sạch sẽ đạt được hoặc có hiệu suất vượt mức cần thiết.
Tuy nhiên, 23% bếp điện với bề mặt phẳng sẽ không đạt tiêu chuẩn.
DOE ước tính ngành này sẽ phải đầu tư 66.7 triệu USD để có thể sản xuất ra sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn mới.
Những quy định này sẽ có hiệu lực từ năm 2028.
Theo dự đoán của DOE, việc áp dụng các quy định mới sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm khoảng 1.6 tỷ USD trên hóa đơn của họ và giảm lượng phát thải khí carbon dioxide khoảng 4 triệu tấn trong vòng 30 năm tới.
Quy định được chỉnh sửa dựa trên khuyến nghị chung hồi tháng 09/2023 của Hiệp hội các Nhà sản xuất Thiết bị Gia dụng (AHAM), Hội đồng Hoa Kỳ về Nền kinh tế Tiết kiệm Năng lượng, Liên minh về Hiệu quả Sử dụng Nước, Dự án Nâng cao Nhận thức về Tiêu chuẩn Thiết bị, Liên đoàn Người tiêu dùng Mỹ, Báo cáo Người tiêu dùng, Công lý Trái Đất, Trung tâm Luật Người tiêu dùng Quốc gia, Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên, và Liên minh Hiệu quả Năng lượng Tây Bắc.