Chinh phục những đỉnh cao của dãy núi Olympic
SKYLAR PARKER
Năm 2013, một chuyến công tác trong quân đội với bốn ngày đi bộ qua bán đảo Olympic đã giúp anh Nate Brown có ấn tượng sâu sắc về các loài cây của vùng Pacific Northwest. Trong chuyến đi đó, anh đã đi khảo sát những ngọn núi phủ tuyết trắng xóa và những khu rừng tươi tốt ẩn mình giữa các con đường dọc theo bờ biển. Sau khi xuất ngũ năm 2018, anh đã xem việc khám phá toàn bộ dãy núi Olympic là sứ mệnh của mình, và anh đã leo lên 30 đỉnh núi trong ba năm. Vào tháng 09/2021, sau khi đi bộ hơn 800 km và leo lên rặng núi cao gần 50,000 mét, anh đã hoàn thành sứ mệnh đó.
Trong thời gian tại ngũ, anh Brown đã đặt chân đến hầu hết mọi ngóc ngách của Hoa Kỳ nhưng lại chưa được đến Pacific Northwest. Vì vậy, sau thời gian tạm nghỉ ngơi khi hết hạn quân ngũ, anh quyết định tái nhập ngũ với điều kiện là được đóng quân tại tiểu bang Washington. Khu vực đóng quân là khu căn cứ Lewis-McChord, phía tây nam Tacoma, Washington. Vào tháng 03/2018, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh được lệnh chuyển sang phục vụ ở một căn cứ khác nhưng anh đã lịch sự từ chối. Sau 13 năm tại ngũ, anh Brown cho rằng đã đến lúc phải dành phần đời còn lại của mình ở vùng Pacific Northwest đẹp như tranh vẽ này. Kể từ đó, anh đã xác định Washington chính là nhà của mình và không có ý định chuyển đi nơi khác.
Niềm đam mê leo núi
Năm 2015, anh Brown đã được đào tạo kỹ thuật leo núi cao bởi Nhóm leo núi chuyên nghiệp (The Mountaineers) – một cộng đồng phi lợi nhuận với sứ mệnh chia sẻ kiến thức và khuyến khích những người khác tham gia vào các hoạt động ngoài trời như leo các ngọn núi cao, leo núi thông thường, thám hiểm các vùng hoang dã, chèo thuyền kayak trên biển, và đi bộ trên tuyết. Anh Brown học lớp leo núi cao vào buổi tối trong khoảng sáu tháng tại trung tâm cộng đồng. Sau khi học xong phần lý thuyết kỹ thuật leo núi cao, các học viên được thực hành tại Mount Rainier vào vài cuối tuần mỗi tháng.
Điều quan trọng nhất mà anh Brown học được là: để nâng cao kỹ thuật leo núi cao, anh cần phải tìm một nhóm leo núi nòng cốt mà anh cần tin tưởng. Thể chất của một người là một điều quan trọng khác cần phải xem xét. Theo anh Brown thì tìm một người có thể lực tương đương là tốt nhất, vì không ai cần phải vất vả để theo kịp đồng đội. Một yếu tố quan trọng khác là phải có khả năng phán đoán tốt: Nhiều người bị thôi thúc “phải chinh phục đỉnh núi” và kiên quyết bằng mọi giá lên được đỉnh cao bất chấp điều kiện như thế nào. Tâm lý đó đem lại nhiều mối nguy hiểm, không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả nhóm nữa. Cuối cùng, khiêm tốn là điểm mấu chốt. Anh Brown nói rằng “cho dù bạn có hiểu biết cao và giỏi đến đâu chăng nữa thì trong cuộc thi giữa bạn và những ngọn núi, những ngọn núi sẽ luôn luôn là bên chiến thắng.”
Khi đang tại ngũ, anh đã tìm ra Đội thám hiểm Cựu chiến binh – một tổ chức có trụ sở tại Colorado khuyến khích các cựu chiến binh khám phá các hoạt động ngoài trời. “Họ thỉnh thoảng đến leo núi tại khu vực Pacific Northwest như núi Rainier và núi Hood,” anh nói. Một ngày nọ, anh Brown đã liên lạc và đề nghị được đi cùng họ với vai trò là nhiếp ảnh gia, chụp ảnh cho các cựu chiến binh để họ có thể giữ lại làm kỷ niệm hoặc tặng các nhà tài trợ. Cuối cùng thì anh Brown đã được Đội thám hiểm chấp thuận và bắt đầu leo núi cùng họ – với tư cách là “nhiệp ảnh gia hậu cảnh”, anh cười.
Sau khoảng một hoặc hai năm thì anh Brown được hỏi liệu anh có thích tự mình dẫn các đoàn leo núi không, bởi vì đến thời điểm đó, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm leo núi. Vào năm 2020, anh hướng dẫn ba nhóm gồm các tân binh chinh phục các ngọn núi lửa St. Helens, Adams và Hood. Anh và hai vận động viên leo núi có kinh nghiệm khác đảm nhận vai trò trưởng nhóm của mỗi nhóm gồm 8 cựu chiến binh. Toàn bộ chuyến thám hiểm kéo dài vài tháng, và các trưởng nhóm dạy các cựu chiến binh những kỹ năng quan trọng như sử dụng rìu băng (ice axes) và mang giày sắt gắn đinh (thiết bị kéo kim loại gắn vào giày, cải thiện khả năng di chuyển trên tuyết).
Dự án chinh phục dãy núi Olympic
Vào tháng 05/2019, anh Brown quyết định thực hiện một dự án mới. Khi một người bạn hỏi anh địa điểm yêu thích của anh ở Washington là nơi nào; ngay lập tức anh trả lời là dãy núi Olympic. Nhưng khi họ ngồi xuống và nhìn vào tấm bản đồ khổng lồ của Washington, anh Brown nhận thấy rằng mặc dù tuyên bố đây là địa điểm yêu thích của mình, nhưng trên thực tế anh chưa từng khám phá hết toàn bộ bán đảo Olympic. Anh giải thích: “Tôi nhận ra rằng thực tế là tôi mới chỉ đến được các phần rìa bên ngoài thôi bởi vì Dãy núi Olympic là một cụm hình tròn. Tôi cần phải leo đủ hết các ngọn núi trải rộng khắp toàn bộ khu phức hợp Olympic; lúc đó mới có thể nói chắc chắn rằng tôi đã được ngắm toàn bộ dãy núi Olympic.” Anh ngay lập tức lên kế hoạch cho dự án leo núi của mình. Anh bắt đầu khám phá 30 ngọn núi, không chỉ các rìa bên ngoài mà còn các khu vực khó tiếp cận phía trong các ngọn núi.
Lập kế hoạch cho một dự án lớn như vậy không hề dễ dàng; anh Brown thừa nhận rằng anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về việc leo núi hơn là thực sự leo núi – vì bên trong các đỉnh núi hầu như chưa được khám phá. Trong số 30 đỉnh núi mà anh dự kiến sẽ leo thì chỉ có 4 ngọn núi có đường mòn dẫn đến đỉnh. Anh Brown phải nghiên cứu các con đường lên những ngọn núi còn lại, và phải dự kiến càng nhiều chướng ngại bất ngờ càng tốt – với hy vọng tìm được các con đường an toàn khi đi qua các vùng hoang dã. Sau nhiều ngày miệt mài nghiên cứu các bản đồ khác nhau của dãy núi Olympic, cuối cùng anh đã hiểu được cách sắp xếp của các ngọn núi. Anh Brown nói: “Tôi thậm chí không cần phải tham khảo bản đồ nữa. Tôi đã thuộc lòng từng ngọn núi.”
Du ngoạn qua những con đường đầy đá
Vào năm 2020, anh Brown đã phải đối mặt với một tình huống khó khăn không lường trước là đại dịch. Các công viên quốc gia phải đóng cửa kéo dài thêm từ tháng 4 đến tháng 7, là những tháng được xem là mùa leo núi chính vì lúc đó tuyết đã tan trên một số ngọn núi; việc đi lại dễ dàng hơn và nguy cơ tuyết lở thấp. Trong thời gian đó, anh cũng gặp khó khăn trong việc thuyết phục các bạn tham gia leo núi cùng anh vì có những đoạn đường phải đi bộ gần 100 km. Kết quả là vài chuyến liền anh đã phải tự leo núi một mình. Nỗ lực đạt được mục tiêu khám phá các ngọn núi trên dãy núi Olympic là động lực giúp anh tiếp tục thực hiện các chuyến thám hiểm lớn lao của mình. “Đây chính là nơi mà tôi yêu thích và tôi muốn chiêm ngưỡng toàn cảnh. Tôi chỉ muốn được nhìn thấy tất cả các ngọn núi,” anh nói.
Những người leo núi thường đi theo nhóm để bảo đảm an toàn. Trong hành trình lên đỉnh Olympus, anh Brown đi cùng với 6 người bạn của mình và cùng nhau thành lập các đội đi dây trên sông băng. Anh giải thích: để bảo đảm an toàn cho mọi người khi đi trên sông băng thì thông thường cứ 6 người một đội là chuẩn. Nếu bạn có hai sợi dây thừng, cứ 3 người bám vào một sợi dây – thì bạn có thể thoát khỏi mọi tình huống khó khăn,” anh Brown nói.
Dự án leo núi của anh kéo dài gần 3 năm, anh Brown đã gặp nhiều động vật hoang dã, bao gồm gấu đen, nai sừng tấm, và sóc marmot. “Tôi đã gặp quá nhiều gấu đến nỗi tôi chẳng cảm thấy sợ chúng nữa,” anh cười. Trong dãy núi Olympic, bạn gặp gấu đen là chủ yếu; chúng ít hung dữ hơn gấu xám. Anh cũng chụp được ảnh những con thỏ rừng (pikas) ở dãy núi Cascade. Anh nói rằng anh thậm chí còn phát hiện ra dấu chân của sư tử núi, mặc dù chưa bao giờ nhìn thấy con nào bằng xương bằng thịt.
Khi không leo núi, anh Brown thường đi ngắm cảnh và chụp những cảnh quan tuyệt đẹp của vùng Pacific Northwest. Anh nói rằng anh thường chụp tối thiểu 300 bức ảnh trong một chuyến đi như vậy. Trong những chuyến đi dài hơn thì không có gì lạ khi anh trở về với hơn 1,000 bức ảnh.
Chinh phục 30 đỉnh núi
Con đường dẫn đến thành công hiếm khi suôn sẻ, và anh Brown đã học được rằng có rất nhiều trở ngại không lường trước được ngay cả khi các kế hoạch đã được lập đến mức chi tiết nhất. Anh thấy rằng trên bản đồ, các vùng nước thường được thể hiện bằng các đường màu xanh lam, nhưng nếu chỉ nhìn vào bản đồ thì chúng ta không bao giờ thực sự biết được liệu những vùng đó có thể là một con lạch, một mương nước rộng hơn nửa mét (2 feet) hay lại là một con sông hung hãn. Các mùa cũng đóng vai trò quan trọng trong độ sâu và cường độ của dòng nước – như mùa xuân mang lại lưu lượng nước cao hơn mùa thu khi mà nước có xu hướng bốc hơi nhanh hơn. Anh Brown cho biết: “Đã có vài lần tôi phải vượt qua vùng nước kiểu như thế này và không có cách nào để có thể vượt qua một cách an toàn được. Khi đó, anh sẽ phải quay đầu và đánh giá lại kế hoạch của mình hoặc là loại một đỉnh núi cao nào đó khỏi danh sách và thay thế bằng một đỉnh núi khác. “Đây là lợi điểm khi tôi tự chọn đỉnh núi cho mình,” anh nói.
Vào mùa hè, anh Brown đã leo lên một số đỉnh núi và đến khi thời tiết lạnh hơn, anh lại quay trở lại thì phát hiện ra có nhiều điểm khác biệt nổi bật về ngoại hình và đã chụp nhiều ảnh. Mùa hè, các sườn núi thường được bao phủ bởi các bụi rậm, cây bụi và cây nhỏ, nhưng tất cả sẽ trở nên hoàn toàn bằng phẳng vào mùa đông; tất cả đều bị lấp dưới một lớp tuyết dày. Một số cây không bị tuyết che phủ thì lại bị biến dạng, bị gió thổi các bông tuyết bám vào cây và cũng bị đóng băng tại chỗ.
Anh Brown đã cẩn thận chọn 30 đỉnh núi để chắc chắn rằng cả 30 đỉnh núi này sẽ bao gồm được toàn bộ dãy núi Olympic, và anh cũng phải tính đến nhiều yếu tố để bảo đảm chuyến thám hiểm có thể thành công. Anh nói rằng dãy núi Olympic được biết là nơi có đá giòn, dễ vỡ, cấu tạo từ đáy biển cổ đại, vì vậy luôn luôn có nguy cơ xảy ra hiện tượng đá lở, đặc biệt là khi leo các dốc núi thẳng đứng. Bất cứ lúc nào leo núi, anh và người bạn đồng hành của anh thường đi cạnh nhau, nên không ai đi trước người kia. Một vài lần khi không có sự lựa chọn nào khác, người đằng sau sẽ phải nấp vào trong những cái hốc nhỏ để người phía trước tiếp tục leo lên phía trên, đến chỗ an toàn thì người phía trước sẽ dừng lại và thông báo toàn cảnh cho người phía sau. Giao tiếp là một việc rất quan trọng trong những trường hợp đó, nếu không thì người đi trước có thể giẫm lên đá và các hòn đá này sẽ lao thẳng vào người bên dưới.
Vào đầu tháng 09/2021, anh Brown kết thúc chuyến thám hiểm của mình bằng chuyến leo lên đỉnh núi Mount Steel. Anh đã đứng trên đỉnh núi cao gần 2,000 mét (hơn 6,000 feet), và ngắm cảnh mặt trời mọc từ phía sau những ngọn núi xa, những đám mây dày bồng bềnh trôi bên dưới. “Tôi đứng nhìn từng đỉnh núi mà tôi đã leo lên trước đây. Cảm giác như thể các quả núi này đang thầm lặng ban cho tôi những khoảnh khắc cuối cùng để quên đi mọi thứ dưới kia. Buổi sáng cuối cùng, nơi trong chốc lát, không có gì khác tồn tại: chỉ tôi và dãy núi Olympic mà tôi đã dành rất nhiều thời gian trong cuộc đời để trải nghiệm,” Anh Brown viết trong một bài đăng trên Facebook. Anh lướt nhìn đường chân trời, gọi tên và cảm ơn từng đỉnh núi vì đã chứng kiến cảnh anh leo lên leo xuống những con dốc lởm chởm một cách an toàn. Sau khi leo gần 50,000 mét (160,000 feet) và vượt qua hơn 800 km (500 dặm), anh đã về đích an toàn và tự hào. Anh cảm thấy nhẹ nhõm và biết ơn tất cả. Cuộc du hành đã kết thúc nhưng anh Brown sẽ không bao giờ quên quãng thời gian ở dãy núi Olympic, và những bức ảnh là kỷ vật ghi lại chặng đường anh đã đặt chân đến.