Chống Trung Quốc Cộng sản bằng chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương của Hoa Kỳ
Antonio Graceffo
Chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nhằm chống lại chính quyền Trung Quốc đang đạt được tiến bộ với việc xây dựng và mở rộng các liên minh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm khi Trung Cộng tiếp tục tranh giành sự ảnh hưởng và quyền kiểm soát trong khu vực này.
Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, trải dài từ bờ biển Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đến Ấn Độ Dương, là tâm điểm của sự cạnh tranh gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo Tòa Bạch Ốc, hiện tại Hoa Kỳ đang chiếm ưu thế trong khu vực này, nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới, chiếm gần 2/3 GDP toàn cầu, và 7 trong số lực lượng quân đội lớn nhất. Do đó, khu vực này là nơi tập trung nhiều quân nhân và căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở bên ngoài.
Vào ngày 11/02/2022, Tòa Bạch Ốc đã khởi động “Chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương” (IPS), nhằm thúc đẩy khu vực tự do và mở rộng, tăng cường hợp tác an ninh, và chống lại ảnh hưởng của Trung Cộng. Văn kiện IPS nêu rõ: “Từ sự cưỡng ép kinh tế đối với Úc đến cuộc xung đột dọc Đường kiểm soát Thực tế với Ấn Độ cho đến áp lực ngày càng tăng đối với Đài Loan và bắt nạt các nước láng giềng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực đều phải gánh chịu phần lớn cái giá phải trả cho hành vi gây hại của CHND Trung Hoa.” CHND Trung Hoa (PRC), tức là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tên chính thức của Trung Quốc cộng sản.
IPS giải thích rằng từ khi kết thúc Đệ nhị Thế chiến cho đến khi Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ đã tập trung vào Chiến tranh Lạnh với Nga. Giờ đây, thực tế địa chính trị đã chuyển các ưu tiên của Hoa Kỳ sang chống lại chế độ Trung Quốc ở Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.
IPS được thiết lập để thúc đẩy sự hợp tác với các đồng minh, đối tác, và các tổ chức trong và ngoài khu vực nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng và duy trì sự ổn định. Chiến lược này còn nhấn mạnh cam kết của Hoa Thịnh Đốn trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Cộng. Chiến lược nhằm mục đích đạt được điều này thông qua việc nâng cao năng lực quân sự, liên minh lớn mạnh, và các sáng kiến kinh tế.
Khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương được định hình bởi các quốc gia chủ chốt như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Nam Hàn, Vương quốc Anh, Pháp, và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Chiến lược của Hoa Kỳ tập trung vào việc duy trì sự ổn định trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và chống lại ảnh hưởng của Trung Cộng thông qua các liên minh như Quad (Bộ Tứ) gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, và Hoa Kỳ), AUKUS gồm Úc, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ, cũng như Liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes) gồm Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ.
Trung Cộng phát huy ảnh hưởng của mình thông qua đầu tư kinh tế và các hành động quân sự, chẳng hạn như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”) và các hành động gây hấn ở Biển Đông. Ngoài ra, Bắc Kinh đang tìm cách tìm kiếm các quốc gia Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương sẵn sàng ký các thỏa thuận an ninh và tiếp nhận các căn cứ quân sự của Trung Quốc. Nhật Bản, một cường quốc kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong các khuôn khổ đa phương và thường đóng vai trò là bên đại diện trung lập hơn cho các lợi ích của Hoa Kỳ, khiến các nước Á Châu khác cảm thấy ít bị đe dọa hơn và yên tâm hơn trong việc tuân thủ các chính sách khu vực.
IPS đã củng cố thành công các mối quan hệ và liên minh. Kể từ năm 2022, Hoa Kỳ đã tăng cường các thỏa thuận quốc phòng với Nhật Bản, Úc, Philippines, Nam Hàn, và Papua New Guinea, tăng cường năng lực quân sự và hợp tác để chống lại ảnh hưởng mang tính khu vực của Trung Cộng và bảo đảm có được một Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ngoài ra, trong năm nay, một nhóm nhỏ bên mới được gọi là Squad (Tiểu Bộ Tứ) – gồm Úc, Nhật Bản, Philippines, và Hoa Kỳ – đã được thành lập để tăng cường hơn nữa an ninh và hợp tác trong khu vực.
Việc mở rộng khuôn khổ Quad và AUKUS đang được thảo luận. Khái niệm “Quad Plus” (Bộ Tứ+) nhằm kết nạp thêm các quốc gia khác như Nam Hàn, Việt Nam, và New Zealand, tăng cường hợp tác trong nhiều vấn đề khác nhau như kiểm soát đại dịch và khả năng phục hồi kinh tế.
Tương tự, “AUKUS Plus” (AUKUS+) có thể kết nạp thêm các quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, và Nam Hàn, mở rộng phạm vi của liên minh này để giải quyết toàn diện các thách thức công nghệ và an ninh khu vực.
Hành động ngày càng gây hấn của nhà cầm quyền Trung Quốc đã đẩy Ấn Độ đến gần hơn với Hoa Kỳ về mặt cam kết an ninh, bằng chứng là mối quan hệ quốc phòng ngày càng tăng giữa New Delhi và Hoa Thịnh Đốn.
Ngoài ra, các đối tác ASEAN nhìn chung cảm thấy yên tâm với Ấn Độ và Nhật Bản hơn là với Trung Quốc – đây là điều có thể thúc đẩy sự hợp tác và ổn định sâu sắc hơn trong khu vực.
Bất chấp những thành công, chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương vẫn phải đối mặt với những trở ngại và thách thức. Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (IPEF), được ra mắt vào tháng 05/2022, nhằm tăng cường các mối quan hệ kinh tế và giải quyết các thách thức ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương thông qua thương mại, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, nền kinh tế sạch, và các trụ cột kinh tế công bằng. Tuy nhiên, sáng kiến này phải đối mặt với những lời chỉ trích vì thiếu nguồn tài trợ đáng kể và các thỏa thuận thương mại toàn diện, nên kém thu hút hơn đối với các đối tác khu vực so với BRI, do đó làm suy yếu tính hiệu quả trong việc chống lại ảnh hưởng của Trung Cộng.
Một thách thức khác là sự dịch chuyển của một số quốc gia ra khỏi quỹ đạo của Hoa Kỳ. Cuộc chiến Israel-Hamas và xung đột Nga–Ukraine đã làm căng thẳng mối quan hệ của Hoa Kỳ với một số quốc gia Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương. Trung Quốc đứng về phía Nga ở Ukraine, trong khi Ấn Độ tiếp tục giao thương với Nga nhưng ngày càng mua vũ khí từ Hoa Kỳ. Trong cuộc xung đột Israel-Hamas, Indonesia và Malaysia đã thể hiện lập trường chống Israel. Miến Điện (Myanmar) và Cambodia liên kết với Trung Quốc, trong đó Miến Điện cũng nghiêng về phía Nga.
Ngoài ra, các quốc đảo Thái Bình Dương đang bị Trung Cộng lôi kéo. Năm 2022, Quần đảo Solomon đã ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc, gồm các điều khoản cho phép Trung Quốc khai triển các tài sản an ninh và hải quân, gây lo ngại cho các đối tác an ninh truyền thống như Hoa Kỳ và Úc.
Có thể nói, dù còn nhiều trở ngại nhưng chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã có những bước tiến đáng kể trong việc củng cố liên minh và thúc đẩy hợp tác đa phương. Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương vẫn tự do, với Hoa Kỳ giữ vị trí ưu thế, nhưng mối đe dọa từ Trung Cộng thì vẫn tiếp tục.
Để chống lại BRI của Bắc Kinh, Hoa Kỳ sẽ cần tăng cường đầu tư và cam kết về kinh tế thông qua IPEF. Đồng thời, sự gây hấn ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc đang vô tình đẩy các nước đến gần Hoa Kỳ hơn, phục vụ lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Cao học Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.