Chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ đối đầu với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
Sự xung đột giữa chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ (American exceptionalism) và chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc sẽ định hình thế kỷ 21. Bên chiến thắng có khả năng sẽ quyết định diện mạo của thế giới toàn cầu trong một trăm năm tới – và lâu hơn nữa.
Chính xác thì chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ là gì? Nó là một thuật ngữ được sử dụng thường xuyên nhưng hiếm khi được định nghĩa. Về cốt lõi, nó nói về đặc quyền tự do cá nhân và một tập hợp các giá trị chung. Nhưng những giá trị này là gì, và điều gì khiến chúng trở thành trung tâm đến như thế đối với một trải nghiệm Hoa Kỳ độc đáo? Hệ thống Hoa Kỳ của chúng ta có thực sự khác biệt với tất cả các quốc gia khác không? Để hiểu chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ là gì, trước tiên người ta phải hiểu điều gì không phải là chủ nghĩa ngoại lệ. Để trả lời câu hỏi này, không có ví dụ nào tốt hơn là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trung Quốc tự tuyên bố là nước cộng hòa “của nhân dân”. Tuy nhiên, ý tưởng “vì nhân dân” của họ rất khác với ý tưởng của chính chúng ta. Được thành lập thông qua một phong trào cách mạng vô sản, nó là một hệ thống điều hành từ trên xuống, do nhà nước kiểm soát. Trung Cộng kiểm soát hầu hết mọi khía cạnh cuộc sống của người dân – từ công sở đến số lượng con của quý vị. Trên hết, phải nói đến sự phục tùng – đối với bất kỳ mệnh lệnh nhà nước ban hành. Thực sự mà nói, chính cái tên Cộng hòa Nhân dân đã là một cách dùng sai từ. Người dân Trung Quốc có thể làm gì khác ngoài việc trở thành những công dân tốt và làm những gì chính phủ bảo họ chăng? Nếu không thì họ có nguy cơ bị mất tích hoặc bị đưa vào trại “cải tạo”.
Không còn nghi ngờ gì nữa là Trung Cộng đã phát động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới chống lại Hoa Kỳ. Tiền bạc và sự ảnh hưởng của Trung Quốc giờ đây đã hiện diện mọi nơi trong đời sống Hoa Kỳ. Về kinh tế, Trung Quốc là chủ khoản nợ 1.1 nghìn tỷ USD của Hoa Kỳ. Họ kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp hơn 2,400 công ty của Hoa Kỳ, xâm nhập vào các lĩnh vực quan trọng nhất của chúng ta bao gồm tài chính, công nghệ, nông nghiệp, và dược phẩm.
Như chúng ta đã biết trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, Hoa Kỳ nhập cảng hầu hết tất cả các loại thuốc kháng sinh từ Trung Quốc. Tương tự như vậy, hầu hết toàn bộ fentanyl [thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, có chức năng tương tự như morphine] đã khiến hàng trăm nghìn người dân Hoa Kỳ tử vong (và hủy hoại hàng chục triệu người khác) có xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh hưởng tương tự cũng được nhận thấy trên khắp các lĩnh vực giáo dục, truyền thông, và giải trí, những lĩnh vực mà tiền bạc của Trung Quốc được dùng để tác động đến các nội dung và thông điệp mà người Hoa Kỳ học, nghe, nhìn, và quan trọng hơn là những gì chúng ta không nên thấy.
Gần đây, Trung Cộng còn mở một mặt trận khác trong cuộc Chiến tranh Lạnh chống lại Hoa Kỳ. Chỉ mới tuần trước, sau khi tạo ra hộ chiếu kỹ thuật số COVID-19 đầu tiên trên thế giới, Trung Cộng đã vận động hành lang Tổ chức Y tế Thế giới để được dẫn đầu một hệ thống hộ chiếu virus corona toàn cầu. Hệ quả của một hệ thống như vậy tất nhiên sẽ là một nhà nước giám sát toàn cầu do Trung Quốc lãnh đạo.
Ngược lại, chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ tập trung vào tính ưu việt của ba giá trị cốt lõi cơ bản: cá nhân, tự do ý chí, và trách nhiệm cá nhân.
Đầu tiên đó là các quyền tự do cá nhân – tự do nói theo cách riêng của chúng ta, tự do cầu nguyện với Chúa theo cách riêng của chúng ta, và quyền tự do tụ họp với gia đình và bạn bè mà không lo sợ chính phủ can thiệp. Thứ hai là yêu cầu về đạo đức rằng tất cả chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau – chứ không phải do chính phủ yêu cầu chúng ta. Thứ ba, và có lẽ là quan trọng nhất, là tính hợp pháp của chính phủ đến từ sự đồng thuận của người chịu sự quản lý và phải là từ dưới lên trên, chứ không phải từ chiều ngược lại. Chính những giá trị chung này, với nguồn gốc Cơ Đốc giáo–Do Thái giáo rõ ràng, làm cho Hoa Kỳ trở thành biệt lệ, và khác biệt độc đáo so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Có một lý do khiến Hoa Kỳ là nước có chế độ cộng hòa dân chủ lập hiến lâu nhất trong lịch sử (chúng ta chưa bao giờ thực sự là một nước dân chủ). Trung tâm của toàn bộ thể chế là sự tách biệt quyền lực, một hệ thống tam quyền phân lập, và quan trọng nhất là những lý tưởng của chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ–tất cả được thiết kế để bảo vệ các quyền tự do và quyền của thiểu số trước nguyện vọng của đa số. Thế giới mà Trung Quốc tìm cách lãnh đạo là một thế giới được định nghĩa bởi các mệnh lệnh của nhà nước và sự kiểm soát của nhà nước, điều này hoàn toàn ngược lại với của chúng ta.
Cho đến khi chúng ta chấp nhận rằng Trung Cộng là một mối đe dọa hiện hữu và đem đến cho thế kỷ 21 những gì Liên Xô đã thể hiện trong thế kỷ 20, thì Hoa Kỳ không có hy vọng thắng thế trong cuộc xung đột hệ tư tưởng này. Nếu như Hoa Kỳ có bất kỳ hy vọng chiến thắng nào trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới này, đất nước này sẽ cần khôi phục lại những gì đã từng giúp chúng ta trở thành nhà lãnh đạo của thế giới tự do – chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ, và tập trung vào các quyền tự do và các giá trị phổ quát vốn là nền tảng lập quốc của chúng ta.
Lịch sử của chủ nghĩa biệt lệ Hoa Kỳ đối đầu với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ được viết bởi bất kỳ ai giành chiến thắng, như nó đã luôn từng xảy ra. Hãy hy vọng chúng ta là những người viết nên những cuốn sách lịch sử khi thời điểm đến.
Ông Robert B. Chernin hiện là chủ tịch của Trung tâm Giáo dục và Kiến thức Hoa Kỳ.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.