Chủ tịch Johnson và cựu Tổng thống Trump công bố dự luật về liêm chính trong bầu cử
Samantha Flom
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa–Louisiana) và cựu Tổng thống (TT) Donald Trump đang kêu gọi sự ủng hộ cho dự luật nhằm ngăn chặn những người không phải là công dân bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang.
Hôm 12/04, tại cuộc họp báo được tổ chức ở dinh thự Mar-a-Lago của cựu tổng thống, hai nhà lãnh đạo thuộc Đảng Cộng Hòa này đã công bố dự luật như một phần trong những cố gắng lớn hơn nhằm củng cố tính liêm chính trong bầu cử.
Ông Johnson nói, “Những gì chúng tôi sắp làm là giới thiệu luật yêu cầu những ai ghi danh bỏ phiếu trong cuộc bầu cử liên bang trước tiên phải chứng minh được rằng họ là công dân Mỹ.”
Mặc dù một số khu vực pháp lý cho phép những người không phải là công dân tham gia các cuộc bầu cử địa phương, nhưng việc họ bỏ phiếu trong tất cả các cuộc bầu cử tiểu bang và liên bang là bất hợp pháp. Tuy nhiên, biểu mẫu ghi danh cử tri liên bang của Hoa Kỳ không yêu cầu giấy tờ chứng minh tư cách công dân và cố gắng của các tiểu bang nhằm áp dụng yêu cầu đó đã bị chính phủ TT Biden thách thức.
Ông Johnson cho biết luật mới sẽ thiết lập các biện pháp bảo vệ mới để bảo đảm chỉ có công dân Hoa Kỳ mới có thể bỏ phiếu. Các điều khoản sẽ yêu cầu các tiểu bang loại bỏ những người không phải là công dân khỏi danh sách cử tri của họ và sẽ cung cấp cho họ quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu của Bộ An ninh Nội địa (DHS) và Sở An sinh Xã hội (SSA) để giúp họ làm điều đó.
“Quốc hội có trách nhiệm này. Chúng ta không thể chờ đợi tình trạng gian lận tràn lan xảy ra… đặc biệt là khi nguy cơ gian lận đang gia tăng với mỗi một người nhập cư bất hợp pháp vượt qua đường biên giới đó,” chủ tịch Hạ viện nói.
Ông nói thêm rằng ông kỳ vọng dự luật sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa, đồng thời cũng thúc giục các nghị sĩ Đảng Dân Chủ công khai bày tỏ quan điểm của họ về luật này.
‘Phần nhìn thấy được của tảng băng chìm’
Nỗ lực bảo đảm cho các cuộc bầu cử không có những phiếu bầu bất hợp pháp diễn ra trong bối cảnh làn sóng người nhập cư bất hợp pháp tràn qua biên giới phía nam Hoa Kỳ.
Mặc dù luôn là vấn đề dai dẳng trong nhiều thập niên, nhưng nhập cư bất hợp pháp đã bùng nổ đến mức chưa từng có dưới thời chính phủ TT Biden. Trong số những người nhập cư bất hợp pháp tràn qua biên giới Hoa Kỳ có những cá nhân nằm trong danh sách theo dõi khủng bố của Hoa Kỳ và những người từng có tiền án phạm tội về bạo lực.
Đảng Cộng Hòa nhiều lần cho rằng TT Joe Biden có thẩm quyền chấm dứt cuộc khủng hoảng này nhưng lại hoàn toàn chọn không làm như vậy. Cựu TT Trump đã nhắc lại quan điểm này hôm 12/04, khẳng định rằng Tổng thống có thể và nên “đóng cửa biên giới ngay lập tức.”
“Là một công dân, tôi yêu cầu phải đóng cửa biên giới. Đất nước chúng ta không thể chịu đựng được thêm nữa. Không một đất nước nào có thể chịu được tình trạng như thế. Không một quốc gia nào có thể chịu đựng được tình trạng này.”
Trong cuộc phỏng vấn được phát sóng vào tối hôm 09/04, TT Biden nói với phóng viên Enrique Acevedo của Univision rằng ông đang tìm hiểu thẩm quyền của mình về việc đóng cửa biên giới, nhưng cũng nói thêm rằng “không có gì bảo đảm” rằng ông có thẩm quyền đó.
Đảng Cộng Hòa cũng cho rằng tổng thống đã cố tình tạo ra cuộc khủng hoảng này vì mục đích chính trị. Hôm 10/04, Thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng Hòa–Louisiana) đã cáo buộc chính phủ tạo ra cho cuộc khủng hoảng biên giới để mang lại lợi thế cho Đảng Dân Chủ trong cả Đại cử tri Đoàn lẫn Quốc hội.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas nói rằng cáo buộc đó là “sự lố bịch”.
Tình thế bấp bênh
Mặc dù trọng tâm của cuộc họp báo hôm 12/04 là tính liêm chính trong bầu cử, nhưng quan điểm của nhà lãnh đạo trên thực tế của Đảng Cộng Hòa (ông Trump) – người luôn đồng ý với ông Johnson về mọi vấn đề – được đưa ra vào thời điểm không thể quan trọng hơn đối với vị chủ tịch Hạ viện đang trong tình thế khó khăn.
Căng thẳng trong nội bộ đảng về cách ông xử trí cuộc chiến chi tiêu Quốc hội đã khiến khả năng nắm giữ chiếc búa chủ tịch của ông bị nghi ngờ. Và sự ủng hộ của ông đối với luật tái cấp phép các thẩm quyền theo dõi công dân Hoa Kỳ mà không cần trát lệnh gây tranh cãi trong Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc (FISA) đã không giúp ích được gì.
Trước khi gặp cựu TT Trump, ông Johnson đã bỏ phiếu cùng 125 thành viên Đảng Cộng Hòa khác và 147 thành viên Đảng Dân Chủ để thông qua Đạo luật Cải tổ Tình báo và Bảo vệ Mỹ quốc. Dự luật này sẽ tái cấp phép cho Mục 702 của FISA trong hai năm, nhưng áp dụng thêm các hạn chế trong việc viện dẫn mục này, bao gồm yêu cầu phải có sự thông báo cho Quốc hội – và trong một số trường hợp, là cả sự cho phép – đối với các truy vấn liên quan đến các thành viên Quốc hội. Luật này không có các biện pháp bảo vệ như vậy đối với những người Mỹ khác.
Dự luật được đề cập đã bị cựu TT Trump và nhiều người thuộc phe cánh hữu của Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội phản đối, trong đó có Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa–Georgia). Đối với bà Greene, sự ủng hộ của chủ tịch Hạ viện đối với dự luật này chỉ là một điểm nhấn khác trong danh sách lý do ngày càng tăng của bà để truất phế ông.
“Ông ấy đã không hoàn thành công việc mà chúng tôi đã giao phó cho ông ấy khi bầu cho ông ấy. Và tôi đã nói với ông ấy điều đó,” nữ nghị sĩ này nói với các phóng viên sau khi gặp ông Johnson hôm 10/04.
Hôm 22/03, bà Greene đã đệ trình kiến nghị truất phế ông Johnson khỏi ghế chủ tịch Hạ viện, sau khi ông cùng với các thành viên Đảng Dân Chủ phê chuẩn gói chi tiêu 1.2 ngàn tỷ USD và ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa. Cuộc gặp mới nhất của hai người là nhằm mục đích tạo cơ hội cho họ giải quyết những khác biệt của mình, nhưng theo bà Greene, cuộc gặp đã không đi đến giải pháp nào.
“Chúng tôi đã không đạt được thỏa thuận nào cả,” bà nói bên ngoài văn phòng của chủ tịch Hạ viện. “Tôi đã giải thích với ông ấy điều đó và ông ấy thừa nhận rằng với tư cách là một thành viên của Đảng Cộng Hòa trong Hạ viện, tôi gần như có cái nhìn rõ nhất về đảng mình đang trong tình trạng nào và những gì cử tri Đảng Cộng Hòa mong muốn.”
Ông Johnson, người đã gọi bà Greene là “một người bạn”, đã thừa nhận sự thất vọng của bà, đồng thời cho rằng quyền lực của ông bị hạn chế do khối đa số Hạ viện mỏng manh của Đảng Cộng Hòa.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ đạt được 100% những gì chúng tôi muốn và tin là cần thiết cho đất nước này bởi vì thực tế chính là như vậy,” ông nói với các phóng viên trước cuộc gặp của hai người. “Đó là vấn đề về tính toán, và trong Quốc hội, đó là vấn đề về những con số, về bao nhiêu phiếu bầu có thể có.”
Bản tin có sự đóng góp của Jackson Richman