Chuẩn bị cho cơn bão lạm phát trì trệ
Theo một nhà tư vấn tại Florida Adviser, lạm phát trì trệ (stagnation) là một môi trường kinh tế trong đó tốc độ tăng trưởng chậm và lạm phát cao, đòi hỏi các chiến lược phòng thủ nhất định trên thị trường chứng khoán.
Theo ông Matt Chancey, một cố vấn tại Tampa, “Bây giờ không phải là thời điểm cho một chiến lược danh mục đầu tư đa dạng hóa với chi phí thấp. Tình thế thị trường hiện nay đã tồn tại quá lâu và có nhiều yếu tố tiềm ẩn khiến thị trường sẽ điều chỉnh hoặc giảm giá.” Ông và các chuyên gia đầu tư kỳ cựu khác cảnh báo rằng lạm phát trì trệ có thể rất tồi tệ.
Ông Mike Whitty, một cố vấn ở Chicago, thận trọng khi nói rằng, “Tôi là một thiếu niên và là sinh viên đại học vào thời kỳ lạm phát trì trệ cuối những năm 70, đầu những năm 80. Thật là khủng khiếp.”
Ông nói: “Tôi đang dự đoán thị trường sẽ điều chỉnh đáng kể, vì vậy tôi sẽ không mua chứng khoán ngay bây giờ.”
Nếu lạm phát trì trệ quay trở lại, có một số loại đầu tư có thể làm giảm bớt tổn thất. Theo các cố vấn đầu tư, giải pháp giảm tổn thất nên là đầu tư vào một số loại trái phiếu được điều chỉnh theo lạm phát, thực hiện chiến lược đầu tư tài sản hữu hình [cụ thể] và thuế sẽ có lợi hơn nếu thị trường chứng khoán sụp đổ. Một chiến lược phòng thủ bao gồm bất động sản và hàng hóa, đầu tư, và chứng khoán Ngân khố được bảo vệ trước lạm phát (TIPS).
TIPS được bảo vệ trước lạm phát bằng cách điều chỉnh giá trị của trái phiếu đó tăng lên khi lạm phát tăng và giảm khi lạm phát giảm.
Ông Russ Kinnel, một nhà phân tích ngành quỹ của Morningstar, lưu ý: “Điều này khiến chứng khoán Ngân khố được bảo vệ trước lạm phát và các quỹ TIPS là biện pháp phòng vệ khi lạm phát tăng. Các trái phiếu và quỹ trái phiếu khác dễ bị tổn thương ở một mức độ nào đó do lạm phát gia tăng, nhưng TIPS thì không bị ảnh hưởng.”
Theo ông Dennis Nolte, một cố vấn tại Winter Park, Florida, “Lạm phát có nghĩa là chúng ta có tốc độ tăng trưởng thấp hoặc chậm lại và lãi suất tăng.”
“Giai đoạn này của nền kinh tế phù hợp với các khoản đầu tư có lãi suất cao hơn và các bảng cân đối kế toán có chất lượng tốt hơn – vì vậy các tài sản có giá trị như bất động sản, hàng hóa, năng lượng, vật liệu căn bản sẽ là phù hợp.”
Ông Nolte nói rằng các khoản đầu tư khác có thể vượt qua lạm phát trì trệ bao gồm cổ phiếu của các công ty blue-chip có bảng cân đối kế toán mạnh với mức nợ thấp hoặc bằng không, và các công ty có lợi thế về định giá, chẳng hạn như công nghệ.
“Về thu nhập cố định, bất kỳ khoản đầu tư nào có lãi suất cao hơn – TIPS và thậm chí các khoản vay từ ngân hàng ưu tiên trả nợ sẽ là tốt nhất, với kỳ hạn ngắn hơn.”
Một cố vấn khác đưa ra một cách tiếp cận nhiều bước cho những thời điểm khó khăn có thể xảy ra.
Thị trường chứng khoán đã sụt giảm trong thời kỳ lạm phát đình trệ vào những năm 1970. Đó là khi lạm phát cao đi cùng với tỷ lệ tăng trưởng thấp – tình huống mà nhiều nhà kinh tế tin tưởng vào Đường cong Phillips đã nói trước đây sẽ không xảy ra – khiến cuộc sống của các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng trở nên khốn khổ.
Trước thảm họa lạm phát trì trệ những năm 1970, nhiều nhà kinh tế học đã tin vào Đường cong Phillips, đây là một khái niệm được đặt theo tên của nhà kinh tế học AW Phillips. Trong bài viết nổi tiếng năm 1958 của mình, ông Phillips đã xem xét mối quan hệ đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp, và phát hiện ra rằng tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn có xu hướng liên quan đến lạm phát cao hơn. Nếu muốn một mức tăng trưởng nhất định, người ta phải chấp nhận một mức lạm phát nhất định.
Tuy nhiên, trong thời kỳ lạm phát trì trệ của những năm 1970, một điều đặc biệt đã xảy ra: Tăng trưởng yếu và lạm phát cao xảy ra cùng một lúc. Tình huống này gây khó khăn cho nhiều người lao động đang tìm kiếm việc làm vì nền kinh tế hầu như không tăng trưởng. Nhiều người về hưu sống bằng thu nhập cố định cũng bị ảnh hưởng. Trong trường hợp này, sức mua của họ đã giảm và các khoản tiết kiệm hưu trí đột nhiên thành không đủ.
Các cổ phiếu đã bi đát đến mức, vào năm 1979, tạp chí “Business Week” có một câu chuyện trang bìa nổi tiếng dự đoán về “Sự tàn lụi của Cổ phiếu”.
Chu kỳ lạm phát diễn đã ra khoảng từ năm 1965 đến năm 1983. Những năm 1970 là trung tâm của cơn bão lạm phát trì trệ. Nền kinh tế tăng trưởng chậm hoặc không tăng trưởng kết hợp với lạm phát cao.
Lạm phát trì trệ là một vấn đề khiến ba tổng thống Carter, Ford, và Nixon phải đau đầu. Họ đã thử và đã thất bại ở nhiều kế hoạch khác nhau để giải quyết lạm phát trì trệ. Các chính sách bao gồm kiểm soát tiền lương và giá cả, và cả những chiếc khuy cúc mang khẩu hiệu chống lạm phát ngay lúc này [Whip inflation now (WIN)], và những bài diễn văn khó hiểu. Nhưng từ các bài diễn văn cho đến những chiếc cúc kêu gọi kiểm soát giá cả, chẳng có gì khởi tác dụng.
Theo SimpleStockInvestor.com, quả thực là, trong những năm 1970, lạm phát hàng năm là 7.4%, nhưng tỷ suất sinh lợi thực hàng năm của S&P 500 là âm 1.4%. Trong những thập kỷ tiếp theo, tình hình đã được cải thiện.
Đến những năm 1980, lạm phát bắt đầu được kiểm soát và thu nhập được phục hồi. Lạm phát giảm xuống 5.1% và lợi nhuận thực là 11.6%. Và đến những năm 1990, lạm phát đã giảm xuống còn 2.9% hàng năm và lợi nhuận trên thị trường chứng khoán là 14.7%.
Chứng khoán phục hồi khi cơn bão lạm phát cuối cùng qua đi. Ông Kinnel của Morningstar nói rằng các nhà đầu tư không nên bán tất cả các cổ phiếu tăng đột biến nhờ lạm phát gần đây. Đó là bởi vì ông lập luận rằng cổ phiếu có hiệu quả tốt nhất trong tất cả các loại đầu tư trong dài hạn. Mặc dù ông Kinnel không chắc chúng ta sẽ lặp lại thời kỳ lạm phát cao trong dài hạn hay không, nhưng ông đồng ý rằng các con số [lạm phát] ngắn hạn đã tăng vọt.
Đầu tháng này, Chỉ số Giá Tiêu dùng được báo cáo là đã tăng 0.4% trong tháng Chín, tăng 5.4% mỗi năm so với mức của năm trước. Theo Cục Dự trữ Liên bang, trong thế kỷ qua, lạm phát hàng năm trung bình khoảng 3% mỗi năm.
Tuy nhiên, kỷ nguyên lạm phát trì trệ những năm 1970 đã thổi bay những mức trung bình dài hạn lịch sử đó. Đó là một thời điểm tồi tệ cho cả nhà đầu tư và người tiêu dùng. Đó là lý do tại sao nhiều người Mỹ lớn tuổi đã sống qua thời kỳ đó thấy kinh hoàng trước khả năng lặp lại điều đó.
Những năm 1970 và một phần của những năm 1980 là thời kỳ tăng trưởng chậm chạp kết hợp với lạm phát hai con số. Lãi suất đạt đỉnh vào mức trên 20. Lạm phát thời đó đã khiến các ngành công nghiệp phụ thuộc vào vốn đi vay suy bại, chẳng hạn như nhà ở và xe hơi.
Ông Chancey nói, nếu thảm họa kinh tế này xảy ra một lần nữa, các chuyên gia khá ít kinh nghiệm có thể hiểu sai hiện tượng đó.
Ông cho rằng một số cố vấn trẻ chưa từng trải qua vấn đề này có thể không hiểu cách hiệu quả nhất để giải quyết được vấn đề kinh tế và đầu tư bất thường này là gì.
Ông Chancey cảnh báo, “Các cố vấn mà quý vị hiện đang làm việc cùng có thể không quen thuộc hoặc có xung đột về mô hình kinh doanh khiến họ không thể đưa ra các giải pháp này cho quý vị. Giống như cố gắng mua một chiếc bánh pizza tại một cửa hàng bánh mì kẹp thịt, họ không làm món đó.”