Chúng ta có đủ kiên nhẫn với người thân đến cuối đời?
Trở thành trụ cột chăm sóc cho những người thân trong gia đình là một nhiệm vụ không dành cho những người yếu tim.
Mới đây tôi có một cuộc điện đàm với một phụ nữ – tôi gọi bà ấy là Jane vì bà không muốn tiết lộ danh tính. Bà đã dành 18 tháng qua để chăm sóc người chồng bất hạnh trong căn hộ của mình. Sự hy sinh và những thử thách mà bà ấy trải qua suốt quãng thời gian này, đặc biệt là trong đại dịch, sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta, và thậm chí là đưa ra vài lời cảnh báo về những gì chúng ta kỳ vọng khi phải chăm sóc cho ai đó tại nhà.
Bà Jane đã 77 tuổi rồi và chồng bà đã 91 tuổi. Năm nay, họ kỷ niệm 27 năm ngày cưới. Chồng của bà Jane – chúng ta gọi ông ấy là Sam – đã dành cả đời làm việc trong đài phát thanh, đầu tiên là nói phía sau chiếc micro, và sau đó lên làm người quản lý; bà Jane là một doanh nhân.
Năm 2019, ông Sam mắc phải một căn bệnh khiến ông bị liệt tạm thời. Sau đó, ông được chẩn đoán là bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Sau gần một tuần trong bệnh viện và 3 tuần trong trung tâm phục hồi, ông trở về nhà với một cơ thể tàn phế.
Bà từ chối đưa ông Sam vào viện dưỡng lão, nhưng bà cũng chưa thể quen với việc chăm sóc ai đó tại nhà – nhất là khi ông sẽ sớm mất đi ký ức, cần sự giúp đỡ 24/24 từ việc tắm rửa cho đến việc ăn uống, và cuối cùng ông sẽ không cảm thấy thèm ăn trừ một số món ít ỏi.
Đây là câu chuyện của bà ấy, và tôi nghĩ nó cũng là tình cảnh của rất nhiều độc giả.
Bị giam hãm trong căn nhà của mình
Dưới đây là một phần email bà Jane đã gửi cho tôi trước khi chúng tôi trò chuyện qua điện thoại:
“Những suy nghĩ này của tôi không phải theo một trình tự thời gian nào cả… tôi chỉ viết ra khi nó xuất hiện trong đầu mình.”
“Khi người thân bỗng nhiên phải nhập viện, cuộc sống trước đây của bạn như dừng lại! Không còn những ‘lịch trình sinh hoạt bình thường’. Và nếu người thân của bạn có thể trở về nhà từ bệnh viện, bạn sẽ trở thành một người chăm sóc. Bạn chỉ không nhận ra rằng mình sẽ có cái danh hiệu đó. Tôi đã không chuẩn bị sẵn sàng cho danh xưng này. Và điều khiến tôi tiếp tục là tình yêu dành cho chồng, là sự thủy chung và khiếu hài hước.”
“Ông ấy đã trải qua một tuần trong bệnh viện… và sau đó là 21 ngày trong trung tâm phục hồi. Từ thời điểm đó, tôi chịu trách nhiệm chăm sóc ông ấy. Trong những tuần và tháng sau này, ông ấy trở nên yếu ớt và suy nhược hơn. Mỗi tháng, ông ấy lại mất đi một khả năng nào đó. Ông ấy mong được đi lấy thư, nhưng quãng đường từ cửa nhà tới hòm thư trở nên quá xa đối với ông ấy (chừng 9 mét), và nguy cơ bị ngã là rất lớn. Nếu ông ngã, tôi không thể đỡ ông ấy dậy… vì vậy EMS sẽ phải đến trợ giúp.”
“Thời gian trôi qua, ông ấy đã bắt đầu quên những thói quen vệ sinh cá nhân. Ông ấy không thể chọn quần áo để mặc. Ông ấy cũng không thể trả lời điện thoại, không thể đứng trong bồn để tắm. Ông ấy quên cả cách bật chiếc bàn chải đánh răng điện. Ông ấy trở nên mất kiểm soát.”
Bởi vì ông Sam ngày càng mất khả năng đi lại và nói chuyện, và bởi vì bà Jane lo sợ rằng ông Sam sẽ bị nhiễm virus, nên họ đã từ bỏ việc ăn ở nhà hàng, rồi sau đó là đi nhà thờ, và cả việc thăm gia đình. Trong vài tháng đại dịch diễn ra, bà Jane không muốn ai đến thăm mình, kể cả gia đình lẫn bạn bè. Bà sợ rằng bà và ông Sam sẽ nhiễm bệnh.
“Khi ông ấy bị giam hãm trong căn nhà của mình, thì tôi cũng vậy,” bà nói.
Chặng đường gian khổ nhất
Sự chăm sóc kiểu này cũng rất khổ sở, và bà Jane cũng thừa nhận điều đó.
Lần đầu tiên bà chăm sóc cho ông Sam, bà cảm thấy không đủ khả năng. Mỗi ngày là những yêu cầu và nhiệm vụ mới. Bà tự học hỏi trong khi làm, xin lời khuyên từ người khác, và tìm kiếm tư liệu và mẹo vặt trên mạng, và thậm chí nghĩ ra cách của riêng để chăm sóc ông.
Trong khoảng thời gian cách ly này, vì sức khoẻ ông Sam giảm sút và vì COVID-19, bà Jane nói: “Điều tôi nhớ nhất là những cuộc trò chuyện, những cái ôm, những biểu cảm trên khuôn mặt, chúng biến mất vì chiếc khẩu trang. Bạn bè gọi cho Sam trong vài tháng nhưng rồi họ nhanh chóng nhận ra rằng ông ấy chỉ có thể nghe mà không thể trả lời. Vì vậy các cuộc gọi cứ ít dần và trở nên thưa thớt.”
Với sự giúp đỡ của cô con dâu sống cách đó vài dặm và cô con gái sống cách đó 2 giờ lái xe, bà Jane có thể chạy đi lo những việc vặt khác.
“Ông ấy đều nhớ nhung tôi mỗi khi tôi ra khỏi nhà, và sẽ không bao giờ đi ngủ cho đến khi tôi về,” bà chia sẻ.
Làm thế nào để giúp đỡ họ
Nếu chúng ta biết ai đó trong tình cảnh này, một trong những cách tốt nhất để động viên tinh thần người chăm sóc là gọi cho họ. Bà Jane tâm sự rằng chịu đựng sự cách ly và cô đơn quả thật rất khó khăn. Ông Sam ngủ 18 tiếng mỗi ngày và không đủ khả năng nhận thức để trò chuyện. Vì vậy, những người lâm vào tình huống như bà Jane thường thấy rất tuyệt vọng trước sự giao tiếp. Và bà nói: “Khi gia đình và bạn bè gọi cho tôi, ngày đó của tôi tươi sáng hẳn lên vậy.”
Chúng ta có thể chạm vào tâm hồn họ và thắp sáng cuộc sống của họ bằng những cách như: tặng họ một bữa ăn, gửi cho họ một bức thư, mua cho họ vài món quà nhỏ như hoa hay bánh nướng. Nếu họ là hàng xóm, thì chúng ta có thể ngồi trông người thân của họ để họ có thời gian tản bộ hay đi mua nhu yếu phẩm. Những hành động này có thể là nhỏ bé với chúng ta, nhưng sẽ là cả thế giới với những người như bà Jane.
Động lực thực sự
Vậy thì vì sao bà Jane chấp nhận chịu đựng những đau khổ ấy?
Chỉ có hai từ thôi, đó là Tình yêu.
Bà nói với tôi rằng ông Sam đã yêu bà nhiều thế nào trong suốt cuộc hôn nhân của họ; ông chẳng bao giờ nghi ngờ bà khi bà ở lại làm việc muộn; ông bày tỏ lòng biết ơn với bà ngay cả khi ông bị bệnh, cảm ơn bà vì sự tốt bụng của bà. Ông đã dành cả quãng đời để “sống tích cực và yêu thương” bà cùng những người khác.
“Ngay cả bây giờ, ông ấy cũng chẳng có ngày nào tồi tệ,” bà nói.
Bà đã viết cho tôi, “Hiện tại, ông ấy là mục đích sống của tôi. Và tình yêu ông ấy dành cho tôi không bao giờ phai nhạt. Ông ấy không phải loại người nóng tính; chẳng bao giờ giận giữ và cũng không bao giờ đánh mất sự tích cực. Tôi thật sự rất may mắn!”
Bà Jane còn nói: “Tôi cầu nguyện mỗi buổi sáng khi ra khỏi giường rằng tôi có thể khiến hôm nay là một ngày tốt lành cho ông Sam.” Một lúc sau trong cuộc hội thoại của chúng tôi, bà nói thêm: “Từ khi chúng tôi gặp nhau, ông Sam đối xử với tôi như một nữ hoàng. Vậy thì làm sao tôi không chăm sóc cho ông ấy được chứ?”
Lòng cảm kích
Một số chuyện tôi viết ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn những chuyện khác, và đây là một trong số đó. Tôi hy vọng mình sẽ có đủ can đảm và tình yêu để chăm sóc người thân của mình theo cách này.
Dành tặng bà Jane và tất cả những người đang tận tụy chăm sóc người khác; hãy để tôi kết thúc bài viết này với một vài dòng riêng tư: Sự dịu dàng và tấm lòng lương thiện trong trái tim quý vị đã truyền cảm hứng cho chúng tôi, những người thấu hiểu đức hy sinh và nỗi khó nhọc mà quý vị đã trải qua. Bằng những hành động tốt đẹp, quý vị khiến những từ ngữ vốn xưa cũ như “Tình yêu, Trách nhiệm, Cảm thông” tỏa sáng lấp lánh.
Xin cảm ơn vì đã trở thành ngọn hải đăng của ánh sáng và vẻ đẹp trên thế giới.
Ông Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu chắt ở tuổi đang lớn. Ông dạy lịch sử, văn học và tiếng Latin tại Asheville, N.C. trong 20 năm. Hiện nay, ông sống và viết cho Front Royal, Va. Vui lòng truy cập JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.