Chúng ta đều là những người chạy siêu marathon trong cuộc sống
Jeff Minick
Khi con trai cả nói với tôi rằng cháu muốn tham gia chạy Daytona 100, một cuộc chạy ultramarathon* dài 100 dặm (khoảng 161km) ở tiểu bang Florida từ thành phố Jacksonville đến thành phố Daytona, tôi nghĩ cháu thật điên rồ.
Một loạt những lời cảnh báo của người làm cha hiện lên trong tâm trí tôi: Nếu hai đầu gối của con tổn thương vĩnh viễn thì sao đây? Con có nên xin sự chấp thuận của bác sĩ trước hay không? Nếu con tử vong bất ngờ thì sao đây?
Tuy nhiên, tôi đã kiềm chế những ý kiến phản đối của mình. Con trai tôi, Jake, là một luật sư 37 tuổi, có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, và là cha của bảy đứa trẻ. Nói cách khác, cháu là một người đàn ông trưởng thành. Khi kìm nén những lo lắng của bậc làm cha mẹ, tôi đã mỉm cười và chúc cháu may mắn.
Thật là trùng hợp, vào ngày 02/12, một ngày trước cuộc đua, các anh trai, chị gái, cũng như một vài cháu gái và cháu trai của tôi cũng tụ họp ở thành phố Jacksonville để dự lễ tưởng niệm người anh rể tôi yêu quý. Sáng sớm hôm sau, hầu hết mọi người đều trở về nhà, nhưng hai chị gái, hai người con trưởng thành của họ, và con gái tôi đã nán lại thêm một ngày nữa.
Chiều và tối hôm đó, chúng tôi tề tựu ở căn hộ của chị gái, nơi mà chúng tôi liên tục nhận được các tin nhắn từ vợ của Jake, Laura, và em trai của Jake, JP, về diễn tiến cuộc chạy đua của cháu. Cuối cùng thì, khi một tin nhắn thông báo rằng Jake đã đến cột mốc 80 dặm, tôi không thể chịu thêm chút căng thẳng nào nữa và nóng lòng muốn gặp cháu. “Chúng ta hãy bắt kịp thằng bé ở Daytona,” tôi nói với người bạn đang ở bên cạnh. Trước sự ngạc nhiên của các chị và con gái tôi, hai chúng tôi đã lái xe ra khỏi nhà trong màn đêm, hy vọng sẽ bắt kịp 10 dặm cuối cùng trong cuộc thử thách này.
Chúng tôi đã đuổi kịp cuộc đua. Vào buổi tối hôm đó, trong khoảng từ 11 giờ đêm đến 01 giờ 30 phút sáng, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng bài học khó quên trong cuộc sống.
Bài học cuộc sống thứ 1: Hướng tới vạch đích
Trừ phi bạn là một trong số ít những ứng viên tiềm năng cho chức vô địch trong cuộc đua điên rồ này, thì đối thủ chủ yếu của bạn chính là bạn. Hiển nhiên là hầu hết các thí sinh đều hướng tới việc duy trì một nhịp độ nhất định, nhưng mục tiêu chính của họ chỉ đơn giản là để đến vạch đích. Thời gian của người đạt giải quán quân chỉ hơn 16 tiếng; Jake hoàn thành cuộc đua dưới 20 tiếng; người chạy cuối cùng chạm đích 11 tiếng sau đó.
Mỗi người trong số họ, và tất cả các thí sinh khác, đều xứng đáng được chúc mừng, bởi vì cuộc đua này đòi hỏi nhiều hơn là tình trạng thể lực và sức bền. Bạn cần có dũng khí và ý chí, sức mạnh tinh thần để tiếp tục chạy khi cơ thể đang nài nỉ bạn dừng lại và nằm xuống trên bãi cỏ hoặc lề đường. Ngay cả những người rút lui khỏi cuộc đua vì chấn thương cũng xứng đáng được khen ngợi. Họ đã tranh tài. Họ đã thử sức.
Dù có nhận ra hay không, thì tất cả chúng ta đều ở trong một cuộc đua kiểu này hay kiểu khác. Một vài người chạy nhanh, dễ dàng vượt qua khó khăn, trong khi những người khác lê bước, va vấp nhưng vẫn tiến về phía trước. Sau đây là một số vần thơ từ bài thơ truyền cảm hứng “If” (Nếu) của thi sĩ Rudyard Kipling có thể áp dụng cho cả những người chạy bộ và tất cả chúng ta:
Nếu bạn có thể buộc trái tim, thần kinh, gân cơ mình
Thuận theo ý muốn của mình sau cơn mỏi mệt,
Giữ vững như thế khi bản thân chẳng còn gì
Ngoại trừ Ý Chí cứ bảo: “Hãy kiên định!”
Bài học cuộc sống thứ 2: Tất cả chúng ta đều có thể nhờ giúp đỡ
Quan sát Laura và JP trong cuộc đua này khiến tôi nhớ đến nhóm kỹ thuật viên NASCAR đang làm việc trên xe hơi của một tay đua. Thỉnh thoảng, JP chạy cùng Jake – cháu đã chạy hơn 40 dặm vào ngày hôm đó – và đôi khi, Laura đi bộ cùng chồng. Người nào không ở cùng Jake sẽ lái xe một hoặc hai dặm xuống Đường A1A, tấp vào bãi đậu xe hoặc con đường nhỏ, và có mặt ở đó khi Jake chạy qua, sẵn sàng đưa cho cháu bất kỳ thứ gì cháu cần – nước, gel năng lượng, Vaseline để chống bỏng rát, một đôi giày để thay thế – đồng thời luôn vỗ tay và reo hò khích lệ.
Đến khi tôi và người bạn tới nơi, Laura và JP đã đổi vai cho nhau ở trạm dừng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Chiếc xe tải nhỏ trông như một quả bom vừa phát nổ ở bên trong, hàng hóa và rác rưởi vương vãi khắp nơi, nhưng Laura và JP đã làm việc cùng nhau như một cỗ máy để trợ giúp chân chạy của mình.
Suốt dọc đường, chúng tôi đi ngang qua các gia đình và bạn hữu khác khi họ cũng giúp đỡ các thí sinh mà họ yêu mến. Trong hai trường hợp, rõ ràng là thí sinh đã kiệt sức không thể chạy tiếp nữa. Trong các tình huống khác, những người đàn ông và phụ nữ trên đường đua được truyền cho chai nước và được khích lệ khi họ chạy chậm hoặc lê bước đi qua.
Khi Jake đến vạch đích tại Ngọn hải đăng Ponce de Leon Inlet, cháu đã chạy chậm lại, vẫy gọi Laura và JP, rồi khoác tay vợ và em trai, đi vài bước cuối cùng đến chiến thắng.
Trong một tin nhắn sau đó, cháu viết: “Bài học rút ra được: đừng bao giờ chạy cuộc đua siêu marathon một mình.”
Những người tài giỏi sẵn sàng giúp đỡ bạn, những người luôn quan tâm đến lợi ích của bạn là tài sản đáng quý nhất.
Bài học cuộc sống thứ 3: Khích lệ những người đang cố gắng
Các thí sinh tham gia cuộc đua như thế này không chạy theo từng nhóm, mà rải rác trên hàng dặm đường. Khi chúng tôi đến nơi vào buổi tối, họ đang di chuyển nhấp nhô dọc theo vỉa hè trong màn đêm với những chiếc đèn chạy bộ gắn trên lưng hoặc mũ của mình. Họ có thể chỉ có một mình hoặc đi cùng một bạn đồng hành.
Mỗi khi chúng tôi đi ngang qua một trong những người xa lạ này, Laura hoặc JP sẽ lái xe chậm lại và reo hò khuyến khích. Những tài xế và những người qua đường khác cũng khích lệ mỗi thí sinh chạy ngang qua.
Trong khi đó, một vài người khác, bao gồm chị cả của Jake, đã gửi cho cháu những lời cầu nguyện và sự quan tâm thông qua các tin nhắn với Laura và JP. Sau đó, cháu đã kể với tôi và mọi người rằng những lời nhắn này có ý nghĩa nhường nào đối với cháu.
Dù chúng ta đang ở đâu trong cuộc đua của riêng mình, dù đó là cuộc đua gì đi nữa, thì những lời khích lệ có thể khiến chúng ta tiếp tục bước đi.
Bài học cuộc sống thứ 4: Thành công nghĩa là kết hợp giữa hoài bão và hành động
Nếu bạn hằng mơ ước viếng thăm Paris thì sao nhỉ? Việc xem cuộc đua giống như thế này có thể truyền cảm hứng để bạn bắt đầu dành dụm một số tiền, đi làm sổ thông hành, tìm kiếm phòng khách sạn và các địa điểm tham quan tại Kinh đô Ánh sáng. Nếu bạn hằng mơ ước mình biết chơi dương cầm thì sao nhỉ? Một lần nữa, cuộc chạy siêu marathon này có thể truyền cảm hứng để bạn mua đàn keyboard hoặc đàn dương cầm dạng đứng, mời một giảng viên hoặc sử dụng các nguồn trực tuyến, và đặt các ngón tay của mình lên phím đàn.
Không phải tất cả giấc mơ của chúng ta đều sẽ trở thành hiện thực. Nhưng có một sự thật không thể chối cãi đó là: Không có giấc mơ nào trở thành hiện thực trừ phi chúng ta hành động và biến nó thành hiện thực, như tất cả những người chạy bộ trên đây.
Marathon là phép ẩn dụ
Dòng thời gian của cuộc chạy siêu marathon này giống với dòng thời gian của cuộc sống. Cuộc tranh tài bắt đầu vào lúc bình minh, các thí sinh mang theo tâm trạng hồi hộp, sảng khoái, và háo hức như những thanh niên để bắt đầu cuộc hành trình của họ. Những thử thách vào giữa ngày phản ánh những khó khăn của tuổi trung niên, khi cuộc sống đòi hỏi ở chúng ta quá nhiều khả năng và sức lực. Hoàng hôn, giống như giai đoạn cao niên, sẽ khiến hầu hết chúng ta sống chậm lại. Sau đó là vạch đích, nếu chúng ta tuân theo phép ẩn dụ này để đưa ra kết luận logic, thì vạch đích đại diện cho cả chiến thắng và cái chết. Cuộc đua kết thúc.
Gần cuối đời của mình, Thánh Paul từng nghĩ tới một ẩn dụ như thế này khi ngài viết: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin.” Giống như Thánh Paul, và rất nhiều người khác nữa, chúng ta nên nhìn cuộc sống như cuộc chạy marathon, chứ không phải cuộc chạy nước rút. Nếu chúng ta muốn cán vạch đích và sống một cuộc đời trọn vẹn nhất, hai tay giơ cao trong chiến thắng, thì chúng ta phải tham gia cuộc đua này và giữ lòng bền bỉ.
Một năm mới đồng nghĩa với những khởi đầu mới, cũng có nghĩa là chúng ta vẫn còn cơ hội khác để biến những giấc mơ của mình thành hiện thực. Cho dù giấc mơ đó là gì, thì chúng ta có thể học theo những người chạy bộ này và cố gắng hết sức theo đuổi hoài bão của mình. Chúng ta có thể thành công, có thể thất bại, nhưng giống như những người chạy bộ kia, điều thực sự quan trọng chính là:
Chúng ta đã tham gia cuộc đua này và cố gắng hết sức mình.