Chuyên gia hình dung sự thay đổi chế độ, nền dân chủ ở Trung Quốc với sự trợ giúp của quốc tế
Ông Roger Garside, một chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc và là nhà cựu ngoại giao Anh Quốc từng làm việc tại Bắc Kinh trong và sau thời kỳ Mao Trạch Đông cầm quyền, đã thảo luận về tầm nhìn của ông đối với nền dân chủ ở Trung Quốc hôm 24/05 trong một sự kiện do Viện Hoover tại Đại học Stanford tổ chức.
Ông Garside, tác giả của cuốn “China Coup: The Great Leap to Freedom” (Tạm dịch: Cuộc Đảo Chính của Trung Quốc: Đại Nhảy Vọt Hướng Đến Tự Do), do Nhà xuất bản Đại học California xuất bản trong tháng này, nói rõ rằng những người ở bên ngoài “không thể sai khiến việc Trung Quốc được cai trị như thế nào. Nhưng họ có thể và phải trợ giúp những người Trung Quốc muốn đạt được một nước Trung Quốc dân chủ.”
Ông nói rằng các quốc gia nên công khai tuyên bố “mục tiêu về một Trung Quốc tự do” và rằng người dân Trung Quốc đang bị Trung Cộng kiềm hãm “trong tình trạng nô lệ chính trị”, điều mà ông gọi là “chế độ toàn trị.” Ông Garside nói thêm rằng “những người Trung Quốc muốn âm thầm thay đổi sẽ được khích lệ bằng cam kết của chúng ta.”
Ông Glenn Tiffert, Viện sĩ Nghiên cứu tại Viện Hoover và là Quản lý về Dự án Điện Sharp Toàn cầu của Trung Quốc của viện này, nhận xét rằng ông Garside khuyến khích các độc giả “hãy bỏ qua ông Tập Cận Bình và hình dung một Trung Quốc không chấp nhận tầm nhìn của ông ta và thay vào đó là chọn chế độ dân chủ, một con đường từ lâu đã bị từ chối, chỉ để tự cứu lấy mình khỏi tai họa diệt vong mà ông Tập đang dẫn [Trung Quốc] tiến vào.”
Ông Garside, cũng là tác giả của cuốn “Coming Alive: China After Mao” (Tạm dịch: Hồi Sinh: Trung Quốc Sau Thời Mao Trạch Đông), đề nghị rằng sử dụng áp lực kinh tế là điều cốt yếu để tạo điều kiện cho thay đổi chính trị ở Trung Quốc.
Ông nói: “Hoa Kỳ và các đồng minh có ưu thế kinh tế so với Trung Quốc và họ phải sử dụng điều đó. Trung Quốc phụ thuộc vào khả năng tiếp cận các nguồn tiền dự trữ lớn của thế giới, hệ thống ngân hàng quốc tế, các thị trường vốn sâu nhất thế giới, các nguồn vốn lưu động lớn nhất của họ, và các trung tâm phát minh khoa học và công nghệ lớn nhất; tất cả đều do Hoa Kỳ cùng các đồng minh kiểm soát. Điều này cho chúng ta sức mạnh để tạo ra các điều kiện cho sự thay đổi. Chúng ta phải khai thác sức mạnh này một cách từ từ để kích thích sự thay đổi và áp đặt một cái giá phải trả cho tiến trình hiện tại.”
Ông Garside nói rằng, do tính chất liên kết của Trung Quốc với nền kinh tế toàn cầu, các quốc gia sử dụng các công cụ kinh tế để khuyến khích sự thay đổi “phải chấp nhận các chi phí kinh tế ngắn hạn để bảo vệ và thúc đẩy những lợi ích kinh tế và chính trị lâu dài của chúng ta.” Để đạt được mục đích này, ông Garside cho biết, “Các chính phủ của chúng ta phải nâng cao nhận thức của dư luận, kể cả những nhóm lợi ích thủ cựu như Wall Street.”
Ông Orville Schell, Giám đốc Arthur Ross của Trung tâm về mối bang giao Hoa Kỳ–Trung Quốc tại Hiệp hội Á Châu, đồng tình rằng kinh tế sẽ có thể là yếu tố quyết định chính cho sự thay đổi chế độ trong tương lai ở Trung Quốc.
Ông Schell nói: “Nếu sẽ có một sự thay đổi ở Trung Quốc, thì điều đó phải đến từ bên trong Trung Quốc. Và giả như tôi phải nói điều đó sẽ diễn ra như thế nào, thì nó có thể sẽ có liên quan gì đó đến kinh tế. Tất cả các nền kinh tế đều có tính chu kỳ, và khi Trung Quốc đụng phải một chu kỳ ác tính, thì đó là thời điểm họ sẽ bị thử thách, như khi chúng ta đã đã trải qua vào năm 2008, như chúng ta bị thử thách mới gần đây.”
Ông Garside cho là Trung Cộng “sợ” tình trạng bất ổn ở Trung Quốc, và nói rằng dấu hiệu một cuộc khủng hoảng kinh tế sắp xảy ra ở Trung Quốc đang tăng lên.
“Nền kinh tế [Trung Quốc], vốn đã ghi nhận sự phát triển ngoạn mục thì nay chính nó lại bị bủa vây bởi những vấn đề nghiêm trọng. Nhà nước đã bơm một lượng lớn tín dụng vào nền kinh tế để duy trì tốc độ tăng trưởng cao một cách giả tạo, vì họ lo ngại tình trạng thất nghiệp và vỡ nợ của doanh nghiệp sẽ dẫn đến tăng trưởng thấp hơn. Kết quả là nợ nần như núi. Không quốc gia nào mắc nợ chồng chất cao như Trung Quốc đã từng giảm bớt được nợ mà không hoặc bị suy thoái hoặc bị lạm phát kéo dài.”
Ông Tiffert thuộc Viện Hoover nêu ra sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 là một bóng ma không ngừng ám ảnh Trung Cộng.
Theo ông Tiffert, “Trong những năm gần đây, Ông Tập Cận Bình đã theo đuổi một kiểu rắc rối chính trị, nâng gấp đôi sự trừng phạt và đàn áp vì sợ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang lao theo số mệnh của người anh họ Liên Xô. Theo nhiều góc độ, những phương thức của ông ta đang phản tác dụng. Họ đang xa lánh các đối tác quan trọng, gia tăng căng thẳng quốc tế và nguy cơ đối đầu quân sự, đồng thời đe dọa nhằm kìm hãm động lực của người dân Trung Quốc.”
Ông Garside cho rằng Trung Cộng có thể sẽ đi vào con đường tương tự như Đảng Cộng sản của Liên Xô cũ.
Ông tuyên bố: “Quan điểm phổ biến là chế độ này mạnh mẽ và ổn định và sẽ tiếp tục cai trị Trung Quốc trong thời gian dài. Nhưng tôi cho rằng chế độ này bề ngoài thì uy mãnh còn bên trong lại yếu nhược. Vào tháng 01/1991, có ai đang tiên đoán việc Liên Xô sẽ sụp đổ và Đảng Cộng sản Liên Xô sẽ tự giải tán không? Không ai trong ngành Xô Viết học khổng lồ tại Hoa Kỳ nói điều đó cả. Nhưng trong vòng 10 tháng, cả hai điều đó đều đã xảy ra.”