Chuyên gia: Hồi sinh ngành công nghiệp làm giàu uranium ở Hoa Kỳ là một ‘công việc khó khăn’ nhưng cần thiết
John Haughey
Từ một thập niên trước, việc khai thác uranium ở Hoa Kỳ đã không mang lại lợi nhuận từ khi người Nga phủ ngập thị trường toàn cầu với quặng và nhiên liệu thành phẩm bán phá giá.
Từ rất lâu trước đó, ngành công nghiệp làm giàu uranium của Hoa Kỳ, vốn đã thỉnh thoảng ngừng hoạt động do các đợt tê liệt thị trường và liên tục bị đóng băng do các quy định tốn kém, đã rơi vào trạng thái lạc hậu.
Năm 1980, Hoa Kỳ sản xuất và tinh chế 90% lượng uranium cho 251 nhà máy điện hạt nhân, sản xuất ra 11% lượng điện trên toàn quốc.
Năm 2021, 55 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động ở Hoa Kỳ chỉ sử dụng 5% uranium sản xuất tại quốc nội để tạo ra 20% lượng điện năng cho quốc gia.
Sau nhiều năm, việc thị trường bị Nga thao túng đã cản trở hoạt động sản xuất có lợi nhuận trong nội địa Hoa Kỳ. Kể từ năm 2020, Quốc hội đã phản ứng bằng một loạt dự luật mà nếu được thông qua, thì Quốc hội có thể chi tới 5 tỷ USD vào năm 2035 nhằm nỗ lực khôi phục thị trường uranium thương mại trong nước.
Bất chấp tốc độ giải ngân chậm và sự trì hoãn trong việc khai triển các chương trình, với một vài trong số những cản trở đó đến từ sự phản đối năng lượng hạt nhân trong chính phủ Tổng thống Biden (TT), các mỏ trên khắp năm tiểu bang – chủ yếu ở Texas và Wyoming – hiện đã được phép khai thác uranium, và sẽ sớm bắt đầu thực hiện việc này.
Các mỏ ở những nơi khác cũng dự kiến sẽ tham gia vào hiệp hội uranium của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE) và được trợ cấp cho việc chuẩn bị tham gia thị trường.
Giám đốc Điều hành Hiệp hội Khai thác mỏ Wyoming (WMA) Travis Deti cho biết Texas có nhiều hoạt động khai thác uranium nhất, nhưng Wyoming có nhiều uranium nhất.
Ông nói: “Dù dùng cho mục đích nào đi chăng nữa, thì tiểu bang Wyoming chính là ngành công nghiệp uranium của Mỹ.”
Ông Deti nói với The Epoch Times rằng có bốn mỏ uranium được cấp phép ở tiểu bang Cao Bồi này (Cowboy: biệt danh của Wyoming) và có ít nhất ba hoạt động mỏ tiềm năng khác đang được xem xét.
Họ đã sẵn sàng bắt đầu khai thác vào mùa xuân này. “Chúng tôi có thể khai thác tất cả uranium mà chúng ta cần ở Hoa Kỳ ngay tại Wyoming,” ông nói.
Công suất làm giàu của Hoa Kỳ: 1 mỏ
Nhưng thật không may, không có nơi nào ở Hoa Kỳ nhận làm giàu quặng uranium cho Wyoming. Trên toàn quốc, chỉ có một nhà máy ở New Mexico có khả năng làm giàu uranium để sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân thương mại.
“Ngay cả khi chúng tôi đang khai thác uranium, thì chúng tôi vẫn phải vận chuyển uranium khai thác được đi nơi khác [ở ngoại quốc] để làm giàu và tinh chế,” ông Deti nói. “Chúng ta không có khả năng làm điều đó ở Hoa Kỳ.”
Ông Deti nói với The Epoch Times rằng ông có một giải pháp cho ngành công nghiệp tư nhân, đó là việc xây dựng các nhà máy làm giàu uranium gần các mỏ ở Wyoming, nơi có nguồn nhân lực có kinh nghiệm và các chính sách quản lý “thân thiện” từ phía chính phủ để hướng tới mục đích phục hồi việc đưa uranium từ mỏ đến thị trường.
Ông Deti cũng đưa ra giải pháp cho chính phủ TT Biden: Để khử carbon trong năng lượng và bảo toàn nguồn cung cấp năng lượng quốc nội, hãy ngừng “nói suông” rằng năng lượng hạt nhân là một yếu tố then chốt, thêm vào hãy hồi sinh ngành công nghiệp sản xuất uranium của quốc gia bằng cách tăng tốc và đơn giản hóa việc cấp phép khai thác và tinh chế quặng.
Ông cho biết, “Hiện tại, Nga đã tạm dừng việc chuyển đổi” hoặc tinh chế uranium vì mục đích thương mại. Nga sản xuất hơn 50% nhiên liệu sử dụng cho điện hạt nhân trên toàn thế giới, trong đó Hoa Kỳ sử dụng gần ¼ số nhiên liệu đó.
Ông Deti cho biết, “Làm cho mọi người nhận ra vấn đề” là một thành tựu đáng kể.
Tuy nhiên, ông lo ngại rằng việc giải quyết khoảng cách trong chuỗi cung ứng sẽ không nhận được nguồn tài trợ và biện pháp trợ giúp pháp lý cần thiết từ phía chính phủ TT Biden, mặc dù có sự ủng hộ ngày càng tăng từ lưỡng đảng trong Quốc hội để đẩy nhanh các biện pháp khắc phục lâu dài.
“Tôi hoài nghi nhưng vẫn giữ hy vọng,” ông nói. “Chúng ta đang bắt đầu đi đúng hướng. Chúng ta có thể làm được điều đó, nhưng đó là một công việc khó khăn.”
Nhu cầu HALEU cao
Sự ủng hộ việc gia tăng sản xuất điện hạt nhân nội địa của lưỡng đảng Quốc hội được thể hiện qua khoản phân bổ ngân sách 75 triệu USD để thiết lập kho dự trữ uranium chiến lược trong Đạo luật Năng lượng năm 2020, một quỹ 6 tỷ USD để tài trợ cho việc nâng cấp lò phản ứng trong Đạo luật Cơ sở hạ tầng Lưỡng đảng, và 700 triệu USD trong Đạo luật Giảm Lạm Phát để bắt đầu chuỗi cung ứng từ con số không – nhằm gieo mầm và cung cấp uranium hàm lượng 5–20% chất đồng vị uranium-235 (high-assay low-enriched — HALEU) cho thị trường nội địa.
Tính cấp bách của nỗ lực này đã có từ trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hồi tháng 02/2022 và được WMA và Hiệp hội các Nhà sản xuất Uranium Mỹ (UPA), Viện Năng lượng Hạt nhân (NEI), Liên minh Năng lượng Hạt nhân Tiên tiến (UCAN), và Hội đồng Cơ sở Hạ tầng Hạt nhân Hoa Kỳ cùng các tổ chức khác hoan nghênh.
Tháng 12/2020, DOE cũng đã mở một hiệp hội HALEU cho “bất kỳ cơ quan, hiệp hội, và tổ chức chính phủ nào của Hoa Kỳ tham gia vào chu trình nhiên liệu hạt nhân.”
HALEU là nhiên liệu cần thiết để sử dụng trong các cải tiến như lò phản ứng module nhỏ (SMR), có thể đổi mới hoàn toàn nguồn cung cấp năng lượng hạt nhân bằng các lò phản ứng có thể vận chuyển được và có giá cả tương đối rẻ. SMR là trọng tâm của chương trình trị giá 2 tỷ USD của DOE, gồm 10 dự án thí điểm.
HALEU sẽ là nhiên liệu hạt nhân có nhu cầu cao nhất trong những năm tới, nhưng hiện tại Hoa Kỳ không có đủ năng lực để sản xuất loại nhiên liệu này – thậm chí kể cả sản xuất cho chín trong số 10 dự án thí điểm của DOE được thiết kế để sử dụng loại nhiên liệu này.
Đạo luật An ninh Nhiên liệu Hạt nhân (NFSA) do Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Thượng viện ông Joe Manchin (Dân Chủ–West Virginia) và Thượng nghị sĩ John Barrasso (Cộng Hòa–Wyoming) đồng đệ trình, sẽ đẩy nhanh quá trình tinh chế và làm giàu HALEU nội địa thêm 3.5 tỷ USD trong thời gian 10 năm tới.
‘Nói suông’ đủ rồi
Ông Deti và những người khác nói rằng vì phải mất hơn hai năm để giải ngân số tiền 775 triệu USD được phân bổ cho việc phát triển uranium kể từ năm 2020, nên không chắc liệu chính phủ TT Biden có khả năng phân bổ từ 4 tỷ đến 5 tỷ USD để sớm được Quốc hội phê chuẩn hay không, trước sự cấp bách của việc giải quyết nhanh chóng sự chênh lệch giữa mộng tưởng tốt đẹp và thực tế phũ phàng là nguồn cung bị tắc nghẽn.
Trong trường hợp này, việc tăng mạnh nhu cầu năng lượng hạt nhân trước khi hồi sinh một ngành công nghiệp đã lụi tàn có thể khiến Hoa Kỳ phụ thuộc thậm chí còn nhiều hơn nữa vào quặng đã qua chế biến nhập cảng từ Nga so với hiện tại – đặc biệt là khi HALEU, hiện chỉ được sản xuất thương mại ở Nga, là nguồn nhiên liệu duy trì sự đổi mới về SMR.
Ông Deti cho biết chính phủ ông Biden phải đẩy nhanh hơn nữa các mốc thời gian phát triển năng lực làm giàu uranium và không cản trở các nỗ lực giảm thiểu và đơn giản hóa quy trình cấp phép của liên bang, một thủ tục hiện phải mất tới ít nhất một thập niên để phê chuẩn cho một mỏ quặng.
“Chính phủ TT Biden tập trung hoàn toàn vào phong năng và quang năng nhưng chỉ nói suông về hạt nhân,” ông Deti nói, đồng thời tuyên bố rằng với nỗ lực của chính phủ nhằm tạo ra tới 40% năng lượng quốc gia bằng các nguồn gió và mặt trời – thường chỉ có sẵn trong 40% thời gian – “chúng ta đang chứng kiến sự mất ổn định của lưới điện do việc khai triển ồ ạt phong năng và quang năng,” vốn “không đáng tin cậy và tốn kém.”
“Những gì đang xảy ra với hạt nhân nhìn chung là rất thú vị,” Chủ tịch Hiệp hội các Nhà sản xuất Uranium Mỹ Scott Melbye cho biết. Trước đó, ông cũng từng xem việc trì hoãn và sự miễn cưỡng trong quy định đối với năng lượng hạt nhân của chính phủ TT Biden là những trở ngại trong việc vực dậy ngành này.
Ông Melbye nói với The Epoch Times: “Sự thất bại trên toàn cầu trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch gặp đã thực sự làm nổi bật ưu điểm của năng lượng hạt nhân như không có carbon, đáng tin cậy, và hoạt động 24/7.”
“Chính sách năng lượng không phải là sự ra vẻ đạo đức như cấm đồ dùng bằng nhựa và ống hút bằng nhựa. Chúng ta phải làm đúng. Mục tiêu có năng lượng sạch là một mục tiêu tốt, nhưng ngành kỹ nghệ này thiên về cách thực hiện mục tiêu đó với nhiều tính toán và khoa học hơn và ít hệ tư tưởng hơn.”
Ông Deti nói: “Chúng ta không thể làm điều đó chỉ dựa vào gió và mặt trời. Chúng ta cần động lực trên toàn quốc để xây dựng các năng lực và công suất hạt nhân.”
Hồi tháng Hai, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Cathy McMorris Rodgers (Cộng Hòa–Washington) đã đệ trình dự luật HR 1042 mang tên Cấm Uranium Nhập Cảng Từ Nga. Luật này cấm nhập cảng quặng của Nga trong vòng 90 ngày kể từ ngày được thông qua.
Ông Deti cho biết, WMA, cũng như hầu hết các bên tham gia ngành công nghiệp uranium và hạt nhân của Hoa Kỳ, “rất muốn chứng kiến” một lệnh cấm nhập cảng đối với uranium của Nga được áp dụng.
Tuy nhiên, ông nói, có “một chút lưu ý” về việc ủng hộ lệnh cấm nhập cảng quặng của Nga, đó là trước khi làm như vậy, Hoa Kỳ phải xây dựng chuỗi cung ứng nội địa để thay thế nguồn nhập cảng này.
“Nếu lệnh cấm thực sự có hiệu lực, thì lệnh này sẽ đặt các cơ sở hạt nhân vào tình thế khó khăn.”