Chuyên gia: Sự bất ổn toàn cầu gia tăng khi Trung Quốc bổ nhiệm vị tướng đang bị Hoa Kỳ trừng phạt làm Bộ trưởng Quốc phòng
JESSICA MAO và OLIVIA LI
Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Trung Quốc đã bổ nhiệm ông Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), một tướng quân đội đang bị Hoa Kỳ trừng phạt, làm Bộ trưởng Quốc phòng. Các nhà phân tích khắp nơi diễn giải việc bổ nhiệm này biểu hiện lập trường ngày càng hung hăng của Bắc Kinh đối với Hoa Kỳ.
Ông Lý, sinh năm 1958, từng phục vụ trong Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương Trung Quốc trong nhiều năm. Là một chuyên gia hàng không vũ trụ, ông đã đóng góp vào những tiến bộ quan trọng trong công nghệ phòng thủ hàng không vũ trụ của Trung Quốc, trong đó có cuộc thử nghiệm hỏa tiễn chống vệ tinh và tàu thăm dò mặt trăng đầu tiên.
Năm 2018, Hoa Kỳ đã thêm ông Lý, khi đó là Giám đốc Bộ Phát triển Trang bị, vào một danh sách trừng phạt vì đã tham gia trong vụ mua các chiến đấu cơ Su-15 và một hệ thống hỏa tiễn phòng không S-400 từ Nga. Theo lệnh trừng phạt này, ông Lý bị cấm nhận thị thực Hoa Kỳ, sử dụng hệ thống tài chính của Hoa Kỳ, hoặc nắm giữ tài sản trong khu vực tài phán của Hoa Kỳ.
Một rào cản đối với các cuộc đàm phán quân sự song phương
Theo nhà bình luận Trần Phá Không (Chen Pokong) ở Hoa Kỳ, việc bổ nhiệm ông Lý làm tân Bộ trưởng Quốc phòng của Trung Quốc sẽ khiến các cuộc đàm phán quân sự song phương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ khó khăn hơn trước.
Trong chương trình truyền thông cá nhân của mình, ông Trần cho biết, mặc dù vai trò Bộ trưởng Quốc phòng của ông Lý chủ yếu mang tính tượng trưng với quyền hạn bị hạn chế, nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể có một số suy tính đặc biệt khi đi đến quyết định này.
“Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) bắt đầu một cuộc chiến tranh với một quốc gia khác, thì ông Lý sẽ khó mà rời khỏi đất nước và đào thoát. Vì đang bị Hoa Kỳ trừng phạt, nên ông Lý sẽ phải đối mặt với khả năng bị trừng phạt thêm hoặc bị bắt giữ nếu ông đào thoát sang các nước khác.
“Tức là, ông Tập Cận Bình xem việc ông Lý bị Hoa Kỳ trừng phạt là một biện pháp để kiềm chế ông ấy. Ít ra, ông ấy nghĩ rằng ông Lý sẽ không phát động một cuộc đảo chính hay đầu hàng kẻ thù này. Đây có lẽ là sự tính toán của ông Tập Cận Bình ở mức độ thâm sâu hơn,” ông Trần nói.
Theo ông Trần, tính cách cố chấp của ông Tập cũng được thể hiện ra. “Khi Hoa Kỳ trừng phạt ông Lý, ông Tập Cận Bình muốn chống lại và cố tình thăng chức cho ông này làm Bộ trưởng Quốc phòng.”
Vì quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc cần duy trì liên lạc, đặc biệt là các bộ trưởng quốc phòng, nên phía Hoa Kỳ sẽ phải liên lạc với ông Lý Thượng Phúc. Tuy nhiên, khi việc này xảy ra thì các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ sẽ bị vô hiệu. Vì vậy Trung Cộng dường như đã thách thức Hoa Kỳ. Mặt khác, ông Trần cho biết thêm, nếu Hoa Kỳ không liên lạc với ông Lý, thì điều đó sẽ tương đương với việc quân đội Hoa Kỳ không duy trì liên lạc với cơ quan quân sự hàng đầu của Trung Quốc.
“Trong trường hợp đó, nếu một cuộc xung đột quân sự bất ngờ xảy ra giữa hai nước này, hoặc đến mức cuối cùng là một trận thế chiến khởi phát do xung đột song phương, thì Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm đạo đức bởi vì chính Hoa Kỳ đã không liên lạc kịp thời với Trung Quốc,” ông Trần nói. “Vì vậy, ông Tập Cận Bình có những tính toán đặc biệt của riêng mình khi bổ nhiệm ông Lý làm Bộ trưởng Quốc phòng.”
Sự bất ổn gia tăng khi ông Tập bước vào nhiệm kỳ thứ ba
Trong cuộc phỏng vấn hôm 16/03 với The Epoch Times, nhà phân tích kinh tế và chính trị Hoa Kỳ Lục Viễn Hành (Lu Yuanxing) nói rằng thông thường, có những trao đổi và liên lạc giữa các quốc gia ở cấp cao nhất, bao gồm cả quân đội, để tránh những hiểu lầm hoặc các cuộc xung đột không cần thiết.
“Những trao đổi quân sự như vậy là cần thiết, và Bộ trưởng Quốc phòng là người đóng vai trò đó,” ông Lục nói.
Tuy nhiên, vì ông Tập đã bổ nhiệm một người đang bị Hoa Kỳ trừng phạt vào vai trò này nên các biện pháp trừng phạt trở nên vô hiệu nếu quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc muốn liên lạc với nhau. Nếu họ không lên tiếng và lệnh trừng phạt vẫn tiếp tục, thì điều đó sẽ làm tăng khả năng đánh giá sai và thậm chí dẫn đến các cuộc xung đột quân sự.
Ông Lục nhận xét, “Vấn đề này phản ánh thái độ và đặc điểm hành vi của ông Tập Cận Bình. Ông Tập đã nắm quyền kiểm soát quân đội. Nếu ông ấy muốn xoa dịu mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, thì không cần phải bổ nhiệm một người như vậy. Ông ấy đã từng nói rõ rằng ông muốn tuyên chiến và thách thức Hoa Kỳ. Nói cách khác, ông đã có một tư thế cứng rắn và đối đầu.”
Trước đây, việc ông Tập bổ nhiệm ông Tần Cương (Qin Gang) làm ngoại trưởng được xem là một mong muốn nhằm xoa dịu mối bang giao Mỹ–Trung, nhưng việc bổ nhiệm ông Lý đã khiến thế giới bên ngoài cảm thấy ngạc nhiên và hoang mang.
Ông Lục còn cho biết, “Thế giới hiện đang phải đối mặt với sự bất ổn ngày càng lớn vì hành vi của ông Tập. Thật khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, và thật khó để đánh giá ông ấy muốn gì. Từ cách ông ấy hành động sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba của mình, các cuộc xung đột quốc tế thực sự có khả năng sẽ xảy ra.”