Chuyên gia: Việc Trung Quốc bất ngờ giảm lãi suất có tác dụng nhưng chưa đủ để vực dậy nền kinh tế
Indrajit Basu
Việc bất ngờ giảm các mức lãi suất chính sách chủ chốt của Trung Quốc hôm 15/08 có thể là một dấu hiệu khác cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh đã sẵn sàng làm nhiều hơn để trợ giúp nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn. Nhưng các nhà kinh tế tin rằng điều đó là chưa đủ, và việc cắt giảm lãi suất hôm nay của ngân hàng trung ương – Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) – chỉ là một giải pháp tạm thời. Họ lập luận rằng để khôi phục được niềm tin của thị trường, thì chất lượng của gói kích thích quan trọng hơn số lượng các biện pháp.
Hôm 15/08, ngân hàng trung ương đã giảm 15 điểm cơ bản (bps) đối với lãi suất cơ sở cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm và 10 điểm cơ bản đối với lãi suất mua/bán của nghiệp vụ thị trường mở (OMO) kỳ hạn bảy ngày nhằm giảm chi phí tài chính và thúc đẩy tâm lý thị trường.
Ngoài việc hạ lãi suất, PBC cũng thông báo trực tuyến rằng họ đã bơm 204 tỷ nhân dân tệ thông qua các hợp đồng mua/bán kỳ hạn bảy ngày.
Những biện pháp này diễn ra sau giọng điệu ôn hòa từ cuộc họp Bộ Chính trị hồi tháng Bảy và sự suy xét đến những khó khăn dai dẳng đối với tăng trưởng: suy thoái địa ốc và niềm tin mong manh.
Mặc dù các lãi suất chính sách chính của Trung Quốc đã được hạ xuống để đối phó với những áp lực bên ngoài và bên trong lên nền kinh tế, nhưng các nhà phân tích cho rằng cần phải có thêm các biện pháp kích thích để vực dậy tăng trưởng.
Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Đại lục, tại ANZ Group, nói với The Epoch Times rằng, “Cắt giảm lãi suất có thể giải quyết được tình trạng suy thoái kinh tế theo chu kỳ, nhưng không thể giải quyết tình trạng suy thoái mang tính cấu trúc mà nền kinh tế Trung Quốc đang gặp phải.”
Ông nói thêm: “Việc cắt giảm lãi suất 15 điểm cơ bản khó có thể thay đổi kỳ vọng dài hạn. Trung Quốc cần áp dụng một cách tiếp cận mang tính cấu trúc để bảo đảm tăng trưởng dài hạn và cách tiếp cận đó cần có thời gian.”
Hành động cắt giảm lãi suất này xảy ra sau khi một loạt dữ liệu tháng Bảy nhấn mạnh về những mất mát nhanh chóng của đà phục hồi kinh tế hậu COVID vốn từng làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu.
Ông Yeung đã trích dẫn một số yếu tố, bao gồm rủi ro giảm phát, dữ liệu đáng thất vọng, và những lo ngại về tài chính gia tăng là những lý do dẫn đến sự sụt giảm ngày hôm nay.
Ông nói: “Cụ thể, đầu tư tài sản cố định (FAI) của khu vực tư nhân đã giảm 0.5% từ đầu năm cho đến nay so với mức giảm 0.2% trước đó. Nhưng quan trọng là, tác động của một số nhà phát triển và tập đoàn tư nhân gặp khó khăn có thể dẫn đến rủi ro hệ thống trong nền kinh tế mà cần phải có phản ứng chính sách khẩn cấp.”
Liệu nền kinh tế Trung Quốc có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng nhanh chóng?
Theo số liệu chính thức được công bố hôm 17/07, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 2 đã thấp hơn mức dự đoán là 6.3%, một phần là do mức cơ sở thấp do việc đóng cửa thời virus corona năm ngoái gây ra. Do đó, nhiều người đã nghi ngờ khả năng ngăn chặn suy thoái của Bắc Kinh trong những tháng còn lại của năm nay, và số liệu này cũng đã khiến một số người tự hỏi Bắc Kinh có bao nhiêu công cụ để ngăn chặn sự suy giảm.
Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5%, Bắc Kinh đang chịu áp lực ngày càng tăng về việc đưa ra thêm các chính sách trợ giúp và khai triển một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Yeung, việc cắt giảm lãi suất sẽ là cần thiết để xoa dịu các tác động mạnh và kéo dài thời gian cho các cải tổ cấu trúc, v.v.
Thứ nhất, cắt giảm lãi suất sẽ ngăn chặn tình trạng dư thừa tiền mặt trong hệ thống ngân hàng đồng thời giảm được chi phí tài trợ cho nền kinh tế thực. Các loại lãi suất chính sách chính gồm có lãi suất MLF một năm và lãi suất mua/bán bảy ngày. Cả lãi suất cho vay và lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm đều được so sánh với lãi suất MLF một năm. Lãi suất của hợp đồng mua/bán bảy ngày trên thị trường tiền tệ là mức tiêu chuẩn.
Ông Yeung cho biết, việc cắt giảm bất cân xứng này cũng sẽ giúp thúc đẩy các khoản cho vay của ngân hàng và việc vay nợ bằng trái phiếu.
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua những khó khăn mang tính cấu trúc dài hạn.
Những trở ngại lớn đối với việc thúc đẩy sự hồi sinh kinh tế lâu dài gồm có tình trạng đình trệ kéo dài liên tục trong lĩnh vực địa ốc, áp lực nợ của chính quyền địa phương gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao, và nhu cầu trợ giúp từ quốc tế đang hạ nhiệt.
Trung Quốc cũng đang trải qua một tiến trình chuyển đổi khó khăn khi chuyển dịch nền kinh tế từ chỗ phụ thuộc vào nợ và thị trường địa ốc sang định hướng theo người tiêu dùng nhiều hơn.
Trong khi đó, bất chấp những dự đoán về mức tăng 3.8%, số liệu thống kê được công bố hôm 15/08 cho thấy đầu tư vào tài sản cố định chỉ tăng 3.4% trong bảy tháng đầu năm 2023. Mức tăng 3.8% được ghi nhận từ tháng Một đến tháng Sáu.
Từ tháng Một đến tháng Bảy, đầu tư địa ốc đã giảm 8.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái, sau khi đã giảm 7.9% trong thời kỳ đó. Kết quả này đánh dấu tháng suy giảm thứ mười bảy liên tiếp.
Tỷ lệ thất nghiệp dựa trên khảo sát quốc gia cũng tăng lên, lên tới 5.3% từ mức 5.2% trong tháng Sáu. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình giữa các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 4.8%, với tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ dao động quanh mức 10%.
Ông Mark Matthews, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại Julius Baer, nhận xét trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV rằng, “Khi quý vị có được toàn bộ những lực lượng trợ giúp nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi sự sụp đổ này, thì cuối cùng, vẫn cần loại bỏ tài sản xấu từ các nhà phát triển địa ốc và các ngân hàng xấu.”
Do đó, các mức lãi suất chính sách được dự đoán sẽ giảm hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, ngân hàng ANZ cho rằng lãi suất cuối cùng sẽ phụ thuộc vào tiềm năng tăng trưởng.
Nhiều đợt cắt giảm lãi suất cũng đang được tiến hành. Theo ANZ, lãi suất cho vay cơ bản trong vòng một năm của Trung Quốc nên ở mức thấp nhất là 2% nếu tốc độ tăng trưởng tiềm năng là 4% và lạm phát bằng không. Những thay đổi này sẽ là cần thiết trong năm nay để bơm thêm nguồn tài trợ dài hạn, có chi phí thấp vào hệ thống. ANZ kỳ vọng PBC cũng có thể sẽ cung cấp nhiều biện pháp về mặt cấu trúc hơn để thúc đẩy các lĩnh vực yếu kém.
Ông Yeung cho biết: “Chúng tôi duy trì dự báo GDP cho năm 2023 và 2024 lần lượt là 4.9% và 4.0%.”