Chuyện kể về hai nữ thần Demeter và Persephone
Sinh viên học về thần thoại Hy Lạp thường ngạc nhiên trước thực tế là có một số nam thần và nữ thần đảm nhận nhiều vai trò quan trọng, trong khi một số khác lại xuất hiện rất ít. Nữ thần Demeter là một ví dụ đáng chú ý trong trường hợp này. Là một vị nữ thần trên đỉnh Olympus và tượng trưng cho sự sinh sản dồi dào, bà giữ vai trò quan trọng trong tín ngưỡng và cuộc sống của người Hy Lạp cổ; tuy nhiên, bà lại xuất hiện khá ít trong văn học và thần thoại Hy Lạp.
Bà được nhắc đến một chút trong sử thi của Homer, đặc biệt là sử thi “Iliad”, nhưng không đóng vai trò thực chất nào trong cả sử thi “Iliad” và “Odyssey”. Bà cũng không xuất hiện trong những vở kịch Hy Lạp còn tồn tại cho đến ngày nay.
Mặc dù vậy, có một bài thơ khá hay tên là “Homeric Hymn to Demeter” (tạm dịch: Thánh ca dành cho nữ thần Demeter của Homer), trong đó nữ thần Demeter và con gái bà, Persephone, là tâm điểm của bài thơ. Bài thơ này có lẽ đã ra đời vào khoảng nửa đầu thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Bài thơ dài 495 dòng và được viết bằng thể thơ hexameters (6 tiết âm) giống như trong sử thi “Iliad” và “Odyssey”. Mặc dù liên quan đến sử thi, và có tựa đề “Homeric”, tác giả bài “Hymn” (Thánh ca) này vẫn chưa được xác minh.
Tình mẫu tử
Nội dung chính của bài thơ là một trong những câu chuyện nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp nói về việc vị thần Âm phủ Hades đem Persephone xuống địa phủ, và phản ứng của nữ thần Demeter khi mất con. Đó là một câu chuyện đặc biệt đáng lưu tâm, được xây dựng trên nền tảng là sức mạnh tình yêu của người mẹ đối với đứa con duy nhất của mình.
Từ “mẹ” [meter] trong tiếng Hy Lạp cổ thực ra có liên quan đến tên của nữ thần Demeter. Trong bài Thánh ca, tình mẫu tử nguyên sơ được thể hiện ra khi vị thần bầu trời Zeus bí mật cho con gái Persephone của mình kết hôn với Hades và nữ thần Demeter không hề hay biết về điều này.
Trong bài Thánh ca, Persephone và các tiên nữ trẻ khác đang hái hoa trên một cánh đồng. Khi nàng cúi xuống để ngắt một đóa hoa xinh đẹp, mặt đất bỗng nứt ra và Hades xuất hiện với chiếc xe ngựa kéo của ông ta. Nàng chỉ kịp thét lên một tiếng, và Hades đã mang nàng xuống Âm phủ sâu thẳm.
Demeter và Persephone được miêu tả gắn kết thân thiết với nhau đến mức được gọi bằng danh xưng “Hai nữ thần”. Điều này làm nổi bật tính nghiêm trọng việc thần Zeus chia cắt họ.
Mặt đất héo tàn
Mẹ nàng đã nghe thấy tiếng hét của con gái và bắt đầu hành trình tìm kiếm con mình ở khắp mọi nơi. Khi Persephone mất tích, Nữ thần Demeter đã khiến cho mặt đất héo tàn và không gì có thể sinh trưởng. Bà suýt chút nữa đã hủy diệt tất cả loài người nếu thần Zeus không kịp thời nhận thấy.
Tiêu diệt nhân loại rõ ràng không phải là ý muốn của các vị thần và thần Zeus, vị thần cai quản thế giới không cho phép điều này xảy ra. Tuy nhiên, nữ thần Demeter không nguôi cơn thịnh nộ khi mất đi con gái. Bà sẽ không trở lại đỉnh Olympus, ngôi nhà của các vị thần, và sẽ không khiến hoa trái nảy nở trên mặt đất cho đến khi được gặp lại Persephone.
Thần Zeus buộc phải nhân nhượng và phái thần sứ giả Hermes tới Âm phủ để đưa Persephone trở lại. Mặc dù vậy, ngay trước khi nàng rời đi, Hades đã thuyết phục được Persephone ăn những hạt lựu để ngăn cản nàng đoàn tụ vĩnh viễn với mẹ mình trên mặt đất. Do đó, Persephone phải dành một phần ba thời gian mỗi năm để sống với Hades dưới địa phủ, và hai phần ba còn lại với mẹ cô và các vị thần trên đỉnh Olympus.
Việc Persephone chuyển dời từ một đồng cỏ đầy hoa, một thế giới đầy nữ tính sang nơi ở của Hades, một thế giới nam tính lạnh lùng vô cảm, gần như là cốt lõi của câu chuyện.
Trong bài Thánh ca, các nam thần thực hiện việc này, Zeus và Hades, không có bất cứ một hành động chuộc lỗi nào, và họ thật sự bất lực trước tình yêu mãnh liệt Demeter dành cho con gái. Nội dung chính của bài Thánh ca có nhiều điểm tương đồng với phản ứng của dũng sĩ Achilles trước cái chết của Patroclus trong sử thi “Iliad”; tuy nhiên, cơn thịnh nộ của Nữ thần Demeter lại mang một loại sức mạnh vũ trụ, có tác động lên toàn thế giới.
Một chu kỳ sinh tử mới
Việc Persephone ăn những hạt lựu đã lập nên một giao ước khiến thế giới thay đổi vĩnh viễn. Trong khi có thể có một cuộc sống bất tử cùng mẹ mình trên đỉnh Olympus, Persephone trở thành nhân vật trung tâm trong một chu kỳ sinh tử mới.
Nàng vừa là nữ hoàng của Âm phủ, vợ của Hades, vừa là hiện thân cho một cuộc sống mới trỗi dậy cùng mùa xuân. Sự sống và cái chết không còn riêng biệt, mà cùng tồn tại ở thượng giới và hạ giới. Trong sinh có tử, và trong tử có sinh.
“Thánh ca dành cho nữ thần Demeter” ẩn chứa cơ sở thần thoại cho Các bí ẩn Eleusinian – những nghi thức tôn giáo nổi tiếng diễn ra tại Eleusis, một địa điểm gần thành phố Athens. Sự khởi nguồn của những bí ẩn này khiến cho cái chết trở nên bớt đáng sợ hơn.
Sự có mặt của Persephone là một hiện diện nữ tính nơi Âm phủ, như được miêu tả trong bài Thánh ca, đã thể hiện quan niệm của người Hy Lạp cổ rằng cái chết không đáng sợ như khi chỉ có mình Hades cai quản địa ngục.
Giống như nhiều thần thoại Hy Lạp khác, câu chuyện Persephone đi xuống thế giới của Hades, và sự hồi thăng của cô từ cõi chết, đã tạo nên tiếng vang trong nền nghệ thuật đương đại, đặc biệt nhất là quan niệm về cái chết và sự hồi sinh.
Một tác phẩm tương tự đáng chú ý là vở nhạc kịch “Bóng ma trong Nhà hát” (The Phantom of the Opera) của Andrew Lloyd Webber (và những người khác) – trong đó có cảnh anh chàng Erik dẫn nàng Christine xuống hầm của nhà hát opera, họ lên một chiếc thuyền và băng qua một cái hồ dưới lòng đất.
Sau đó, Erik đã hát cho Christine nghe về sức hấp dẫn của thế giới cô độc bao trùm trong màn đêm và bóng tối của anh:
Chậm rãi, nhẹ nhàng, kìa vẻ lộng lẫy của màn đêm
Em hãy nắm lấy, cảm nhận, em hãy run rẩy và dịu dàng
Em hãy ngoảnh mặt khỏi ban ngày rực rỡ và chói lóa
Để những suy tư về ánh sáng lạnh lẽo và vô cảm rời xa
Và em hãy lắng nghe khúc nhạc của đêm về
Lời khẩn cầu của Thần Hades với nàng Persephone trong bài Thánh ca khá là khác biệt [với khúc hát trong vở nhạc kịch], nhưng sự cô đơn tột cùng của hai nhân vật nam trong thế giới tăm tối của họ thì lại giống nhau.
Cuối cùng, một điều đáng lưu ý là những cụm từ như “bị Hades mang đi” hay “kết hôn với Hades” được dùng một cách ẩn dụ, theo nghĩa rộng hơn là hàm nghĩa sự kết thúc của thời kỳ thiếu nữ. Điều này một lần nữa thể hiện ý nghĩa của câu chuyện thần thoại về hai nữ thần Demeter và Persephone trong cuộc sống của nữ giới thời Hy Lạp cổ đại.
Tác giả Chris Mackie là giáo sư về văn học Hy Lạp và La Mã cổ tại trường Đại học La Trobe, Melbourne, Úc.