Cỗ máy sát nhân lớn nhất trong lịch sử nhân loại
Steven W. Mosher
Người ta có thể lấp đầy một thư viện với những cuốn sách viết về sự đau khổ và giết chóc dưới nhiều hình thức khác nhau mà thế kỷ đẫm máu của chủ nghĩa cộng sản gây ra. Chỉ riêng đề mục về tàn sát và sự hỗn loạn mà Trung Cộng gây ra đối với người dân Hoa lục, sẽ cần đến một nửa thư viện.
“Hắc thư về Chủ nghĩa cộng sản” do Nhà xuất bản Đại học Harvard xuất bản năm 1999 đã tóm lược một cách khéo léo về toàn bộ cuộc thảm sát này. Biên tập viên Stephane Courtois ước tính tổng số người thiệt mạng do chủ nghĩa cộng sản gây ra trong thế kỷ 20 lên đến 100 triệu người. Và Trung Quốc đứng đầu danh sách với 65 triệu người thiệt mạng.
Trung Quốc: 65 triệu
Liên Xô: 20 triệu
Bắc Hàn: 2 triệu
Campuchia: 2 triệu
Việt Nam: 1 triệu
Đông Âu: 1 triệu
Châu Phi: 1.7 triệu
Afghanistan: 1.5 triệu
Châu Mỹ Latinh: 150,000
Ông Courtois viết, “Các chế độ Cộng sản đã biến tội phạm hàng loạt thành một hệ thống chính quyền toàn diện.” Điều đó có nghĩa là, về bản chất, họ là những tổ chức tội phạm, là những tập thể côn đồ thường xuyên khủng bố người dân dưới sự kiểm soát của họ, để khiến người dân sợ hãi và tuân theo mệnh lệnh.
Những chế độ này đã và đang được những kẻ bạo lực, vô luật pháp lãnh đạo – những nhà lãnh đạo như Lenin, Stalin, Pol Pot, và Kim Jong Un của Bắc Hàn – những kẻ sát hại người dân một cách bừa bãi, bạo lực, và không quan tâm đến mạng sống con người. Nhưng không ai trong số những kẻ sát nhân hàng loạt này, hay thậm chí là tất cả họ gộp lại, có thể sánh ngang với mức độ tàn ác của Mao Trạch Đông và đảng Cộng sản Trung Quốc đối với người dân Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Mao đã dành nhiều thời gian trong cuộc đời mình để phát minh ra những cách mới nhằm khủng bố người dân Trung Quốc, buộc họ tuân theo mệnh lệnh với thứ đức tin mà ông ta sùng bái – những cách thức liên quan đến sự kỳ thị, tra tấn, và hành chụp quyết một số lượng lớn người dân. Cỗ máy sát nhân cộng sản mà ông ta vận hành đã tàn sát một bộ phận lớn dân chúng.
Ý nghĩ rằng 2/3 tổng số nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản đã thiệt mạng dưới tay của tổ chức tội phạm được gọi là Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã đủ kinh hoàng rồi. Nhưng 40 năm nghiên cứu chế độ Trung Quốc đã thuyết phục tôi rằng con số 65 triệu được đưa ra trong “Hắc thư” thực chất chỉ là một con số khiêm tốn. Những người khác cũng đồng tình. Ông Jung Chang và Jon Halliday, trong cuốn sách nghiên cứu xuất sắc của họ “Mao: The Unknown Story” (Mao: Những Câu Chuyện Chưa Ai Biết Tới) đã đưa ra con số là hơn 70 triệu người thiệt mạng dưới bàn tay của chủ tịch Mao trong thời gian ông ta nắm quyền.
Nhưng tôi tin rằng con số này thậm chí còn cao hơn, không chỉ vì việc tàn sát vẫn tiếp tục kể từ khi Mao đi gặp Karl Marx năm 1976 [ở bên kia thế giới]. Hai chiến dịch lớn, mỗi chiến dịch gây ra thêm hàng chục triệu thương vong, phải được thêm vào danh sách này.
Bổ sung quan trọng đầu tiên cho số liệu này là hơn 45 triệu người Trung Quốc bị chế độ cộng sản bỏ đói đến thiệt mạng từ năm 1960–1962 trong nạn đói tồi tệ nhất lịch sử nhân loại. Giáo sư Frank DiKötter, tác giả cuốn “Nạn đói lớn của Mao: Lịch sử thảm họa tàn khốc nhất Trung Quốc”, 1958–1962 (New York: Bloomsbury, 2010), thực sự tin rằng con số thực sự có thể lên tới hơn 50 triệu.
Bổ sung thứ hai, thậm chí còn lớn hơn số liệu ở trên, là đã có 400 triệu nạn nhân bé nhỏ, cả những em bé đã chào đời và chưa sinh ra, của chính sách một con kéo dài của Trung Cộng – chính sách mà chủ tịch Mao là cha đỡ đầu về mặt tư tưởng.
Chỉ có Chúa mới biết chính xác con số những người bị Trung Cộng sát hại, nhưng theo tính toán của tôi, con số này lên tới gần 500 triệu người – một mức độ tàn sát thực sự điên rồ.
Phần lớn các vụ thảm sát này – mặc dù không phải tất cả – có thể là do tính cách của người đã lãnh đạo Trung Cộng hơn 40 năm. Nếu cộng lại những năm Vladimir Lenin (1917–1924) và Joseph Stalin (1924–1953) cai trị Liên Xô, thì con số này [7 + 29 = 36] vẫn không bằng khoảng thời gian từ 1935 đến 1976 mà Mao kiểm soát Trung Cộng.
Triều đại 41 năm của Mao là một cuộc tàn sát kéo dài, hầu hết các vụ giết chóc được thực hiện theo lệnh trực tiếp của ông ta. “Chủ nghĩa Cộng sản không phải là tình yêu,” ông ta từng nói. “Chủ nghĩa Cộng sản là chiếc búa chúng ta dùng để tiêu diệt kẻ thù.”
Mao đã khởi động một số chiến dịch khủng bố sớm nhất của Trung Cộng, được thực hiện tại “Các khu căn cứ đỏ” mà ông ta kiểm soát vào những năm 1930. Ông ta chịu trách nhiệm về cái chết của hàng triệu dân thường trong cuộc Nội chiến Trung Quốc trong những năm tiếp theo sau đó.
Hơn nữa, trong những năm 1950 và 1960, sau khi giành được toàn bộ Trung Quốc, ông ta đã liên tục thực hiện các chiến dịch đẫm máu nhắm mục tiêu, cô lập, và tiêu diệt các thành phần khác nhau của xã hội Trung Quốc. Ông ta làm điều này không chỉ để loại bỏ sự chống đối tiềm tàng mà còn – như ông ta từng tự thừa nhận – để khủng bố phần còn lại trong dân chúng, buộc họ phải tuân thủ không chút thắc mắc.
Việc sử dụng khủng bố như một công cụ kiểm soát chính trị vẫn tiếp tục ở Trung Quốc cho đến ngày nay. Bóng ma của Mao có thể được nhìn thấy trong các cuộc tấn công diệt chủng nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ, cuộc đàn áp môn tu luyện Pháp Luân Công, và các đợt phong tỏa toàn bộ tỉnh thành vì dịch bệnh COVID-19.
Hệ thống cộng sản mà Mao tạo ra ở Trung Quốc – lấy cảm hứng từ Marx, được Lenin vũ khí hóa, và được Stalin xuất cảng sang Trung Quốc – tiếp tục tàn sát một lượng lớn nạn nhân. Đó là một tổ chức tội phạm, cũng giống như người khởi xướng của tổ chức này, cố ý sát nhân một cách bạo lực và không quan tâm đến sinh mạng con người.
Đôi khi, hệ thống sát nhân này tàn sát người dân một cách nhanh chóng, như khi những người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn bị bắn thiệt mạng trên đường phố thủ đô Trung Quốc. Có những lúc – như trong chính sách một con kéo dài gần bốn thập niên – hệ thống này lại sát hại người dân một cách từ từ.
Tuy nhiên, dù sao hệ thống này vẫn là một hệ thống sát nhân. Đó chính là bản chất của nó.
Ông Steven W. Mosher là chủ tịch của Viện Nghiên cứu Dân số và là tác giả của cuốn “Kẻ bắt nạt Á Châu: Tại sao Giấc mơ của Trung Quốc là Mối đe dọa Mới đối với Trật tự Thế giới” (Bully of Asia: Why China’s Dream is the New Threat to World Order). Từng là một thành viên của Quỹ Khoa học Quốc gia, ông đã nghiên cứu về sinh học nhân loại tại Đại học Stanford dưới sự hướng dẫn của nhà di truyền học nổi tiếng Luigi Cavalli-Sforza. Ông có bằng cấp cao về Hải dương học Sinh học, Nghiên cứu Đông Á, và Nhân chủng học Văn hóa. Là một trong những nhà quan sát các vấn đề Trung Quốc hàng đầu của Mỹ, vào năm 1979, ông được Quỹ Khoa học Quốc gia chọn là nhà khoa học xã hội Mỹ đầu tiên thực hiện nghiên cứu thực địa tại Trung Quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.