Có phải thế hệ Z đang trở thành ‘thế hệ trắng tay?’
James Gorrie
Lần đầu tiên trong ký ức nhân sinh, thế hệ Z đang đứng trước nguy cơ có tiêu chuẩn sống thấp hơn cha mẹ của họ thuộc thế hệ millennial (hay thế hệ Y), hoặc thế hệ X, hoặc thậm chí là ông bà thuộc thế hệ Baby boomer (Bùng nổ Trẻ sơ sinh). Đó là một viễn cảnh khác thường và đáng buồn. Tin tốt là “Thế hệ Trắng tay” không nhất thiết phải trở thành hiện thực đối với thế hệ Z. Tin xấu là nếu mọi thứ không thay đổi, thì thế hệ Z có thể phải đối mặt với mức sống vĩnh viễn thấp hơn so với các thế hệ trước.
Mọi thế hệ đều tốt hơn thế hệ trước
Các bậc cha mẹ ở Mỹ có niềm tin cố hữu là con cái sẽ giỏi hơn cha mẹ. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó không chỉ là niềm tin, mà còn là sự thật có thể kiểm chứng được.
Lấy ví dụ, hãy xem xét lý do vì sao ông bà cố, ông bà, và cha mẹ của chúng ta đều tin tưởng vào lối sống kiểu Mỹ. Niềm tin đó dựa trên ý tưởng rất căn bản rằng người Mỹ có thể cải thiện bản thân và cuộc sống của mình bằng cách làm việc chăm chỉ, tiết kiệm, đầu tư khôn ngoan vào quyền sở hữu đất đai và nhà ở, công nghệ, thị trường chứng khoán, và tất nhiên là đầu tư vào chính họ bằng cách mở các doanh nghiệp nhỏ.
Trên thực tế, những yếu tố đó, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ đã phát triển mạnh mẽ và/hoặc trở thành các đại tập đoàn, chính là những yếu tố đã tạo nên tầng lớp trung lưu Mỹ. Tầng lớp trung lưu không chỉ làm nảy nở chiếc bánh kinh tế, mà cũng như những người ở tầng lớp kinh tế thấp hơn, họ còn được chia phần trong đó. Đời sống kinh tế của người Mỹ rất năng động. Một người bắt đầu từ con số 0, hoặc, hay như những người nhập cư không một xu dính túi, lại không có kỹ năng ngôn ngữ, còn tệ hơn cả con số 0, vẫn có thể tạo dựng được gì đó cho mình ngay tại Mỹ.
Ngược lại, những người giàu có có thể bị phá sản, và nhiều người đã và sẽ tiếp tục trở thành như vậy. Nấc thang kinh tế có cả thịnh và suy. Đó là phần lớn những gì Mỹ quốc đang diễn ra.
Ý tưởng kiểu Mỹ vẫn còn hữu hiệu – nếu được cho phép
Hơn nữa, những người nhập cư từ các quốc gia kém tự do hơn hoặc thậm chí chuyên chế (và ít nhất vẫn là những người nhập cư hợp pháp) đã thừa nhận rằng thành công của nước Mỹ được thúc đẩy bởi các quyền được Hiến Pháp bảo đảm cho mọi người dân Mỹ. Nói cách khác, ở Mỹ quốc, sự tiến bộ, dù là về công nghệ, kinh tế, hay xã hội, ít nhiều là điều hiển nhiên, với những gián đoạn không thường xuyên như cuộc Nội Chiến, Đại Suy Thoái, hai cuộc đại thế chiến, hoặc Khủng hoảng Tài chính.
Nhưng ngay cả những gián đoạn đó, đối với phần lớn đất nước, cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Mỹ quốc tiếp tục phát triển nhanh chóng về mọi mặt, với bản sắc quốc gia mà trong đó bao gồm thái độ ‘việc gì cũng có thể làm được’. Người dân đều tin tưởng vào đất nước.
Và sao họ lại không nghĩ như vậy chứ?
Trong suốt hai thế kỷ rưỡi, điều đó đã đúng. Mỗi thế hệ sau đều vượt qua thế hệ trước về phẩm chất cuộc sống, đổi mới công nghệ, và cơ hội.
Ngày nay, những ý tưởng và hành động đó vẫn còn đúng nhưng đang phải đối mặt với những yếu tố về kinh tế, chính trị, và xã hội hết sức tiêu cực.
3 yếu tố tiêu cực mà thế hệ Z đối mặt
Làm thế nào để xoay chuyển hoàn cảnh và tương lai của người Mỹ thế hệ Z – mà thành thật mà nói là cả tương lai của đất nước này – theo hướng đúng đắn?
Yếu tố đầu tiên, và quan trọng nhất, đó là niềm tin. Quá nhiều người thuộc thế hệ Z thiếu niềm tin vào bản thân hoặc xã hội vốn đã mang lại cho họ một trong những tiêu chuẩn sống cao nhất trên thế giới. Một mặt, mọi thứ đều trong tầm tay của họ. Mặt khác, họ đã được truyền đạt thông qua những ảnh hưởng về văn hóa-xã hội và giáo dục tràn lan rằng họ đang sống trong một quốc gia mục nát và rằng họ không thể thành công nếu không có chính phủ bảo đảm cho sự thành công của họ thông qua các khoản tài trợ và trợ cấp.
Thế hệ Z cần hấp thụ niềm tin vào bản thân và đất nước này giống như các thế hệ trước. Nếu không có niềm tin vào bản thân hoặc đất nước thì sẽ có rất ít động lực cố gắng làm việc chăm chỉ để hoàn thiện bản thân hơn.
Yếu tố thứ hai là sự mất đi lý trí của người trưởng thành. Quá nhiều người thuộc thế hệ Z tiếp thu những ý tưởng rộng lớn nhưng phi lý – thứ cản trở sự phát triển của họ để trở thành những người trưởng thành hoàn chỉnh. Một phần của điều này là do tác động của công nghệ và kỹ thuật số đối với xã hội. Về mặt công nghệ, kỳ vọng của nhân viên công nghệ trẻ không đồng điệu với tình trạng công việc của họ. Không phải ai cũng có thể trở thành người quyền thế, mua nhà ở tuổi 22, làm việc tại nhà, và được nghỉ phép một hoặc hai tháng.
Thực tế là hầu hết các công việc đều diễn từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, và nhiều chủ doanh nghiệp thành công nhất đều bắt đầu như vậy. Ví dụ, ông Jeff Bezos từng làm việc tại McDonald’s. Ông Elon Musk từng sống trong một văn phòng đi thuê vì nó rẻ hơn căn chung cư. Ông từng phải đi tắm ở YMCA [một tổ chức quốc tế cung cấp các hoạt động thể thao và chỗ ở cho nam thanh niên]. Đó chỉ là hai ví dụ trong số rất nhiều ví dụ.
Ở một thái cực khác, một số công ty công nghệ đang tổ chức các lớp học về “hành xử như người trưởng thành” tại khuôn viên nơi nhân viên của họ làm việc, sinh sống, và mua sắm. Họ được trả lương rất cao, sử dụng dịch vụ đi chung xe để đi đến bất cứ đâu, nhận thức ăn, cũng như mua sắm, và hòa nhập vào xã hội qua mạng trực tuyến. Việc gánh vác trách nhiệm của người trưởng thành gần như hoàn toàn có thể tránh được. Thực tế đó không áp dụng cho phần lớn thế hệ Z, nhưng nhiều người tin rằng dù sao thì họ cũng xứng đáng có được điều đó.
Yếu tố thứ ba dựa trên các chính sách của chính phủ liên bang. Ví dụ, chi tiêu thâm hụt đang thúc đẩy lạm phát, cũng như thuế cao (cả thuế cá nhân và doanh nghiệp) và các quy định phức tạp. Chỉ riêng những yếu tố này đã khiến việc khởi nghiệp trở nên khó khăn. Hơn nữa, các đợt phong tỏa gây thiệt hại tài chính trong thời kỳ đại dịch đã khiến cho cứ năm doanh nghiệp nhỏ thì có một doanh nghiệp phá sản, và các khoản trợ cấp lãng phí của liên bang đã làm giảm động lực làm việc chăm chỉ của nhiều người thuộc thế hệ Z.
Cuối cùng, lãi suất leo cao theo sau lạm phát đã khiến thế hệ Z không thể mua được nhà ở. Một tác động khác là nhiều người thuộc thế hệ Y và X, đang sở hữu nhà với lãi suất vay mua nhà khoảng 2–3%, lại không thể bán – vì lãi suất vay 7% như hiện nay khiến việc mua một căn nhà mới nằm ngoài khả năng. Vì vậy, chi phí nhà ở vẫn ở mức cao trong khi số lượng nhà để bán lại ít.
Một vài gợi ý để thế hệ Z trở nên thịnh vượng
Làm thế nào thế hệ Z và Mỹ quốc có thể trở lại sự thịnh vượng? Tôi nảy ra một vài ý như sau.
Một là tạo ra các khu vực khởi nghiệp trong các thành phố trên khắp đất nước với mức thuế liên bang bằng không hoặc gần bằng không. Thay vì tăng thuế doanh nghiệp, vốn là nguyên nhân làm tăng giá hoặc đẩy các công ty ra ngoại quốc, hãy cấp cho các công ty các khoản tín thuế để cung cấp các khoản vay hoặc trợ cấp không lãi suất cho các doanh nhân.
Một cách khác là khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra những vị trí học việc cho thế hệ Z mà không yêu cầu bằng đại học vốn mang khoản nợ vay cao.
Và cuối cùng, liên quan đến vấn đề nhà ở, tại sao không cho phép những người đang nắm khoản vay mua nhà chuyển khoản vay đó cho nhà mới mua, với điều kiện [nhà mới] có giá trị tương tự hoặc cao hơn, để tăng nguồn cung cấp nhà ở hiện có?
Ở một mức độ rộng hơn, thì chính phủ liên bang đã tạo ra tình trạng lộn xộn này. Đã đến lúc bắt đầu khuyến khích công việc, kinh doanh, và việc làm thay vì gây cản trở.
Ông James R. Gorrie là tác giả cuốn sách “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc” (Wiley, 2013) và viết trên blog của mình, TheBananaRepublican.com. Ông ấy sống tại Nam California.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
(*) Thế hệ Baby boomer (sinh ra trong những năm 1946–1964), Thế hệ X (1965–1980), Thế hệ Millennial (1981–1996), Thế hệ Z (1997–2012)