Cơ quan tình báo: Bắc Kinh kiểm soát 2/3 truyền thông Hoa ngữ ở Úc
Cơ quan tình báo cao cấp của Úc đã cảnh báo chính phủ rằng Bắc Kinh đã kiểm soát hơn 2/3 ngành công nghiệp truyền thông Hoa ngữ khắp nước này.
Văn phòng Tình báo Quốc gia (ONI) đã bí mật thông báo cho chính phủ cách Trung Cộng thâu tóm các trang web tin tức Hoa ngữ hàng đầu và các tài khoản WeChat.
Tờ The Sydney Morning Herald và The Age cho biết các quan chức thuộc Trung tâm nguồn mở của ONI đã phân tích nội dung từ 14 trang web tin tức trực tuyến Hoa ngữ và mười tài khoản WeChat phổ biến trong 20 tháng.
Họ cũng kiểm tra về cấu trúc sở hữu của các công ty này và bất kỳ liên kết tiềm năng nào với Trung Cộng.
Họ kết luận rằng hơn 2/3 các trang tin tức trực tuyến Hoa ngữ có các nhân viên cao cấp liên quan đến các tổ chức tội phạm nước ngoài có dính líu với Trung Cộng.
Điều tra dân số năm 2016 cho biết, người gốc Hoa ở Úc chiếm số lượng đông đảo với 1.2 triệu người và chiếm hơn 5% tổng dân số.
Báo cáo của ONI cho biết, tập đoàn truyền thông Hoa ngữ là Southeast Net Australia do Trung Cộng hoàn toàn kiểm soát.
Trong khi đó các hãng truyền thông kỹ thuật số nổi tiếng là Pacific Media, Nanhai Media Group, và Sydney Today có liên kết với Phòng Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD), cơ quan thâm nhập nước ngoài hàng đầu của Bắc Kinh.
Pacific Media, công ty điều hành tài khoản WeChat au123, đã bị Viện Chính sách Chiến lược Úc cáo buộc là bị kiểm soát bởi Dịch vụ tin tức Trung Quốc (China News Service – CNS), hãng thông tấn chính phủ lớn thứ hai của Bắc Kinh.
Dịch vụ Tin tức Trung Quốc đóng vai trò hàng đầu trong việc bồi đắp mối liên hệ với các hãng thông tấn Trung Quốc ở nước ngoài để cung cấp nội dung biên tập, cơ quan này do UFWD kiểm soát.
Sau cuộc điều tra của các cơ quan tình báo, Tao Shelan, trưởng ban tham mưu Dịch vụ tin tức Trung Quốc tại Úc đã bị từ chối tái nhập cảnh vào nước này.
CNS cũng điều hành một công ty là chủ sở hữu Tập đoàn truyền thông Nam Hải (Nanhai Media Group) và tập đoàn điều hành kênh WeSydney trên WeChat với hơn 400,000 người đăng cập.
Theo báo cáo, Sydney Today, được cho là một trong những kênh tin tức kỹ thuật số Hoa ngữ lớn nhất với một triệu người theo dõi đã bị cáo buộc là được điều hành bởi một số nhân vật có mối liên hệ với UFWD.
Sydney Today cũng thông báo trực tuyến rằng họ muốn tuyển dụng nhân viên có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc trong các hãng truyền thông ở Trung Quốc đại lục. Các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung Quốc phải chịu sự kiểm duyệt và kiểm soát của Trung Cộng; nhân viên cũng được đào tạo để tuân theo các quy tắc đó.
Báo cáo cũng lưu ý rằng, ở Úc, các phương tiện truyền thông Hoa ngữ độc lập đã bị ảnh hưởng bởi các thành viên hợp tác với Bắc Kinh và các thỏa thuận chia sẻ nội dung, dần dần chuyển quan điểm biên tập của các hãng truyền thông này sang quan điểm thân Bắc Kinh.
Vấn đề này đã được khẳng định bởi ông Daniel Teng, nhân viên của The Epoch Times phiên bản Hoa ngữ, người đã nói với một ủy ban Thượng viện rằng nhiều cơ quan truyền thông cộng đồng – thường có các hoạt động kinh doanh nhỏ – với sự cân nhắc về tài chính, đã làm việc với các tổ chức như CNS để nhận miễn phí nội dung do Bắc Kinh chấp thuận.
Ông Teng nói với Sky News rằng sự tiết lộ của báo cáo ONI đã thiết lập một số “bằng chứng không thể chối cãi” nhằm mở rộng hiểu biết của Úc về sự can thiệp của nước ngoài.
Ông cho biết, “Những gì báo cáo thực sự làm được là thiết lập một nền tảng cho các cơ quan tình báo chúng ta… để thực sự hiểu được mức độ can thiệp của nước ngoài vào nội dung đa phương tiện (mediascape) Hoa ngữ.”
“Thật ra, không có gì ngạc nhiên khi (sự can thiệp của nước ngoài) là một trong những bí mật tồi tệ nhất được giữ kín trong cộng đồng Hoa ngữ trong gần 20 năm nay.”
The Epoch Times đã phải chịu một chiến dịch bị đe dọa kéo dài 20 năm từ Bắc Kinh bởi lập trường biên tập độc lập, như chỉ trích những vi phạm nhân quyền và các hoạt động can thiệp nước ngoài của Trung Cộng.