Cơ thể người phát ra ánh sáng
Khi nghĩ về các sinh vật phát sáng, chỉ có một vài ví dụ nổi bật hiện lên trong đầu chúng ta như đom đóm và sứa huỳnh quang, nhưng các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng cơ thể người cũng phát ra ánh sáng.
Thông qua một nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học tại Học viện Công Nghệ Tohoku và Đại học Kyoto ở Nhật Bản, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng con người thực sự là những sinh vật phát quang… ở một mức độ nhất định.
Tất nhiên, ánh sáng mà con người phát ra là không quá sáng. Trên thực tế, ánh sáng mà cơ thể chúng ta phát ra ít hơn một nghìn lần so với những gì mắt chúng ta có thể phát hiện được. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết hiện tượng phát quang yếu ớt này có thể được chụp lại bằng thiết bị siêu nhạy cảm – một máy ảnh sử dụng thiết bị tích điện kép có khả năng làm lạnh (CCD).
Chụp ảnh
Để chụp được ánh sáng yếu ớt phát ra từ cơ thể người, trước tiên các nhà khoa học phải hạ máy ảnh CCD xuống -184 độ F và chụp các đối tượng nghiên cứu trong điều kiện hoàn toàn tối. Ánh sáng được đo thấy ở cấp độ một photon đơn lẻ.
Trong một căn phòng tối, 5 nam giới trong độ tuổi trên dưới 20, để lưng trần đứng trước ống kính và được chụp hình trong 20 phút mỗi 3 tiếng, từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những đối tượng này phát ra ánh sáng có bước sóng từ 500 đến 700 nm – bước sóng mà mắt người có thể nhìn thấy trong dãy quang phổ như màu xanh lục và đỏ.
Bất kỳ ánh sáng nào, dù yếu, cũng là một đặc tính thú vị của một loài sinh vật. Nhưng về mặt này con người có lẽ không đặc biệt như thế. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng sự phát quang xuất hiện ở gần như tất cả các loài sinh vật sống.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác được thực hiện tại Viện Vật lý Sinh học Quốc tế ở Đức cho thấy rằng sự phát xạ ánh sáng tăng lên ở những người đang thiền định. Quan sát những thay đổi sinh hóa xảy ra trên cơ thể người sau một chu kỳ thiền định, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng thiền định thực sự làm gia tăng phát xạ photon ánh sáng của con người.
Những khuôn mặt sáng
Sự phát sáng cực yếu này không có mối tương quan đáng kể nào với nhiệt độ. Thay vào đó, nó có liên hệ nhiều hơn đến một chuỗi các phản ứng hóa năng phức tạp trong quá trình trao đổi chất, trong đó năng lượng được chuyển hóa thành phân tử fluorophore – các thành phần phân tử đảm nhiệm việc phát huỳnh quang.
Tùy thuộc vào số lượng của phân tử fluorophore và điều kiện môi trường của chúng, sự phát huỳnh quang cũng khác nhau về cường độ và bước sóng. Điều đó giải thích tại sao các nhà nghiên cứu quan sát thấy khuôn mặt phát quang mạnh hơn so với cơ thể. Khi toàn bộ cơ thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, khuôn mặt sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất và lượng phân tử huỳnh quang trên khuôn mặt lớn hơn nhiều so với trên các phần da còn lại của cơ thể.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng sự phát xạ ánh sáng này thay đổi trong suốt cả ngày, ánh sáng phát ra yếu nhất lúc 10 giờ sáng và mạnh nhất lúc 4 giờ chiều. Họ tin rằng điều này có thể có liên quan đến nhịp sinh học của cơ thể con người – đồng hồ sinh hóa nội tại của chúng ta đảm nhiệm việc điều hòa các quá trình sinh lý trên khắp cơ thể.
Theo nhà nghiên cứu Hitoshi Okamura, một nhà sinh vật học nghiên cứu về sinh lý tại Đại học Kyoto, phát hiện này cho chúng ta biết rằng sự phát xạ ánh sáng có thể giúp nhận biết một số chứng bệnh nhất định.