Mỗi nghề đều có một cái “đạo”, hay còn gọi là một triết lý riêng cho nghề. Làm nghề kinh doanh buôn bán không chỉ là làm giàu cho bản thân mà còn cho cả xã hội. Từ đầu thế kỷ 20, trong hai cuốn sách quý giá viết cho thương giới Việt là “Kim cổ cách ngôn” và “Thương học phương châm”, cụ Lương Văn Can (1854 – 1927), một nhà chí sĩ thời Pháp thuộc, đã khẳng định: “nhà buôn cần có đủ thương đức thương tài mới cạnh tranh được với tư bản thế giới”. Hai chữ “thương đức – thương tài” đã gói gọn một triết lý về đạo đức kinh doanh cho người Việt học hỏi.

Theo quan niệm xưa, kinh doanh không nhất thiết phải kiếm lời một cách bất chính, chộp giật, lường gạt, tranh đấu chỉ vì chút lợi nhỏ. Cụ cử Can dạy rằng: “Hai chữ kinh doanh phải xem xét cho biết nghĩa rộng nhớn”. Theo lời của cụ, “người chứa gạo mà mong giá gạo đắt, chứa vải mà mong giá vải cao, thời là cái lòng không bình, như người mua thừa mà bán thiếu, làm của giả để đánh tráo với của thật” thì đều “bởi tại lòng tham quá nặng”. 

Coi trọng đạo đức mới có thể thành công bền vững
Cụ Lương Văn Can. (Ảnh Wikimedia).

Qua lời dạy trên, cụ Lương Văn Can đã khẳng định kinh doanh là một nghề lương thiện và chân chính. Cụ cũng dạy rằng những kẻ gian dối trong kinh doanh “bán gạo mà đổ thêm nước vào, bán muối mà trộn thêm vôi vào, bán sơn mà trộn thêm dầu vào, bán thuốc mà đổi thứ khác vào”, thì rồi cũng sẽ bị loại bỏ khỏi thương trường vì đó là cách kiếm lời không bền vững.

Một thế kỷ đã trôi qua. Ngày nay còn mấy ai ở xã hội Việt Nam nhớ đến những lời dạy trên của cụ Can, giữ vững sự thiện lương và chân chính như một nguyên tắc cốt lõi và là cái đạo cao nhất trong kinh doanh.

Không ít người hiểu về kinh doanh một cách sai lệch. Họ cho rằng thương trường là chiến trường, buôn gian bán lận, mười người buôn chín kẻ gian, cá lớn nuốt cá bé, …mới có thể tồn tại và thành công. Những suy nghĩ tiêu cực này phần nào được thể hiện cụ thể qua câu nói “đi tắt, đón đầu”. 

Thành ngữ “đi tắt, đón đầu” được sử dụng phổ biến ở Việt Nam trong những năm gần đây, cụ thể là vào thập niên 1990 và khoảng năm 2000-2015. Ý nghĩa của thành ngữ này tạm hiểu là không đi theo lối thông thường, lối cũ, lối mòn, lối mà nhiều người đang đi; thay vào đó tìm một con đường khác ngắn hơn, mất ít thời gian hơn, mà lại đạt được mục đích và kết quả nhanh hơn. Từ đó xuất hiện tư duy “đi tắt, đón đầu” biến tướng trong xã hội, khiến nhiều người hiểu và hành xử sai lệch.

Đơn cử như có nhiều người ôm giữ suy nghĩ và cách làm giàu lên qua một đêm. Trong tư tưởng kinh doanh của nhiều người Việt hiện nay có kiểu nhất thân, nhì quen, làm ăn dựa vào quen biết hơn là dựa vào thực lực. Nói về đi cửa sau, cũng gần giống với câu thành ngữ “nén bạc xé toạc tờ giấy”, nó sinh ra cách nghĩ kinh doanh không minh bạch. Phương thức đi cửa sau này đã làm nảy sinh “quan hệ phong bì”, “bắt tay dưới gầm bàn” khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, doanh nghiệp nước ngoài phải tránh xa, kéo lùi sự phát triển kinh tế đất nước hàng chục năm.

Một biến tướng nữa của thành ngữ “đi tắt đón đầu” đó là lợi dụng quan hệ, biết trước thông tin sẽ công bố ra công chúng để “đón đầu” bất cứ thứ gì có lợi cho cá nhân, ví như đón đầu các dự án, mua đất trước để chờ lên giá và hưởng lợi, hoặc đón đầu quan chức sắp lên chức để tạo cơ hội kinh doanh cho mình, …

Không chỉ dừng lại đó, báo chí tại Việt Nam cũng đưa tin về những chuyện kiếm tiền phi pháp, vô nhân tính như phá rừng phòng hộ Tây Nguyên để lấy gỗ; phá rừng ở Đà Lạt để làm nhà hàng; khai thác tài nguyên vô tội vạ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường; đánh cá ở biển theo kiểu ‘tận diệt’ bằng nổ mìn, rà điện; làm hàng giả, hàng nhái như trong trường hợp Khaisilk lấy hàng Trung Quốc gắn mác “made in Việt Nam” để lừa khách hàng; thêm nhiều hóa chất độc hại vào thực phẩm …

Không ít người trẻ tuổi Việt Nam ôm mộng làm giàu nhanh chóng sau một đêm nên đã kiếm tiền bằng mọi giá, thậm chí đi cướp ngân hàng khi túng quẫn. Ví dụ như trường hợp cướp ngân hàng gần đây của Phùng Thị Thắng, chỉ vì nợ nần do làm ăn thua lỗ mà trong một phút nhất thời hủy hoại đi tương lai của bản thân. Không chỉ có trường hợp của cô Thắng, mà nhiều vụ cướp tiền ngân hàng khác cũng liên tiếp diễn ra trong mấy tháng vừa qua, hầu hết là các thanh niên thực hiện. Họ khai nguyên nhân phạm tội khá giống nhau, đó là do thiếu tiền hoặc nợ nần nhiều, nên nhắm đến ngân hàng để cướp tiền.

Một số ví dụ nêu trên cho thấy tác động tiêu cực sâu rộng về mặt xã hội khi thành ngữ “đi tắt, đón đầu” bị hiểu sai lệch. Khi các tầng lớp trong xã hội không còn sự ước thúc về mặt đạo đức thì sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là các loại tệ nạn và các loại tội phạm sẽ xuất hiện ngày càng nhiều.

Ngày nay, để đánh giá sự thành đạt của một cá nhân, người ta thường nhìn vào mức thu nhập, số tài sản, hay địa vị xã hội của một người, hơn là trân trọng tính cách, lối sống, và đạo đức của họ. Có người chỉ vì một chút lợi ích ngắn hạn của bản thân mà không việc xấu nào không dám làm, quên đi lời dạy của người xưa về việc giữ gìn đạo đức trong kinh doanh thì sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. 

Người xưa có câu “Nhất mệnh, nhị vận tam phong thủy, tứ tích âm công ngũ độc thư”, nghĩa là “Thứ nhất là mệnh, thứ nhì là vận, thứ ba là phong thủy, thứ tư là tích âm công và thứ năm là đọc sách”. Ba cái đầu là thiên định, hai cái sau là con người tạo ra. Trên thực tế, nếu trong mệnh không có của cải thì dốc toàn bộ tâm sức vẫy vùng, mạo hiểm cả tính mệnh cũng không có được tài sản. Điều này một lần nữa đã được cụ Lương Văn Can khẳng định trong phần đầu của bài viết này.

Ngoài ra, cụ Can còn bày tỏ quan điểm không được coi đồng tiền làm mục đích duy nhất trong kinh doanh, vì nếu tham lợi sẽ nảy sinh những mánh trá, thiệt hại tới người tiêu dùng và lâu dài thì đó là hành động hủy diệt chính mình. Trong việc buôn bán, không phải bao giờ cũng chăm chăm vào mối lợi cho mình mà phải biết nghĩ đến cái lợi cho người. Cụ viết: “Việc gì có ích cho người mà không tổn đến mình thời nên vui lòng mà làm, việc gì có ích cho người dẫu hơi tổn đến mình cũng nên miễn cưỡng mà làm, việc gì có tổn đến mình mà không ích cho người thì quyết không nên làm, việc gì không ích cho mình mà có tổn đến người lại không nên làm lắm.” Cũng từ quan điểm này, cụ đã đưa ra những “điều cấm” đối với người làm kinh doanh: “Việc gì trái cái bụng lương tâm mình thì không nên làm, việc gì trái công lý thì không nên làm, việc gì hại người thì không nên làm, việc gây nên ác nghiệp thì không nên làm.”

Một bài học quý giá từ lời dạy của cụ Lương Văn Can chính là nếu đi đường tắt, thì sớm muộn gì sự thành công có được cũng không bền vững và rất dễ phải trả giá. Con đường làm giàu chân chính nào cũng đều phải trải qua sự trui rèn bằng thời gian, trí tuệ, sức lao động và sự học hỏi cầu thị, kiên trì bền bỉ với một tinh thần lạc quan, tích cực, biết nghĩ cho người khác. Điều quan trọng trên hết là cần phải đề cao đạo đức của bản thân, như thế mới có được thành công bền vững.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết đại diện cho quan điểm của The Epoch Times.

Hy Vọng

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn