COVID-19: Trung Quốc nợ thế giới 35 ngàn tỷ USD tiền bồi thường
Giả thuyết “rò rỉ phòng thí nghiệm” chưa bao giờ đáng tin hơn lúc này. Nếu virus corona thực sự đã thoát ra khỏi phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, thì Trung Cộng sẽ nợ thế giới này ít nhất 35 ngàn tỷ USD tiền bồi thường.
Đó là theo ông Christian Whiton, một người từng phục sự cho cả cựu tổng thống George W. Bush và cựu tổng thống Donald Trump. Với lòng kính trọng sâu sắc nhất đến ông Whiton, cha của tôi đã nợ tôi “khoản bồi thường” dưới dạng ít nhất tám món quà sinh nhật, nếu không phải là chín, nhưng ông ấy sẽ không bao giờ chịu mở hầu bao ra đâu (Cha ơi, nếu cha đang đọc bài này, xin cha thứ lỗi cho con); tôi có thể lập luận tương tự đối với Trung Cộng.
Bây giờ, trước khi tôi bị buộc tội là kẻ khó tính, xin hãy nhớ rằng đây là Trung Cộng mà chúng ta đang phải đối phó. Trong hơn 18 tháng, nhà cầm quyền này đã nói dối hết lần này đến lần khác. Tại thời điểm viết bài này, hơn 4.33 triệu người đã mất đi sinh mạng của mình vì chủng virus này.
Thay vì đưa ra câu trả lời và đồng ý hợp tác với các cuộc điều tra sâu hơn, thì Trung Cộng đã chọn cách quyết tâm gia cường những lời xảo ngôn của mình. Theo Bắc Kinh, virus này rất có thể bắt nguồn từ Hoa Kỳ chứ không phải ở Vũ Hán. Đây là mức độ bất lương và suy đồi mà chúng ta đang phải đối diện. Nếu chúng ta không thể nhận được một câu trả lời trung thực, thì làm thế nào chúng ta sẽ nhận được khoản bồi thường trị giá 35 ngàn tỷ USD đây?
Trong lời biện hộ của ông Whiton, ông thừa nhận rằng khả năng nhận được tiền bồi thường là không tồn tại. Đối với khoản tiền thực tế là 35 ngàn tỷ USD, ông Whiton viết, mặc dù rất khó, nếu không muốn nói là không thể, để đưa ra một “con số cho sự đau khổ của con người, nhưng giả sử rằng Trung Quốc sẽ trả 5 triệu USD cho mỗi một mạng người bị dịch bệnh cướp đi.” Bây giờ, giả sử tổng cộng có 7 triệu người mất mạng “trước khi đại dịch này kết thúc”, thì Trung Cộng tự mình tính được rằng họ sẽ “phải chịu trách nhiệm cho 35 ngàn tỷ USD thiệt hại.” Tuy nhiên, với 7 triệu người tử vong, thì ai, người ta tự hỏi, ai sẽ thực sự được bồi thường? “Hiển nhiên là những người thân yêu của họ,” một số người chắc chắn sẽ hét lên. Nhưng nếu người đã khuất không có người thân yêu thì sao? Ngoài ra, những người sống sót với di chứng lâu dài của COVID, hoặc những người bị mất nhà cửa, việc làm và công việc kinh doanh thì sao? Chắc chắn, họ cũng đáng được đền bù.
Trừng phạt là một món ăn cần được phục vụ một cách chiến lược
Ông Whiton mà tôi đã đề cập ở trên cho rằng Hoa Kỳ “nên áp thuế quan và kiểm soát xuất cảng lên cấp độ tiếp theo.” Ông lập luận, chính phủ của Tổng thống (TT) Biden phải “chính thức tách biệt” nền kinh tế Hoa Kỳ và đòi hỏi các đồng minh của Hoa Kỳ cũng làm như vậy. Đồng minh phải “lựa chọn chúng ta hay là họ [Trung Cộng].” Những người chọn “họ” không còn là đồng minh của chúng ta nữa, và chính phủ TT Biden nên chấm dứt “các liên minh và quan hệ thương mại với những bên từ chối giúp đỡ.” Đối với một số người, đây có vẻ là một kế hoạch thông minh, nhưng tôi có những lo lắng của mình.
Những phán quyết tối hậu như thế này nghe có vẻ hay trong các bộ phim Hollywood; tuy nhiên, trên thực tế, chúng có khả năng phản tác dụng theo những cách tai hại nhất. Tuy nhiên, ông Whiton đưa ra một gợi ý tuyệt vời: thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp dụng trong thời gian ông đương nhiệm, “nên được mở rộng đối với tất cả các mặt hàng nhập cảng của Trung Quốc và tăng 5% mỗi quý.” Đề nghị này hoàn toàn có ý nghĩa. “Những công ty như Apple,” chắc chắn sẽ gào rú lên, “nhưng ai thèm quan tâm – họ đáng lẽ phải có một chút lòng ái quốc và không sử dụng lực lượng lao động của kẻ thù cộng sản của Hoa Kỳ.” Điểm này là công bằng, thưa ông Whiton.
Bộ Tứ
Tuy nhiên, khi muốn thách thức Bắc Kinh, lẽ nào Hoa Kỳ phải đảm nhận mọi trọng trách khó khăn nặng nhọc này? Từ Rio de Janeiro đến Rome, đại dịch đã làm tê liệt thế giới, không chỉ mỗi Hoa Kỳ. Vì lý do này, chính phủ ông Biden nên sử dụng Đối thoại An ninh Tứ giác, thường được gọi là Bộ Tứ (Quad), để trừng phạt Trung Cộng.
Theo các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế, cuộc đối thoại chiến lược này giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, và Ấn Độ không chỉ là “hình thức hội nghị dành cho các quan chức cao cấp để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực.” Cuộc họp này cũng tạo cơ sở cho các cuộc tập trận hải quân. Bốn quốc gia này, hoàn toàn nhận thức được mối đe dọa từ Bắc Kinh, cùng hợp tác để bảo đảm “một khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tự do và cởi mở, cùng hành động chống lại chủ nghĩa khủng bố, và thúc đẩy một hệ thống dựa trên luật lệ.” Tại sao không làm việc cùng nhau để trừng phạt Trung Cộng hơn nữa?
Đối với Hoa Kỳ, ba quốc gia này – Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc – là những đồng minh rất hùng mạnh. Trong vòng 12 tháng tới, Ấn Độ có khả năng sẽ là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới. Trong vòng chưa đầy hai thập kỷ, Nhật Bản, chứ không phải Trung Quốc, sẽ là siêu cường lớn nhất Đông Á. Trong khi đó, Úc, một quốc gia nổi tiếng với cá tính khó thuần hóa, đã được chứng minh là một cái gai khá lớn trong chiếc giày của Bắc Kinh. Chính phủ Úc chỉ đơn giản là không chịu khuất phục trước các yêu cầu của Trung Cộng. Thay vào đó, người Úc đang hướng tới Ấn Độ, một trong những đối thủ lớn của Trung Quốc, để được hỗ trợ. Cựu thủ tướng Úc, ông Tony Abbott, hiện là đặc phái viên tại Ấn Độ, đang thúc đẩy một thỏa thuận thương mại Ấn Độ–Úc.
Theo ông Abbott, những ngày Trung Quốc khai thác “thiện chí của phương Tây” không nên được tiếp diễn. Đã quá đủ rồi. Có một bài học được rút ra từ người Úc, và đó là một bài học quan trọng: Trung Cộng không phải là bất khả chiến bại; họ có ít bạn bè và họ không kiểm soát được thế giới. Bây giờ, Hoa Kỳ phải sử dụng Bộ Tứ để khai thác những nhược điểm lộ rõ này. Chúng ta có thể không bao giờ nhận được câu trả lời trung thực và chắc chắn sẽ không nhận được 35 ngàn tỷ USD, nhưng chúng ta vẫn có thể chiến đấu cho công lý.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và các tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một ký giả chuyên mục tại Cointelegraph.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.